Trong văn học Việt Nam hiện đại, Hoàng Phủ Ngọc Tường là cái tên nổi trội với thể loại bút ký, từng trang văn ông viết ra đều thể hiện vốn kiến thức uyên bác và sự tài hoa hơn người. Tiêu biểu cho phong cách của Hoàng Phủ Ngọc Tường là tập bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông, xuất bản năm 1984, gồm có tám bài viết về nhiều đề tài khác nhau. Trong tập bút ký này của ông có thể nói rằng bài bút ký cùng tên Ai đã đặt tên cho dòng sông là nổi trội, độc đáo hơn cả. Tác phẩm viết về sông Hương bằng cảm nhận từ nhiều góc nhìn của nhà văn, đặc biệt là góc nhìn tâm linh vô cùng huyền bí. Cùng phân tích vẻ đẹp sông Hương ta sẽ hiểu được vì sao nó là nguồn cảm hứng bất tận cho thơ ca bao đời nay.
Đọc bài bút ký này của Hoàng Phủ Ngọc Tường, độc giả như đang tìm hiểu một cuốn bách khoa toàn thư bởi nó chứa đựng sự hiểu biết sâu rộng về mọi lĩnh vực: văn hóa, lịch sử, địa lý, văn học nghệ thuật,…tuy nhiên mục đích cuối cùng là để hiểu rõ về sông Hương, thiên nhiên và con người xứ Huế.
- Luận điểm 1: Vẻ đẹp của sông Hương từ góc nhìn địa lý
Bằng óc quan sát có độ bao quát cao và kỹ lưỡng, nhà văn đã tái hiện hình ảnh sông Hương một cách thật chân thực trước mắt người đọc. Tùy vào từng “đoạn chảy” sông Hương mang vẻ đẹp khác nhau, ở thượng nguồn dải lụa trong trẻo này hiện lên với vẻ hùng vĩ “như một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, lúc mãnh liệt vượt qua nhiều ghềnh thác, khi cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực sâu, lúc dịu dàng say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu hoa đỗ quyên rừng.” Có lẽ vì hứng chịu nhiều biến đổi của thời tiết mà sông Hương ở thượng nguồn có khi mãnh liệt, có khi lại dịu êm. Ra khỏi đại ngàn, nó lại mang một dáng vẻ khác mà ít ai biết đến, bắt đầu chuyển dòng và giấu cuộc hành trình của mình vào lòng Trường Sơn. Với biện pháp nhân hóa được tác giả sử dụng, sông Hương trở thành một con người thật sự, biết nên uốn mình hay bung xõa tùy vào địa hình. Khi chảy qua vùng rừng núi, nó trở nên dịu dàng, khéo léo đưa mình theo những đường cong thật mềm dù hai bên là sỏi đá. Theo dòng chảy của sông Hương, khung cảnh xứ Huế cũng dần hiện lên “chùa Thiên Mụ”, “những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà”. Đến giữa lòng Cố đô Huế, nó hoàn toàn rũ bỏ vẻ hoang dại của mình lúc ở thượng nguồn, thay vào đó là sự dịu dàng, tĩnh lặng. Giữa khung cảnh yên bình này, có lẽ sông Hương muốn hóa thành “nàng thơ” để tô thêm sắc thắm cho Huế, làm nền tảng cho những trang viết không kém phần mộng mơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ý văn bất ngờ nhất ở đây có lẽ là trước khi rời khỏi kinh thành Huế, sông Hương “đột ngột rẽ dòng…để gặp lại thành cuối.” Đọc đến đây ta tự hỏi sao tác giả có thể viết nên những câu chữ thật “tình” và đầy đẹp đẽ đến thế, không chỉ thổi hồn vào dòng sông của quê hương đất nước, nhà văn còn kết nối được vật thể địa lý này với văn hóa, con người nơi đây. Sông Hương như một tấm gương khổng lồ phản chiếu vẻ đẹp biến ảo của Huế “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” và điệu chảy của nó cho thấy tính cách con người Huế: mềm mại, chí tình “mãi mãi chung tình với quê hương xứ sở”, “sắc áo cưới màu điều – lục các cô dâu trẻ vẫn mặc sau tiết sương Giáng” cũng chính là sự kết tinh hài hòa giữa sắc trời Huế và màu sương khói mờ ảo trên sông Hương.
- Luận điểm 2: Vẻ đẹp của sông Hương từ góc nhìn lịch sử
Bởi sự trường tồn mà tạo hóa ban cho, sông Hương đã trở thành một chứng nhân lịch sử của đất nước dân tộc. Dưới mắt nhìn của Hoàng Phủ Ngọc Tường, nó là “dòng sông biên thùy xa xôi của đất nước các vua Hùng”, ở thế kỉ mười tám nó “soi bóng kinh thành Phú Xuân của người anh hùng Nguyễn Huệ”, một trăm năm sau hăng hái gắn mình với “những cuộc khởi nghĩa bi tráng” của nhân dân, khắc sâu bao nhiêu xương máu đã đổ xuống trên dải đất hiền, không chỉ “chứng kiến những chiến công rung chuyển của thời đại cách mạng tháng Tám” mà còn “cổ vũ nồng nhiệt cho chiến công năm Mậu Thân.” Cùng chung nỗi đau của đất nước, sông Hương cũng từng oằn mình dưới sự tàn phá của bom đạn để giờ đây tự hào là một dòng sông di sản. Ở đoạn ngược về quá khứ để khẳng định vai trò của sông Hương trong nền lịch sử dân tộc này, ta thấy chất trữ tình đầu bài được giảm đi, nét dịu dàng mộng mơ nhường chỗ chất phóng sự với những sự kiện vô cùng cụ thể. Thế nhưng ở góc nhìn lịch sử này, sông Hương không hiện lên quá khô khan mà theo tác giả nó vừa là một bản hùng ca đầy khí thế, tự hào vừa là một bản tình ca “Còn non, còn nước, còn dài – Còn về, còn nhớ,…”, sông Hương như “sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc”. Vì có cái tên mềm mại, dịu dàng mà ít ai biết rằng sông Hương đã anh dũng, kiên cường như thế trong suốt lịch sử thăng trầm của dân tộc cho đến khi đọc được những dòng văn này của Hoàng Phủ Ngọc Tường, những dòng văn ánh lên niềm tự hào và yêu quê hương đất nước tha thiết.
- Luận điểm 3: Vẻ đẹp của sông Hương từ góc nhìn văn hóa
Để sông Hương hiện lên thật đầy đủ và trọn vẹn trước mắt người đọc, nhà văn chẳng để nó khuyết thiếu ở một phương diện nào mà thực tế nó sở hữu. Trong cảm nhận tinh tế của tác giả, bên cạnh là dòng sông địa lí, dòng sông lịch sử thì sông Hương còn là cái nôi của âm nhạc. Từ những hoạt động nhỏ bé trên sông nước như tiếng mái chèo rẽ nước, tiếng từng con nước nhỏ vỗ vào mạn thuyền mỗi đêm đã hình thành nên bao điệu hò dân gian chứa tình yêu quê hương xứ sở đầy mộc mạc giản dị, góp phần cho sự xuất hiện và phát triển nền âm nhạc cổ điển Huế. Chưa dừng lại ở đây, nhà văn tiếp tục khiến người đọc thêm lần nữa những cái gật đầu tán đồng khi chỉ ra sông Hương còn là một dòng sông thi ca. Từ bao đời nay, đã có không ít nhà thơ viết về sông Hương nhưng thật đặc biệt khi chẳng ai trùng lặp nhau trong ý tứ, câu từ. Mỗi nhà thơ đều có cho mình một góc nhìn riêng, tìm được nguồn cảm hứng riêng từ dòng sông đặc biệt. Ông nhắc đến những dòng thơ hài hòa của Tản Đà về xứ Huế “Dòng sông trắng – lá cây xanh”, làm sống dậy vẻ hùng tráng khí phách nơi sông Hương thông qua những con chữ “như kiếm dựng trời xanh” của Cao Bá Quát rồi để người đọc chìm vào niềm bảng lảng, mênh mang trong “nỗi quan hoài vạn cổ” của Bà Huyện Thanh Quan. Bằng vốn kiến thức vững vàng và phong phú, Hoàng Phủ Ngọc Tường vừa thể hiện được sự trân trọng, yêu quý những áng thơ văn của các tác giả Việt Nam, vừa tái hiện được vẻ đẹp của sông Hương một cách nhẹ nhàng đầy tinh tế.
Phân tích vẻ đẹp sông Hương khiến ta không khỏi trầm trồ trước di sản của đất nước, thêm yêu thêm quý cảnh đẹp non sông gấm vóc Việt Nam, bên cạnh đó còn thật sự ngưỡng mộ trước tài năng của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Không chỉ tạo nên một trong những tác phẩm hay nhất viết về sông Hương, tác giả còn đóng góp một tập bút ký đặc sắc bậc nhất vào nền Văn học Việt Nam hiện đại. “Phải yêu quê hương dân tộc nhiều bao nhiêu thì Hoàng Phủ Ngọc Tường mới có thể viết nên những trang văn thật tỉ mỉ, trau chuốt và đẹp đẽ như vậy” đó là suy nghĩ mà có lẽ ai đọc xong tác phẩm này cũng tự thầm hỏi.