Soạn Viết bài tập làm văn số 6 Trang 69 Ngữ văn 9 tập 2
(Soạn Viết bài tập làm văn số 6) ĐỀ BÀI THAM KHẢO
Đề 1(Soạn Viết bài tập làm văn số 6): Nêu suy nghĩ về tình mẫu tử trong đoạn trích Trong lòng mẹ (Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng)
Dàn ý:
+ Mở bài: Giới thiệu tác phẩm trong lòng mẹ
+ Thân bài: Suy nghĩ của em về tình mẫu tử trong đoạn trích Trong lòng mẹ
– Hoàn cảnh đáng thương của chú bé Hồng trong tác phẩm Trong lòng mẹ
- Cha mất
- Mẹ đi tha hương
- Sống nhờ người cô ruột nhưng không được yêu thương và hạnh phúc
- Rất đáng thương và tội nghiệp
– Tình cảm của bé Hồng dành cho mẹ của mình
- Dù cho cô nói gì thì vẫn giữ được tình yêu thương đối với mẹ
- Không tin những lời đồn của cô về mẹ của mình
- Bé Hồng đau khổ và khóc khi nghe cô nói không tốt về mẹ của mình
- Khi nghe tin mẹ về, bé Hồng vui mừng nhưng thật sự vẫn không biết đó có thật sự là mẹ hay không
- Nỗi khao khát, thiếu thốn và mong muốn được yêu thương
- Là người con biết cảm thông với hoàn cảnh của mẹ
– Suy nghĩ về tình mẫu tử trong tác phẩm trong lòng mẹ
- Tình mẫu tử thiêng liêng và sâu nặng
- Không có gì có thể ngăn cản được tình cảm thiêng liêng ấy
+ Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em về tình mẫu tử trong tác phẩm
Bài tham khảo:
+ Mở bài: Giới thiệu tác phẩm trong lòng mẹ
Tình mẫu tử có lẽ là thứ tình cảm thiêng liêng và dung dị nhất. Đó là hình ảnh của người mẹ tảo tần, lưng còng gánh gạo đã in đậm trong tâm trí của mỗi người con. Và một lần nữa ta như sống lại trong những thứ tình cảm chân thành ấy quan đoạn trích Trong lòng mẹ của nhà văn Nguyên Hồng. Đoạn trích đã lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt của độc giả. Tình yêu thương mẹ của chú bé Hồng đã được thắp sáng dù trải qua biết bao nhiêu thử thách, bao nhiêu đau khổ và chia lìa. Từ đó ta mới thấm thía giữa những lề thói cổ hủ của cuộc sống, trước những định kiến gay gắt của cuộc đời chỉ có tình yêu giữa mẹ và con mới đủ sức tỏa sáng và bất diệt.
+ Thân bài: Suy nghĩ của em về tình mẫu tử trong đoạn trích Trong lòng mẹ
– Hoàn cảnh đáng thương của chú bé Hồng trong tác phẩm Trong lòng mẹ
- Cha mất
- Mẹ đi tha hương
- Sống nhờ người cô ruột nhưng không được yêu thương và hạnh phúc
- Rất đáng thương và tội nghiệp
Chú bé Hồng là nhân vật chính trong câu chuyện trên. Lớn lên trong một hoàn cảnh vô cùng bi đát. Người cha u uất suốt ngày trầm lặng để rồi chết trong sự nghèo túng nghiện ngập. Để lại một người vợ trẻ khát khao yêu thương bị cùm kẹp trong cuộc hôn nhân không tình yêu và đứa con thơ bé. Chính vì thế sau khi người chồng qua đời người phụ nữ đáng thương ấy đã cùng quẫn mà bỏ con đi tha hương cầu thực và bị gán cho cái mác “chưa đoạn tang chồng mà chửa đẻ với người khác”. Đứa trẻ tội nghiệp ấy sống nương nhờ nhà anh em họ hàng giàu có mà cay nghiệt. Để từ đây cuộc đời em cũng chìm trong sự khinh bỉ, cô đơn và bị ghẻ lạnh.
– Tình cảm của bé Hồng dành cho mẹ của mình
- Dù cho cô nói gì thì vẫn giữ được tình yêu thương đối với mẹ. Không tin những lời đồn của cô về mẹ của mình
Tưởng chừng vì “bị bỏ rơi” mà em trở nên căm ghét, thù hằn người mẹ của mình cùng với những lời nói cay nghiệt của bà cô họ nội, em lại càng căm ghét mẹ hơn nhưng trái lại với những liên tưởng đó, em thương mẹ vô cùng.
- Bé Hồng đau khổ và khóc khi nghe cô nói không tốt về mẹ của mình
Khi người cô cố tình gieo rắc vào đầu em “những hoài nghi để khinh miệt, ruồng rẫy mẹ, một người đàn bà góa chồng, vì nợ nần cùng túng quá, phải bỏ con đi tha hương cầu thực”, hễ cứ nhớ đến “vẻ mặt rầu rầu và hiền từ của mẹ”, “nghĩ đến cảnh thiếu thốn một tình yêu thương ấp ú từng phen” làm em “rơi nước mắt” nhưng “đời nào lòng yêu thương và sự kính trọng mẹ” của em lại có thể bị “những rắp tâm tanh bẩn xâm hại đến”. Em yêu mẹ, thương mẹ, tin tưởng mẹ.
Tình yêu thương mẹ trong em lớn lao đến nỗi có đủ sức mạnh để ngăn cản những lời nói cay đắng, xúc xỉa của người cô họ nội độc ác, đủ để bảo vệ vẹn nguyên tình yêu thương của em dành cho mẹ. Tình yêu ấy lớn lao đến mức hóa thân thành hành động trong tâm tưởng của em, nó mãnh liệt đến mức em ao ước rằng “Giá như những cổ tục đã đày đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thuỷ tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kỳ nát vụn mới thôi”. Em sẵn sàng chống lại, thậm chí phá vỡ những hủ tục lạc hậu đã đày đọa người mẹ thân yêu của em đến bước đường cùng của sự khổ đau, khiến cho mẹ con em phải xa nhau, khiến cho tình cảm của em dành cho mẹ chỉ có thể bày tỏ trong suy nghĩ, trong trái tim đang đau đớn đến nghẹt thở thế này. Mọi đau đớn, mọi niềm tin, tình yêu thương, khát khao của em đều được thể hiện rất rõ khi em được gặp mẹ
- Khi nghe tin mẹ về, bé Hồng vui mừng nhưng thật sự vẫn không biết đó có thật sự là mẹ hay không? Nỗi khao khát, thiếu thốn và mong muốn được yêu thương. Là người con biết cảm thông với hoàn cảnh của mẹ
Tình yêu ấy phải to lớn đến nhường nào khi em chỉ mới “thoáng thấy bóng một người trên xe rất giống mẹ, Hổng liền chạy, đuổi theo bối rối gọi: ”Mợ ơi! Mợ ơi! Mợ… ơi!””. Mọi sự dồn nén, tủi hờn, uất ức và niềm mong đợi, yêu thương từ bấy lâu nay bật ra trong tiếng gọi mẹ. Như vừa run sợ, vừa trông mong, tình yêu mãnh liệt của cậu bé nhỏ này khiến cho trang văn bỗng trở nên bừng sáng sau những chuỗi dài đen tối. Đâu đó sau những câu chữ hiển hiện trên mặt giấy, những giọt nước mắt trẻ thơ lăn dài, lăn dài rồi bật lên nức nở. Người trên xe kia là mẹ của em, là người mẹ mà em hằng mong nhớ. Tình yêu thương và niềm hạnh phúc ấy khiến em chẳng còn để ý gì nhiều, “thở hồng hộc, trán đẫm mồ hôi và khi trèo lên xe thì ríu cả chân lại”. Mạnh mẽ là thế, cậu bé vừa mới bỏ qua sự “thẹn mà còn khiến cậu tủi cực” nếu đây là một sự nhầm lẫn thực sự đã theo cái “kéo tay, xoa đầu” của mẹ đi cả, chỉ còn lại một cậu bé với tình yêu mẹ tha thiết, cháy bỏng, một cậu bé với nỗi niềm cô đơn bủa vây suốt năm suốt tháng, một cậu bé yếu mềm.
Tình yêu thương, sự ấm áp từ bàn tay mẹ khiến cho cậu òa khóc nức nở. Và cũng chính tình yêu thương mẹ của cậu bé khiến cậu nhanh chóng nhận ra sự thay đổi của người mẹ qua đôi mắt nhòe đi vì khóc “gương mặt mẹ vẫn tươi sáng với đôi mắt trong,làn da mịn làm nổi bật màu hồng của hai gò má”.Cậu bé chẳng còn quan tâm đến lời nói của bà cô, cậu tự hỏi chính mình chắc vì “được nhìn và ôm ấp hình hài máu mủ của mình mà mẹ tôi đẹp như thuở còn sung túc?”. Cậu bé sung sướng ngả lên cánh tay mẹ, được mẹ gãi rôm ở sống lưng, cậu thấy sự dịu dàng mà mình hằng mong nhớ. Tình yêu thương, sự dịu dàng chăm sóc của người mẹ khiến cho những cảm giác đã mất đi bao lâu bỗng dưng lại ùa về “mơn man khắp da thịt”. Tình yêu thương từ mẫu tử khiến cho con người như hồi sinh trở lại. Người mẹ được ôm ấp vỗ về đứa con ruột thịt cũng vì hạnh phúc mà đẹp như thuở trước, người con cảm nhận được sự dịu dàng xen lẫn ấm áp của mẹ mình ao ước được “bé lại, lăn vào lòng mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của mẹ…” trở lại thành đứa trẻ hạnh phúc thuở ban đầu.
– Suy nghĩ về tình mẫu tử trong tác phẩm trong lòng mẹ
- Tình mẫu tử thiêng liêng và sâu nặng
Giờ đây những lời gièm pha, những hủ tục lạc hậu, những bản tính xấu của con người chẳng thể nào làm ảnh hưởng được đến giây phút đoàn tụ hạnh phúc. Không gian như lắng đọng lại, chỉ còn tình mẫu tử thiêng liêng cùng tiếng lòng hét lên vì hạnh phúc của những con người đau khổ vừa được ban cho sức mạnh hồi sinh. Dọc khắp trang văn là những dòng nước mắt chảy ngược về một tình mẫu tử thầm kín thiêng liêng, hi sinh để bảo vệ lẫn nhau và đến đây, dòng nước ấm nồng ấy chảy xuôi ra ngoại hiện, để cho chúng ta cảm nhận về sự tồn tại của một thứ tình cảm mãnh liệt, thiêng liêng, trường tồn bất diệt.
- Không có gì có thể ngăn cản được tình cảm thiêng liêng ấy
Sẽ chẳng có một thế lực nào có đủ quyền năng và sức mạnh để chia rẽ tình cảm cao đẹp này, sẽ chẳng có một lời định kiến hay hủ tục lạc hậu nào đánh đổ được bức tường tình thương bao bọc lấy họ lúc này. Tình mẫu tử lúc này tồn tại như một sức mạnh siêu nhiên, cứu thoát con người ra khỏi bóng đen u ám, mang lại cho con người cảm xúc vui sướng, hạnh phúc khi được yêu thương và yêu thương.
+ Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em về tình mẫu tử trong tác phẩm
Đoạn trích Trong lfng mẹ của nhà văn Nguyên Hồng thực sự đã khiến độc giả như lắng lại trong cảm xúc thiêng liêng về tình mẫu tử. Giữa muôn vàn những khổ đau, những nghi kị tình mẫu tử chính là thứ tình cảm dung dị và chân thành nhất, quý giá nhất của cuộc đời.
Đề 2. Truyện ngắn Làng của Kim Lân gợi cho em những suy nghĩ gì về những chuyển biến mới trong tìm cảm của người nông dân Việt Nam thời kháng chiến chống thực dân Pháp?
Ngoài các đề bài trên, có thể tham khảo các đề bài nêu ở bài 23, tr. 64 – 65.
Trả lời:
Dàn ý:
+ Mở bài:
– Giới thiệu đôi nét về tác giả Kim Lân.
– Dẫn vào truyện ngắn “Làng” và nội dung phản ánh của tác phẩm là những chuyển biến mới trong tình cảm của người nông dân Việt Nam thời kháng chiến chống thực dân Pháp.
+ Thân bài:
* Tình yêu làng – nét truyền thống của người nông dân Việt Nam thể hiện qua nhân vật ông Hai.
* Sau cách mạng, theo kháng chiến, ông Hai đã có những chuyển biến mới trong tình cảm:
– Được cách mạng giải phóng, ông tự hào về phong trào cách mạng của quê hương, về việc xây dựng kháng chiến của quê ông.
– Ông Hai hay quan tâm đến tin tức kháng chiến, ngày nào cũng ra phòng thông tin theo dõi tin tức…
* Tình yêu làng gắn bó với lòng yêu nước của ông Hai bộc lộ sâu sắc trong diễn biến tâm lí khi ông Hai nghe tin làng mình theo giặc:
– Mới nghe tin làng theo giặc, ông sững sờ, tủi hổ cắm gằm mặt ra về, thầm nguyền rủa những kẻ phản bội cách mạng,…
– Những ngày sau, ông không dám ra ngoài, cái tin nhục nhã ấy đã trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp.
– Xung đột nội tâm của ông Hai: Có lúc muốn quay về làng nhưng tình yêu nước, tình yêu cách mạng đã để ông đau lòng dứt rằng “Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”.
– Tình cảm với kháng chiến, với cụ Hồ còn bộc lộ trong lời tâm sự của ông Hai với đứa con.
-> Tình yêu làng gắn bó với tình yêu nước, yêu cách mạng.
* Khi tin làng được cải chính, ông Hai vui sướng, trút bỏ được gánh nặng tâm lí: Ông vội vàng thông báo với mọi nhà, ông chạy đi khoe rằng “nhà ông bị Tây đốt”.
+ Kết bài
- Qua nhân vật ông Hai, người đọc thấm thía tình yêu làng, yêu nước chân thành, mộc mạc mà vô cùng sâu nặng, cao quý của người dân lao động bình thường.
– Sự mở rộng từ tình yêu làng, yêu quê hương sang tình yêu nước, yêu cách mạng chính là chuyển biến mới trong tình cảm của người nông dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp.
Bài mẫu tham khảo
+ Mở bài:
– Giới thiệu đôi nét về tác giả Kim Lân.
Kim Lân là nhà văn chuyên viết về truyện ngắn và đã có sáng tác từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Ông sống gắn bó và am hiểu sâu sắc cuộc sống ở nông thôn. Trong kháng chiến, ông tiếp tục viết về tinh thần kháng chiến của người nông dân. Truyện ngắn “Làng” được viết trong thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Pháp và đăng lần đầu trên tạp chí Văn nghệ năm 1948.
– Dẫn vào truyện ngắn “Làng” và nội dung phản ánh của tác phẩm là những chuyển biến mới trong tình cảm của người nông dân Việt Nam thời kháng chiến chống thực dân Pháp.
Truyện ngắn “Làng” được viết trong thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Pháp và đăng lần đầu trên tạp chí Văn nghệ năm 1948. Truyện thể hiện thành công một tình cảm lớn lao của dân tộc, đó là tình yêu nước, thông qua một con người cụ thể, người nông dân với bản chất truyền thống cùng những chuyển biến mới trong tình cảm của họ vào thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Hình ảnh ông Hai trong tác phẩm tượng trưng cho hình ảnh những người nông dân lúc bấy giờ. Những chuyển biến tâm trang của ông bộc lộ rõ nét thông qua chi tiết ông khoe làng, khi nghe tin làng theo giặc và đến khi nghe ti được cải chính. Thông qua cách miêu tả tâm lí, nội tâm nhân vật, Kim Lân đã làm nên những giá trị nội dung, ý nghĩa cho tác phẩm.
+ Thân bài:
* Tình yêu làng – nét truyền thống của người nông dân Việt Nam thể hiện qua nhân vật ông Hai.
Ông Hai là một người có tình yêu làng, yêu nơi chôn nhau cắt rốn của mình vô cùng sâu sắc. Ông sinh ra và lớn lên tại làng Chợ Dầu. Một ngôi làng từ chưa kháng chiến ông tự hào vì có cái dinh tổng đốc lớn nhất nhì.
* Sau cách mạng, theo kháng chiến, ông Hai đã có những chuyển biến mới trong tình cảm:
– Được cách mạng giải phóng, ông tự hào về phong trào cách mạng của quê hương, về việc xây dựng kháng chiến của quê ông.
Sau Cách mạng, làng ông đã trở thành làng kháng chiến, ông đã có nhận thức khác. Ông Hai không còn khoe về cái sinh phần ấy nữa mà ông lấy làm hãnh diện với sự cách mạng của quê hương, vê việc xây dựng làng kháng chiến của quê mình. Ông khoe làng có “những hố, những ụ, những giao thông hào”, “có cái phòng thông tin tuyên truyền sáng sủa, rộng rãi nhất vùng, chòi phát thanh thì cao bằng ngọn tre, chiều chiều loa gọi cả làng đều nghe thấy”…Kháng chiến bùng nổ, ông Hai bất đắc dĩ phải rời làng đi tản cư. Trong những ngày buộc phải rời xa làng tâm trí ông luôn nhớ về nơi ấy, về những anh em đồng chí của mình, ông muốn “cùng anh em đào đường, đáp ụ, xẻ hào, khuân đá…’’.
– Ông Hai hay quan tâm đến tin tức kháng chiến, ngày nào cũng ra phòng thông tin theo dõi tin tức…
Mặc dù đang trong cảnh tản cư đi nơi khác những ông vẫn luôn quan tâm, để ý đến những thông tin đánh giặc đặc biết là những thông tin về ngôi làng của chính mình. Mặc dù không đọc được chữ nhưng ông vẫn đều đặn đến phòng thông tin nghe đọc báo, để rồi mỗi lần xuýt xoa khen ngợi trước những thông tin quân ta chiến thắng:” Một em nhỏ trong ban tuyên truyền xung phong “hay như ?” Một anh trung đội trưởng sau khi giết được bảy tên giặc”. Những thông tin ấy cứ làm ông “múa cả lên” vui mừng khôn xiết. Đây là bước chuyển biến mới rất quan trọng về nhận thức và tình cảm của người nông dân trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp.
* Tình yêu làng gắn bó với lòng yêu nước của ông Hai bộc lộ sâu sắc trong diễn biến tâm lí khi ông Hai nghe tin làng mình theo giặc:
– Mới nghe tin làng theo giặc, ông sững sờ, tủi hổ cắm gằm mặt ra về, thầm nguyền rủa những kẻ phản bội cách mạng,…
Cái tin làng chợ Dầu đến như một cú sốc lớn trong cuộc đời của ông Hai. Nghe tin dữ ông bần thần cả người. Ông còn cố hỏi lại cho chắc hay nó chỉ là tin đồn thất thiệt. Chỉ khi nghe được câu “Chúng nó đi theo giặc hết rồi, từ thằng chủ tịch trở xuống”. Ông mới thôi hi vọng, lết từng bước nặng nhọc về đến nhà. Ông nằm vật ra đường, đau quá, nỗi đau nỗi tủi hổ như dày xéo tâm hồn ông. Ông gắt gỏng với cả người vợ của mình, mấy đứa con vì thế cũng chả dám cười đùa nữa.
– Những ngày sau, ông không dám ra ngoài, cái tin nhục nhã ấy đã trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp.
Suốt mấy ngày ông chẳng dám bước chân ra cổng vì sợ. Sợ ánh mắt dị nghị, sợ chỉ chỏ của những kẻ lắm lời. Sự khinh rẻ của mụ chủ nhà có ý định đuổi cả nhà đi càng khiến tâm trạng ông Hai trở nên suy sụp. Lúc này ông chỉ biết tìm đến tâm sự với các con, như một sự an ủi cuối cùng của cuộc đời mình. Ông hỏi chúng “có yêu nước không?”, “theo ai”…Tiếng con trẻ hùng dũng hô vang “theo cụ Hồ Chí Minh muôn năm ạ”. Ông cười một cách đầy chua xót. Những đứa trẻ tội nghiệp mang tiếng con làng Việt gian của ông đây rồi, đến chúng còn biết đến theo Cụ Hồ cơ mà vậy thì nỡ cơ sự nào lại thế được.
– Xung đột nội tâm của ông Hai: Có lúc muốn quay về làng nhưng tình yêu nước, tình yêu cách mạng đã để ông đau lòng dứt rằng “Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”.
– Tình cảm với kháng chiến, với cụ Hồ còn bộc lộ trong lời tâm sự của ông Hai với đứa con.
-> Tình yêu làng gắn bó với tình yêu nước, yêu cách mạng.
Ngay lúc này tâm trí của ông Hai bị dày vò một cách khốn khổ, mâu thuẫn tâm lí đến mức đỉnh điểm đầy ông vào một sự lựa chọn vô cùng khó khăn. Vốn trong cái tâm trí thâm căn cố đế chỉ có quê hương bởi lẽ với những người nông dân ngày xưa thì “ta về ta tắm ao ta/ dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” vậy mà ông đã phải đưa ra một quyết định vô cùng khó khăn “làng thì yêu thật nhưng làng theo giặc rồi thì phải thù”.
* Khi tin làng được cải chính, ông Hai vui sướng, trút bỏ được gánh nặng tâm lí: Ông vội vàng thông báo với mọi nhà, ông chạy đi khoe rằng “nhà ông bị Tây đốt”.
Diễn biến tâm trang được chuyển biến khi ông Hai nghe được tin cải chính, mọi gánh nặng tâm lí tủi nhục được trút bỏ, ông Hai tột cùng vui sướng và càng tự hào về làng Chợ Dầu. Ông vội vàng thông báo với mọi nhà: “Tây nó đốt nhà tôi rồi các ông ạ”, làng ông bị giặc phá, nhà ông bị giặc đốt, tin làng theo giặc là “sai sự mục đích cả”. Cái cách ông đi khoe Tây đốt nhà của ông là biểu hiện cụ thể ý chí “Thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước” của người nông dân lao động bình thường. Việc ông rành rọt kể về trận chống càn ở làng Chợ Dầu thể hiện rõ tinh thần kháng chiến và niềm tự hào về làng kháng chiến của ông.
+ Kết bài: Qua nhân vật ông Hai, người đọc thấm thía tình yêu làng, yêu nước chân thành, mộc mạc mà vô cùng sâu nặng, cao quý của người dân lao động bình thường.
– Sự mở rộng từ tình yêu làng, yêu quê hương sang tình yêu nước, yêu cách mạng chính là chuyển biến mới trong tình cảm của người nông dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp.
Với kết cấu chuyện đơn giản xoay quanh diễn biến tâm lí nhân vật ông Hai nhà văn Kim Lân đã khắc họa thành công bức tranh làng quê trong kháng chiến chống Pháp vĩ đại. Nó thể hiện niềm tin ý chí bất diệt vào Đảng vào Bác Hồ. Trở thành một trong những điểm sáng của cả dân tộc. Ông Hai đã nhận được nhiều tình cảm yêu mến của độc giả về tinh thần yêu nước sâu sắc, về diễn biến tâm lí vô cùng chân thực và thật của mình.
Tác phẩm khá thành công khi viết về lòng yêu nước, yêu làng của người nông dân VN thời kháng chiến chống Pháp. Kim Lân đã thể hiện được tài năng của mình qua tác phẩm này. Đọc tác phẩm giúp ta hình dung được một thời kỳ chống Pháp sôi nổi của nhân dân, mọi người một lòng theo Bác, theo Đảng khánh chiến đến cùng, có lẽ vì vẫy mà cuộc chiến của ta đã dành được thắng lợi vẻ vang.