Những dòng sông từ lâu đã trở thành một trong những nguồn cảm hứng sáng tác của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam. Phân tích bài thơ Bên kia sông Đuống của tác giả Hoàng Cầm, người đọc sẽ biết thêm về một dòng sông với những điều thú vị, khác biệt.
Mở bài đầy đủ phân tích Bên kia sông Đuống
Độc giả từng biết đến một Tràng Giang đượm nỗi buồn thế hệ trong thơ Huy Cận. Người đọc cũng đã từng thấy một dòng sông Đà vừa dũng mãnh, vừa nên thơ và đầy bí ẩn trong Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân. Chúng ta cũng từng bắt gặp một dòng sông Hương thơ mộng trong Ai đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Mỗi dòng sông trong tâm hồn mỗi nhà văn, nhà thơ luôn tồn tại nét độc đáo, nét riêng biệt.
Trước khi phân tích bài thơ Bên kia sông Đuống của nhà thơ Hoàng Cầm, bạn đọc cần tìm hiểu đôi chút về tác giả cũng như hoàn cảnh ra đời của tác phẩm.
Nhà thơ Hoàng Cầm cũng có tài năng thiên bẩm về thơ ca như nhà thơ Trần Đăng Khoa, khi ông bắt đầu sáng tách từ năm 14 tuổi. Quê gốc ở Bắc Ninh nên ông trong thơ ông thấm đượm những nét văn hóa nghệ thuật lâu đời của vùng đất Kinh bắc.
Bài thơ “Bên kia sống Đuống” được ông viết vào một đêm tháng tư năm 1948. Lúc đó, ông đang công tác ở chiến khu Việt Bắc, nhưng nghe tin giặc Pháp đánh chiếm quê ông là phía Nam tỉnh Bắc Ninh. Không giấu nổi sự xúc động, ông đã xuất khẩu thành bài “Bên kia sông Đuống”. Tác phẩm như một bài ca buồn về những đau thương xảy ra trong chiến tranh, nó dai dẳng và không dứt. Tác phẩm được chia thành hai phần lớn. Phần thứ nhất kể về quê hương bên kia sông Đuống của ông đang bị lũ giặc tàn phá, giày xéo. Phần thứ hai chính là nói về chuyện về các anh bộ đội trở về quê cùng bà con đánh đuổi quân giặc, để giải phóng và bảo vệ quê hương.
Thân bài đầy đủ phân tích bài thơ Bên kia sông Đuống
Luận điểm 1: Nỗi đau quê hương bị giặc tàn phá
“Em ơi! Buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì”
Trong hai câu thơ đầu tiên, tác giả đã để nhân vật “em” xuất hiện nhưng không xác định được chính xác là ai. Tiếng “em” vừa hư ảo vừa chân thật, khiến độc giả mường tượng ra đó có thể là người thương của tác giả ở nơi quê. Hoặc cũng có thể là một nhân vật trữ tình mơ hồ nào đó bất chợt xuất hiện trong tâm tưởng của nhà thơ. Nhưng có thể có cách lý giải khác, “em” ở đây chính là tác giả. Tác giả đang gọi chính mình để vỗ về, an ủi và chia sẻ nỗi đau của quê hương. Que hương Kinh Bắc là nơi nổi tiếng với văn hóa giao duyên qua những làn điệu quan họ. Có lẽ bởi thế mà nhà thơ xây dựng nhân vật “em” như một cách để giải bày nỗi lòng của mình, tha thiết, da diết hơn.
Khi có “em” bên cạnh, tác giả bắt đầu đưa về dòng sông Đuống. Để rồi những câu ca sau, liên tục là những hình ảnh, ca từ miêu tả vẻ dòng sông chở nặng phù sa này. Đó là sông Đuống ngày xưa cát trắng phẳng lì. Dòng sông đẹp lấp lánh, láp lánh không chỉ của cát, mà còn lấp lánh ánh sáng của ánh mặt trời, của bình mình, lấp lánh của ánh trăng sao xuống mặt sông xanh trong. Tác giả không chỉ nhớ về vẻ đẹp lấp lánh diệu kỳ ấy mà còn nhớ cả dáng hình, thế đứng của dòng sông trong dòng chảy lịch sử: “Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”. Tác giả nhớ hai bên dòng sông còn có những bãi mía, bờ dâu xanh mướt, ngô khoai cũng xanh biêng biếc. Một bức tranh về dòng sông thật yên ả thanh bình. Thật sự rất rất gắn bó với dòng sông sâu sắc thì tác giả mới có thể viết lên những câu thơ gợi hình, gợi cảm xúc đến vậy.
“Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay”
Thế nhưng, bức tranh dòng sông quê giàu đẹp, trù phú đó đang bị giày xéo bởi lũ giặc thối nát. Vì thế, dù đang ở nơi xa, nhưng tác giả như đang thấy hiện rõ khung cảnh quê hương hoang tàn. Ông đau thương, “xót xa như rụng bàn tay”. Một cách ví von nỗi đau thật độc đáo và khác lạ. Ông xem dòng sông như một phần của cơ thể. Là đôi bàn tay làm nên tất cả của ông. Thế mà giờ đây, dòng sông ấy đang bị chịu bao đau thương, bao khổ cực, chỉ nghĩ đến thôi ông cũng thấy đau nhói như mất đi một phần thân thể. Đọc câu thơ của tác giả, người đọc cảm nhận được, thấy được hình hài nỗi đay ấy.
Phân tích bài thơ thơ Bên kia sông Đuống ở những khổ thơ tiếp theo, độc giả sẽ thấy rõ hơn những đường nét của bức tranh quê của nhà thơ Hoàng Cầm, lúc yên bình và lúc bị giặc giày xéo.
“Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
……………………………..
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu?”
Nỗi đau như rụng bàn tay ấy khiến trong tâm trí tác giả hiện lên đủ hình hài, vẻ đẹp của quê hương. Bên kia dòng sông là một là quê lúa nếp thơm nồng, với những tranh Đồng Hồ nổi tiếng mang cả linh hồn đất nước. Ấy thế nhưng, quân giăc đã đến và chà đạp không thương tiếc. Chúng đốt nhà đốt cửa, với mũi lê sắc nhọn trong tay, chúng lùng sục khắp “kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang” để bắt bớ, giết chóc dân lành. Tác giả ví chúng như những con chó săn, khiến cho đàn lợn trong bức tranh Đông Hồ cũng tác tác, đám cưới chuột cũng không biết đi đâu về đâu.
Đau quá, xót quá nhưng không biết phải làm gì. Mỗi câu mỗi chữ của nhà thơ như trào dâng không ngừng, để rồi từng chút từng một bao ký ức tươi đẹp về quê hương yên bình hiện về như những thước phim quay chậm. Tác giả nhớ những địa danh gắn liền với vùng Kinh Bắc như núi Thiên Thai, chùa Bút Tháp. Ông nhớ tiếng chuông chùa, nhớ những cụ già tóc bạc phơ nhai trầu, những em bé thì sột soạt quần nâu chơi nhảy nhót ở sân đình. Ông kể tới những làng nghề truyền thống của quê hương, bênh cạnh tranh Đông Hồ còn có những người thợ nhuộm Đồng Tỉnh, Huê Cầu. Đặc biệt, ông không thể nào quên “Những cô hàng xén răng đen? Cười như mùa thu tỏa nắng”. Một hình ảnh ví von đẹp đến lịm người. Ngày xưa các cô gái đều phải nhuộm răng, để bảo vệ rang chứ không phải làm đẹp. Thế nhưng, trong mắt nhà thơ Hoàng Cầm, những nụ cười với hàm răng ấy thật lấp lánh, thật đẹp và lãng mạn như nắng mùa thu vậy.
Qua những khổ thơ trên, độc giả càng cảm nhận rõ hơn tình yêu của nhà thơ với quê hương. Ông tự hào về tất cả những gì quê ông có. Cả những điều bình thường nhất ông vẫn tìm thấy ở đấy những nét đẹp vi diệu.
Những điều thân thương ấy ở quê đang yên bình là thế, bỗng đâu quân giặc đến tàn phá. Trong lúc đang mơ màng về quá khứ tươi đẹp, ông lại giật mình qua lại thực tại. Quê ông đang chảy máu. Những câu thơ ở các khổ thơ tiếp theo đã vẽ nên bức tranh hoang tàn của quê nhà thơ dưới sự độc ác của quân giặc. Tác giả căm phẫn viế: “Chợt lũ quỷ mắt xanh trừng trợn/ Khua giầy đinh đạp gẫy quán gầy teo”.. Ông ví lũ giặc như lũ quỷ không có tính người. Chúng không tha cho mẹ già, con thơ. Chúng khiến bọn trẻ phải: “Ngày tranh nhau một bát cháo ngô/Đêm líu ríu chui gầm giường tránh đạn” Đêm ngủ còn mơ ú ớ tiếng giặc để rồi: “Thon thót giật mình/ Bóng giặc dày vò những nét môi xinh”. Ôi, phẫn nộ làm sao, hờn căm làm sao. Người nghe đã cảm thấy hừng hực sự tức giận và chỉ muốn nhanh chóng được về đánh đuổi bè lũ cướp nước ấy đi.
Luận điểm 2: Các anh bộ đội về giải phóng
Phân tích bài thơ Bên kia sông Đuống ở những khổ thơ tiếp theo, độc giả có phần hả hê hơn khi các anh bộ đội đã xuất hiện. Dưới sự che chở của dân làng, các anh bí mật hoạt động trong đêm:
“Ta mài lưỡi cuốc
Ta uốn lưỡi liềm
Ta vót gậy nhọn
Ta rũa mác dài
Ta xây thành kháng chiến ngày mai”
Những câu thơ khẳng định dồn dập các hành động vừa nhanh gọn vừa dứt khoát, vừa quyết liệt, đã nhấn mạnh tới tinh thần quyết tâm đánh đuổi kẻ thù của tác giả cũng như các anh bộ đội Cụ Hồ. Chữ “ta” ở không chỉ riêng gì tác giả mà “ta” chung của toàn thể đồng bào, của nhân dân. Ai cũng đang cố gắng làm việc để sớm đánh đuổi hết lũ giặc độc ác ấy.
Để rồi những khổ thơ tiếp theo là một bộ phim về chủ đề chiến tranh thật sống động. Từ việc bộ đội du kích cho đến hình ảnh đồn bốt giặc run sợ… đều toát lên sự nguy hiểm nhưng đầy quyết tâm và mưu trí của quân và dân trên quê hương Kinh Bắc.
“Đêm đi sâu quá lòng sông Đuống
Bộ đội bên sông đã trở về
………………………..
“Thân ta hoen ố vì mày
Hờn ta cùng với đất này dài lâu…”
Cuộc chiến kết thúc. Quân giặc đã đầu hàng nhưng quân mình cũng mất mát đau thương không kém. Nhưng tác giả an ủi những người mẹ già, những đứa em thơ rằng đừng quá đau lòng. Bởi thù này phải trả, không thể làm khác được. Và bởi, tác giả tin rằng, những ngày sau “nắng sắp lên rồi/ Chân trời đã tỏ”. Ý của tác giả ở đây là tương lai đã rộng mở, ánh sáng cuối con đường đã được tìm. Vì thế, những mồ hôi, những nước mắt, những giọt máu đau thương kia hãy cứ để sông Đuống cuốn đi. Chúng ta hãy vượt qua mọi sự bi thương mất mát trước kia để có một cuộc sống tố đẹp hơn.
Và tác giả chắc chắn sẽ có lúc về bên kia sông Đuống để:
“Anh lại tìm em
Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hồng
Em đi trẩy hội non sông
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh”
Một niềm tin sắt son vào sự chiến thắng của kháng chiến. Niềm tin vững vào sự đoàn kết dũng cảm của người dân quê hương. Ở khổ thơ cuối, nhà thơ như gạt bỏ nước mắt, lòng đầy quyết tâm. Bởi tác giả muốn được “tìm lại em”. Bởi tình yêu nhà thơ dành cho quê hương, cho những nét đẹp của quê hương còn quá mãnh liệt không thể gục ngã. Vì tác giả vẫn còn muốn đuộc cùng em đi trẩy hội non sông, để sống những thời khắc hạnh phúc đẹp đẽ của tuổi thanh xuân. Thật là một khúc ca đầy sức sống của một chàng trai trẻ đang phơi phới tuổi xuân.
Kết bài phân tích bài Bên kia sông Đuống
Phân tích bài thơ Bên kia sông Đuống chính là độc giả đang lắng nghe tâm tình của tác giả trước nỗi đau mất quê hương. Toàn thể bài thơ như một thước phim với sự hư ảo và hiện thực đan xen. Có lúc người đọc được thư thái ngắm bức tranh quê với dòng sông yên ả thanh bình. Nhưng có lúc lại đau tê tái, căm phẫn tột độ khi chứng kiến nỗi đau của quê hương trước sự tàn độc của quân giặc.
Nhưng rồi cuối cùng, độc giả được tắm mình trong niềm tin hy vọng tươi sáng. Để rồi cảm thấy nhẹ nhàng khi khép lại những trang thơ.
Qua bài thơ, độc giả biết hơn về một vùng quê Kinh Bắc tươi đẹp và nhận ra tình yêu quê tha thiết sâu đậm trong tâm hồn tác giả.