Bài phân tích khổ cuối bài Tràng Giang
Mở bài
Thơ Mới ra đời đã tạo nên một làn sóng văn chương mạnh mẽ của những năm đầu thế kỉ XX. Hàng loạt những tên tuổi xuất hiện trên thi đàn bấy giờ, để lại nhiều tác phẩm giá trị. Bên cạnh Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lên Viên,… Huy Cận với những bài thơ đậm chất Đường thi đã góp mình vào dòng chảy văn chương nhiều biến động bấy giờ. Trong đó, “Tràng Giang” được xem là tác phẩm nổi bật cho phong cách văn chương của tác giả. Phân tích khổ cuối bài Tràng giang, ta sẽ cảm nhận được rõ nét điều này.
Thân bài
Tác giả Huy Cận tên thật là Cù Huy Cận, sinh năm 1919 ở lặng Ân Phú, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Huy Cận xuất thân từ một gia đình nho học. Chính vì vậy, thiên phú văn chương của ông đã được bộc lộ từ rất sớm. Huy Cận đóng vai trò rất lớn trong phong trào Thơ Mới nói riêng và văn đàn văn học Việt Nam nói chung. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Huy Cận giữ nhiều trọng trách: Thứ trưởng, Bộ trưởng… Ông được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, đợt I-1996.
“Tràng giang” là bài thơ nằm trong tập “Lửa thiêng”, được Huy Cận sáng tác trước Cách mạng. Tác phẩm mang đậm dấu ấn phong cách văn chương của tác giả với âm hưởng Đường thi. Tác phẩm không chỉ là bức tranh thiên nhiên hùng vĩ mà còn khắc họa rõ nét những xúc cảm man mác, mông lung của lớp người bấy giờ trước thời cuộc.
Khổ cuối bài thơ “Tràng giang” khắc họa vẻ đẹp kì vĩ của thiên nhiên, vũ trụ buổi chiều tà. Đồng thời làm nổi bật tâm trạng man mác, mông lung của nhà thơ:
“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ; bóng chiều sa
Lòng quê dợn dợn vời non nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”
Ở hai câu thơ đầu của khổ thơ cuối, hình ảnh thiên nhiên hiện lên đậm màu sắc cổ điển và kì vĩ. Hình ảnh thiên nhiên trong thơ Huy Cận ảnh hưởng nhiều bởi âm hưởng của dòng thơ lãng mạn Pháp với các hình ảnh tiêu biểu. Đồng thời sự sang trọng, cổ kính của thơ Đường cũng rất rõ ràng.
“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ; bóng chiều sa”
Từ láy “lớp lớp” khiến hình ảnh những tầng mây trở nên dày đặc, xếp chồng lên nhau lớp này đến lớp khác, làm nổi bật hình ảnh của ngọn “núi bạc” huyền hoặc. Thiên nhiên đẹp, hùng vĩ và kì bí như trong mộng tưởng vậy. Những lớp mây ấy dường như cũng như nỗi buồn, tâm trạng nhiều tầng lớp của chính tác giả. Con người choáng ngợp, cô đơn giữa bao la đất trời, cảm thấy mình nhỏ bé biết bao!
Cùng với thiên nhiên, vũ trụ lớn lao ấy, hình ảnh cánh chim nhỏ như làm động cả không gian: “Chim nghiêng cánh nhỏ; bóng chiều sa”. Hình ảnh cánh chim trong buổi chiều tà làm gợi lên nỗi niềm mong mỏi, tha thiết về một tổ ấm, về mái nhà, quê hương hạnh phúc, yên bình. Cánh chim ấy là nét bút cực tả sự tương phản giữa không gian đất trời rộng lớn vô cùng với sự nhỏ bé của cánh chim chao nghiêng. Đôi cánh ấy như chở cả một buổi chiều tà lên mình, chở cả nỗi niềm của chính nhà thơ. Dường như giữa cánh chim và tâm hồn thi si như có sự đồng điệu, chao đảo, đượm buồn và khát khao về miền vô định.
Sau những hình ảnh thiên nhiên hùng vĩ nhưng đượm buồn, tâm trạng nhà thơ được bộc lộ rõ nét hơn với hai câu thơ cuối:
“Lòng quê dợn dợn vời non nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”
Những vần thơ của Huy Cận gợi nhắc tới tâm trạng nhớ quê của Thôi Hiệu trong một buổi chiều tà:
Nhựt một hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu
(Hoàng Hạc lâu)
Thế nhưng ở hai câu thơ này, ta cảm nhận được nỗi buồn sâu sắc, một nỗi buồn triền miên, vô định với từ láy “dợn dợn”. Nếu những nhà thơ thuở trước phải có tác động của thiên nhiên, cảnh vật mới dấy lên trong lòng những xúc cảm nhớ nhung, thì ở đây, Huy Cận “không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”,cũng vẫn “vời con nước”. Nỗi buồn như dâng lên tột cùng, dàn trải đến vô tận, vô cùng. Cùng với đó, khát vọng đẹp đẽ, tươi đẹp về quê hương, đất nước, về tương lai của thời đại của tác giả cũng được thể hiện rõ ràng. Tác giả mong mỏi được góp sức mình cho quê hương, được cống hiến và sống hết mình với thời cuộc. Và khát vọng ấy đã trở thành hiện thực ở giai đoạn sau Cách mạng, với những cống hiến về cả nghệ thuật lẫn chính trị của Huy Cận.
Kết bài
Với âm hưởng Đường thi nổi bật, hình ảnh đậm chất gợi tả, “Tràng giang” hiện lên là bức tranh thiên nhiên hùng vĩ nhưng đượm buồn cùng với tâm trạng, cái tôi nhỏ bé của tác giả. Như Hoài Thanh đã từng nhận xét về Huy Cận: “Huy Cận có lẽ đã sống một cuộc đời rất bình thường, nhưng ông luôn lắng nghe mình sống để ghi lấy cái nhịp nhàng lặng lẽ của thế giới bên trong.”
>> Xem thêm: Phân tích vẻ đẹp của Thúy Kiều trong đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”