Hình tượng người phụ nữ trong chế độ phong kiến đã trở thành chủ đề khơi gợi niềm sáng tác cho nhiều thi sĩ. Nếu như Hồ Xuân Hương nổi tiếng với bài vịnh Bánh trôi nước ví thân phận người phụ nữ như chiếc bánh trôi thì đại thi hào Nguyễn Du lại được biết đến với nàng Kiều và nàng Tiểu Thanh. Phân tích bài thơ Độc tiểu thanh kí, người đọc sẽ bắt gặp câu chuyện bi ai về cuộc đời nàng Tiểu Thanh hồng nhan mà bạc phận.
Mở bài
Trước khi phân tích bài thơ Độc tiểu thanh kí, chúng ta không thể không nhắc tới tác giả Nguyễn Du. Với tài năng kiệt xuất và trái tim nhân hậu luôn đau đáu trước những phận người bất hạnh, ông được mệnh danh là đại thi hào dân tộc và được vinh danh là danh nhân văn hóa thế thới. Những tác phẩm của ông phải kể đến như Truyện Kiều, Độc tiểu thanh kí… Những áng thơ ca này không chỉ mang giá trị văn học to lớn mà có sức ảnh hưởng lớn lao đến tư tưởng và đời sống của mọi thế hệ người dân Việt Nam.
Tác phẩm Độc tiểu thanh ký là sáng tác mà nhà thơ Nguyễn Du đặt trọn trái tim, tâm huyết của bản thân để đồng cảm nói về thân phận của phụ nữ trong xã hội phong kiến bất công. Mỗi ca từ trong bài thơ khiến độc giả phải ray rứt khôn nguôi.
Thân bài chi tiết phân tích Độc tiểu thanh kí
Phân tích bài thơ Độc tiểu thanh kí, chúng ta sẽ được nghe kể về cuộc đời nàng Tiểu Thanh tài sắc vẹn toàn. Tuy nhiên, nàng cũng giống như bao cô gái hồng nhan khác, đều phải chịu số phận hẩm hiu, bất hạnh. Xã hội cũ bắt ép Tiểu Thanh phải sống đời vợ lẽ, côi cút ở chốn Côn Sơn cạnh Tây Hồ cho đến chết…
- Luận điểm 1: Hai câu đề
Đây là sáng tác bằng tiếng Hán của nhà thơ Nguyễn Du nên độc giả cần đọc qua bản gốc trước khi tìm hiểu về bản dịch:
Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư
(Tây hồ cảnh đẹp hóa gò hoang
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn)
Để bắt đầu câu chuyện, Nguyễn Du đã mượn sự thay đổi của thiên nhiê, cảnh sắc đất trời để thể hiện sự đổi thay của cuộc sống. Ông nuối tiếc cảnh đẹp Tây Hồ trước kia nhưng giờ đây chỉ còn lại là đống gò hoang. Từ láy “thổn thức’ ở đây cho thấy tâm trạng của tác giả đang rất ngậm ngùi, xót thương cho phận người con gái. Cụm từ “mảnh giấy tàn” khiến người đọc cảm nhận được sử mỏng manh, dễ bì giày xéo, vò nát của phận người con gái trong xã hội phong kiến thối nát. Mảnh giấy ấy không còn được vẹn nguyên nữa mà đã tàn tạ, tàn phai.
- Luận điểm 2: Hai câu thực
Nhà thơ đến Tây Hồ vãn cảnh đẹp nhưng rồi nhận ra cảnh xưa chẳng còn. Đúng là, “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.. Khi con người ta tâm trạng thì cảnh sắc cũng chẳng còn gì thú vị. Thế nên, Nguyễn Du càng có cớ để ngẫm sâu về câu chuyện nàng Tiểu Thanh:
Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư
(Son phấn có thần chôn vẫn hận
Văn chương không mệnh đốt còn vương)
Phân tích bài thơ Độc tiểu thanh kí đến đây, chúng ta có thể nhận ra tài năng xuất chúng của Nguyễn Du. Ông đã mượn hai hình ảnh “son” và “phấn” để nhắc tới vẻ đẹp nghiêng thành nghiêng nước của nàng Tiểu Thanh. Nàng đẹp là thế nhưng chết rồi vẫn còn chưa được siêu thoát, vẫn còn nỗi oán hận với số phận hẩm hiu của mình, với cái xã hội quá bất công ấy. Nàng sống không hạnh phúc, không thể tự do nên đã mượn văn chương, thơ phú để bầu bạn. Chính vì thế dù “văn chương không mệnh” đã đốt rồi nhưng hồn nàng vẫn còn vương vấn chốn dương gian.
- Luận điểm 3: Hai câu luận
Thật hiếm hoi khi có nam thi sĩ nào lại có thể có sự đồng cảm sâu sắc với thân phận người phụ nữ như Nguyễn Du. Ông như đang khóc thương cho nàng Tiểu Thanh xinh đẹp, tài đức vẹn toàn ấy nhưng lại bị khép vào án phong lưu:
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư
(Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi
Cái án phong lưu khách tự mang)
Cái khổ của nàng Tiểu Thanh là quá đẹp, quá tài hoa, quá giỏi về văn chương. Thế nên, nàng bị xã hội người đời lúc bấy giờ ghen ghét, hàm oan. Bởi thi sĩ bao giờ cũng gắn liền với tâm hồn nhạy cảm, lãng mạn và phóng khoáng. Chính vì thế mà nhà thơ có sự đồng cảm sâu đậm với người con gái tài sắc ấy. Ông khóc thương cho nàng nhưng cũng chính là khóc cho chính mình. Điều đó ông không hề giấu diếm mà gửi gắm rõ rệt qua câu thơ “phong vận kỳ oan ngã tự cư”, tác giả đã hóa thân thành nhân vật để tự mang lấy cái án phong lưu như nàng. Điều đáng nói, những tâm sự của Nguyễn Du không chỉ thể hiện nỗi lòng của riêng ông mà bộc lộ tâm tư của các nhà thơ thời bấy giờ.
- Luận điểm 4: Hai câu kết
Nếu như nỗi hàm oan, nỗi lòng của nàng Tiểu Thanh hôm nay đã có tác giả khóc, tác giả đồng cảm sẻ chia. Thế nhưng, nỗi niềm của nhà thơ thì sao đây? Liệu rằng có ai hiểu thấu. Quá buồn tủi, nhà thơ đã phải thốt lên một câu cảm thán không lời đáp:
“Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
(Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa
Người đời ai khóc Tố Như chăng)
Phân tích bài thơ Độc tiểu thanh kí ở hai câu cuối, độc giả có thể nhận ra, tác giả đã chuyển mạch cảm xúc từ khóc cho người sang khóc cho chính mình. Nguyễn Du nói rằng, lúc này đây, dù nàng Tiểu Thanh đã chết, nhưng tài hoa đức độ của nàng vẫn có ông tôn trọng và trân quý. Thế nhưng, khi guồng quay xã hội thay đổi, khi con người đổi thay, liệu những con người tài hoa như ông có còn được ai nhớ đến. Lúc đó, sự băn khoăn, trăn trở của ông là có lý. Bởi cả xã hội phong kiến khi ấy vẫn còn bấn loạn. Những người tài năng chân chính luôn bị vùi dập, không được trân trọng. Do đó, ông xót thương cho chính mình là lẽ đương nhiên. Thế nhưng, Nguyễn Du không thể tin được rằng, đến nay đã gần 300 năm, người đời vẫn luôn nhớ đến ông, ca ngợi và kính phục ông. Có nghĩa là dù trong xã hội nào, những con người tài hoa, có trái tim thiện lương vẫn được tôn kính và tôn vinh, dưới nhiều hình thước.
Kết bài
Phân tích bài thơ Độc tiểu thanh kí trước hết, chúng ta cảm nhận đây như một bài khóc thương cho những phận người tài hoa nhưng bạc mệnh trong xã hội cũ. Đó là tiếng khóc không chỉ dành riêng cho những người con gái xinh đẹp, tài đức nhưng bị chà đạp mà còn cả những nhà thơ, thi sĩ bị coi khinh.
Qua việc phân tích, chúng ta càng cảm nhận sâu sắc hơn trái tim nhân hậu và yêu người không giới hạn của tác giả Nguyễn Du. Ông không phân biệt người Việt Nam, hay Trung Quốc, không phân định giới tính. Ông đồng cảm, yêu quý hết thảy những phận người lương thiện, có tài năng nhưng lại mang số phận hẩm hiu, bất hạnh. Ông viết những dòng thơ đau đáu đó không chỉ để phô diễn tài nghệ của bản thân mà ông nhắc nhở thế hệ mai sau hãy biết trân quý người tài. Đồng thời qua đây ông cũng khẳng định, dù có bị hàm oan ra sao, có bị khép tội phong lưu thế nào, thì những con người yêu văn chương, nghệ thuật vẫn không bao giờ từ bỏ niềm đam mê sở thích của mình.
>> Xem thêm: Phân tích bài Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận cực hay