Soạn Nước Đại Việt ta trang 66-70, sách giáo khoa Ngữ Văn 8 tập 2
(Trích “Bình Ngô đại cáo”)
Từng nghe:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt thời nào cũng có.
Vậy nên:
Lưu Cung tham công nên thất bại;
Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong;
Cửa Hàm tử bắt sống Toa Đô
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã
Việc xưa xem xét,
Chứng cứ còn ghi.
I – ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN
Câu 1 (Soạn Nước Đại Việt ta): Đoạn trích là phần mở đầu Bình Ngô đại cáo. Đoạn này có ý nghĩa nêu tiền đề cho toàn bài, tất cả nội dung được phát triển về sau đều xoay quanh tiền đề đó. Theo em, khi nêu tiền đề, tác giả đã khẳng định những chân lý nào?
Trả lời:
Đoạn trích “Nước Đại Việt ta” là phần mở đầu Bình Ngô đại cáo. Đoạn này có ý nghĩa nêu tiền đề cho toàn bài, tất cả nội dung được phát triển về sau đều xoay quanh tiền đề đó. Theo em, khi nêu tiền đề Nguyễn Trãi đã khẳng định nước Đại Việt ta là một nước có:
+ “Núi sông bờ cõi đã chia” khẳng định lãnh thổ riêng
+ “Vốn xưng nền văn hiến đã lâu” khẳng định nước ta có nền văn hiến lâu đời.
+ “Phong tục Bắc Nam cũng khác” khẳng định nhân dân ta có phong tục tập quán riêng không lẫn với bất kỳ quốc gia nào.
+ “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập” lịch sử nước Đại Việt trải dài qua nhiều triều đại, sánh ngang với các triều đại phương Bắc.
Câu 2 (Soạn Nước Đại Việt ta): Qua hai câu “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân – Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”, có thể hiểu cốt lõi tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi là gì? Người dân mà tác giả nói tới là ai? Kẻ bạo ngược mà tác giả nói tới là kẻ nào?
Trả lời:
+ Qua hai câu “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”, chúng ta có thể hiểu cốt lõi tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi là “trừ bạo” (trừ diệt các thế lực đang xâm lược nước ta), “yên dân” (cho nhân dân được hạnh phúc, an hưởng cuộc sống thái bình).
+ Người dân mà tác giả nói tới là nhân dân nước Đại Việt
+ Kẻ bạo ngược mà tác giả nói tới là giặc Minh xâm lược vô cùng hung hãn, giết chết dân lành, đốt hết sử sách của dân tộc Đại Việt, hòng đồng hóa dân tộc ta thành một phủ của chúng.
Câu 3: Để khẳng định chủ quyền độc lập dân tộc, tác giả đã dựa vào những yếu tố nào?
Nhiều ý kiến cho rằng ý thức dân tộc ở đoạn trích “Nước Đại Việt” ta là sự tiếp nối và phát triển ý thức dân tộc ở bài thơ “Sông núi nước Nam” (đã học ở lớp 7) vì sao?
Để trả lời câu hỏi này, hãy tìm hiểu xem những yếu tố nào đã được nói tới trong Sông núi nước Nam và những yếu tố nào mới được bổ sung trong Nước Đại Việt ta.
Trả lời:
+ Để khẳng định chủ quyền độc lập dân tộc tác giả đã dựa vào những yếu tố cốt lõi như: lãnh thổ riêng, phong tục tập quán riêng, có nền văn hiến lâu đời, có lịch sử các triều đại sánh ngang với các triều đại phương Bắc.
+ Ý thức dân tộc ở đoạn trích “Nước Đại Việt ta” là sự tiếp nối và phát triển ý thức dân tộc ở bài thơ “sông núi nước Nam” bởi vì:
– “Sông núi nước Nam” của Lý Thường Kiệt ý thức dân tộc được thể hiện trên 2 phương diện lãnh thổ và chủ quyền.
– Còn trong “Nước Đại Việt ta” ý thức dân tộc đã được phát triển lên khi Nguyễn Trãi bổ sung các yếu tố văn hiến lâu đời, phong tục tập quán, lịch sử các triều đại, khẳng định nước Đại Việt có chủ quyền, có “đế” ngang hàng với vua phương Bắc.
Câu 4 (Soạn Nước Đại Việt ta): Hãy chỉ ra những nét đặc sắc nghệ thuật của đoạn trích và phân tích tác dụng của chúng. (Gợi ý : cách dùng từ, cách sử dụng câu văn biền ngẫu, biện pháp liệt kê, so sánh đối lập… có hiệu quả.)
Trả lời:
Những nét đặc sắc nghệ thuật của đoạn trích và phân tích tác dụng:
+ Cách dùng từ ngữ: tác giả sử dụng các từ ngữ có tính chất hiển nhiên, lâu đời như khẳng định sự tồn tại của nước Đại Việt có từ lâu, độc lập, tự chủ như “từ trước, vốn xưng, đã lâu, cũng khác…”.
+ Cách sử dụng câu văn biền ngẫu đối xứng, so sánh đối lập có tác dụng nâng cao vị thế của nước Đại Việt ngang hàng với các triều đại phương Bắc, ở nước họ có vua thì ở nước ta cũng có “đế”, không hề thua kém.
+ Lời thơ đanh thép thể hiện ý chí quật cường, không khiếp sợ kẻ địch xâm lược của dân tộc ta.
Câu 5 (Soạn Nước Đại Việt ta): Sức thuyết phục của văn chính luận Nguyễn Trãi là ở chỗ kết hợp giữa lí lẽ và thực tiễn. Qua đoạn trích trên, hãy chứng minh.
Trả lời:
Sức thuyết phục của văn chính luận Nguyễn Trãi là ở chỗ kết hợp giữa lí lẽ và thực tiễn. Bởi ngay từ đầu đoạn trích tác giả đã lập luận và khẳng định nước Đại Việt ta là một nước có truyền thống văn hiến lâu đời, có lãnh thổ chủ quyền riêng. Và trên thực tế “Núi sông bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc Nam cũng khác”.
Bên cạnh các yếu tố văn hóa, lãnh thổ, tác giả tiếp tục lí luận để khẳng định thêm tính bền vững và đúng đắn trong chân lý của mình: “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương”. Lịch sử đã chứng minh đất nước ta có những trang sử vẻ vang với những hào kiệt sánh ngang với các triệu đại phương Bắc.
Câu 6 (Soạn Nước Đại Việt ta): Thử khái quát trình tự lập luận của đoạn trích Nước Đại Việt ta bằng một sơ đồ.
Trả lời:
II – LUYỆN TẬP
Câu hỏi
Trên có sở so sánh với bài “Sông núi nước Nam” hãy chỉ ra sự tiếp nối và phát triển của ý thức dân tộc trong đoạn trích “Nước Đại Việt ta”.
Trả lời:
+ Trong bài “Sông núi nước Nam” của Lý Thường Kiệt ý thức dân tộc được xác định ở hai phương diện đó là lãnh thổ và chủ quyền dân tộc.
+ Trong đoạn trích “Nước Đại Việt ta” tiếp nối và phát triển của ý thức dân tộc được bổ sung thêm các yếu tố như:
- Nền văn hiến lâu đời
- Phong tục tập quán
- Lịch sử các triều đại phong kiến sánh ngang với các nước phương Bắc.