Phân tích bức tranh phố huyện là vấn đề được rất nhiều người yêu văn học khai thác khi tìm hiểu tác phẩm “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam. Bức tranh phố huyện dưới ngòi bút của Thạch Lam được hiện lên một cách nhẹ nhàng nhưng vô cùng sâu sắc. Sự tài tình của Thạch Lam ở chỗ làm cho người đọc nhớ từng ánh mắt, từng gương mặt của nhân vật. Cùng phân tích bức tranh phố huyện để thấy rõ nét hơn nhé.
Bài mẫu phân tích bức tranh phố huyện
Mở bài
Trong nền văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945, Thạch Lam là một trong những cây bút xuất sắc. Thạch Lam nổi bật với lối tự sự nhẹ nhàng, tự nhiên. Với lối ngôn ngữ trần thuật thâm trầm, kín đáo, Thạch Lam mang đến cho người đọc những gì thân thuộc, gần gũi nhất. Và “Hai đứa trẻ” là một trong những tác phẩm làm nên tiếng vang lớn của ông. Trong đó, mỗi nhân vật đều mang tính cách đặc trưng như chị em Liên, mẹ con chị Tí, bà cụ Thi, bác Siêu,…. Làm nên thành công của tác phẩm phải kể đến bức tranh phố huyện mà Thạch Lam đã khắc họa. Đó là bức tranh rất đời, rất người, nó luôn chấp chới, ẩn hiện trong mỗi trang viết của Thạch Lam.
Thân bài
Luận điểm 1: Khung cảnh ngày tàn dưới con mắt của Liên
Khung cảnh phố huyện lúc chiều tàn được Thạch Lam vẽ nên bằng những hình ảnh giữa con người và cảnh vật. Đó là hình ảnh mặt trời lấp ló sau rặng tre, dãy tre làng “dần dần đen lại”. Thạch Lam đã khéo léo sử dụng hình ảnh so sánh mặt trời “Phương Tây đỏ rực như lửa cháy”, rồi “những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn”.
Cùng với những hình ảnh tàn tạ của buổi chiều, tác giả còn mang đến những âm thanh quen thuộc, đó là “tiếng trống thu không trên cái chợ của huyện nhỏ, từng tiếng một vang xa để gọi buổi chiều…”, |tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng”, “tiếng muỗi vo ve”. Chỉ cần bấy nhiêu thôi tác giả đã bày ra trước mắt một khung cảnh ngày tàn ảm đạm.
Những âm thanh nghe có vẻ rộn rã, nhưng đằng sau nó lại gợi nên sự heo hút, vẳng lặng.Tiếng muỗi vo ve làm ta liên tưởng sự tăm tối, tù đọng, tiếng chõ nan cót két mang đến sự tàn tạ, nghèo nàn. Âm thanh vốn quen thuộc như vô tình gieo vòng lòng người một nỗi buồn man mác.
Mở đầu câu chuyện, Thạch Lam đã cho người đọc thấy được sự thê lương của một vùng đất trong âm thanh, trong hoạt động thường ngày. Có lẽ đó là ý đồ của tác giả khi muốn đưa người đọc đến một khung cảnh tăm tối hơn chăng?
Luận điểm 2: Cảnh chợ tàn và những kiếp người nơi phố huyện
Khung cảnh ngày tàn cùng viên chợ tàn càng làm cho sự hiu quạnh trở nên sâu sắc hơn. Đó là vùng quê nghèo đói với phiên chợ tàn “Chợ họp giữa phố vãn từ lâu. Người về hết và tiếng ồn ào cũng mất. Trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và bã mía. Một mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn mùi cát bụi quen thuộc quá khiến chị em Liên tưởng là mùi riêng của đất, cửa quê hương này”. Tác giả đã cho người đọc thấy được sự nghèo đói không chỉ thông qua âm thanh, hình ảnh mà còn cả mùi hương. Dường như, ở đây ông muốn người đọc phải dùng hết giác quan của mình để cảm nhận sự hiu hắt của vùng quê nghèo ấy.
Bức tranh làng quê nghèo đói không chỉ hiện lên thông qua không gian, thời gian, mà còn hiện lên ở mỗi con người nơi đây. Những con người nghèo khổ xuất hiện trong bức tranh tàn tạ ấy càng nhân đôi thêm cái khốn khó của mảnh đất này. Đó là “mấy đứa trẻ con nhà nghèo ở ven chợ cúi lom khom trên mặt đất tìm tòi. Chúng nhặt nhạnh thanh nữa, thanh tre hay bất cứ cái gì có thể dùng được”. Có lẽ gánh nặng cơm áo gạo tiền đè lên cả những đứa trẻ – những người đáng ra phải được vui vẻ nô đùa.
Từng nhân vật hiện ra trong khung cảnh phố huyện đìu hiu ấy. Đó là mẹ con chị Tí vẫn dọn hàng như thường ngày nhưng “chả kiếm được bao nhiêu”. Là bà cụ Thi bị điên “ngửa cổ uống một hơi sạch, đặt 3 xu vào tay Liên và lảo đảo bước đi”. Là bác Siêu với gánh hàng phở, là gia đình bác xẩm mù sống bằng lời ca tiếng đàn qua ngày. Hay ngay cả chị em Liên khá hơn vì có quầy hàng tạp hóa nhưng cũng chẳng được là bao. Những con người ấy mỗi ngày vẫn âm thầm sống, lẳng lặng nhìn cái nghèo đói diễn ra trước mắt nhưng bất lực, chẳng thể làm gì.
Thạch Lam muốn dùng hình ảnh của con người phố huyện để làm hình tượng cho cả lớp người thời kỳ bấy giờ. Đó là lớp người nông thôn trước cách mạng tháng Tám nghèo khổ, chật vật giữa cuộc mưu sinh. Những số phận đan xen lẫn nhau càng làm cho khu cảnh nơi phố huyện thêm phần u sầu.
Luận điểm 3: Phân tích bức tranh phố huyện về đêm
Bên cạnh những phận đời nghèo khổ, éo le ấy, Thạch Lam vẫn miêu tả thiên nhiên rất đẹp. Đó là “một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát”. Qua đi cái bề bộn bề lúc chiều tà, càng về đêm khi bóng tối bao trùm, những cuộc đời lam mũ càng trở nên vô định. Bằng những chi tiết đặc tả nhà văn đã bao trùm bóng tối lên phố huyện nghèo nàn. Sự bao trùm ấy càng làm cho sự nhỏ nhoi, leo lắt của phố huyện như được nổi bật hơn.
Những ánh sáng leo lắt hắt ra từ những ngôi nhà phố huyện như chính cuộc đời của con người nơi đây vật. Tác đã đã miêu tả ánh sáng ấy bằng một ngôn ngữ dè dặt, đó là “khe ánh sáng” của những cửa hàng đối diện, là “quầng sáng nhỏ” từ chỏng hàng của chị Tí, là “chấm lửa nhỏ và vàng lờ lờ đi trong đêm tối”. Dường như thứ ánh sáng ấy chẳng đủ để thắp sáng một vùng. Thế nên tác giả mới nhắc đến ngọn đèn của chị Tí tới bảy lần trong một đoạn văn.
Sự nghèo khổ của phố huyện còn được miêu tả qua hàng phở bác Siêu. Người ta coi đó “là một thứ quà xa xỉ, nhiều tiên, hai chị em không bao giờ mua được”. Sống giữa cảnh đời nghèo khổ cũng khiến chị em cô bé Liên thấy chạnh lòng. Và những khi ấy hai chị em lại nhớ về những lần được thưởng thức quà ngon lạ, được đi chơi bờ hồ, uống những cốc nước xanh đỏ.
Nhưng kỷ niệm mãi là kỷ niệm. Giờ đây chị em cô bé Liên phải sống cho thực tại. Thực tại nghiệt ngã hơn bao giờ hết với hai đứa trẻ vốn đang tuổi ăn, tuổi lớn. Cuộc sống ở nơi phố huyện ngày ngày đều diễn ra như thế, đều là những con người ấy, chẳng ai thay đổi. Có chăng thay đổi là càng nghèo hơn, khổ hơn.
Giữa cảnh sống đó, Thạch Lam đã khéo léo miêu tả cảnh chị em Liên thức đợi tàu. Hình ảnh chị em Liên đã buồn ngủ ríu cả mắt nhưng vẫn cố gượng để thức khuya chút nữa đợi tàu không chỉ đơn thuần là để bán hàng, mà là “vì muốn được nhìn chuyến tàu”.
Dường như Thạch Lam đã dồn hết tất cả những ước mơ, hy vọng của chị em Liên nói riêng, của những người nơi phố huyện nghèo nàn nói chung vào chuyến tàu đêm ấy. Đó là chuyến tàu mang tương lai, hy vọng và hoài bão của những con người nhỏ bé nơi đây. Giữa phố huyện buồn thiu, chuyến tàu mang ánh sáng tương lai đi qua giống như một sự thức tỉnh trong nhận thức. Ấy nhưng chuyến tàu ấy cũng chỉ vụt qua chớp mắt, để rồi “đêm tối vẫn bao bọc chung quanh, đêm của đất quê, và ngoài kia, đồng ruộng mênh mang và yên lặng”.
Lời kết
Bức tranh phố huyện là bức tranh hiện thực về những cuộc đời éo le nơi phố huyện nghèo. Qua phân tích bức tranh phố huyện người ta liên tưởng ngay đến cảnh đời nghèo đói quẩn quanh, bế tắc. Đó là cảnh đời chung của một bộ phận người dân quê thời bấy giờ, là cảnh đời “kiếm ăn từng bữa”. Những lời văn nhẹ nhàng mà thâm sâu của Thạch Lam càng làm chúng ta thấy thấm thía. Thông qua bức tranh và những số phận nơi phố huyện, nhà văn đã thể hiện tình cảm sâu sắc với họ, luôn mong muốn có một thứ ánh sáng nào đó như chuyến tàu đêm giải thoát cho những số phận ấy.