Đề tài về chiến tranh, những câu chuyện về những người anh hùng thời chiến luôn là một trong những đề tài được các nhà văn khai thác triệt để. Nguồn cảm hứng đấy đã mang tới cho các nhà văn những sáng tác ấn tượng. Phân tích nhân vật Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu, độc giả sẽ được gặp một hình tượng anh hùng Tây Nguyên thật oai dũng và kiên trung.
Mở bài
Nhà văn Nguyễn Trung Thành có bút danh Nguyên Ngọc. Ông sinh năm 1932 ở Thăng Bình, Quảng Nam. Nhưng trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ và chống Pháp, nhà văn Trung Thành chủ yếu sống ở núi rừng Tây Nguyên. Nhờ sự gắn bó mật thiết với mảnh đất này nên tác giả có vốn hiểu biết sâu sắc về văn hóa, cũng như con người, thiên nhiên của Tây Nguyên. Vì vậy, rất nhiều tác phẩm thành công của nhà văn đều gắn liền với mảnh đất hồn thiêng hùng vĩ này.
Năm 1950, nhà văn Trugn Thành gia nhập Quân đội, chủ yếu hoạt động ở Tây Nguyên khi đang học trung học phổ thông. Sau thời gian chiến đấu ở đơn vị, ông làm phóng viên chiến trường với bút danh Nguyên Ngọc.
Sau đó, ông tập kết ra Bắc sau khi ký hiệp định Giơ-ne-vơ. Thời gian này, tác giả viết nhiều tiểu thuyết về những người anh hùng cùng nhân dân các dân tộc đứng lên kháng chiến chống Pháp, tiêu biểu như tác phẩm Đất nước đứng lên.
Cùng với tiểu thuyết, nhà văn cũng có nhiều truyện ngắn đặc sắc trong đó có tác phẩm Rừng xà nu. Tác phẩm này mang đậm phong cách sáng tác theo lối sử thi núi rừng Tây Nguyên của tác giả. Ở truyện này, độc giả cảm nhận được chất thơ hòa quyện với sự hùng tráng, oai phong của núi rừng cùng sự bất khuất, kiên trung của con người Tây Nguyên. Phân tích nhân vật Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu độc giả sẽ thấy được đây là nhân vật trung tâm, là người anh hùng kết tinh vẻ đẹp của cả cộng đồng Tây Nguyên trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước.
Thân bài
Luận điểm 1: Xuất thân và hoàn cảnh của Tnú
Theo giới thiệu của nhà văn Nguyên Ngọc, Tnú sinh ra đã là đứa trẻ mồ côi. Cha mẹ của Tnú mất sớm. May thay, Tnú được lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc, của dân làng Xô Man. Có thể nói, Tnú là đứa con chung của cộng đồng làng Xô Man nên ở anh hội tụ tất cả mọi nét đẹp cộng đồng. “Nó đấy! Nó là người Strá mình. Cha mẹ nó chết sớm, làng Xô Man này nuôi nó. Đời nó khổ, nhưng bụng nó sạch như nước suối làng ta”.
Luận điểm 2: Tnú là một cậu bé dũng cảm, kiên cường
Phân tích nhân vật Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu, độc giả có thể thấy ngay từ lúc còn nhỏ, Tnú đã tỏ ra là một cậu bé vô cùng gan dạ. Cậu sớm có ý thức về lòng yêu nước, yêu quê hương nên đã giác ngộ lý tưởng Cách mạng. Cậu biết việc đi nuôi giấu cán bộ Cách mạng cực kỳ nguy hiểm nhưng vẫn xung phong đi làm. Cậu không hề sợ khi biết rằng trước đó đã có nhiều người như anh Sút, bà Nhan bị sát hại thảm thương sau khi đi làm nhiệm vụ Cách mạng. “Lúc đầu thanh niên đi nuôi và gác cho cán bộ, thằng Mỹ – Diệm biết được, nó bắt thanh niên. Nó treo cổ anh Xút lên cây vả đầu làng. – Ai nuôi cộng sản thì coi đó!
Rồi nó cấm thanh niên đi rừng. Bà già ông già thay thanh niên đi nuôi cán bộ. Nó lại biết được. Nó giết bà già Nhan, chặt đầu cột tóc treo đầu súng”. “Sau cùng đến lũ trẻ thay ông già, bà già. Trong đám đó, hăng nhất có Tnú và Mai. Hễ Tnú đi rẫy thì Mai đi với cán bộ. Hễ Mai ở nhà giữ con Dít cho mẹ thì Tnú đi. Cũng có bữa cả hai đứa cùng đi”. Khi được cán bộ hỏi có sợ không thì Tnú khẳng khái đáp rằng “Cán bộ là Đảng. Đảng còn, núi nước này còn”.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, mặc dù học chữ thua Mai, xấu hổ lắm nhưng khi anh Quyết nói, Tnú đã cầm đá đập vào đầu mình để nêu cao quyết tâm. Cậu ý thức sâu sắc về công việc của mình và cố gắng học thật tốt. Mặc dù học chữ không được nhanh nhưng Tnú đi rừng lại rất nhanh nhẹn, thông minh và rất tháo vát. Khi bị giặc bắt, Tnú không hề run sợ mà còn chỉ tay vào bụng mình nói “cộng sản đây này”. Dù còn nhỏ nhưng dù bị tra tấn đau đớn, Tnú vẫn kiên cường, không hề hé lộ bí mật của Cách mạng mà vẫn luôn trung thành với Đảng. “Khi chúng nó lại dẫn Tnú đi, Mai ôm nó khóc nức nở. Nó nói như giận dữ: – Khóc chi! Đừng! Mai học phải cho giỏi. Tui chết, Mai phải làm cán bộ…”
Luận điểm 3: Tnú là chàng trai trung thành tuyệt đối với Cách mạng
Sau 3 năm bị bắt giam, Tnú đã tìm cách vượt ngục trở về. Lúc này anh cán bộ Quyết đã hy sinh. Nghe theo lời dặn dò và niềm tin tưởng của anh cùng Cách mạng, Tnú đã dũng cảm thay anh lãnh đạo dân làng Xô Man cùng chuẩn bị vũ khí đánh giặc. “Tnú đọc giấy anh Quyết rồi cả làng đốt đuốc xà nu, theo cụ Mết, đi dưới mưa đêm càng khuya càng nặng hạt, vào rừng lấy giáo, mác, vụ rựa, đã giấu kỹ từ ngày được thư anh Quyết. Tnú đi ba ngày lên núi Ngọc Linh nhưng không mang về một xà-lét đá trắng làm phấn như ba năm trước. Anh mang về một gùi nặng đá mài. Núi Ngọc Linh, trên ngọn của nó, có một mỏ đá mài đủ dùng cho một trăm cuộc khởi nghĩa. Đêm đêm làng Xô Man thức, mài vũ khí. Ban ngày thì theo cụ Mết đi phát hết các rẫy cũ, trồng phomchu và sắn, xanh mượt cả núi rừng…”
Phân tích nhân vật Tnú, độc giả không khỏi ấn tượng với sự trung thành tuyệt đối của nhân vật với Cách mạng, với lý tưởng của Đảng. Bị bắt lần thứ hai, bị tra tấn dã man, bị thiêu đốt 10 đầu ngón tay như ngọn đuốc sống, nhưng Tnú không hề kêu than “người cộng sản không hề kêu van”, không khóc lóc, không run sợ mà ngược lại còn “trợn mắt nhìn thằng Dục”, đầy thách thức. Sau ngày vợ con bị giết hại, thay vì bi quan lo sợ, Tnú lại gia nhập lực lượng giải phóng quân để quyết tâm trả thù cho gia đình, cho dân làng. Mặc dù là một chiến sĩ lập được nhiều chiến công, được thưởng bằng một ngày phép về thăm làng nhưng anh không hề tỏ ra thất vọng, buồn bực mà chấp hành quy định của Cách mạng, của Đảng đầy đủ. Luận điểm 4: Tnú chàng trai có trái tim yêu gia đình và quê hương tha thiết.
Là một chàng trai hết sức gan dạ, dũng cảm trước lũ xâm lược tàn ác. Nhưng trong trái tim chàng trai ấy vẫn chan chứa tình yêu thương với gia đình, quê hương. Dường như đứng trước người thân, Tnú như biến thành một người con ngoan ngoãn, dịu hiền. Bởi thế, khi đi lính anh chưa bao giờ nguôi nỗi nhớ dân làng Xô Man. Dù chỉ được về một đêm, nhưng anh vẫn quyết tâm băng rừng lội sối, vượt mọi hiểm nguy để trở về.
Tnú là không chỉ yêu quê hương tha thiết mà còn là người chồng, người cha hết mực yêu vợ con. Khi chứng chiến cảnh vợ con bị tra tấn, anh không chịu được. Ánh mắt như rực lửa, trái tim như quặn thắt rồi lao ra cứu giữa vòng vây của địch. Tnú lao ra cứu, anh dang hai cánh tay ôm lấy vợ con, thế nhưng một mình anh không thể chống lại được một đám linh đông đặc cùng vũ khí tối tân. “Một tiếng thét dữ dội. Chỉ thấy thằng lính giặc to béo nằm ngửa ra giữa sân, thằng Dục tháo chạy vào nhà ưng. Tiếng lên đạn lách cách quanh anh. Rồi Mai ôm đứa con chúi vào ngực anh. Hai cánh tay rộng lớn như hai cánh lim chắc của anh ôm chặt lấy mẹ con Mai”.
Luận điểm 4: Hình tượng nhân vật Tnú hiện ra qua đôi bàn tay
Phân tích nhân vật Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu, chúng ta không thể không nhắc tới đôi bàn tay yêu thương mà anh Quyết đã nắm lấy tay Tnú. Hình ảnh đôi bàn tay yêu thương mà Mai đã nắm lấy Tnú khi anh vượt ngục trở về,…
Cùng với đó là bàn tay đầy đau thương khi Tnú phải chứng kiến cảnh vợ con chết, và bị kẻ thù tra tấn dã man. “Một ngón tay Tnú bốc cháy. Hai ngón, ba ngón. Không có gì đượm bằng nhựa xà nu. Lửa bắt rất nhanh. Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc”. Bàn tay đó cũng là bàn tay minh chứng cho lòng căm hận lũ bán nước và cướp nước. Hình tượng bàn tay ấy cũng chính là tinh thân của dân làng Xô Man khi tham gia Cách mạng chống giặc “chúng nó đã cầm súng mình phải cầm giáo”
Kết bài
Quá trình phân tích nhân vật Tnú trong tác phẩm Rừng xa nu, có thể thấy đây là một nhân vật anh hùng điển hình. Mặc dù Tnú có số phận bi thương nhưng anh đã vượt qua điều đó để hy sinh, chiến đấu, bảo vệ hạnh phúc của gia đình, quê hương và cộng đồng.
Để khắc họa thành công hình tượng nhân vật Tnú, nhà văn Nguyên Ngọc đã xây dựng bằng các bút pháp nghệ thuật đặc sắc như lý tưởng hóa, sử thi cùng với cách kết cấu truyện đan xen giữa hiện tại và quá khứ… Tất cả đã tạo nên một nhân vật Tnú vô cùng hùng tráng và kiên trung, bất khuất. Ở anh, độc giả thấy kết tinh vẻ đẹp hoang dã, khỏe mạnh, rắn rỏi bí hiểm của núi rừng Tây Nguyên.
Bên cạnh việc khắc họa thành công nhân vật Tnú, tác giả Nguyên Ngọc còn gửi gắm qua tác phẩm một tình yêu và niềm tự hào về vùng đất Tây Nguyên linh thiêng mà anh hùng. Tác phẩm Rừng xa nu thực sự là một khúc sử thi bi tráng, ngợi ca vẻ đẹp của đất và người Tây Nguyên trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ. Đồng thời qua đó, tác giả cũng lên án tố cáo tội ác dã man của lũ bán nước và cướp nước.