Bài mẫu phân tích nhân vật A Phủ chi tiết
Tô Hoài là một nhà văn lớn trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam. Những tác phẩm ông viết vừa chân thật, vừa hóm hỉnh. Đặc biệt, tác phẩm Vợ Chồng A Phủ của ông được đánh giá là tác phẩm xuất sắc khi viết về con người vùng núi Tây Bắc. Nếu trong thơ Chế Lan Viên, Tây Bác là vùng núi với nhiều hoang sơ, bí ẩn thì trong tác phẩm Vợ Chồng A Phủ, Tây Bắc là nơi mà con người còn phải chịu nhiều cảnh đời bất công, sự áp bức hà khắc của bọn Thống Lý, sự căm phẫn, quật cường của những người con Tây Bắc. Một tác phẩm đã vẽ lên bức tranh hiện thực đầy đủ về cuộc sống tàn khốc của những con người Tây Bắc thời bấy giờ và ý chí khát vọng sống vượt lên chính mình. Đặc biệt nhân vật A Phủ, đại diện cho tầng lớp bị trị, một người sống kiên cường, dám đứng lên chống cường hào, bị đàn áp, bóc lột không khác gì trâu bò nhưng vẫn không chịu nhún nhường, bằng ý chí sống, nghị lực khát vọng sống phi thường, anh đã tìm được lối thoát cho cuộc đời tăm tối của mình.
Tác phẩm Vợ chồng A phủ được trích từ tuyển tập Tây Bắc sau chuyến đi thực tế của Tô Hoài năm 1952. Truyện kể về số phận của cuộc đời nhân vật Mị và A Phủ. Nếu Mị nghiêng về diễn biến tâm lý thì A Phủ chính là nghiêng và hành động. Những hành động của A Phủ vừa dứt khoát, mạnh mẽ, cứng cỏi dù cho bị đánh đập, hành hạ, bị khinh rẻ. Đây chính là hành động của người dân Miền núi bị áp bức, họ đã dám chiến đấu để thay đổi số phận tự khổ đau đến tự do.
- Luận điểm 1: Xuất thân của A Phủ
Phân tích nhân vật a phủ -A Phủ vốn là một đứa trẻ mồ côi và sống tự do, khỏe mạnh, siêng năng, giàu bản lĩnh nhưng lại không hề kiêu ngạo. A Phủ giống như một con trâu tốt của bản làng, như một nhánh cây rừng mọc mạnh mẽ hoang dại đón nắng gió của núi rừng Tây Bắc. Nhưng vì nghèo, nên A Phủ không lấy được vợ. Thậm chí, đến ngày tết anh cũng không có nổi một chiếc vòng bạc để đeo chơi tết. Giữa núi rừng, A Phủ lớn lên và trở thành chàng trai khỏe mạnh, lao động giỏi, săn bò tót rất thạo. Anh trở thành niềm mơ ước của bao cô gái mới lớn : “Đứa nào có được A Phủ cũng bằng có được con trâu tốt trong nhà”. Thời xưa, mỗi gia đình có được trâu tốt rất quý, trâu tốt giúp cày xới đất, trồng lúa bội thu, sức trâu làm bằng ba sức người nên trâu rất được quý và yêu thương. Đây là hình ảnh ví von nhưng rất thực tế và chân thành.
Vậy mà A Phủ chỉ suốt đời làm mướng, làm thuê. Chính hoàn cảnh đã biến A Phủ thành một người có tính cách vô cùng gai góc và gan dạ. Anh có một sức sống mạnh mẽ dù hoàn cảnh có éo le cỡ nào, sức sống khát vọng sống luôn tiềm tàng và chỉ chờ cơ hội để bùng nổ.
Phân tích nhân vật A phủ chúng ta lại nhớ đến nhân vật anh chàng Mô Côi trong dân gian cũng có hoàn cảnh vô cùng khó khăn nhưng luôn tràn đầy sức sống, lao động giỏi, và giàu nghĩa khí. Có lẽ chính hoàn cảnh là động lực để cho A Phủ trở thành người có ý chí, kiên cường. Nếu không sống nghĩa khí kiên cường thì liệu cuộc đời A Phủ có tốt đẹp hơn. Nếu tha hóa như Chí Phèo của Nam Cao ở những thế kỉ trước, thì liệu cuộc đời A Phủ có phải bế tắc dẫn đến tự sát!? Nhân vật A Phủ của Tô Hoài hoàn toàn khác nhân vật của Nam Cao dù cho hoàn cảnh khốn khổ như nhau. Vậy nên, phương tây mới có câu : “Tính cách hình thành nên số phận” rất phù hợp trong hoàn cảnh này. Chính tính cách kiên cường, không chịu chùn bước đã khiến cuộc đời của A phủ có một trang mới tự do, hạnh phúc và không bế tắc như nhân vật Chí Phèo của Nam Cao.
- Luận điểm 2: Phẩm chất tốt đẹp của A Phủ
A Phủ khát khao tự do, mạo hiểm khi anh bị bán xuống dưới đồng Thấp, A Phủ không chấp nhận số phận, anh bỏ trốn từ đồng thấp lên trên núi và sống lang bạt, lưu lạc đến Hồng Ngài sống như cỏ dại. Một hành động kiên quyết của cậu bé mới 14 tuổi cho thấy sự mạnh mẽ đến nhường nào. Nó thể hiện sự không chùn bước trước cường quyền, bạo chúa.
Tính cách tốt đẹp của A Phủ còn thể hiện ở một chàng trai khỏe mạnh, yêu lao động, có trách nhiệm và giỏi lao động Anh không quản việc nặng nhọc , nguy hiểm khó khăn. A Phủ biết đúc lưỡi cày, đục quốc, đi làm hay đi săn cái gì cũng phăng phăng, đốt rừng, đốt nước săn bò tót, giêt hổ đều giỏi.
Đặc biệt,dù là người mồ côi cha mẹ không có tiền, nhưng A Phủ vẫn là người khát khao hạnh phúc lứa đôi. Anh vẫn đem sáo khèn đem con quay quả pao… để đi tìm người yêu trong những đêm tình mùa xuân. Anh hội tụ là một người lao động, giàu lòng nhân ái và luôn hướng về tương lai tốt đẹp. Anh cũng là hiện thân cho những con người lao động với những phẩm chất vô cùng tốt đẹp. Chỉ đáng tiếc là, những hủ tục hà khắc ở xã hội phong kiến đã khiến anh không thể tìm được vợ vì anh không có tiền để làm lễ cưới. Tuy nhiên, không vì thế mà A Phủ buồn lòng, anh vẫn sống với đúng bản chất tốt đẹp của mình, anh chính là đại diện cho chính nghĩa và qua đây tác giả cũng muốn thể hiện niềm tin vào vẻ đẹp con người lao động nghèo.
- Luận điểm 3: Số phận bất hạnh của A Phủ
Phân tích nhân vật a phủ – Với tính cách của mình, dĩ nhiên, A Phủ khó có thể đứng nhìn sự bắt nạt, tàn bạo của bọn cường hào, thống lý. Tác giả đã xây dựng tình huống A phủ đánh A Sử khi không thể chịu được hành động ngang ngược của hắn. Một hành động khẳng định sự không sợ cường quyền, sẵn sàng trừng trị kẻ xấu gây rối.
Sau việc này anh bị bắt về nhà Thống Lí Pá Tra và trở thành nô lệ cho nhà thống lý. Nhưng với bản năng của mình anh không than,không van xin một lời. Anh không bao giờ chịu khuất phục dù trước mình la ai. Anh bị A Sử đánh rất tàn nhẫn, mặt sưng máu chảy, cang tỉnh càng đánh và càng hút. Từng câu văn tả rất chất thực, mùi khói thuộc phiện quyện với sự đau đớn của A Phủ và sự hả hê của A sử, những câu văn mang tính liệt kê, lặp lại nhiều lần để khẳng định sự dã man của cường hào Thống Lý với người dân miền núi Tây bắc thời kì phong kiến.
Do bị phạt vạ nên A Phủ thành người làm không công, lầm quần quật, phải nhịn đói, cày nương, vỡ nương, săn bò tót. Anh vẫn không than,vẫn làm đúng nhiệm vụ của mình cho thấy một con người dám làm dám chịu. Đánh A Sử biết là sẽ có hậu quả và anh chịu về hậu quả đó, không oán than, không than thân trách phận. Một mình anh rong ruổi ngoài gò rừng, săn bò tốt, bẫy hổ, chăn ngựa.. bao nhiêu công việc nặng nhọc anh làm hết. Hành động không van xin của anh cho thấy sự gan dạ không chịu khuất phục dưới sự tàn nhẫn của bọn thống lý, chúng áp bức dân quá trơ trẽn.
A phủ cũng là nạn nhân bị xử kiện vô lý khi anh còn phải chịu cả tiền phạt tiền thuốc, tiền lợn… Đây là sự tham những trắng trợn khủng khiếp của bọn quan lại cũ. Chúng ép dân mình thành nô lệ, đi vào bước đường cùng. Cảnh xử kiện chính là bức tranh đời sống đặc trưng của miền núi trước CM, thể hiện tội ác của giai cấp thống trị. Mà có lẽ, phải yêu và hiểu những người dân Tây Bắc, Tô Hoài mới dám mạnh dạn viết lên sự thật trần trụi nào, nhằm tố cáo tội ác của bọn quan lại thời phong kiến.
Vốn mồ côi lại nghèo nhất không có nổi tiền cưới vợ thì A phủ chỉ có thể làm nô lệ để trừ tiền cho nhà Thống Lý. Chúng cấu kết với nhau để chèn ép người dân miền núi. A Phủ bị tước đi quyền con người trở thành nô lệ không công cho cho chúng. Thật xót thương biết bao cho thân phận những con người miền núi Tây Bắc thời bấy giờ. A phủ chính là điển hình chung cho số phận của biết bao con người lao động dưới ách áp bức, thống trị thực dân, phong kiến.
- Luận điểm 4: Sức phản kháng mãnh liệt của A Phủ
Bản tính gan dạ của A Phủ, sự phán kháng mãnh liệt vốn đã có từ khi A Phủ còn nhỏ theo thời gian tôi luyện nó càng trở nên mạnh mẽ. Năm ấy, khi cha mẹ chết vì bệnh dịch, cả làng chết và đói đã bán A Phủ cho người Thái lấy thóc. Dù mới 10 tuổi nhưng A Phủ vẫn không chịu ở dưới cánh đồng thấp, trở nên núi, lưu lạc ở Hồng ngài.
A phủ lớn lên như nhánh cỏ dại, ngày một kiên cường cho đến khi chạm trán với A Sử – đại diện cho những kẻ cầm quyền thống trị thời phong kiến, nhưng A phủ vẫn không khuất phục. Với những hành động mạnh mẽ như “vung tay, xộc tới, nắm cái vòng cổ, kéo đập đầu, xé vai áo…” A Phủ đã thể hiện mình là một người đàn ông rất gan góc dù biết hậu quả phía sau thê thảm thế nào. Nhưng bản chất thấy việc bất bình không thể ngồi im thì dù A Phủ còn nhỏ hay lớn lên đều không thay đổi. Sự phản kháng luôn tiềm ẩn trong trái tim của A phủ.
Và sự phản kháng mãnh liệt hơn nữa khi được Mị cởi trói. A Phủ dù mới về làm nô lệ cho nhà Thống Lí nhưng rất hiểu và thương cho Mị. Dẫu vậy anh cũng không thể làm gì vì bản thân anh còn đang bị “trói buộc” ở nơi này. Nhưng, khát vọng sống của một người phụ nữ cùng cảnh ngộ cộng với khát vọng sống tự do của bản thân mình đã tạo nên một hành động “vượt ngục”. Đúng vậy, gia đình nhà thống lý chính là ngục tù về cả thể xác lẫn tinh thần. Muốn hạnh phúc tự do chỉ có một con đường duy nhất là vượt ngục mà thôi. Trong đêm tình mùa xuân, anh đã được Mị cởi trói và dù rất đau đớn : “Khụy xuống không bước nổi” do trong người không còn sức lực vì bị đánh đập, bị bỏ đói nhưng anh vẫn “quật sức vùng lên”, cùng với Mị thoát khỏi nhà Thống lý.
Nếu không có sự phản kháng mạnh mẽ và khao khát sống tự do thì liệu A Phủ có thể vượt lên chính mình và hoàn cảnh? Đây chính là khát vọng sống được làm một con người tự do, thoát khỏi cường quyền mãnh liệt.
A Phủ chính là đại diện cho những con người lao động chịu áp bưc nhưng vẫn luôn tiềm tàng sức sống bền bỉ và khát vọng sống tự do. Và dù trong hoàn cảnh nào, sức sống ấy vẫn mạnh liệt, như ngọn lửa chỉ chờ cơ hội là bùng cháy.
- Luận điểm 5: Giác ngộ và đi theo lý tưởng cách mạng
Sau khi vượt ngục khỏi nhà Thống Lý, A Phủ và Mị chạy mãi trong đêm tối và không dám dừng lại. Họ tìm đến vùng đất mới để sống tự do và sinh sống. Ở đây, anh và những người lao động khác vẫn phải chịu sự áp bức của bọn thực dân phong kiến, nhưng ánh sáng Cách mạng đã đến, anh đã gặp được A Châu và từ đây nhanh chóng trở thành một người cách mạng. Ban đầu từ việc gia nhập tự phát, anh đã tự giác gia nhập cách mạng, tham gia du kích, tích cực đấu tranh để giải phóng mình và quê hương.
Anh chính là hình ảnh tiêu biểu cho việc giác ngộ cách mạng của người dân miền núi Tây Bác, một hình ảnh đẹp cho sức sống tiềm tàng và những phẩm chất lao động tốt đẹp của người dân nơi đây.
Khép lại trang sách, chúng ta vẫn như cảm nhận được hình ảnh quật cường, khí chất mạnh mẽ của chàng trai A Phủ và Mị trong đêm chạy trốn khỏi nhà thống lý Pá Tra, hay chính là sự giải phóng bản thân khỏi kiếp trâu ngựa tù đày của xã hội phong kiến. Đây là hình ảnh đẹp và truyền cảm hứng sống thiện lương, dũng cảm, kiên cường dù hoàn cảnh éo le nào cũng không được khuất phục. Qua tác phẩm, chúng ta càng thêm trân trọng những con người lao động phẩm chất tốt đẹp miền núi Tây Bắc và càng hiểu hơn về cuộc sống của hộ. Tô Hoài đã thành công không chỉ khắc họa nhân vật với những phẩm chất đẹp tiêu biểu mà còn khắc họa lên cuộc sống hiện thực tàn nhẫn nhưng không thể vùi dập được khát vọng sống tự do của người dân nơi đây. Đúng là “muốn sẽ có cách, không muốn sẽ có lí do” chỉ cần A Phủ muốn hạnh phúc, nhất định anh ấy sẽ tìm mọi cách được hạnh phúc, và trái ngọt sẽ đến với những người luôn khát khao, cố gắng.
>> Xem thêm: Phân tích tác phẩm Vợ chồng A Phủ chi tiết, dễ hiểu