Vội vàng được đánh giá là một trong những tác phẩm nổi bật thơ ca nổi bật theo cùng năm tháng. Vậy nên có nhiều bài phân tích bài thơ Vội vàng. Tất cả đều là những cái nhìn lạc quan về tình yêu, những cung bậc cảm xúc say mê, nồng nhiệt. 

Mở bài phân tích bài thơ vội vàng

Xuân Diệu (1916 – 1985) là một trong những nhà thơ lớn của Việt Nam. Ông là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới và được mệnh danh là “ông hoàng thơ tình”. Vội vàng là một trong những tác phẩm đặc sắc và nổi tiếng nhất của Xuân Diệu. Đó là tiếng lòng của một trái tim đang khao khát, cuồng si với lẽ sống cuộc đời. Bài thơ cũng chứa đựng những trăn trở, khắc khoải của tác giả trước sự vội vã của thời gian. 

Bài thơ Vội vàng cho ta thấy được sự đa sắc của cuộc sống

Thân bài phân tích bài thơ Vội vàng

  • Luận điểm 1: Tình yêu thiên nhiên tha thiết và niềm say mê của tác giả

Mở đầu bài thơ, ta thấy được niềm vui tươi, yêu đời của tác giả trước vẻ đẹp mơn mởn của mùa xuân. Vẻ đẹp của thiên nhiên hiện lên như một bức tranh đa sắc với hình ảnh thiên thơ mộng, đẹp đến nao lòng. Đó là bức tranh tràn trề nhựa sống:

Tôi muốn tắt nắng đi 

Cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại 

Cho hương đừng bay đi.

Của ong bướm này đây tuần tháng mật

Này đây hoa của đồng nội xanh rì

Này đây lá của cành tơ phơ phất

Của yến anh này đây khúc tình si

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi

Mỗi sáng sớm, thần Vui hằng gõ cửa

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”

Ngay từ đầu, tác giả đã có ý nghĩ thật sự táo bạo khi muốn “tắt nắng”, “buộc gió”. Đây có lẽ là những điều phi lý bởi nắng và gió là những sự vật vô hình chỉ có thể cảm nhận chứ không chạm, cầm nắng được. Ở đây tác giả sử dụng điệp từ “tôi muốn” cùng các động từ mạnh như “tắt” “buộc” càng làm cho người đọc thấy được niềm đam mê mãnh liệt và khát khao chinh phục tạo hóa của nhà thơ. 

Bằng những câu thơ bay bổng, khung cảnh thiên nhiên rực rỡ hiện lên như một bức tranh sinh động. Khung cảnh ấy đẹp nên thơ, giống như thiên đường vật. Qua con mắt của người nghệ sĩ tài hoa, những “ong bướm, “hoa của đồng nội”, “lá của cành tơ”, “yến anh” hiện lên thật đáng yêu, say đắm, Dường như, tác giả đã vẽ ra bữa tiệc thiên nhiên đầy màu sắc, âm thanh. Khắp không gian, thời gian đều nhuốm những hương vị ngọt ngào, lãng mạn của “tuần tháng mật”, hương mát lành của “đồng nội xanh rì”. Tất cả làm nên sự trầm bổng như khúc tình si. Chính điều ấy làm cho tình yêu đôi lứa hiện lên với cảm xúc ấm áp và hạnh phúc hơn bao giờ hết. 

Ở đây, Xuân Diệu đã sử dụng điệp cấu trúc “này đây” một cách tài tình và khéo léo. Nó như lời mời gọi con người đến và cảm nhận những tinh hoa của cuộc sống. Và khi sáng sớm “thần vui hằng gõ cửa” con người ta được sống trong niềm hân hoan, hạnh phúc. Đó là một khởi đầu tốt đẹp, một nốt vang trong bản hòa ca cuộc đời. 

phân tích bài thơ vội vàng
Tác giả hưởng thụ cuộc sống bằng con mắt của kẻ tình si

Với hình ảnh “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”, Xuân Diệu đã cho ta thấy được sự tài tình của ông. Đó là cái nhìn vô cùng mới mẻ và độc đáo. Ông đã lấy chuẩn mực cái đẹp của con người để miêu tả cảnh sắc thiên nhiên, so sánh “cặp môi gần” căng mọng của người con gái đang độ xuân thì với tháng giêng tràn đầy nhựa sống. Câu thơ không chỉ có ý nghĩa miêu tả vẻ đẹp của cảnh vật, nó còn chứa đựng giá trị nghệ thuật to lớn. 

  • Luận điểm 2: Nỗi băn khoăn trước thời gian và cuộc đời

Sung sướng với sự đẹp đẽ của thiên nhiên đã vẽ ra trước mắt, Xuân Diệu vội vàng chạy theo nó. Dường như ông sợ những khoảnh khắc ấy sẽ sớm biến mất, thế nên ông tận hưởng nó một cách vội vàng và bám riết. Thế nên ông chẳng thể giấu nổi cảm xúc lo âu, khắc khoải về sự chia lìa. Bời cuộc sống là vô hạn nhưng đời người lại ngắn ngủi thế nên làm sao để sống, để tận hưởng được những giá trị nhân sinh ấy. 

Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:

Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.

Đang sung sướng trong men say của những điều đẹp đẽ, tác giả bỗng nhận ra sự thật phũ phàng nên chẳng thể “chờ nắng hạ mới hoài xuân”. Thế rồi, một nỗi sợ bao trùm lên suy nghĩ của ông, đó là nỗi sợ về sự hữu hạn của tuổi trẻ. 

Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua,

Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,

Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.

Mùa xuân mang đến cho con người ta niềm tin, hy vọng và cả những điều tốt đẹp. Thế nhưng mùa xuân luôn phải tuần hoàn theo quy luật thời gian “xuân tới rồi xuân qua”. Xuân tới mang theo biết bao niềm tin, hy vọng nhưng xuân qua cũng mang đi tuổi xuân của mỗi người. Thế nên “xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già”, chẳng có điều gì là bất biến cả. Dù dòng người bao la, nhưng cũng chẳng tránh nổi quy luật của tạo hóa. Thế nên đâu đó trong lời thơ của Xuân Diệu có chút trách móc, hờn dỗi:

Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,

Không cho dài thời trẻ của nhân gian,

Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,

Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại

Sớm nhận ra được quy luật tất yếu của cuộc sống, nên Xuân Diệu đau khổ, tuyệt vọng. Có lẽ vậy nên ông ôm trong mình mộng ước được sống mãi với thời gian. 

Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,

Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;

Mùi tháng, năm đều rớm vị chia phôi,

Khắp sông, núi vẫn than thầm tiễn biệt…

Cơn gió xinh thì thào trong lá biếc,

Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?

Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,

Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?

Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa…”

Ai rồi cũng phải trải qua “sinh, ly, tử, biệt”, mỗi mùa xuân đi qua sẽ mang đến hy vọng cho người này, nhưng lại là nỗi sợ hãi của người khác. Vậy nên trong lúc bâng khuâng, tác giả “tiếc cả đất trời”. Bởi muốn tận hưởng trọn vẹn những mùa xuân xanh non nhưng cuộc đời hữu hạn chẳng cho phép. Thế nên “mùi tháng năm” mang đến cảm giác chia ly.

Dù đã biết trước sự hữu hạn của đời người, nhưng tác giả vẫn không nỡ để nó trôi đi, ông muốn níu kéo mọi thứ, muốn tận hưởng tất cả một cách trọn vẹn nhất. Thế nhưng giờ đây “cơn gió xinh” chỉ còn thì thào, chim không còn rộn ràng nữa. Và tất cả đều chìm trong sự tĩnh lặng bởi thời gian. Tiếng than “chẳng bao giờ, ôi!chẳng bao giờ nữa” chính là nỗi lòng tiếc nuối của tác giả. Bởi ông còn muốn được tận hưởng, được sống trong men say của mùa xuân, của đời người. 

  • Luận điểm 3: Phân tích bài thơ Vội vàng – Khát vọng sống cuồng nhiệt của tác giả

Sự sợ hãi về vòng tuần hoàn của cuộc đời đã làm khát vọng sống của tác giả trở nên cuồng nhiệt hơn bao giờ hết. 

“Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,

Ta muốn ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

Và non nước, và cây, và cỏ rạng

Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng

Cho no nê thanh sắc của thời tươi

– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”

Khát vọng sống cuồng nhiệt của tác giả được thể hiện rõ nét qua lời thúc giục vội vã “mau đi thôi”. Dường như tác giả sợ vụt mất thời gian, chỉ cần chậm một chút thôi là không còn cơ hội nữa. Cùng với đó là đại từ nhân xưng “ta” được lặp lại nhiều lần bộc lộ cái tôi mạnh mẽ. 

Tác giả đưa ra lời khuyên chân thành về thời gian cho tất cả mọi người

Ở đoạn thơ này, tác giả sử dụng hàng loạt hình ảnh thơ mộng, trữ tình như “sự sống mơn mởn” “mây đưa và gió lượn” “cánh bướm với tình yêu”. Cùng với đó là những động từ mạnh như “ôm”, “riết” “thâu” làm cho ta thấy được sự say đắm của tác giả khi tận hưởng hương vị của tình yêu nồng cháy. 

Câu thơ “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi” thể hiện rõ nét nhất khao khát sống của tác giả. Đó cũng là sự so sánh đầy táo bạo và mới lạ. Dường như mùa xuân trong mắt kẻ si tình đã trở nên thật quyến rũ khiến cho người ta muốn chiếm hữu lấy cái tinh túy ấy của thiên nhiên. Những câu thơ ấy không chỉ là khát khao của tác giả mà nó còn giống như lời khuyên dành tặng cho tất cả mọi người. Đó là: mỗi người chỉ có một cuộc đời và chỉ sống một lần, thế nên hãy sống thật ý nghĩa, sống hết mình với đam mê, với khát khao để không phải nuối tiếc. 

Kết bài

Phân tích bài thơ Vội vàng ta thấy được vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên hiện lên trong con mắt của kẻ si tình. Qua đó, ta cũng nhận ra được nhiều quy luật cuộc sống. Bằng giọng thơ linh hoạt, ngôn từ sáng tạo, độc đáo, Xuân Diệu đã mang đến cho người đọc cảm nhận được chất riêng, thấy được khát khao sống, được sống và được yêu của con người trước sự mênh mông vô hạn của thời gian.

>> Xem thêm: Phân tích vội vàng khổ 1 của Xuân Diệu Văn mẫu chính xác