Tình cảm gia đình, tình yêu quê hương đất nước là hai trong những chủ đề khơi nguồn cảm hứng lớn cho các nhà thơ sáng tác. Như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nổi tiếng với tác phẩm “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”. Hay trong bài “Con cò” của nhà thơ Chế Lan Viên lột tả hình ảnh người mẹ đang hát ru con. Dưới đây, ta tiếp tục bắt gặp câu chuyện về gia đình, về tình yêu quê ấy qua thơ của Y Phương. Phân tích bài thơ Nói với con để một lần nữa cảm nhận sâu sắc về tầm quan trọng của tình cảm gia đình và lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong mỗi con người.
Phân tích bài thơ Nói với con mở bài chi tiết
Khi phân tích bài thơ Nói với con, độc giả mới thật sự khâm phục trước tài năng của tác giả Y Phương. Bởi thật sự rất hiếm, trong nền văn học Việt Nam lại có một nhà thơ là người dân tộc thiểu số, được sinh và lớn lên ở vùng núi cao miền Bắc. Theo lược sử về tác giả thì Y Phương tên thật là Hứa Vĩnh Sước. Ông quê ở Trùng Khánh, Cao Bằng. Ông xuất thân là lính đặc công trong những năm kháng chiến chống Mỹ.
Bằng ngôn ngữ hồn nhiên, mang âm hưởng, sức sống của núi rừng, thơ của ông đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả. Đặc biệt là tác phẩm “Nói với con”. Đây là bài thơ mang đậm đặc điểm thơ Y Phương. Mạch ngầm cảm xúc xuyên suốt tác phẩm là tình yêu thương của người cha dành cho người con. Tình yêu ấy thể hiện qua sự hồi tưởng, những lời tâm sự từ quá khứ đến hiên tại của hai cha con. Câu chuyện ấy diễn ra vừa thật lãng mạn, vừa thật ấm áp.
Thân bài chi tiết phân tích bài thơ Nói với con
- Luận điểm 1: giới thiệu hoàn cảnh ra đời bài thơ:
Mỗi tác phẩm văn hay thi ca được ra đời đều dựa trên một tình huống hay một hoàn cảnh, bối cảnh lịch sử, xã hội nào đó. Và tác phẩm Nói với con cũng vậy. Bài thơ này được ra đời năm 1980. Đây là thời gian nước ta mới kết thúc cuộc chiến tranh biên giới Việt- Trung ở khu vực miền Bắc. Lúc này, đời sống vật chất và tinh thần của cả nước nói chung và nhân dân miền núi nói riêng vô cùng cực khổ, thiếu thốn và khó khăn. Bên cạnh những con người thiện lương, yêu hòa bình, làm ăn chân chính thì vẫn còn tồn tại những kẻ buôn gian bán lận. Từ hiện thực khốc liệt đó, nhà thơ Y Phương đã cho ra đời tác phẩm độc đáo này. Đây là bài thơ tâm sự của người cha nói với con, nhưng đó cũng chính là tâm tư của tác giả. Bài thơ như là lời “tâm sự với chính mình, động viên mình, đồng thời là để nhắc nhở con cái sau này” của ông.
- Luận điểm 2: Cuộc sống gia đình hạnh phúc
Mở đầu phân tích bài thơ Nói với con, độc giả ấn tượng ngay với bức tranh gia đình đầm ấm hạnh phúc. Đó là hình ảnh một em bé đang chập chững tập đi. Mỗi bước chân bé đi là tới cha, đến mẹ. Cả căn nhà đều rộn vang tiếng nói, cười.
“Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười”
Quả thực, một gia đình thực sự hạnh phúc vẹn tròn khi có bóng hình của trẻ thơ. Bởi đứa trẻ là kết tinh tình yêu của cha mẹ. Các bậc sinh thành không có niềm hạnh phúc nào lớn hơn sự lớn khôn và trưởng thành mỗi ngày của đứa con. Do vậy, khoảnh khắc thấy con chập chững bước đi, cha ẹm bỗng trào dâng cảm giác vui mừng, xúc động. Và “tiếng nói”, “tiếng cười” ở đây không chỉ thể hiện niềm vui, niềm hãnh diện của cha mẹ khi thấy con đang dần lớn lên mà còn là lời động viên, sự cổ vũ của cha mẹ dành cho con. Nhờ đó mà con vững tin hơn, mạnh dạn hơn để tiếp tục bước đi.
- Luận điểm 3: Chuyện kể về “người đồng mình” và lòng biết ơn
Thật không gì hạnh phúc bằng khi đứa trẻ được sinh ra trong một gia đình tràn ngập tình yêu thương của bố mẹ. Chính cái tế bào gia đình vững mạnh ấy sẽ giúp cả xã hội cũng trở nên vững mạnh hơn. Do vậy, khi con được yêu thương, được là chính mình trong gia đình mình thì tất yếu con sẽ cảm nhận được tình làng nghĩa xóm, tình đồng bào, đồng hương mà không cần phải bắt ép.
“Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng
Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”.
Theo nhà thơ Y Phương, “Người đồng mình” là cách nói mộc mạc, chân quê của người dân tộc Tày. Nó mang hàm ý như những người đồng hương, cùng chung một vùng miền, một nền văn hóa, cội nguồn nào đó. Việc người cha nói với người con về “người đồng mình”, cho ta thấy, đứa trẻ không chỉ lớn lên trong tình yêu thương, dưỡng dục của bố mẹ mà còn trong vòng tay đùm bọc, nghĩa tình, thân thuộc của làng quê, láng giềng. Người cha nói về những người bạn làng của mình bằng giọng điệu đầy tự hào. Ông kể về những công việc mà họ làm như đan, cài, ken… Tất cả những hành động đó đều cần đến sự khéo léo, tỉ mẩn và chăm chỉ. Tuy nhiên, họ không hề lười biếng. Họ yêu lao động như rừng luôn cho hoa, như con đường luôn cho những tấm lòng vậy. Nhịp điệu thơ thay đổi 5/3/6… thể hiện rõ tâm hồn lạc quan, yêu đời của người dân nơi đây. Hình ảnh rừng cho hoa ở đây còn thể hiện vẻ đẹp mien man của thiên nhiên. Còn con đường quê không bằng phẳng nhưng lại chứa đựng tấm lòng nhân hậu, ân tình của dân quê mộc mạc. Từ đây, nhà thơ muốn khẳng định quê hương mãi mãi là cội nguồn, giống như ý thơ trong bài hát của nhạc sĩ Đỗ Trung Quân “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nỗi thành người”.
- Luận điểm 4: Hình tượng con người giày nghị lực
Nếu như đoạn thơ trên, tác giả Y Phương tự hào khoe vẻ đẹp trong lao động của “người đồng mình”, của quê hương thì ở đoạn này, tác giả bày tỏ nỗi xót thương.
“Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc”.
Đó là xót thương cho cảnh nghèo khổ, cơ cực nhưng lại thể hiện rõ đức tính quý của đồng bào đó là bền gan vững trí, không bao giờ bỏ đất bỏ nước mà đi. Họ quyết lòng giữ vững mảnh đất quê hương, gắn bó tha thiết với nó. Dù ở nơi cao, nơi xa nhưng ý chí vẫn không hề khuất phục. Với bút phá nghệ thuật đối lập như “cao đo”- “xa nuôi”, “nỗi buồn” -“chí lớn”, tác giả như nhấn mạnh thêm sức sống kiên cường, tiềm tàng của người dân nơi đây. Người cha kể cho con nghe không phải là để than nghèo kể khổ, mà ông muốn cho con thấy người đồng mình dũng cảm, ý chí ra sao. Dù cho đá núi gập ghềnh, thung nghèo đói phải lên thác xuống ghền nhưng người dân không hề chê. Họ chấp nhận hoàn cảnh với một thái độ cực kỳ lạc quan và bền chí. Họ có sức sống mãnh liệt như “sống như sông như suối”. Vì thế con hãy cảm thấy tự hào, hãnh diện khi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này!
- Luận điểm 5: lời căn dặn của cha dành cho con:
Phân tích bài thơ Nói với con tới đây, ta nhận ra, người cha ấy không chỉ yêu quê tha thiết mà còn thương quê da diết. Ông không chỉ khắc ghi dáng vẻ bề ngoài của “người đồng mình” mà còn hiểu rõ tâm tư tình cảm văn hóa của người dân quê mình. Tác giả Y Phương viết:
“Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục
Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con”.
Theo tác giả, người đồng mình tuy thô sơ da thịt nhưng không bao giờ nhỏ bé. Họ sẵn sàng lên đường bảo vệ quê hương bất cứ lúc nào. Họ không chỉ góp phần tạo ra quê hương mà còn là những người bảo vệ và gìn giữ. Ở đây, ta càng thấy rõ lòng tự tôn tự hào dân tộc đang rất mãnh liệt trong tâm hồn người cha. Vì quá yêu, quá thương nên ông truyền cảm hứng tới cho người con. Ông muốn dạy trẻ từ khi con thơ bé về tình cảm gia đình, về tình yêu quê hương. Nhà thơ muốn gửi gắm thông điệp rằng đó hãy sống thủy chung, gắn bó với quê hương. Hãy vượt qua mọi khó khăn bằng nghị lực sức mạnh và ý chí. Con hãy nhớ về phong tục, nhớ về gia đình quê hương để lấy đó làm tựa, để dù cho có thô sơ da thịt cũng không bé nhỏ.
Kết bài
Phân tích bài thơ Nói với con để thấy rằng tình yêu thương của người cha dành cho con thật vĩ đại. Nó được hun đúc từ tình yêu gia đình, làng xóm, quê hương. Những vần sinh động, kết hợp thể thơ tự do như phác họa rõ nét tâm hồn người dân miền sơn cước. Đó là sự phóng khoáng, trong trẻo và mộc mạc. Bài thơ cũng chính là lời răn dạy của thế hệ cha ông dành cho thế hệ con cháu, rằng hãy yêu gia đình, yêu quê hương đất nước. Hãy trân trọng, biết ơn những người đã dưỡng dục, sinh thành đã cho mình cuộc sống tự do. Chỉ có như thế mới có thể lớn lên, mới có thể không nhỏ bé mà lên đường.