I. Đọc – hiểu văn bản

Câu 1 SGK Ngữ văn 8 tập 1 – trang 68 – Cô bé bán diêm

Hãy xác định ba phần của văn bản này nếu lấy việc em bé quẹt những que diêm làm phần trọng tâm. Căn cứ vào đâu để có thể chia phần thứ hai (phần trọng tâm) thành những đoạn nhỏ hơn?

Cô bé bán diêm lặng lẽ, cô đơn giữa đêm giáng sinh

Trả lời:

– Ba phần của văn bản nếu lấy việc em bé quẹt những que diêm làm phần trọng tâm là:

+ Phần 1 (từ đầu…cứng đờ ra): Cô bé bán diêm trong đêm đông giao thừa.

+ Phần 2 (tiếp theo…chầu thượng đế): Thực tế và mộng tưởng của cô bé bán diêm.

+ Phần 3 (đoạn còn lại): Cái chết thương tâm của cô bé bán diêm.

Để có thể chia phần thứ hai (phần trọng tâm) thành những đoạn nhỏ hơn, ta căn cứ vào: những lần quẹt diêm của cô bé.

+ Lần 1: hiện lên chiếc lò sưởi.

+ Lần 2: hiện lên bàn ăn thịnh soạn.

+  Lần 3: hiện lên một cây thông Nô-en.

+  Lần 4: Cô bé được gặp lại người bà.

Câu 2 SGK Ngữ văn 8 tập 1 – trang 68 – Cô bé bán diêm

Qua phần đầu, chúng ta được biết gì về gia cảnh của nhân vật cô bé bán diêm và thời gian, không gian xảy ra câu chuyện? Liệt kê những hình ảnh tương phản (đối lập, đặt gần nhau, làm nổi vật lẫn nhau) được nhà văn sử dụng trong phần này nhằm khắc họa nỗi khổ cực của cô bé.

Trả lời:

– Qua phần đầu, chúng ta được biết về gia cảnh của nhân vật cô bé và thời gian, không gian xảy ra câu chuyện là:

+ Gia cảnh: Cô bé sống trong gia đình nghèo đói, mẹ mất sớm, bà nội cũng mất vì tuổi già sức yếu chỉ còn lại một ông bố nát rượu.

+ Thời gian xảy ra câu chuyện: Vào đêm giao thừa.

+ Không gian xảy ra câu chuyện: mọi gia đình sáng đèn, quây quần bên nhau bên bữa cơm thịnh soạn, ngoài đường tuyết rơi lạnh giá, tối tăm.

– Những hình ảnh tương phản (đối lập, đặt gần nhau, làm nổi vật lẫn nhau) được nhà văn sử dụng trong phần này nhằm khắc họa nỗi khổ cực của cô bé là:

+ Ngôi nhà đẹp đẽ trước kia tương phản với góc tối tăm ở tầng gác mái.

+ Mọi người quây quần ăn ngỗng quay tương phải với nhân vật cô bé chịu đói, chịu rét bên ngoài.

Câu 3 SGK Ngữ văn 8 tập 1 – trang 68 – Cô bé bán diêm

Chứng minh rằng những mộng tưởng của cô bé qua các lần quẹt diêm (lò sưởi, bàn ăn, cây thông Nô-en, người bà, hai bà cháu bay đi) diễn ra theo thứ tự hợp lí. Trong số các mộng tưởng ấy, điều nào gắn với thực tế, điều nào thuần túy chỉ là mộng tưởng?

Trả lời:

– Những mộng tưởng của cô bé qua các lần quẹt diêm (lò sưởi, bàn ăn, cây thông Nô-en, người bà, hai bà cháu bay đi) diễn ra theo thứ tự rất hợp lí. Vì nó phù hợp với hoàn cảnh và diễn biến tâm lý của cô bé bán diêm:

+ Vì lạnh nên ước có lò sưởi.

+ Vì đói nên ước có bữa ăn thịnh soạn.

+ Vì ao ước được đón đêm giao thừa nên ước có cây thông Nô-en.

+ Vì quá cơ cực, vất vả, đau khổ, cô đơn nên ước được gặp lại bà.

– Trong số các mộng tưởng ấy, điều gắn với thực tế là: lò sưởi, bữa ăn, cây thông Nô-en.

+ Điều thuần túy là mộng tưởng chính là: gặp lại người bà kính yêu.

Câu 4 SGK Ngữ văn 8 tập 1 – trang 68:

Phát biểu những cảm nghĩ của em về truyện Cô bé bán diêm nói chung và đoạn kết của truyện nói riêng.

Trả lời:

– Câu chuyện Cô bé bán diêm như một bức tranh về mặt tối của xã hội lúc bấy giờ. Trên cuộc đời có rất nhiều số phận hẩm hiu, mồ côi từ nhỏ, bị chính cha đánh đập, chịu đói chịu rét để mưu sinh, cuối cùng là chết ở một góc không ai quan tâm. Nó phản ánh về tệ nạn bạo lực gia đình, đánh đập, lợi dụng trẻ em.

– Đoạn kết của truyện:

+ Đó là một tấn bi kịch với cái chết lặng lẽ nhưng đầy day dứt, trăn trở của cô bé bán diêm tội nghiệp. Cô bé chết trong đói rét, trong cực khổ vào giữa đêm giao thừa.

+ Nhưng nó cũng là một sự ra đi thanh thản, một sự giải thoát dành cho cô bé. Bé sẽ được sống cùng bà ở một nơi ấm áp, không có khổ đau; được Thượng đế ban cho một cuộc sống mới, hạnh phúc hơn.