Tình yêu luôn là một trong những nguồn cảm hứng sáng tác vô tận của các nhà thơ, nhà văn. Mỗi tác phẩm đều để lại trong lòng người đọc những xúc cảm xốn xang và rạo rực. Phân tích bài thơ Tôi yêu em của tác gia Puskin chúng ta sẽ cảm nhận rõ hơn điều đó!
Phần mở bài chi tiết phân tích Tôi yêu em
Để phân tích bài thơ Tôi yêu em được sâu sắc, trước hết chúng ta cần khái quát qua về tác giả Puskin. Ông là một nhà thơ của tình yêu và sự tự do. Puskin được mệnh danh là “mặt trời của thơ ca Nga”. Bởi độc giả có thể tìm thấy trong thơ ông một tâm hồn Nga thuần khiết, đôn hậu và trong sáng. Ông đã góp phần quan trọng trong việc đưa văn học Nga lên đỉnh cao của sự phát triển toàn diện. Puskin không chỉ nối tiếp những tinh hoa của văn học Nga truyền thống mà còn phát triển và hoàn thiện nó một cách hoàn mĩ.
Ông đã để lại cho nhân loại một sự nghiệp sáng tác văn chương phong phú và đa dạng. Trong đó, thơ trữ tình của Puskin chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong kho tàng thơ ca Nga. Nhà thơ Puskin đã có hơn 800 bài thơ có giá trị. Mặc dù ông cũng có những tác phẩm văn xuôi và kịch nhưng ông vẫn chung thủy với thơ nhất. 4 chủ đề chính trong thơ ông đó là: 1. Chủ đề phê phán chế độ chuyên chế Nga hoàng, 2. Chủ đề ca ngợi tự do, 3. Chủ đề thiên nhiên, 4. Chủ đề tình yêu.
Trong chủ đề tình yêu, thì bài thơ “Tôi yêu em” là tác phẩm kinh điển và gây được ấn tượng mạnh với người đọc nhất.
Я вас любил
Я вас любил: любовь еще, быть может,
В душе моей угасла не совсем;
Но пусть она вас больше не тревожит;
Я не хочу печалить вас ничем.
Я вас любил безмолвно, безнадежно,
То робостью, то ревностью томим;
Я вас любил так искренно, так нежно,
Как дай вам бог любимой быть другим.
Dịch thơ:
Tôi yêu em: đến nay chừng có thể.
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai;
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa,
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài.
Tôi yêu em âm thầm không hy vọng,
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen,
Tôi yêu em, yêu chân thành đằm thắm,
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.
Phần chi tiết thân bài
Luận điểm 1: Hai câu thơ đầu tiên
Không hề e dè ngại ngùng, ngay câu đầu tác phẩm, nhà thơ đã thổ lộ ngay tình cảm của mình dành cho nhân vật “em”.
“Tôi yêu em: đến nay chừng có thể.
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai”
Lời thơ chính là tiếng nói xúc cảm, đầy tình cảm và cũng vừa là lời giãi bày, thú nhận lòng mình. Đó là tình yêu của nhân vật “tôi” dành cho nhân vật “em” vẫn chưa bao giờ lụi tắt, tàn phai. Ở đây, chúng ta có thể thấy, nhân vật trữ tình đã nói rõ tình yêu ấy là từ “tôi”. “Tôi yêu em”, tình yêu ấy xuất phát từ người con trai chứ không phải là em và giờ vẫn chưa tắt. Dường như tình yêu ấy là tình yêu đơn phương đến từ một phía. Tình yêu ấy đã kéo dài từ lâu và đến nay vẫn thế. Nó là thứ tình yêu xuất phát từ trái tim chân thành, trong sáng và vô cùng rạo rực nồng nàn. Đặc biệt, nhà thơ sử dụng cách dùng động từ ở thì hiện tại hoàn thành, giúp câu ca, ý thơ như mới dịch chuyển. Nhấn mạnh hơn ngọn lửa tình ấy không chỉ có trong quá khứ, đang hiện diện ở hiện tại mà sẽ còn tiếp tục diễn ra ở tương lai. Quả thực, nhìn vẻ ngoài hai câu thơ là một lời tự sự đầy cảm xúc nhưng thực ra đó là một lời tâm sự bộc bạch, tỏ bày của một trái tim đang nồng cháy tình yêu say đắm.
Luận điểm 2: hai câu thơ tiếp theo
Phân tích bài thơ Tôi yêu em, độc giả cảm nhận được tấm chân tình của người con trai. Dù rằng rất yêu em. Yêu từ trước kia cho đến mai sau. Dù tình yêu ấy không được đáp lại nhưng người con trai không hề than phiền hay hờn trách. Ngược lại, nhân vật “tôi” trữ tình còn rộng lượng suy nghĩ cho người con gái. Người con trai không nỡ lòng để cho người mình yêu phải bận tâm, hay tâm hồn phải u buồn.
“Nhưng không để em bận lòng thêm nữa,
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài”.
Có thể nói, đây là tiếng nói lý trí của nhân vật “tôi”. Nếu bên trên là tình yêu nồng cháy từ người con trai rất đê mê thì hai câu sau, lại hướng về nhân vật “em”. Người con trai không xót thương cho mối tình của mình mà cao cả nhận ra, tình yêu ấy không đem lại niềm vui, hạnh phúc cho người con gái. Từ “nhưng” xuất hiện xua tan đi mạch cảm xúc yêu đương đang trào dâng trong trái tim của người con trai. Để rồi nhân vật trữ tình “tôi” buộc phải dùng lý trí để chế ngự, kìm nén tình cảm đang da diết của mình. Cụ từ “không…nữa” ở đây thể hiện sự quyết tâm của nhà thơ khi dập tắt ngọn lửa tình để đánh đổi lại sự thanh thản, vui vẻ trong tâm hồn của “em”. Có thể nói, hai câu thơ thứ hai đã bộc lộ sự điềm tĩnh đầy lý trí của nhân vật trữ tình. Đó cũng chính là tiếng nói đẹp đẽ tận thẳm sâu trong tình yêu đơn phương. Đó là thứ tình yêu dù không được đáp đền nhưng người đem lòng yêu đơn phương ai đó vẫn muốn vùi lấp nó lại để đem đến niềm vui cho người con gái. Điều đó có nghĩa không phải tôi không yêu em, mà khẳng định mạnh mẽ hơn tình yêu cháy bỏng người con trai dành cho người mình yêu. Có thể nhận thấy, bốn câu thơ đầu là sự giằng xé giữa tình cảm và lý trí. Một bên là tình yêu cháy bóng muốn bộc lộ ra, một bên là chôn vùi đi để em được hạnh phúc. Tưởng chừng mâu thuẫn nhưng thực chất là liền một mạch. Đó là mạch chảy cảm xúc của tình yêu chân thành, mãnh liệt. Là thái độ trân trọng, dịu dàng với tình yêu của tác giả, của nhân vật “tôi”.
Luận điểm 3: hai câu thơ tiếp
Hai câu thơ tiếp theo càng bộc lộ rõ hơn thứ tình yêu đơn phương trong sáng, da diết mà chân thành của người con trai. Mặc dù “âm thầm không hy vọng” được đáp lại nhưng tình yêu tôi dành cho em vẫn căng đầy xúc cảm của một trái tim yêu. Đó là vẫn có chút rụt rè, ngại ngùng, có lúc lại hậm hực có khi lại đầy ghen tuông. Đó là những xúc cảm rất con người, rất trần tục, mà bất kỳ trái tim đang yêu nào cũng trải qua, gặp phải.
“Tôi yêu em âm thầm không hy vọng,
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen”
Đây là những câu thơ mang tính hướng nội. Nó không chỉ bộc lộ nỗi lòng của tác giả mà còn nhấn mạnh nỗi đau khổ, dày vò trong tâm khảm. Một tình yêu không thể bày tỏ, có những xúc cảm thật nhưng lại không thể tâm sự cùng ai. Thật là một tình yêu vừa chân thành, vừa đau đớn. Có thể nói, dù lí trí đã dặn lòng phải quên em đi, phải vùi lấp tình cảm ấy lại. Thế nhưng, trái tim lại cứ cất lên giai điệu ngược lại. Đó là dù thế nào “tôi” vẫn âm thầm yêu em. Tôi vẫn cảm thấy vui với cảm xúc ghen tuông, rụt rè, hậm hực mà khi đơn phương yêu em mang lại. Thật là một trái tim yêu quá da diết và mãnh liệt
Luận điểm 4: hai câu cuối
Sau bao lần đấu tranh giữa tình cảm và lý trí, cuối cùng, người con trai đã hướng đến người con gái với một lời nhắn nhủ vô cùng bất ngờ:
“Tôi yêu em, yêu chân thành đằm thắm
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”.
Nêu câu thơ trên khẳng định lại một lần nữa tình yêu của người con trai là chân thành, là đằm thắm thì câu thơ cuối là lời chúc ngọt ngào đầy sự vị tha và cao thượng. Phân tích bài thơ Tôi yêu em đến đây, độc giả có thể thấy chủ thể trữ tình đã vượt lên cảm xúc cá nhân của bản thân. Để rồi mang tới một cách ứng xử đầy nhân văn và văn hóa trong tình người, tình yêu đó là mong muốn cho người mình yêu thương được hạnh phúc và được yêu đúng nghĩa. Nghe thật khó tin khi ai đó lại chúc cho người mình yêu có thể gặp được người tình yêu như mình yêu cô ấy. Thế nhưng, đó mới chính là tình yêu đích thực. Bởi trên thế giới này, có phải ai yêu nhau cũng đến được với nhau, và ai yêu đều được đáp lại cả. Vì thế, suy nghĩa được tích cực trong tình yêu như vậy thực sự không hề dễ dàng. Mặc dù lời chúc ấy dường như mang hơi hướng, dáng dấp của một lời dã từ tình yêu chân thanh ấy. Nhưng ẩn sâu bên trong đó, độc giả vẫn cảm nhận được niềm kiêu hãnh, sự hãnh diện của nhân vật tôi khi khẳng định rằng có lẽ sẽ chẳng ai trên đời này yêu em như tôi đã yêu. Lời tạm biệt nhưng cũng chính là thời bày tỏ và lời khẳng định chắc nịch: “Tôi yêu em”.
Luận điểm 5: Giá trị nội dung và nghệ thuật
Phân tích bài thơ Tôi yêu em, không thể không nhắc tới giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
Có thể nói, đây là một bài thơ tình kinh điển, rất được độc giả trên khắp thể giới yêu thích và sử dụng. Tác phẩm thấm đượm một tình yêu đơn phương vô vọng nhưng vẫn bộc lộ rõ vẻ đẹp của một tình yêu cao thương, đầy sự vị tha. Bài thơ không có những hình ảnh, câu từ diễm lệ, cầu kỳ. Cũng như không biến hóa, ẩn mình dưới những lớp biện pháp tu từ. Nhưng nó vẫn có sức hút ghê gớm từ sự giản dị trong sáng của câu từ. Mỗi câu, mỗi ý đều như lời tâm sự chân thành tận sâu trong tâm hồn của một trái tim đang yêu say đắm.
Phần kết bài phân tích bài thơ Tôi yêu em
Phân tích bài thơ Tôi yêu em để thấy rằng, tình yêu thật đẹp đẽ. Đúng như nhà thơ Xuân Diệu đã từng nói: “Làm sao sống được mà không yêu/ Không nhớ, không thương một kẻ nào?”. Thì ở đây, với nhà thơ Puskin, dù tình yêu ấy vô vọng nhưng nhà thơ vẫn dành cho người mình yêu thứ tình cảm thiêng liêng cao quý. Đó là thứ tình cảm vượt ngoài cá nhân, mong muốn người mình yêu được hạnh phúc.