Mùa Xuân là đề tài được nhắc đến rất nhiều trong thơ ca. Đây cũng là hoàn cảnh mang đến nhiều cảm xúc cho các nhà thơ, nhà văn. Mùa xuân hiện lên vô cùng đẹp đẽ nhưng trong mỗi tác phẩm lại có nét riêng. Phân tích Cảnh Ngày Xuân trong Truyện Kiều, chúng ta sẽ cảm nhận được một sự khác biệt rõ nét hơn về cảnh vật và cả con người. 

Bài mẫu phân tích Cảnh Ngày Xuân chi tiết

Nguyễn Du là nhà thơ lớn của Việt Nam sinh năm 1766 và mất năm 1820. Ông là tác giả lớn đóng góp rất nhiều cho nền văn học Việt Nam. Trong đó, Truyện Kiều là tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Du viết bằng chữ Nôm. Đây được xem như tác phẩm để đời và mang tên tuổi của ông vang xa hơn. 

Cảnh ngày xuân là phần sau khi mô tả tài sắc của chị em Thúy Kiều, Thúy Vân. Nội dung chính của đoạn trích là cảnh ngày Xuân trong tiết Thanh minh và cảnh du xuân của hai chị em. Để thấy được vẻ đẹp của phong cảnh nơi đây qua ngòi bút của Nguyễn Du, chúng ta hãy cùng đi chi tiết vào nội dung của đoạn trích. 

  • Luận điểm 1: Khung cảnh thiên nhiên hiện lên vô cùng sinh động 

“Ngày xuân con én đưa thoi

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi

Cỏ non xanh tận chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”

Bốn câu thơ mở đầu mặc dù tả ít nhưng gợi lên rất nhiều điều. Đọc nó, chúng ta sẽ tưởng tượng được bức tranh thiên nhiên vô cùng đẹp đẽ và giàu sức sống. Ngày xuân đến gắn liền với hình ảnh chim Én. Thấm thoát thời gian trôi qua nhanh như đưa thoi. Mùa xuân thường rơi vào 3 tháng tức là 90 ngày. Thế nhưng, hiện tại “đã ngoài sáu mươi” có nghĩa là đã qua tháng giêng. 

Cảnh mùa Xuân tươi đẹp với cánh Én lượn bay
Cảnh mùa Xuân tươi đẹp với cánh Én lượn bay

Trên nền trời cao của mùa xuân ấy thì có chim Én. Dưới mặt đất thì được tô điểm bằng những thềm cỏ xanh mênh mông, bất tận. Từ “tận” nghe như không có nghĩa nhưng lại gợi lên không gian rộng mở. Nền cỏ xanh ấy lại được điểm tô bằng những bông hoa lê vô cùng ấn tượng. 

Chỉ với 4 câu thơ thế nhưng mùa xuân lại hiện lên vô cùng đẹp đẽ mang nét riêng. Cùng với đó là sự mới mẻ và tinh khôi của khí trời. Tất cả khung cảnh ấy sẽ khiến cho con người cảm thấy vui tươi hơn. 

  • Luận điểm 2: Cảnh lễ hội trong tiết Thanh Minh được mô tả vô cùng rộn ràng 

“Thanh minh trong tiết tháng ba

Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”

Tảo mộ là nét đẹp văn hóa của người Việt vào dịp Tết. Đây là hành động thể hiện sự biết ơn, tưởng nhớ đến tổ tiên. Sau khi kết thúc tảo mộ thì mọi người sẽ được gặp nhau trong lễ hội đạp thanh. Nhờ có lễ hội này mà không khí mùa xuân trở nên nhộn nhịp hơn. 

“Gần xa nô nức yến anh 

Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân

Dập dìu tài tử giai nhân

Ngựa xe như nước áo quần như nêm”

Những từ ghép được kết hợp cùng từ láy tạo nên khung cảnh hết sức động vui. Hình ảnh “nô nức yến anh” đã gợi lên cho người đọc một cảnh tượng tình tứ của những đôi chim Én, chim Oanh. “Ngựa xe như nước, áo quần như nêm” là cụm từ được tác giả sử dụng để miêu tả sự rộn ràng của người đi trẩy hội. Đoàn người chen chúc nhau để được tận hưởng không khí rộn ràng của mùa xuân ấy. Nam thanh, nữ tú ai cũng duyên dáng và xinh đẹp góp phần tạo nên lễ hội vui vẻ và nhộn nhịp hơn. 

“Ngổn ngang gò đống kéo lên 

Thoi vàng vo rắc tro tiền giấy bay”

Giữa khung cảnh náo nhiệt ấy, tác giả đưa vào hai câu thơ với khoảng lặng nhẹ nhàng. Lễ đạp thanh thì rộn rã như lễ Tảo mộ lại có chút buồn. Những “thoi vàng”, “vàng mã” hiện diện để thể hiện tình nghĩa thủy chung, uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. 

  • Luận điểm 3: Chị em Thúy Kiều du xuân và trở về cùng tâm trạng xao xuyến

“Tà tà bóng ngả về tây

Chị em thơ thẩn dan tay ra về 

Bước dần theo ngọn tiểu khê

Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh

Nao nao dòng nước uốn quanh

Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang”

Chị em Thúy Kiều trở về với sự lưu luyến
Chị em Thúy Kiều trở về với sự lưu luyến

Nguyễn Du dùng nghệ thuật tả cảnh ngụ tình ở 6 câu thơ cuối. Lễ hội kết thúc đã khiến cho con người có chút xuyến xao. Chị em Thúy Kiều trở về khi “bóng ngả về tây”. Lúc này, nhân vật hiện lên với dáng vẻ “thơ thẩn dan tay ra về”. Chính hình ảnh ấy đã khiến chúng ta nhận thấy được sự xao xuyến và nuối tiếc của con người. Cảnh vật cũng dường như có chung cảm xúc với con người đó là bịn rịn, lưu luyến. Những từ láy được sử dụng trong đoạn thơ này đã giúp người đọc hiểu rõ nét hơn tâm tình của tác giả gửi gắm qua nhân vật. Lúc sáng, khung cảnh mùa xuân vô cùng náo nhiệt nhưng đến chiều tà thì mọi thứ dường như đã im đìm hẳn. Khung cảnh cùng tâm trạng ấy đã khiến người đọc nghĩ về những điều không hay sắp xảy ra về sau. 

Lời kết 

Thông qua việc phân tích Cảnh Ngày Xuân, chúng ta đã thấy được tài năng của Nguyễn Du trong việc tả cảnh ngụ tình. Đồng thời, mỗi người cũng được dịp cảm nhận được khung cảnh mùa xuân vô cùng tươi đẹp, giàu sức sống và tâm trạng của con người trong đó. Mùa xuân đẹp là thế, lễ hội rộn ràng là thế nhưng khi mọi thứ qua đi, kết thúc thì chắc hẳn trong lòng ai cũng có chút lưu luyến, nhớ nhung và bâng khuâng.