Bài mẫu phân tích “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”
Mở bài
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng khẳng định: “Trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường…con mắt chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy và càng nhìn thì mới càng thấy sáng” khi viết về cụ Nguyễn Đình Chiểu. Nhắc đến ông, không thể không nhắc đến Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Đây là tác phẩm nổi bật, độc đáo, thể hiện rõ phong cách văn chương của tác giả. Phân tích Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc sẽ giúp ta hiểu rõ hơn điều này.
Thân bài
- Luận điểm 1: Phần lung khởi
Mở đầu văn tế, Nguyễn Đình Chiểu cảm thán:
“Hỡi ôi
Súng giặc đất rền; lòng dân trời tỏ”
Ngay đầu văn tế, toàn cảnh không gian, thời gian được mở ra. Chỉ với câu thơ tứ tự, ngắt làm 2 vế cùng câu cảm thán “Hỡi ôi”, tội ác tày trời của quân giặc hiện lên vô cùng rõ ràng. Ta có thể cảm nhận được cái tang tóc, đau thương nhưng vô cùng cao cả, đối nghịch với cái tàn độc, ác liệt, vô nhân đạo. Điều đó đã đánh động đến cả đất trời, thấu đến tận mây xanh. Nguyễn Đình Chiểu, như đang cất lên khúc ai điếu của cả một dân tộc thuở lầm than thông qua nghệ thuật đối độc đáo của mình.
Sau đó, tác giả khắc họa hoàn cảnh chi tiết hơn:
“Mười năm công vỡ ruộng, chưa ắt còn danh nổi như phao
Một trận nghĩa đánh Tây tuy là mất tiếng vang như mõ”
Đến đây, xuất thân của những người nghĩa sĩ quả cảm ấy đã hiện lên rõ ràng, đó là những người nông dân, “mười năm công vỡ ruộng”, cả đời chân lấm tay bùn, không quen binh pháp. Vậy mà giờ đây, họ sẵn sàng đứng lên, đấu tranh cho sự tự do và bình yên đất nước. Sức vùng lên mạnh mẽ, như hạt giống đã ngâm mình trong đất, nay trồi lên hiên ngang giữa đất trời. 10 năm lầm lũi không ai biết, nay chỉ một trận đánh mà tiếng vang lẫy lừng. Tứ thơ như báo trước một tương lai hào hùng đấy, cao cả đấy, nhưng cũng thật đau đớn và bi thương biết bao nhiêu.
- Luận điểm 2: Phần Thích thực
Sau khi giới thiệu không gian, hoàn cảnh, tác giả Nguyễn Đình Chiểu đi sâu vào khắc họa bức tranh về những người nghĩa sĩ chân chất mà dũng cảm lạ thường:
“Nhớ lính xưa:
Cui cút làm ăn; toan lo nghèo khó,
Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung;
Chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ.
Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm;
Tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng ngó…”
Những con người làm lên lịch sử ấy hóa ra lại có xuất thân rất bình thường, thậm chí bần hàn, đói khổ. Cả cuộc đời chỉ “cun cút làm ăn” mà vẫn không thoát khỏi sự “nghèo khó” đeo bám. Họ, vốn chỉ quen với việc lấm láp tay bùn, cấy cày, làm bạn với con trâu, cái cuốc. Thế mà giờ đây, lại vì tiếng gọi của Tổ quốc mà làm những việc “chưa từng ngó”, ấy là “tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ”. Hình ảnh những người nông dân, vạm vỡ, chân tay lóng ngóng làm quen với vật dụng nhà binh, vừa khiến ta muốn bật cười, vừa chực trào nước mắt. Phải có quyết tâm lớn lắm, phải tha thiết cái tự do, chủ quyền lắm, những con người chưa bao giờ bước chân ra khỏi lũy tre làng mới có thể vững vàng đứng lên chiến đấu như vậy. Từ cái lo sợ lính Tây, sợ tiếng súng tóe lửa, họ đã dần dần mạnh mẽ hơn rất nhiều để bảo vệ đời sống yên bình của chính mình và đất nước.
Để rồi khi giặc đến, “tiếng phong hạc phập phồng hơn mươi tháng”, họ mong ngóng tin từ triều đình thúc giục đứng lên: “trông tin quan như trời hạn trông mưa”. Đau đớn thay, vua quan nhu nhược, không ai dám khởi binh vì nước vì dân, khiến lòng dân như lửa đốt:
“Mùi tinh chiên vấy vá đã ba năm, ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ.
… Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan; ngày xem ống khói chạy đen xì, muốn ra cắn cổ”
Vốn dĩ là những người hiền lành, chẳng dám làm hại ai, ấy vậy mà sự tàn bạo của quân giặc lại khiến họ căm thù đến tận xương tủy, muốn “ăn gan”, “cắn cổ”. Hình ảnh so sánh “ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ” đã cho thấy suy nghĩ chất phác của những người lính nông dân. Họ căm ghét cái độc ác, vô nhân tính của quân giặc, cũng như việc bản thân ghét đám cỏ dại tàn phá mùa màng. Chính lòng căm thù, thấu hận ấy đã là động lực cho họ đứng lên đấu tranh và đòi lại sự bình yên cho quê hương, xóm làng.
Đến đây, người nông dân đã nhận thức được trách nhiệm của mình, là phải đấu tranh không chỉ vì lợi ích bản thân mà còn vì sự an nguy của đất nước: “một mối xa thư đồ sộ, há để ai chém rắn đuổi hươu”. Từ nhận thức, những người lính ấy đã biến thành hành động, dứt khoát và mạnh mẽ: “Nào đợi ai đòi, ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình; Chẳng thèm trốn ngược, trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ”. Đó là sự tự nguyện, một lòng tòng quân với quyết tâm sắt đá, kiên cường.
Với quyết tâm ấy, họ đã dũng cảm chiến đấu hết mình, dù còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Nguyễn Đình Chiểu đã khắc họa cả vẻ đẹp tâm hồn lẫn hành động, con người của những người lính áo vải khi ấy. Đối mặt với kẻ thù được trang bị những vũ khí tối tân nhất như “đạn nhỏ, đạn to”, “tàu thiếc, tàu đồng”, được huấn luyện từ trong trứng nước; những người lính của chúng ta không hề run sợ. Dù chỉ có “một manh áo vải”, vũ khí thô sơ từ “lưỡi dao phay”, “rơm con cúi”, “ngọn tầm vông”,… họ vẫn vô cùng hiên ngang, quả cảm. Sử dụng những vật dụng ấy, thật chẳng khác nào lấy trứng chọi đá, cuộc chiến ấy chưa bắt đầu ta đã lường trước được kết quả. Ấy vậy họ vẫn tiến lên phía trước, dùng tất cả sức bình sinh mà chiến đấu. Đó, chính là cái nghĩa khí của một dân tộc nghìn năm văn hiến, luôn khao khát hòa bình và tự do.
- Luận điểm 3: Phần Ai vãn
Mặc dù ra đi với quyết tâm và lòng quả cảm, thế nhưng đau thương đã xảy ra với những người lính áo vải ấy. Chỉ với những vật dụng thô sơ, trang bị từ chính đồ dùng sinh hoạt hàng ngày thì sao đối chọi được với kẻ thù hiểm ác. Họ ngã xuống, để lại niềm tiếc thương vô vàn cho những người còn sống. Tiếng khóc của nhân dân, thông qua ngòi bút của Nguyễn Đình Chiểu hiện lên vô cùng độc đáo:
“Đau đớn bấy! mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều;
Não nùng thay! vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ.”
Nỗi xót xa của người mẹ, người vợ, người con khi mất đi chỗ dựa vững vàng; nỗi căm hận của những người ở lại vì chính nghĩa không thắng nổi quân tà ác dường như hòa cùng nỗi tiếc nuối vang vọng đâu đây của những người lính vì mộng lớn không thành, chí nguyện còn dang dở. Thế nhưng sau tất cả, niềm cảm phục và tự hào hiện lên, vì sự dũng cảm và khí chất cao đẹp của những người lính áo vải. Họ ngã xuống, nhưng là ngã xuống một cách hiên ngang và đẹp nhất. Sự hi sinh của họ không vô nghĩa mà như tiếp thêm quyết tâm cho thế hệ sau, để đứng lên hoàn thành khát vọng còn bỏ ngỏ. Nguyễn Đình Chiểu đã nâng tầm lời ai vãn lên, tạo thành khúc ca khích lệ nhân dân, đất nước.
Sau những đau thương, xót xa, tự hào, ngợi ca, tác giả thể hiện niềm thành kính thiêng liêng:
“Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo, thương vì hai chữ thiên dân;
Cây hương nghĩa sĩ thắp nên thơm, cám bởi một câu vương thổ.”
“Nước mắt anh hùng” ấy chính là giọt nước mắt của tác giả Nguyễn Đình Chiểu, giọt nước mắt chân thành, cảm phục và thương yêu đối với những người lính nông dân. Giọt nước mắt ấy chẳng thể lau khô, cũng chính là tình cảm của tác giả dành cho họ không gì đo đếm được. Bài văn tế kết thúc với giọng điệu trầm, buồn, như chính là phút giây mặc niệm của tác giả, đau đớn nhưng cũng rất hào hùng. Công lao của họ, khó có thể nói hết bằng lời, chỉ biết nghẹn lại nơi đầu mắt, lưu giữ lại trong tim những người còn sống và sẽ còn chiến đấu.
Kết bài
Với giọng văn gần gũi nhưng hào hùng, các thủ pháp độc đáo: so sánh, nhân hóa, đối,… Nguyễn Đình Chiểu đã khắc họa thành công hình tượng người lính nông dân khi đất nước có xâm lăng. Phân tích Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, chúng ta, những người đang sống cũng hiểu rõ hơn những đau thương cha ông đã trải qua, để trân trọng hơm giá trị của hòa bình, và phấn đấu gìn giữ sự yên bình, tự do đang có.
>> Xem thêm: Phân tích bài thơ đoàn thuyền đánh cá của nhà thơ Huy Cận