Thơ ca luôn là một sân chơi để các thi sĩ thỏa trí tưởng tượng. Mọi sự vận chuyển trong đời sống đều khơi nguồn cảm hứng cho họ tạo nên những áng văn chương bất hủ. Phân tích bài Hầu trời của Tản Đà, các bạn sẽ hiểu và cảm nhận rõ hơn về tài năng sử dụng ngôn ngữ và trí tưởng tượng phong phú của các thi nhân.
Chi tiết mở bài phân tích bài Hầu trời
Trước khi đi vào phân tích bài Hầu trời của Tản Đà, các bạn cần giới thiệu khái quát về nhà thờ Tản Đà và nội dung bài thơ Hầu trời.
Nhà thơ Tản Đà sinh năm 1889 và mất năm 1939. Ông tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu. Quê ông ở làng Khê Thượng, xã Sơn Đà (Ba Vì, Hà Nội). Tác giả Tản Đà không chỉ là một nhà thơ, nhà văn mà còn là một nhà soạn kịch nổi tiếng trong văn học của Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20. Theo sử sách ghi lại thì sở dĩ ông lấy bút danh Tản Đà bởi ông kết hợp chữ “Tản” trong núi Tản Viên và chữ “Đà” trong sông Đà ở quê hương ông. Sinh ra trong gia đình làm quan, vì thế, từ nhỏ nhà thơ Tản Đà đã được gia đình giáo dục theo lối sống khoa cử và tư tưởng Nho giáo. Tác giả Tản Đà là một người học rất giỏi. Ông rất thích văn chương và cũng rất thông thạo văn chương lúc bấy giờ. Năm 15 tuổi, ông đã nổi tiếng là thần đồng của tỉnh Sơn Tây. Khi trưởng thành, tác giả đã có nhiều sáng tác được đánh giá cao và có tầm ảnh hưởng lớn. Nhà thơ Tản Đà được độc giả biết đến với những sáng tác cá tính, mang tư tưởng tiến bộ và những tứ thơ lãng mạn. Do vậy, ông được mọi người cho rằng là một trong những người đặt nền mòng cho sự ra đời của phong trào thơ mới.
Ngoài những tác phẩm như Tống biệt, Liêu trai chí dị, Thề non nước, nhà thơ Tản Đà còn được biết đến thông qua bài thơ Hầu trời. Đây là bài thơ được trích từ tập “Còn chơi”. Qua Hầu trời, Tản Đà đã thể hiện cái tôi ngông của bản thân. Đồng thời, ông cũng thể hiện nỗi ngậm ngùi về cảnh ngộ của mình và những văn nghệ sĩ đương thời nói chung lúc bấy giờ.
Để hiểu hơn về tác phẩm, các bạn cần phân tích bài Hầu trời với những luận điểm luận cứ rõ ràng.
Chi tiết phần thân bài phân tích bài Hầu trời của Tản Đà
Luận điểm 1: Tâm trạng nhà thơ trước khi gặp tiên
Theo thi nhân chia sẻ thì sự kiện hầu trời diễn ra vào canh ba của một đêm trăng sáng. Lúc đó, rõ ràng thi nhân không hề mộng mị, không hề mộng du hay hoảng hốt vì ác mộng. Mà lúc đó, tác giả đang nằm vắt chân chữ ngũ, dưới ánh đèn xanh. Nằm buồn chán xong ông còn đi đun nước uống rồi ngâm văn thơ. Ngâm chán ông lại ra sân chơi trăng. Rõ ràng, lúc này nhà thơ đang rất tỉnh táo, chỉ là tâm trạng đang nhiều băn khoăn trăn trở nên khó ngủ và nhiều nghĩ ngợi.
“Đêm qua chẳng biết có hay không,
Chẳng phải hoảng hốt, không mơ mòng.
Thật hồn! Thật phách! Thật thân thế!
Thật được lên tiên – sướng lạ lùng.
Nguyên lúc canh ba nằm một mình,
Vắt chân dưới bóng ngọn đèn xanh.
Nằm buồn, ngồi dậy đun nước uống,
Uống xong ấm nước, nằm ngâm văn.
Chơi văn ngâm chán lại chơi trăng
Ra sân cùng bóng đi tung tăng…”
Qua hình ảnh “vắt chân”, “chơi văn”, tung tăng cùng bóng trăng có thể thấy tâm thế ngông nghênh của tác giả. Nhà thơ dường như đang trăn trở, bức bách điều gì đó nhưng lại không thể giả bày cùng ai. Để rồi khi có cơ hội được lên trời, nhà thơ liền đồng ý đi ngay.
Không những thế, qua lời nói của hai nàng tiên, có thể thấy tiếng lòng của thi nhân đã âm vang lên tận cả trời xanh. Để rồi khi ngâm thơ văn, mà tiếng thơ vang cả ngân hà, khiến trời không ngủ được, đang tức giận và mắng rồi đòi người đang ngâm thơ đó phải lên trời hầu.
“Trời nghe hạ giới ai ngâm nga,
Tiếng ngâm vang cả sông Ngân Hà!
Làm Trời mất ngủ, Trời đương mắng
Có hay lên đọc, Trời nghe qua”
Luận điểm 2: Cảnh thi nhân đọc thơ cho nhà trời và chư tiên nghe
Phân tích bài Hầu trời của Tản Đà đến phần này, độc giả nhận thấy thái độ của nhà thơ khi ngâm văn chương cho nhà trời và chư tiên nghe rất sảng khoái, hứng khởi và có phần tự đắc. Sau khi làm lễ nghi cúi lạy nhà trời, nhà thơ bắt đầu ngâm thơ.
“Đọc hết văn vần lại văn xuôi
Hết văn thuyết lý lại văn chơi
Đương cơn đắc ý đọc đã thích
Chè trời nhấp giọng càng tốt hơi”.
4 câu thơ vẽ ra cảnh tượng một nhà thơ đang ngâm thơ của mình một cách say sưa, ngâm như chưa bao giờ được ngâm với rất nhiều thể loại thơ ca. Nhất là khi có thêm nước chè trời thì giọng ngâm càng tốt hơi hơn. Cứ như càng đọc càng thấy mê thích vậy. Cái thú ngâm thơ ca và sự say mê của nhà thơ như truyền sang cả nhà trời và chư tiên. Để rồi:
“Văn dài hơi tốt ran cung mây!
Trời nghe, Trời cũng lấy làm hay,
Tâm như nở dạ, Cơ lè lưỡi
Hằng Nga, Chức Nữ chau đôi mày
Song Thành, Tiểu Ngọc lắng tai đứng
Đọc xong mỗi bài cũng vỗ tay”.
Tiếng ngâm của nhà thơ ngân vang râm ran cả cung mây. Trời khen hay nên càng khiến tâm tư của nhà thơ thêm nở mày nở mặt. Không chỉ đọc không, thi nhân còn dành thời giạn giới thiệu chi tiết, tường tận về những tác phẩm độc đáo của mình. Dường như nhà thơ muốn người nghe không chỉ nghe thơ mà còn phải hiểu thơ ông như thế nào.
“Bẩm con không dám man cửa Trời
Những áng văn con in cả rồi
Hai quyển Khối tình văn thuyết lý
Hai Khối tình con là văn chơi
Thần tiền, Giấc mộng văn tiểu thuyết
Đài gương, Lên sáu văn vị đời
Quyển Đàn bà Tàu lối văn dịch
Đến quyển Lên tám nay là mười
Nhờ Trời văn con còn bán được
Chử biết con in ra mấy mươi?”
Qua những dòng thơ trên có thể thấy, nhà thơ rất có ý thức và thấu hiểu về tài năng văn thơ của mình. Ông cũng là người tự tin, mạnh bạo, dám hiên ngang bộc lộ cái tôi cá nhân của mình trước nhà trời và chư tiên. Trời và chư tiên là những con người có mọi phép thần thông quảng đại, có thể hô mưa gọi gió, thế nhưng Tản Đà cũng không hề sợ hay cảm thấy thua kém. Ngược lại ông rất ngông nghênh để tìm đến nhà trời để khẳng định tài năng của bản thân. Việc được mọi người công nhận tài năng là niềm khao khát trong tâm hồn của mỗi người thi sĩ.
Nếu như thái độ của người đọc là rất hào hứng, say mê có chút gì đó tự cao, đắc ý thì thái độ người nghe cũng rất chăm chú, thể hiện sự ngưỡng mộ tài năng của tác giả Tản Đà. Nhà trời khen ngợi: “Văn đã giàu thay, lại lắm lối/ Trời nghe Trời cũng bật buồn cười!”, “Trời lại phê cho: “Văn thật tuyệt!”/ Văn trần được thế chắc có ít!/ Nhời văn chuốt đẹp như sao băng!/ Khí văn hùng mạnh như mây chuyển!/ Êm như gió thoảng! Tinh như sương!/ Đầm như mưa sa, lạnh như tuyết!”. Không chỉ là chăm chú nghe, nhà trời còn chỉ ra vẻ đẹp trong ngôn từ của văn chương Tản Đà. Nhà trời còn khẳng định văn như vậy ở trần thế rất hiếm. Như thế có thể thấy, tài năng của thi nhân thật sự là rất cao và đáng ca ngợi.
Bên cạnh sự yêu mến của nhà trời, còn là thái độ thán phục của chư tiên. Ai nấy đều vỗ tay tán thưởng. Không những thế còn “Chư tiên ao ước tranh nhau dặn: “Anh gánh lên đây bán chợ Trời!”. Qua đây, có thể thấy cả đoạn thơ cảu bài Hầu trời đều mang đậm chất lãng mạn. Đồng thời còn thể hiện tâm tư muốn được thoát li khỏi trần gian còn nhiều rối ren của tác giả Tản Đà.
Luận điểm 3: Cuộc đối thoại giữa nhà thơ và nhà trời
Sau khi được nhà trời dò tên trong sổ Nam Tào, nhà thơ không ngần ngại kể về cuộc sống và hoàn cảnh của mình. Nhà thơ bảo, trong văn chương việc để tên họ như vậy trong tác phẩm là cách khẳng định cái tôi riêng. Mặc dù là một văn sỹ, nhưng nhà thơ lại có một cuộc sống túng thiếu, nghèo khổ. Thân phận thi nhân chốn dương gian thường bị coi thường và rất rẻ rúng. Người đời không xem trọng thơ ca vì thế, nhà thơ rất khó để tìm thấy được những người tri âm tri kỷ. Do đó, thi nhân ao ước được lên coi trời để ngâm thơ ca để thỏa ước mong được sẻ chia với nhà trời.
“Bẩm Trời, cảnh con thực nghèo khó
Trần gian thước đất cũng không có
Nhờ Trời năm xưa học ít nhiều
Vốn liếng còn một bụng văn đó.
Giấy người mực người thuê người in
Mướn cửa hàng người bán phường phố.
Văn chương hạ giới rẻ như bèo
Kiếm được đồng lãi thực rất khó…”
Qua lời kể của tác giả, chúng ta phần nào thấy được hiện thực đời sống của người giới văn nghệ sĩ trong xã hội thời bấy giờ. Đó là một cuộc sống tù túng, không được coi trọng, cơ cực, kiếm tiền rất khó và làm chẳng đủ ăn.
Luận điểm 3: Khát vọng và trách nhiệm của nhà thơ
“Trời rằng: “Không phải là Trời đày,
Trời định sai con một việc này
Là việc “thiên lương” của nhân loại,
Cho con xuống thuật cùng đời hay.”
Phân tích bài Hầu trời của Tản Đà đến phần này, độc giả vẫn cảm nhận được nhà thơ chứ thỏa trí tưởng tượng theo hơi hướng lãng mạn chứ không hoàn toàn thoát li khỏi hiện thực cuộc sống. Qua lời nói của trời, mà cũng chính là lời của tác giả có thể thấy, thiên chức của nhà thơ là xuống trần gian làm việc “thiên lương”. Nhà thơ hiểu rằng, dù khó khăn về cuộc sống như ông sinh ra vẫn có nghĩa vụ và trách nhiệm là đem lại cho đời niềm vui và hạnh phúc.
Phần kết bài chi tiết
Qua việc phân tích bài Hầu trời của Tản Đà, chúng ta có thể thấy đây là một bài thơ theo dạng thơ truyện rất thú vị. Là một cuộc gặp gỡ đối thoại giữa thi sĩ và nhà trời vô cùng độc đáo và sáng tạo. Bài thơ thể hiện cái “ngông” đầy cá tính của nhà thơ Tản Đà, thể hiện tâm hồn lãng mạn, trí tưởng tượng phong phú của tác giả. Đồng thời, qua bài thơ, thi nhân đã phản ánh hiện thực đời sống của các văn nghệ sĩ thời bấy giờ cũng như niềm khao khát khẳng định mình và được gánh vác việc đời.