Đã từng có nhiều bài phân tích khổ 2 Đây thôn Vĩ Dạ. Đó là khổ thơ với nét đẹp đặc trưng của xứ Huế. Thế nhưng, bao trùm lên đó là một màu tâm trạng, sự lo âu, khắc khoải và có cả hờn trách. Ở đoạn 2 này ta như thấy được tiếng lòng của tác giả, đó chính là tâm trạng của người thi sĩ khi nhớ về quê hương, nơi có những kỷ niệm không thể nào quên.
Mở bài
Hàn Mặc Tử (1912 – 1940) là một trong những gương mặt tiêu biểu của phong trào Thơ mới. Ông đã để lại cho kho tàng thơ ca Việt Nam nhiều tác phẩm hay được chú ý như Đây thôn Vĩ Dạ, Mùa xuân chín, Nắng vàng, Trên cầu Tràng tiền,…. Trong đó Đây thôn Vĩ Dạ được đánh giá là tác phẩm xuất sắc nhất của Hàn Mặc Tử thể hiện rõ nét tính cách thơ của ông.
Đây thôn Vĩ Dạ là bài thơ về tình yêu và khát khao cuộc sống. Nếu mở đầu bài thơ, người ta cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên và vẻ đẹp tâm hồn người thi sĩ. Thì đến khổ thơ thứ hai, ta cảm nhận được sự hoài niệm, cùng tâm trạng lo âu của người thi sĩ. Đây là một trong những khổ thơ thể hiện chân thực nhất tâm lý tình cảm của người thi sĩ.
Thân bài phân tích khổ 2 Đây thôn Vĩ Dạ
Khổ thơ thứ 2 Đây thôn Vĩ Dạ bao gồm 4 câu thơ thể hiện tâm tư, tình cảm của người thi sĩ – của người khách khi nhớ về quê hương. Ngay đầu khổ 2, một bức tranh sông nước đêm trăng được tác giả mở ra rõ nét:
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Ở đây ta thấy được sự tài tình của Hàn Mặc Tử. Chỉ bằng vài nét chấm phá thôi nhưng có thể gợi lên cả linh hồn của xứ Huế mộng mơ giữa đêm trăng thơ mộng. Đó là một xứ Huế yên bình, huyền ảo với mây trời êm dịu. Dòng sông Hương trong lời thơ của Hàn Mặc Tử hiện lên thật nhẹ nhàng nhưng cũng rất mênh mông thể hiện được linh hồn của xứ Huế mộng mơ. Đó là cảnh vật: gió khẽ lay, mây khẽ bay,… Ở đây, mọi cảnh vật đều chuyển động nhẹ nhàng, êm ả – là một điều gì đó rất riêng của Huế. Giống như Hoàng Phủ Ngọc Tường từng nói “dòng nước sông Hương cơ hồ chỉ còn là một mặt hồ yên tĩnh. Sông Hương chảy chậm, thực chậm, đó là điệu slow tình cảm mà dòng sông Hương dành cho xứ Huế”.
Nhưng cảnh vật ấy trong mắt người thi sĩ cũng đượm buồn, chẳng có sự kết nối. Mây và gió vốn là những sự vật gắn liền với nhau, hòa quyện vào nhau. Vậy mà ở đây “Gió theo lối gió, mây đường mây”, như chẳng có chút vương vấn nào.. Cùng với dòng nước “buồn thiu” càng làm nổi bật lên nỗi buồn sâu lắng ấy. Và trong không gian ấy, hoa bắp chỉ khẽ “lay”. Động từ “lay” trong hoàn cảnh này nghe sao hiu hắt, nó giống như một sự níu giữ vu vơ. Hình ảnh “hoa bắp lay” như hiện thân cho thân phận cô độc, lạc loài, bị cuộc đời lãng quên của thi sĩ. Dường như nỗi buồn nhuốm cả vào không gian, cảnh vật, làm tâm trạng con người cũng chẳng thể nào vui được. Câu thơ nghe sao cứ dài đằng đẵng, làm cho nỗi buồn chẳng thể nguôi ngoai.
Đêm trăng đã biến dòng Hương giang trở nên huyền ảo hơn bao giờ hết. Cùng với bầu trời trong vắt, ánh trăng sáng vằng vặc tạo thành những dải ánh vàng trên sống. Nó làm cho dòng sông bỗng hóa thành “dòng sông trăng”. Ở đây, tác giả đã dùng biện pháp nhân hóa đối với dòng sông. Dòng sông không còn đơn thuần là một cảnh vật tĩnh nữa, qua lời thơ của Hàn Mặc Tử nó đã trở thành sinh thể có tâm hồn mang nỗi niềm của con người. Dường như nó chính là đại diện cho người thi sĩ.
Cảnh vật càng nhuốm màu buồn hơn khi các sự vật dường như chẳng có liên quan gì. “Mây” và “gió” đã trở thành xa lạ. Dường như khung cảnh lúc này gió và mây đã ở hai thế giới khác nhau, chẳng còn vướng bận với nhau nữa. Câu thơ mang đến hiện thực phũ phàng và cũng thể hiện tâm trạng ngổn ngang của người thi sĩ. Đó là thi sĩ đang sống trong cảnh chia ly với cảnh đời đầy nghịch lý nên gió và mây cứ như hai đường thẳng song song, chẳng hòa nhập gì. Chính lúc ấy, chỉ một từ “lay” nhẹ nhàng của gió thôi cũng thổi bùng lên nỗi buồn muôn thuở của con người.
Tiếp theo đó, tâm trạng lo âu, thấp thỏm của người thi sĩ được thể hiện rõ nét. Dường như người thi sĩ đã hy vọng quá nhiều, để rồi giờ đây nỗi thất vọng được bộc lộ rõ ngay trên dòng Hương giang này. Đó không đơn thuần là nỗi thất vọng, đó còn là nỗi sợ, nỗi băn khoăn về sự chia ly cách biệt.
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay
Một cảnh vật lung linh, huyền ảo với ánh trăng ngập lối được mở ra. Hình ảnh ấy mang đến ý nghĩa vừa thực vừa ảo như tâm trạng của người thi sĩ vậy. Ở đây, tác giả dùng “sông trăng” để miêu tả dòng sông ngập tràn ánh trăng mang đến sự kỳ vĩ. Còn chiếc thuyền đậu trên dòng sông trăng ấy giống như chính người thi sĩ. Ánh trăng dường như đã ngập tràn tất cả không gian và thời gian, gợi lên một cảm giác mơ hồ.
Ở đây tác giả sử dụng “thuyền ai” vừa như câu hỏi, vừa như câu cảm thán. “Thuyền ai” vô cùng mơ hồ nhưng ta biết đó là khát vọng của người thi sĩ, mong mỏi về người xưa, chốn cũ. Trong khi đó “thuyền ai” lại gợi ra một hình ảnh đơn độc. Hình ảnh ấy chẳng rõ ràng mà mờ ảo, mong manh giống như ánh trăng lúc có lúc không. Đó cũng là điều thể hiện niềm lo âu, phấp phỏng của người thi sĩ.
Có lẽ, Hàn Mặc Tử muốn dùng dòng sông trăng để mở ra một thế giới tri âm chất chứa tâm sự. Đó cũng là thế giới để tác giả giải tỏa những niềm đau, sự lo lắng. Trong giọng điệu của câu thơ ta thấy được nỗi niềm khát khao, khắc khoải đến cháy bỏng của Hàn Mặc Tử. Nó được thể hiện rõ nét qua từ “kịp” mà tác giả sử dụng trong câu. “Kịp” có nghĩa là chưa chắc chắn nên người thi sĩ mới lo âu sống trong tâm trạng chờ đợi, khát khao. Cái sự “kịp tối nay” mà tác giả đưa ra cũng như một lời khẩn cầu tha thiết, bởi chỉ qua ngày mai thôi, mọi thứ sẽ chỉ còn là dấu chấm hết. Qua đó ta cũng thấy được dường như cuộc sống của người thi sĩ đang vơi cạn từng ngày. Sự chia ly có thể đến bất cứ lúc nào. Thế nên nếu thuyền không chở được “trăng” về tối nay, người thi sĩ chẳng tìm được sự tri âm sẽ phải ra đi vĩnh viễn trong buồn đau, ân hận.
Kết bài
Với bút pháp tả cảnh gợi tình đầy tinh tế, hình ảnh chắt lọc, Hàn Mặc Tử đã mang đến cho người đọc một Đây thôn Vĩ Dạ gần gũi, thân thuộc. Đó là miền quê hương đất nước, một nơi gắn bó với tuổi thơ. Bài thơ còn là tiếng lòng của một trái tim yêu người, yêu đời mãnh liệt. Nhưng niềm tin yêu ấy lại sớm chìm trong vô vọng. Và khổ 2 trong Đây thôn Vĩ Dạ chính là sự chứng minh cho sự vô vọng ấy. Khổ 2 bài Đây thôn Vĩ Dạ là sự hoài niệm của tác giả về nơi từng gắn bó với mình – dòng sông Hương và tâm trạng lo âu, phấp phỏng khi đợi chờ tri âm, tri kỷ. Đây có lẽ là khổ thơ hay thể hiện tâm trạng của tác giả trong chặng đường chờ đợi sự tri âm, sẻ chia. Phân tích khổ 2 Đây thôn Vĩ Dạ ta thấy cái nhìn hiện thực và lãng mạn trong từng vần thơ, đồng thời là sự tài hoa của Hàn Mặc Tử khi có cái nhìn đầy tâm trạng.