Con người và đất rừng phương Nam luôn khơi gợi trong các nhà văn, nhà thơ và các nhà làm phim những xúc cảm mãnh liệt. Từ đó, họ đã sáng tác nên những áng văn chương, thơ ca và phim ảnh vô cùng độc đáo. Nhắc đến mảnh đất Nam Bộ, người ta không thể không nhớ tới những nhân vật trong truyện Những đứa con trong gia đình của tác giả Nguyễn Thi. Cùng theo dõi bài phân tích nhân vật Việt và Chiến trong tác phẩm này để thấu hiểu hơn hồn người, tình người nơi đây.
Chi tiết mở bài phân tích nhân vật Việt và Chiến
Tác giả Nguyễn Thi là người Nam Định. Nhưng sau khi vào Nam tham gia kháng chiến, ông đã gắn bó với mảnh đất này sâu sắc và xem đây là quê hương thứ hai. Vì quá yêu mảnh đất và con người nơi đây nên hầu hết các sáng tác của ông đều quay quanh cuộc sống của người dân Nam bộ. Chính bởi thế, khi tác phẩm “Những đứa con trong gia đình” ra mắt công chúng, vị thế danh hiệu “nhà văn của Nam bộ” của ông càng được tăng cao. Đọc các sáng tác của ông, ta nhận thấy vẻ đẹp trong tâm hồn của người dân Nam bộ. Đó là rất yêu quê hương đất nước. Họ thẳng thắn, bộc trực và có chút gì đó hồn nhiên, trong sáng…
Khi phân tích nhân vật Việt và Chiến, các bạn sẽ dễ dàng nhận ra đây là hai hình tượng kết tinh những phẩm chất tốt đẹp nhất của thế hệ trẻ miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Cả hai đều được nhà văn khắc họa với sự gan góc trong chiến đấu, giàu đức hy sinh và vô tư trong tâm hồn.
- Luận điểm 1: Nhân vật Chiến
Nhân vật đầu tiên các bạn cần phân tích kỹ đó là chị Chiến. Chị Chiến trong truyện ngắn là hiện thân vẻ đẹp nối tiếp của thế hệ cha ông mà ở đây cụ thể là má. Vẻ ngoài của chị được thừa hưởng phần nhiều từ má: “hai bắp tay tròn vo sạm đỏ màu cháy nắng, cả thân người to và chắc nịch”. Đây là vẻ đẹp của những con người cần cù yêu lao động. Nó thể hiện được sự khỏe khoắn về hình thể và cả khí chất. Không những giống má về ngoại hình, nhân vật chị Chiến còn rất giống tính cách của má như sự tháo vát, chu đáo, đảm đang. Điều đó thể hiện ở việc trước đêm lên đường đi chiến đấu, Chiến đã sắp xếp loa liệu hết mọi việc. Chiến bảo: “Chị em mình đi thì thằng Út sang ở với chú Năm, chú nuôi. Còn cái nhà này ba má làm ra đó thì cho các anh ở xã mượn mở trường học. Giường ván cũng cho xã mượn làm ghế học. Nồi lu, chén, đĩa, cuốc, vá, đèn soi với nơm để gửi chú Năm. Chừng nào chị Hai ở dưới biển về làm giỗ má, chị có muốn lấy gì thì chị chở về dưới. Còn năm công ruộng hồi trước mấy chú cấp cho ba má, giờ mình đi mình trao lại chi bộ đặng chia cho cô bác khác mần. Hai công mía thì chừng nào tới mùa, nhờ chú Năm đốn, để dành đó làm giỗ ba má. Đem bàn thờ sang gửi chú Năm”. Việc chị Chiến làm khiến chú Năm, một người có kinh nghiệm sống lâu năm cũng phải trầm trồ khen ngợi: “Khôn!Việc nhà nó thu được gọn thì việc nước nó mở được rộng, gọn bề gia thế, đặng bề nước non”.
Thấy chị lo việc, Việt cũng chợt nhận ra chị giống má đến lạ: “Chà, chị Chiến bữa nay nói in như má vậy! Cũng ở trong cái buồng mà nói vọng ra, cũng nằm với thằng Út em, ở trên cái giường đó”. Việt thấy chị giống từ cách nằm, cử chỉ cựa mình, thở dài cho đến cách nói vọng ra. Và chính bản thân chị Chiến cũng tự thấy sao giống má quá: “Tao cũng lựa ý nếu má còn sống chắc má tính vậy, nên tao cũng tính vậy”. Bên cạnh thừa hưởng và phát huy những đức tính tốt đẹp từ má, chị Chiến còn có bản sắc của riêng mình. Khi phân tích nhân vật Việt và Chiến, độc giả vẫn thấy ở chị Chiên có nét trẻ trung duyên dáng của cô gái mười tám, đôi mươi. Lứa tuổi của cô gái mới lớn, đang nhiều mơ mộng và có chút trẻ con. Chính vì thế mà trong túi Chiến lúc nào cũng có chiếc gương để soi. Và điều khác biệt nhất của chị Chiến so với má đó là Chiến được trực tiếp cầm để đánh giặc, để trả thù nhà và thực hiện lời thề nguyện: “Đã là thân con gái, nếu giặc còn thì tao mất, vậy à?”. Có thể nói, nhân vật Chiến là hình tượng tiêu biểu cho thế hệ người trẻ Nam bộ yêu nước, thương nòi và hận quân giặc đến tận xương tủy. Thế hệ ấy không hề nề hà thân gái hay trái. Chỉ cần có thể ra chiến trường, góp sức đánh đuổi quân thù, thì dù thịt nát xương tan họ cũng cam lòng.
- Luận điểm 2: Hình tượng nhân vật Việt
Khi phân tích nhân vật Việt và Chiến, các bạn dễ dàng nhận ra sự khác biệt trong tính cách. Ngay từ giới tính đã góp phần có sự ảnh hưởng tới tư tưởng cũng như suy nghĩ và hành động của hai người. Nếu ở chị Chiến là nét đảm đang, trung hậu dịu dàng của con gái thì ở Việt là nét riêng chàng trai mới lớn. Chàng trai ấy đang tuổi 18 nhưng lại rất thích trò bắt ếch, bắn chim và câu cá. Chàng trai nông thôn đích thực vô tư lự. Trước đêm ngày lên đường tòng quân nhập ngũ, khi nghe chị vàn việc nhà, cậu đã “lăn ra ván cười khì khì”. Sau đó, cậu chàng còn chụp một con đom đóm trong lòng tay rồi ngủ quên lúc nào không biết. Cậu chàng không hề lo lắng đến sự sống chết, nguy nan nơi chiến trận. Đến khi đã thành một anh lính, cậu chàng vô tư ấy vẫn mang bên mình cái ná thun hay bắn chim. Lại nữa, khi bị thương nơi chiến trường. Tác giả đã kể rằng, cậu chàng không sợ đau, sợ chết mà lại đâm ra sợ ma. Việt “giấu chị như giấu của riêng” trước những lời bông đùa của các anh trong đơn vị. Trước quân lính thì gan góc, hiên ngang thế mà khi gặp lại anh em đơn vị thì xúc động nghẹn ngào, vừa khóc vừa cười như đứa trẻ.
Trẻ con là thế nhưng khi tham chiến, Việt lại chiến đấu vô cùng dung cảm, kiêm cường và gan dạ. Bởi lẽ, trong Việt vẫn luôn cuộn dâng dòng máu anh hùng, dòng máu cách mạng của “những người con trong gia đình”. Điều đó thể hiện ở việc từ khi nhỏ, khi chứng kiến thằng giặc giết cha mình, Việt đã không sợ mà xông thẳng vào tên đó. Những ngày trở thành lính, Việt không chỉ chiến đấu hết mình mà còn lập nhiều chiến công vang dội như việc đã hạ được một xe bọc thép của giặc. Dù cái chết có cận kề, nhân vật Việt vẫn được nhà văn Nguyễn Thi khắc hoặc trong tư thế sẵn sàng: “đạn đã lên nòng, ngón tay còn lại sẵn sàng chiến đấu”. Dù đang bị thương nặng nhưng nhân vật Việt vẫn luôn trong tư thế quyết chiến. Cậu còn khẳng định với quân thù: “Tao sẽ chờ mày … mày là thằng chạy”.
- Luận điểm 3: Chuyện hai chị em khiêng bàn thờ ba má đi gửi
Khi phân tích nhân vật Việt và Chiến trong tác phẩm “Những đứa con trong gia đình” của nhà văn Nguyễn Thi không thể không nói tới sự việc hai chị em khiêng bàn thờ ba má đi gửi ở nhà chú Năm. Đây là hành độn thể hiện sự hiếu thảo, kính trọng với ba má đã khuất. Tuy là việc làm đơn giản nhưng lại chứa đựng ý nghĩa lớn lao, không khí thiêng liêng, trang trọng đã khiến Việt nhận ra mình dường như trưởng thành hơn. Nhờ đó, Việt đã biết thương chị. Cậu cảm nhận sâu sắc, rõ nét hơn mối hận thù với quân giặc đè nặng trên vai. Đồng thời qua sự việc này, tác giả cũng khắc họa thêm tính chu đáo, biết lo toan việc nhà, việc nước của nhân vật chị Chiến.
Kết bài
Với việc phân tích nhân vật Việt và Chiến, độc giả nhận ra tài năng xây dựng tình huống truyện độc đáo của tác giả. Là một câu truyện ngắn, được kể theo mạch hồi tưởng đứt nối của nhân vật Việt, đan xen giữa quá khứ và hiện tại đậm chất ngôn ngữ Nam bộ. Với giọng kể giàu chất sử thi, tác giả đã khắc họa tính cách, miêu tả tâm lí các nhân vật một cách sắc sảo.
Một lần nữa có thể khẳng định, nhân vật Việt và Chiến là hình tượng điển hình cho thế hệ người Việt trẻ yêu nước, mà cụ thể ở đây là người dân Nam bộ. Đồng thời tác phẩm cũng khặng định mối gắn kết bền chặt giữa tình cảm gia đình với tình yêu dân tộc. Sự đoàn kết gắn bó giữa truyền thống gia đình và truyền thống dân tộc, đã tạo nên sức mạnh vô địch để chiến thắng mọi kẻ thù.