Lập dàn ý phân tích Tràng Giang là một trong những trong việc quan trọng khi tập làm văn. Nhờ có dàn ý phân tích chúng ta sẽ không bỏ sót bất cứ chi tiết, luận điểm nào. Hơn nữa, nhờ dàn ý ta có thể phân tích tác phẩm một cách chi tiết và sâu nhất. Có dàn ý phân tích, thời gian triển khai các ý trong bài tập làm văn cũng sẽ được rút ngắn hơn.
Mở bài dàn ý phân tích Tràng Giang
Với phần mở bài phân tích Tràng Giang bạn không cần viết quá dài. Tuy nhiên cần đảm bảo đầy đủ các ý chính dưới đây:
– Đầu tiên là sơ lược về tác giả Huy Cận: ông sinh ra ở đâu, năm sinh năm mất, phong cách thơ nổi bật.
– Tiếp đến, các bạn nên nhắc về bài thơ Tràng Giang: Hoàn cảnh sáng tác, in trong tập thơ nào. Bài thơ sáng tác năm 1939 vào một chiều thu khi Huy Cận đứng ở bờ Nam bến Chèm sông Hồng ngắm cảnh.
– Cùng với đó, bạn hãy điểm qua về ý nghĩa nhan đề và lời tựa bài thơ. Thông qua nhan đề Huy Cận đã khéo léo gợi lên vẻ đẹp cổ điển mà hiện đại. “Tràng Giang” gợi lên trong người đọc một con sông dài vô cùng tận và rộng mênh mông.
Thân bài
Đề bài là lập dàn ý phân tích Tràng Giang. Vì thế để khi phân tích bài thơ không bị sót ý, bạn nên phân tích theo từng khổ. Cụ thể:
- Phân tích khổ thơ 1: Khung cảnh sông nước mênh mông, bất tận
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song,
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy giòng.
Dàn ý phân tích Tràng giang ở khổ thơ này, để làm nổi bật khung cảnh sông nước mênh mông, bất tận bạn hãy phân tích vào những hình ảnh mà Huy Cận đã sử dụng. Khung cảnh ấy đã hiện lên qua hình ảnh “sóng gợn tràng giang”. Ở đây hình ảnh “sóng” được tác giả nhắc đến như một nỗi buồn chồng chéo. Cùng với đó “tràng giang” với vần “ang” như sự ngân vang, vọng xa cổ kính.
Hình ảnh “thuyền” và “nước” cũng được tác giả sử dụng khéo léo. Những tưởng đây là điều không thể tách rời. Nhưng khi vào câu thơ của Huy Cận lại trở nên lạc điệu, ly cách. Dường như thuyền và nước ở đây như hai cá thể tách biệt. Thế nên “thuyền về” “nước lại”.
Sự mênh mông, bất tận còn được thể hiện qua những từ láy “điệp điệp”, “song song”. Đó là những từ ngữ mênh mông, không có điểm dừng. Đặc biệt, hình ảnh “củi một cành khô lạc mấy dòng” trong câu thơ cuối còn là sự bấp bênh, trôi nổi giữa cuộc đời sóng gió vây quay.
Ở đoạn thơ này ngoài khả năng sử dụng từ ngữ, nghệ thuật đảo ngữ và đối lập được Huy Cận sử dụng tài tình. Nhờ đó tăng lên sự gợi tình, gợi cảm cho đoạn thơ.
- Phân tích khổ thơ 2: Cảnh Cồn bến hoang vắng trong nắng chiều
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.
Nếu khung cảnh mênh mông sông nước ở khổ 1 chưa lột hết được vẻ vô cùng tận của “Tràng giang”, thì ở khổ 2, Huy Cận đã khắc họa rõ nét bức tranh thiên nhiên mở rộng ra tới bờ. Không gian “sông dài, trời rộng, bến cô liêu” mang đến cảm giác vô biên và trống trải của cảnh vật.
Ở đoạn này, tác giả đã thể hiện tài năng sử dụng từ ngữ vô cùng tinh tế. Bằng những từ láy gợi hình như “lơ thơ”, “đìu hiu” tác giả đã gợi lên được nỗi buồn, sự hoang vắng, lạnh lẽo của khung cảnh thiên nhiên mênh mông.
Trong khung cảnh mênh mông đó, tác giả đã nghe văng vẳng “đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều”. Đó là âm thanh rất nhỏ, dường như âm thanh ấy đã bị không gian mênh mông nơi đây “nuốt chửng”. Thế nên nó càng làm vẻ hiu quạnh trở nên sâu sắc hơn.
Không dừng lại ở không gian trước mắt, Huy Cận còn mở ra không gian ba chiều với cảm nhận cái sâu thăm thẳm. Tác giả đã vẽ nên không gian rộng mênh mông, vô cùng ở mọi mặt. Bằng như tính từ gợi cảm xúc như “sâu chót vót”, “bến cô liêu”, Huy Cận đã cho người ta cảm nhận được bằng mọi giác quan không gian sầu thẳm này.
- Phân tích Tràng giang – khổ thơ 3: bức tranh thiên nhiên đìu hiu
Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật.
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.
Ở khổ thơ này, Huy Cận đã đi từ xa về gần, rồi gần lại xa. Bằng hình ảnh “bèo dạt về đâu hàng nối hàng” tác giả đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên quạnh hiu, cũng là hình ảnh về số phận lạc lõng, vô định của con người.
Và trong cái không gian ấy, con người mong muốn tìm đến những gì gần gũi, thân quen nhất. Đó là một “chuyến đò ngang”, ước mong quá đỗi bình dị, nhỏ bé trước sự vô cùng tận của thiên nhiên.
Trong đoạn này, bạn đừng quên phân tích nghệ thuật sử dụng từ ngữ của tác giả. Ở đây Huy cận đã liên tục lặp đi lặp lại phó từ phủ định “không”. Chính từ ngữ ấy đã làm cho những mong ước dẫu bình dị trở nên vô vọng, cảnh vật trở nên lạnh lẽo, con người lại lẻ loi giữa khung cảnh “bờ xanh tiếp bãi vàng”.
- Phân tích khổ thơ 4: Tâm sự về nỗi niềm nhớ quê hương
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc…
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
Ở đoạn thơ này bạn cần làm rõ tiếng sóng trong tâm hồn của con người. Trước sự đìu hiu, quạnh vắng của cảnh vật, lòng người lại càng thêm trăn trở. Đó là nỗi niềm nhớ quê hương ngay chính trên quê hương. Điều ấy càng khiến người ta thêm phần xót xa.
Tâm sự ấy của lòng người được biểu hiện qua hình ảnh thiên nhiên hùng vĩ “lớp lớp mây cao đùn núi bạc”. Huy Cận đã rất khéo léo khi sử dụng từ “đùn” cho ta cảm giác như những lớp mây đang chuyển động mãi không dứt. Cùng với đó là hình ảnh “chim nghiêng cánh nhỏ” để thể hiện bóng hoàng hôn đang sà xuống một cách nhanh chóng khiên những cánh chim nhỏ phải nghiêng lệch để bay về phía chân trời.
Hai câu cuối bài thơ, bằng cách sử dụng từ láy “dợn dợn” kết hợp với cụm từ “vờn con nước” để khắc họa nỗi niềm bâng khuâng, cô đơn giữa mênh mông trời biển. Đó là một nỗi niềm Huy Cận đã đại diện cho rất nhiều người nói lên tiếng nói của mình. Thế nên trước cảnh tượng “không khói hoàng hôn” cũng khiến con người ta nhớ nhà đến da diết.
Kết bài
Để hoàn thành dàn ý phân tích Tràng giang, phần kết bài bạn cần khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của bài thơ. Từ đó, nói lên được nỗi lòng mà tác giả đã gửi gắm vào trong từng câu chữ.