Đất nước là một trong những bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Khoa Điềm. Đây cũng là bài thơ thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn. Phải có tình yêu mãnh liệt với quê hương, đất nước, tác giả mới có thể truyền được cho người đọc cảm giác tự hào như vậy. Cùng phân tích bài thơ Đất nước để hiểu rõ hơn về tình yêu mà tác giả đã thể hiện. 

Mở bài phân tích bài thơ Đất nước

Trong thơ ca kim cổ, đất nước là chủ đề muôn thuở được nhiều nhà văn, nhà thơ khai thác. Mỗi tác giả lại có sự cảm nhận về đất nước khác nhau. Nhưng tựu chung đều là tình yêu thương sâu sắc về nơi sinh ra và nuôi dưỡng biết bao thế hệ. Với Nguyễn Khoa Điềm, dáng hình của Đất nước cũng được cảm nhận bởi những điều nhỏ bé nhất. 

Bài thơ Đất nước được Nguyễn Khoa Điềm sáng tác năm 1971, và được trích trong trường ca Mặt đường khát vọng. Đây là một bài thơ mang chất triết lý sâu sắc và thể hiện rõ tư tưởng đất nước của nhân dân. Dáng hình đất nước trong cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm được tái diễn sinh động, trải qua bao sóng gió, là nơi nuôi dưỡng biết bao thế hệ. 

Phân tích bài thơ Đất nước
Đất nước trong lời thơ của Nguyễn Khoa Điềm hiện lên rõ nét từ văn hóa, lịch sử

Thân bài phân tích bài thơ Đất nước

  • Luận điểm 1: Cảm nhận về đất nước

Mở đầu bài thơ, ta cảm nhận được dáng hình đất nước thật nhẹ nhàng, chất chứa bao nhiêu ngọn nguồn cảm xúc:

Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi

Đất nước có trong những cài “ngày xửa ngày xưa mẹ…” thường hay kể

Đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre đánh giặc

Với tác giả, đất nước hiện lên vô cùng bình dị, gần gũi. Đất nước là khái niệm hiện hữu hàng ngày trong cuộc sống. Để làm rõ khái niệm đất nước, tác giả đã sử dụng từ “khi” để khẳng định về lịch sử lâu đời của đất nước. Chẳng ai biết đất nước có từ bao giờ, chỉ biết “khi ta sinh ra đất nước đã có rồi”. Rồi tác giả bắt đầu lý giải nguồn gốc của đất nước. Đất nước ra đời từ “ngày xửa ngày xưa”  – đó là thời điểm xa xưa, chẳng thể xác định thời gian cụ thể. Đất nước cũng hình thành từ khi dân mình biết đánh giặc. Chính những con người ấy đã làm nên đất nước. 

Đất nước còn là thành quả của công cuộc lao động hăng say của cha ông ta từ xa xưa:

Tóc mẹ thì bới sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

Cái kèo, cái cột thành tên

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, dần, sàng

Đất nước có từ ngày đó…

Dáng hình đất nước dần hiện lên với vẻ đẹp giản dị của người phụ nữ Việt Nam. Đó là những người mẹ “búi tóc sau đầu”. Những “cái kèo, cái cột” gắn liền với cuộc sống nhân dân cũng đóng vai trò trong sự hình thành đất nước. 

Nối tiếp lịch sử về đất nước, Nguyễn Khoa Điềm đã lý giải khái niệm “đất nước” bằng những hình ảnh vô cùng gần gũi. 

Đất là nơi anh đến trường

Nước là nơi em tắm

Đất nước là nơi ta hò hẹn

Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm

Đất là nơi con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc

Nước là nơi con cá ngư ông móng nước biển khơi

Đất nước là nơi nuôi dưỡng, gắn liền với tuổi thơ của chúng ta. Đó là “nơi anh đến trời” “là nơi em tắm”. Những hình ảnh ấy thật gần gũi biết bao. Và đất nước còn là nơi nuôi dưỡng tình yêu đôi lứa “là nơi ta hò hẹn”. Mỗi một chặng đường phát triển, cung bậc cảm xúc đều có hình bóng đất nước ở đó. Tại đây, Nguyễn Khoa Điềm đã sử dụng hình ảnh “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc” và “con cá ngư ông móng nước biển khơi” để nói lên ý nghĩa của đất nước. Đó chính là nơi ta tìm về dù bất cứ chuyện gì xảy ra. Nơi đó, ta được sống là chính ta, được vui trong niềm vui của đất nước. 

Đất nước là những gì thân thuộc nhất, là tuổi thơ, là quá khứ của mỗi người

Không chỉ mang bóng hình của tình yêu đôi lứa, đất nước còn được mở ra theo chiều dài của lịch sử và chiều sâu của không gian văn hóa. 

Thời gian đằng đẵng

Không gian mênh mông

Đất nước là nơi dân mình đoàn tụ

Đất là nơi chim về

Nước là nơi rồng ở

Lạc Long Quân và Âu Cơ

Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng

Nguyễn Khoa Điềm đã liên tục sử dụng những hình ảnh mang tính tượng trưng để miêu tả dáng hình đất nước. Đất nước được hình thành từ những câu chuyện xa xưa – những câu chuyện ấy vẫn được muôn đời sau nhắc nhớ. “Đất nước là nơi dân mình đoàn tụ”, ở đó người ta thân nhau như anh em, sống vì nhau, vì tình nghĩa dân tộc. Hình ảnh “chim về “ “rồng ở” “Lạc Long Quân và Âu Cơ”chính là những minh chứng rõ nét nhất về chiều dài lịch sử của đất nước. Đó là những điều khiến chúng ta tự hào. Ở nơi gọi là “đất nước” chúng ta gọi nhau là đồng bào, luôn nhớ về những ngày xa xưa vất vả. Đất nước nơi chúng ta sống luôn đề cao tinh thần uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây. 

Và trong ý niệm của Nguyễn Khoa Điềm, đất nước còn là sự tiếp nối truyền thống anh dũng của dân tộc:

Những ai đã khuất

Những ai bây giờ

Yêu nhau và sinh con đẻ cái

Gánh vác phần người đi trước để lại

Dặn dò con cháu chuyện mai sau

Hằng năm ăn đâu làm đâu

Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ

Trong bề dày phát triển của văn hóa và lịch sử, đất nước ngày càng được khẳng định rõ nét. Đất nước ghi nhận biết bao người con đã ngã xuống. Vì thế, những thế hệ mai sau cần phải gìn giữ và cố gắng phát huy những truyền thống tốt đẹp đó. Vậy nên tác giả nhắc nhớ tất cả mọi người “hằng năm ăn đâu làm đâu/ Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”. Đó là truyền thống “uống nước nhớ nguồn” ăn sâu trong văn hóa người Việt. 

Hơn hết bóng hình đất nước còn được in sâu vào tâm trí của mỗi người:

Trong anh và em hôm nay

Đều có một phần Đất nước

Khi hai đứa cầm tay

Đất nước trong chúng mình hài hòa nồng thắm

Khi chúng ta cầm tay mọi người

Đất nước vẹn tròn, to lớn

Với chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, đất nước đã gắn bó máu thịt với mỗi người. Trong đó có “anh” và “em”. Ở mỗi một người đều “có một phần đất nước”. Nó đã hằn vào máu thịt của mỗi người, gắn bó với tình yêu đôi lứa. Để rồi từ đó người ta gửi gắm tâm tư tình cảm về đất nước vào những thế hệ sau này:

Mai này con ta lớn lên

Con sẽ mang đất nước đi xa

Đến những tháng ngày mơ mộng

Em ơi em Đất nước là máu xương của mình

Phải biết gắn bó san sẻ

Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở

Làm nên đất nước muôn đời

Ở đây, tác giả đã gửi gắm những tâm tình vào dáng hình đất nước. Dường như bằng mong ước cá nhân, tác giả đã đại diện cho mong ước to lớn của cả đồng bào, mong mai này “con sẽ mang đất nước đi xa”. Muốn đất nước bất diệt muôn đời, chúng ta phải xem đất nước là “máu xương của mình”, từ đó phải biết gắn bó, san sẻ và hòa mình của niềm vui đất nước. 

Tiếp nối dáng hình đất nước, Nguyễn Khoa Điềm đã nhắc đến những điển cố điển tích, những sự kiện lịch sử để khẳng định cho sự trường tồn ấy. 

Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất nước những núi Vọng Phu

……

Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm

Từ những người vợ nhớ chồng, cặp vợ chồng yêu nhau đến những gót ngựa Thánh Gióng, chín mươi chín con voi,…. Tất cả đều làm nên một đất nước hùng cường. Ở đất nước ấy, người ta có sự sẻ chia, hy vọng và yên bình. Đó là sự hy sinh của thế hệ trước để giữ gìn hòa bình cho đất nước. 

Nguyễn Khoa Điềm đã tích lũy một khái niệm sâu sắc về đất nước, đó là nơi:

Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi

Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha

Ôi đất nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hóa núi sông ta

 Đó là quan niệm giàu giá trị nhân sinh khiến cho chúng ta không thể phủ nhận sự tồn tại của đất nước. Và từ đó, tác giả mở ra cho người đọc những quan điểm rõ hơn về đất nước. Đất nước đã có bốn ngàn năm lịch sử, những năm tháng ấy đều có “người người lớp lớp” hy sinh vì sự bình yên. Ở đất nước ấy là những người cần cù làm lụng, “ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh”. 

  • Luận điểm 2: Phân tích bài thơ Đất nước – tư tưởng cốt lõi Đất nước của nhân dân 
Đất nước là đất nước của Nhân dân, vì nhân dân

Đất nước còn là biểu tượng cho sự biết ơn đến những người đã ngã xuống. 

Nhưng em biết không

Có biết bao người con gái con trai

Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi

Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra Đất nước

Để làm nên dáng hình đất nước, biết bao lớp người đã ngã xuống nơi đây. Nhưng dù sống hay chết, tất cả đều làm nên lịch sử. Dường như những người đã hy sinh vì đất nước, họ bất tử trong hình hài ngày càng tròn vẹn của đất nước. Và họ ra đi, để lại cho con cháu những điều gần gũi nhất:

Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng

Họ truyền lửa cho mỗi nhà từ hòn than qua con cúi

Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói

Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân

Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái quả

Dường như những lớp người đi trước đã xây dựng và giữ gìn đất nước bằng tất cả sinh lực của mình. Cùng với quá trình đấu tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm, những người làm nên đất nước đã gìn giữ cho thế hệ sau những giá trị nhân sinh sâu sắc. Đó là “hạt lúa” là “hòn than” là “giọng điệu” – tất cả đều mang trong mình dáng hình đất nước. Và những lớp người ấy sẵn sàng chiến đấu vì hai từ “đất nước”:

Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm

Có nội thù thì vùng lên đánh bại

Để đất nước này là đất nước nhân dân

Đất nước của nhân dân, đất nước của ca dao thần thoại

Ở đoạn cuối này, Nguyễn Khoa Điềm đã một lần nữa khẳng định ý nghĩa của đất nước. Đó là đất nước của nhân dân, do nhân dân gây dựng và bảo vệ. Thế nên dáng hình đất nước gắn liền với dáng hình của ca dao thần thoại. 

Lời kết

Bằng những dẫn chứng, lý lẽ đầy thuyết phục, Nguyễn Khoa Điềm đã cho chúng ta thấy được nguồn gốc, lịch sử của đất nước. Từ đó khẳng định được vai trò to lớn của đất nước trong chặng đường phát triển của mỗi người. Đất nước là những điều bình dị nhất, không hoa mỹ, không màu mè mà tất cả đều sâu sắc. Vì thế, đất nước chính là cội nguồn, là nơi nuôi dưỡng biết bao thế hệ.