Soạn Phong cách ngôn ngữ báo chí (Tiếp theo) Trang 143-145) Ngữ văn 11 Tập 1
Soạn Phong cách ngôn ngữ báo chí (Tiếp theo)
II. CÁC PHƯƠNG TIỆN DIỄN ĐẠT VÀ ĐẶC TRƯNG CỦA NGÔN NGỮ BÁO CHÍ
1. Các phương tiện diễn đạt
– Về từ vựng
Từ vựng trong ngôn ngữ báo chí hết sức phong phú, và có thể nói, ở mỗi phạm vi phản ánh, mỗi thể loại báo chí lại có lớp từ vựng rất đặc trưng.
Ví dụ: bảng tin thường dùng danh từ riêng chỉ địa danh, tên người, thời gian, sự kiện…phóng sự dùng nhiều từ miêu tả sự kiện, hình ảnh địa phương, nhân vật…
– Về ngữ pháp
Câu văn trong ngôn ngữ báo chí rất đa dạng, nhưng thường ngắn gọn, sáng sủa, mạch lạc để đảm bảo thông tin chính xác. Có thể viết câu ngắn như trong tin vắn, có thể viết câu dài với kết cấu phức tạp như trong phóng sự. Cũng có những câu gần gũi như ngôn ngữ hằng ngày như trong tiểu phẩm.
– Về các biện pháp tu từ
Ngôn ngữ báo chí không hạn chế các biện pháp tu từ từ vựng và cú pháp. Trong báo chí, ta thấy không ít hình ảnh ví von, so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, đảo ngữ…Những biện pháp tu từ này nhằm diễn đạt chính xác, có hình ảnh và nhạc điệu thích hợp với từng nội dung và thể loại.
Ngoài ra, ở báo nói ngôn ngữ báo chí đòi hỏi phát âm rõ ràng, khúc chiết: ở báo nói thì chú ý đến khổ chữ, kiểu chữ phối hợp với màu sắc, hình ảnh… tạo nên điểm nhấn trong thông tin.
=> Các phương tiện diễn đạt nói trên thể hiện đặc điểm ngôn ngữ báo chí rõ nét và góp phần tạo nên một phong cách độc lập – phong cách ngôn ngữ báo chí.
2. Đặc trưng của ngôn ngữ báo chí
– Tính thông tin thời sự:
Ngôn ngữ báo chí là ngôn ngữ thông tin thời sự cập nhật, truyền bá những tin tức nóng hổi hàng ngày trên mọi lĩnh vực, hoạt động của xã hội. Để đảm bảo chất lượng thông tin, ngôn ngữ phải chính xác, nhất là những thông tin về địa điểm, thời gian, sự kiện…
– Tính ngắn gọn:
Văn báo chí là lối văn ngắn gọn lượng thông tin cao. Tiêu biểu cho sự ngắn gọn là bản tin, đặc biệt là loại tin vắn, tin nhanh, quảng cáo…ở đó có khi chỉ dùng vài câu mà người đọc có thể nắm bắt được thông tin cần thiết. Phóng sự có thể viết dài hơn, nhưng (trừ trường hợp đặc biệt) cũng không dài quá bat rang báo. Đôi với những bài dài thì thường kèm theo một tóm tắt ngắn, in chữ đậm ở đầu bài báo để dẫn dắt và tóm lược nội dung cơ bản.
– Tính sinh động, hấp dẫn:
Không phải thể loại nào cũng viết sinh động hấp dẫn, nhưng muốn thu hút sự chú ý của người đọc, ngôn ngữ báo chí phải kích thích sự tò mò hiểu biết của người đọc. Điều đó thể hiện ở cách dùng từ và cách đặt câu, nhưng trước hết là những tiêu đề của báo.
LUYỆN TẬP
Câu 1: Phân tích những đặc trưng cơ bản của ngôn ngữ báo chí (tính thông tin thời sự, tính ngắn gọn) thể hiện trong bản tin sau:
Ngày 3 -2, tỉnh An Giang long trọng tổ chức lễ đón nhận quyết định của Bộ văn hóa – Thông tin công nhận di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia Ô Tà Sóc thuộc xã Lương Phi, huyệ Tri Tôn. Đây là di tích cấp quốc gia thứ 15 của tỉnh An Giang. Ô Tà Sóc là vùng sơn lâm rộng khoảng 5km2 thuộc núi Giài. Với hệ thống hang động và đường mòn hiểm trở, từ năm 1962 đến 1967, nơi đây là căn cứ của Tỉnh ủy An Giang, sau đó là căn cứ dự phòng của tỉnh…
(Theo báo Lao động, số 35/2004)
Trả lời:
+ Bản tin An Giang đón nhận danh hiệu di tích lịch sử cách mạng quốc gia Ô Tà Sóc thể hiện phong cách ngôn ngữ báo chí:
– Tính thông tin thời sự: cập nhật chính xác rõ ràng
+ Thời gian: ngày 3/2.
+ Địa điểm: xã Lương Phi, huyện Tri Ôn, tỉnh An Giang.
+ Sự kiện: công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia
+ Cơ quan cấp, nơi được nhận.
– Tính ngắn gọn, giàu thông tin: chỉ gồm có hai câu nhưng chứa đựng đủ thông tin để người đọc hiểu.
– Tính hấp dẫn: giới thiệu về danh sách danh lam thắng cảnh, các hệ thống hang động và đường mòn hiểm trở… thu hút sự chú ý của những người đã từng đến đây. Đồng thời kích thích sự tò mò khám phá của những người chưa từng đến nơi đây.
Câu 2: Viết một bài phóng sự ngắn mang tính thời sự (về một hiện tượng mà dư luận quan tâm, ví dụ: môi trường sống, nạn cờ bạc, hủ tục mê tín ở địa phương…)
Trả lời:
Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục phối hợp Công an huyện Nhơn Trạch tạm giữ 37 đối tượng để điều tra làm rõ hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc.
Thông tin ban đầu, sau một thời gian trinh sát, chiều 16/1, lực lượng Phòng Cảnh sát Hình sự phối hợp với Phòng Cảnh sát Cơ động, Công an tỉnh Đồng Nai và Công an huyện Nhơn Trạch bất ngờ bao vây triệt xóa tụ điểm tổ chức đánh bạc bằng hình thức đá gà quy mô lớn tại vườn cao su, thuộc địa phận ấp 3, xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch.
Khi thấy lực lượng Công an, các đối tượng bỏ chạy tán loạn. Tuy nhiên, lực lượng Công an đã kịp thời khống chế 56 đối tượng.
Tại hiện trường, lực lượng Công an thu giữ tang vật trên chiếu bạc hơn 150 triệu đồng, 45 phương tiện cùng nhiều con gà, vật dụng phục vụ việc đánh bạc. Qua sàng lọc, lực lượng Công an tạm giữ 37 đối tượng, trong đó nhiều đối tượng hình sự trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều tra bước đầu, sòng bạc trên do Võ Hoàng Vũ (còn gọi là Vũ Chín em), Cao Tuấn Anh, Nguyễn Hữu Định đứng ra tổ chức, thu tiền xâu. Các đối tượng lợi dụng địa bàn giáp ranh sông nước hiểm trở, trong lô cao su, cách xa khu dân cư giữa tỉnh Đồng Nai với Thành phố Hồ Chí Minh để tổ chức đánh bạc. Sòng bạc này thu hút một số con bạc lớn đến từ Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Đồng Nai, để đối phó với lực lượng Công an, các đối tượng đứng ra tổ chức bố trí nhiều lớp cảnh giới ở tất cả lối vào địa điểm đánh bạc và thường xuyên thay đổi địa điểm. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng Công an đã bao vây sòng bạc, bắt giữ tất cả đối tượng tổ chức và người tham gia đánh bạc.
Việc triệt xóa thành công sòng bạc quy mô lớn thể hiện tinh thần tấn công, trấn áp tội phạm của lực lượng chức năng, nhất là ở địa bàn giáp ranh giữa Đồng Nai với các khu vực phức tạp về an ninh trật tự, góp phần thực hiện thắng lợi đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.