Soạn Lai Tân – Hồ Chí Minh Trang 45 Ngữ văn 11 Tập 2

HƯỚNG DẪN ĐỌC THÊM

(Soạn Lai Tân – Hồ Chí Minh)

Câu 1(Soạn Lai Tân – Hồ Chí Minh): Trong ba câu đầu, bộ máy quan lại ở Lai Tân đã được miêu tả như thế nào? Ban trưởng, cảnh trưởng, huyện trưởng có làm đúng chức năng của những người đại diện cho pháp luật không?

Trả lời:

Bộ máy quan lại ở Lai Tân qua miêu tả ở ba câu đầu:

– Ban trưởng “đánh bạc”: ngang nhiên phạm luật

– Cảnh trưởng “kiếm ăn quanh”: lén lút moi tiền của tù nhân.

– Huyện trưởng “chong đèn”: bệ rạc, vô trách nhiệm.

⇒ Quan lại đứng đầu nhà tù lẽ ra phải là những người đại diện cho công lí, gương mẫu tuân thủ luật, thực thi đúng chức trách nhưng ở đây lại là những kẻ vô trách nhiệm, vi phạm luật pháp và tham lam bần tiện, là bộ mặt thối nát của bộ máy Tưởng Giới Thạch.

Câu 2(Soạn Lai Tân – Hồ Chí Minh): Phân tích sắc thái châm biếm, mỉa mai ở câu thơ cuối. (Chú ý: Ba chữ vẫn thái bình có ý nghĩa gì?)

Trả lời:

Câu thơ cuối là lời châm biếm, mỉa mai rất sắc sảo. Một chữ “thái bình” mà xâu chuỗi lại bao nhiêu việc làm vốn là chuyện muôn thuở của cái xã hội Trung Quốc còn giai cấp bóc lột thống trị. Chỉ một chữ ấy mà xé toang tất cả sự “thái bình” dối trá nhưng thực sự là đang “đại loạn” từ bên trong của xã hội.

Ba câu đầu chỉ là những câu kể việc, nói về hình tượng cũng không có gì đặc biệt lắm nhưng mỗi nhân vật đều có một việc làm khác nhau mà đặc biệt giống nhau về sự thối nát, nhất là lại ở vào cái hoàn cảnh “quốc gia hữu sự”. Người xưa đã nói “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Giặc đang ở ngay trước mắt, thiên hạ đã đại loạn rồi, thế mà bọn quan quân lớn bé đều chỉ lo làm sao vơ vét cho đầy túi. Bác không cần dùng chữ “đại loạn”. Bác chỉ nói “thái bình”, nói như không. “Trời đất Lai Tân vẫn thái bình”. Với câu nói đó (mà nghệ thuật thơ Đường gọi là “cảnh cú”), một câu thơ kêu lên có thể làm rung chuyển những câu thơ khác. Bài thơ vốn phẳng lặng bỗng vang ngân, bỗng giục giã, bỗng gây ra những cảm xúc đặc biệt.

Câu 3(Soạn Lai Tân – Hồ Chí Minh): Nhận xét về kết cấu và bút pháp của bài thơ.

Trả lời:

Nhận xét về kết cấu và bút pháp của bài thơ:

– Kết cấu: thông thường một bài tứ tuyệt Đường luật có kết cấu chia làm hai phần (2 câu đầu, 2 câu sau) hoặc bốn phần (đề, thực, luận, kết). Lời thơ ngắn gọn, súc tích. Không cầu kì câu chữ, nhưng có thể nói: chỉ với bốn câu thơ ngắn, nhà thơ đã vẽ nên cái bản chất của cả chế độ xã hội mục nát đến vô cùng. Bài “Lai Tân” chia làm hai phần: 3 câu đầu và 1 câu cuối, trong đó ba câu đầu kể sự việc, câu cuối bày tỏ đánh giá và bình luận của tác giả. Một mình câu cuối vẫn cân đối được với cả ba câu đầu và mở ra sự bất ngờ thú vị.

– Nghệ thuật: bút pháp châm biếm nhẹ nhàng, sử dụng nhãn tự “thái bình”, ngôn ngữ cô đọng hàm súc, bút pháp chấm phá gây bất ngờ.

– Chất “thép” của bài thơ nằm ở sức chiến đấu, lời thơ nhẹ nhàng mà sức chiến đấu quyết liệt.

– Bài thơ có một cách cấu tứ bất ngờ. Như trên đã nói, ba câu thơ đầu chỉ thuần kể việc. Điểm nút chính là câu thơ thứ tư. Nó làm bật ra toàn bộ tư tưởng của bài. Nó làm bung vỡ tất cả cái ý châm biếm, mỉa mai hướng đến sự thối nát đến tận xương tuỷ của cái xã hội Tưởng Giới Thạch.