Đã có nhiều bài viết phân tích Ánh trăng của Nguyễn Duy. Mỗi bài đều có những cảm nhận riêng, nhưng tựu chung ta vẫn thấy được ngòi bút sâu sắc của nhà văn thông qua cái nhìn về thời cuộc. Đó là cái nhìn bằng trái tim nồng ấm để thấy được những đổi thay nhỏ bé nhất của cuộc đời. Cũng từ đó, ta thấy được cả khát khao ước vọng về một cách sống trọn vẹn và nghĩa tình.
Mở bài phân tích ánh trăng
Nguyễn Duy sinh năm 1948 là một nhà thơ nổi tiếng trong phong trào thơ văn những năm kháng chiến chống Mỹ. Các tác phẩm của ông gần gũi với cuộc sống và mang hương vị của hồn quê, giản dị nhưng vô cùng sâu sắc. Ánh trăng là một trong những tác phẩm như vậy. Tác phẩm được viết năm 1978 và in trong tập thơ cùng tên của Nguyễn Duy. Ánh trăng đã cho ta thấy những hình ảnh vô cùng chân thực và sự thay đổi của cuộc sống khiến con người ta phải chạy theo một cách mù quáng và vô tình.
Thân bài
Trong bài thơ Ánh trăng, Nguyễn Duy đã mượn hình ảnh ánh trăng để ngẫm về cuộc sống, về những triết lý nhân sinh trước những thay đổi của thời cuộc. Đó cũng là những chiêm nghiệm sâu sắc của nhà thơ về con người, cuộc đời. Tác phẩm được viết theo trình tự thời gian, từ quá khứ đến hiện tại và mở ra những ý niệm nhân sinh sâu sắc.
- Luận điểm 1: Phân tích Ánh trăng trong quá khứ
Mở đầu bài thơ, Nguyễn Duy đã gợi lại những kỷ niệm đẹp, những gắn bó sâu sắc giữa con người và vầng trăng:
Hồi nhỏ sống với đồng
Với sông rồi với bể
Hồi chiến tranh ở rừng
Vầng trăng thành tri kỷ
Những câu thơ nhẹ nhàng như lời tâm sự về một quãng thời gian đẹp đẽ của tuổi thơ, của chiến tranh gian khổ. Không màu mè, khoa trương, bằng những ngôn từ gần gũi nhất, tác giả đã mang đến cho người đọc cảm giác rất chân thực. Sử dụng từ “Hồi nhỏ” mang lại sự thân thuộc, như tác giả đang tâm tình cho những người thân yêu về tuổi thơ của mình. Cuộc sống tuổi thơ dưới ngòi bút Nguyễn Duy cũng thật mộc mạc, nào là đồng, sông, rồi bể. Tuổi thơ ai chẳng gắn bó với những hình ảnh ấy, thế mà Nguyễn Duy lại làm cho nó càng trở nên đặc biệt hơn. Trong đoạn đầu này, tác giả còn sử dụng điệp từ “với” các làm nhấn mạnh thêm sự thân thiết, gắn gó của con người với thiên nhiên.
Ngay cả “hồi chiến tranh” phải chịu bao khổ cực, vất vả cũng được tác giả nhắc đến thật nhẹ nhàng. Từ thuở chăn trâu cắt cỏ, đến lúc thành người lính nơi chiến trường, dù đi đâu vầng trăng vẫn là “tri kỷ”, là người bạn thân thiết nhất, là người “đồng chí” đứng gác cho ta những đêm khuya lạnh lẽo giữa rừng. Dường như ánh sáng từ vầng trăng ấy đã xoa dịu những mỏi mệt, buồn đau của cuộc sống. Trăng theo ta mọi bước đường, chứng kiến sự trường thành, vấp ngã của ta, mang đến cho ta sự tin tưởng tuyệt đối. Có lẽ đó, vầng trăng chính là hiện thân của quá khứ, của những ký ức thân thuộc mà đầy tình nghĩa.
Cùng trải qua biết bao vui, buồn, khó khăn, nên nhắc đến vầng trăng, tác giả lại xao xuyến bồi hồi. Vầng trăng của ký ức đẹp chẳng ngôn từ nào có thể diễn tả nổi:
Trần trụi với thiên nhiên
Hồn nhiên như cây cỏ
Ở đây, Nguyễn Duy đã vô cùng khéo léo khi sử dụng liên tưởng đầy tính nghệ thuật “trần trụi với thiên nhiên”. Vầng trăng chẳng cần phải khoác lên mình bất cứ bộ trang phục nào, nó vẫn là nó, hòa mình với thiên nhiên, với cuộc sống. Thế mà vẫn trăng vẫn đẹp, vẫn hút hồn biết bao người. Chẳng ai như Nguyễn Duy khi đi so sánh vầng trăng “hồn nhiên như cây cỏ”. Ấy thế nhưng có vẻ chính điều ấy càng làm ta thêm ấn tượng về vầng trăng. Qua đó, ta thấy rõ hơn vẻ đẹp bình dị, mộc mạc và vô cùng hồn nhiên của vầng trăng ấy. Cũng giống như con người của những năm tháng tuổi thơ: vô tư, hồn nhiên và trong sáng đến vô cùng.
Tưởng chừng, vầng trăng gắn bó với con người mãi mãi, ấy thế nhưng, Nguyễn Duy lại chợt:
Ngỡ không bao giờ quên
Cái vầng trăng tình nghĩa
Vẫn là hình ảnh vầng trăng nuôi dưỡng tâm hồn tuổi thơ bao thế hệ ấy. Ở đây, Nguyễn Duy đã nâng cấp vầng trăng, không còn đơn thuần là tri kỷ, là người bạn tâm giao, giờ đây vầng trăng ấy đã trở thành “vầng trăng tình nghĩa. Ấy thế nhưng từ “ngỡ” lại khiến cho ta phải băn khoăn, mơ hồ. Có lẽ nào vầng trăng tình nghĩa ấy rồi sẽ bị thời cuộc làm quên mất đi?
- Luận điểm 2: Vầng trăng của hiện tại
Khép lại những kỷ niệm đẹp về vầng trăng trong quá khứ, Nguyễn Duy đưa ta về với hiện tại, với sự đổi thay và xa cách trong lòng người.
Từ hồi về thành phố
Quen ánh điện cửa gương
Vầng trăng đi qua ngõ
Như người dưng qua đường
Dường như cuộc sống hiện tại đã khiến con người ta quên mất đi những ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ. Thay vì lưu giữ những ký ức ấy, người ta đã ném nó vào guồng quay của cuộc sống. Ở đây Nguyễn Duy cho ta thấy quy luật đến đau lòng của thực tại: khi được sống trong nhung lụa, những vất vả, nghèo nàn trong quá khứ đã trở thành những mảnh ký ức mơ hồ. Những mảnh ký ức mà người ta muốn vứt bỏ.
Chiến tranh kết thúc, đất nước hòa bình, người lính từ chiến trường trở về nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống đầy đủ tiện nghi. Những ánh điện, cửa gương đã làm cho con người ta trở nên thay đổi. Dường như họ muốn chôn vùi quá khứ vất vả ấy, chứ chẳng muốn giữ nó bên mình. Trong khi vầng trăng tri kỷ vẫn ở đấy, vẫn ngày ngày “đi qua ngõ” để đợi người bạn tâm giao của mình. Người bạn ấy sống ngay trong những ngôi nhà sáng điện kia, ấy thế mà tưởng chừng như nghìn năm chưa gặp mặt. Phải chăng người ta muốn quên đi người bạn tuổi thơ, hay vẫn nhận ra người bạn ấy như lại cố tình quên?
Nguyễn Duy đã vô cùng khéo léo khi so sánh vầng trăng như “người dưng qua đường”. Nghe sao chua xót thế, từng là tri kỷ, chứng kiến bao thăng trầm của cuộc đời, ấy thế mà đến bây giờ vầng trăng bỗng hóa người xa lạ, chẳng còn ai nhớ đến. Thông qua hình ảnh ánh trăng ấy, Nguyễn Duy muốn phản ánh một sự thực đau lòng của xã hội hiện tại: con người ta thay đổi đến chóng mặt, vì cuộc sống họ quên mất đi cốt lõi, quên mất những điều quý giá nhất của cuộc đời.
Có lẽ vầng trăng sẽ đi vào lãng quên mãi mãi nếu không có sự kiện thành phố bị mất điện:
Thình lình đèn điện tắt
Phòng buyn-dinh tối om
Vội bật tung cửa sổ
Đột ngột vầng trăng tròn
Khoảnh khắc ấy như mở ra cảm xúc vỡ òa. Thế nên, nhịp thơ trong đoạn này được tác giả tạo nên một cách nhanh, mạnh đến lạ thường. Chỉ khi không còn đèn điện, người ta mới “vội” bật tung cửa sổ để rồi “đột ngột” phát hiện ra vầng trăng tròn tỏa sáng lung linh. Có lẽ đây chính là giây phút tĩnh lặng để con người ta ngẫm nghĩ về cuộc sống. Dường như tác giả đã vô cùng bàng hoàng, sững sờ khi gặp lại vầng trăng. Đó phải chăng là cảm giác có lỗi với người bạn lâu năm. Vì ánh đèn sáng trưng người ta chẳng cần đến thứ ánh sáng mờ ảo của vầng trăng. Chỉ khi không còn thứ ánh sáng nhân tạo kia, người ta mới nhận ra người bạn lâu năm vẫn đứng ở đó, vẹn nguyên và tròn đầy. Cuộc hội ngộ ấy đã thức tỉnh lương tâm con người, để từ đó tác giả thấy day dứt, suy tuy.
- Luận điểm 3: Cảm xúc về vầng trăng và con người
Thoạt ngỡ ngàng trước cuộc hội ngộ đầy bất ngờ ấy, tác giả lại rưng rưng với bao sự xúc động đan xen:
Ngửa mặt lên nhìn mặt
Có cái gì rưng rưng
Như là đồng là bể
Như là sông là rừng
Sau phút bỡ ngỡ ấy, Nguyễn Duy đối diện với ánh trăng trong im lặng. Ở đây, tác giả đã sử dụng hình ảnh “ngửa mặt lên nhìn mặt” như muốn nhân cách hóa cho vầng trăng. Đó không đơn thuần là sự đối mặt của những tri kỷ, mà đó còn là hiện tại và quá khứ, sự bạc bẽo vô tình với thủy chung gắn bó.
Nhà thơ sử dụng từ “rưng rưng” để miêu tả xúc cảm tự hổ thẹn với sự thay đổi đến vô tình của bản thân. Nhưng đan xen đó cũng là cảm xúc vui sướng của trái tim vốn khô cằn, nay được gặp lại người bạn cũ, gặp lại tri kỷ năm xưa. Nhìn thấy vầng trăng, những hình ảnh gắn liền với tuổi thơ lại ùa về, với đồng, với bể, với sông, với rừng. Trong một khoảnh khắc cuộc sống hiện tại như không còn hiện hữu, thay vào đó là dòng ký ức ùa về. Đó cũng là phút giây tác giả tự nhìn lại bản thân mình.
Chỉ một câu thơ thôi, ấy mà nó bao quát được tất cả mọi thứ, từ quá khứ đến hiện tại, từ tình chung đến bạc bẽo vô tình. Sự xuất hiện của ánh trăng như làm bừng tỉnh một tâm hồn đang khô cằn bởi những thứ của thực tại. Bằng nhịp thơ nhanh, mạnh, Nguyễn Duy đã khiến người đọc cuốn chung vào mạch nguồn cảm xúc của bài thơ.
Từ sự thức tỉnh về chân lý cuộc đời, nhà thơ đã suy ngẫm đến những triết lý nhân sinh sâu sắc:
Trăng cứ tròn vành vạnh
Kể chi người vô tình
Ánh trăng im phăng phắc
Đủ cho ta giật mình.
Ở đây, ánh trăng đã được nâng lên thành biểu tượng của sự vĩnh hằng. Cái “tròn vành vạnh” của vầng trăng không chỉ là sự tròn đầy mà nó còn là sự trọn vẹn nghĩa tình. Dù con người có đổi thay thì vầng trăng vẫn vậy, thiên nhiên vẫn thế, vẫn song hành cùng cuộc sống chẳng đòi hỏi gì. Sự “im phăng phắc” của ánh trăng như một sự bao dung, độ lượng của người bạn thủy chung ấy. Nhưng chính vì sự im lặng ấy đã khiến cho người bạn vô tình bỗng thức tỉnh và kịp thời níu giữ những gì còn sót lại.
Câu thơ cuối có lẽ là sự dồn nén đến nghẹn ngào của tác giả. Đó cũng là sự bừng tỉnh về suy tư, về quan điểm của cuộc sống.
Ánh trăng đã thực sự thành công khi sử dụng hình ảnh thiên nhiên để lột tả sự trần trụi của cuộc sống thực tại. Thể thơ 5 chữ với nhịp thơ linh hoạt đã giúp chúng ta hòa cùng nhịp cảm xúc của bài thơ. Cũng từ ấy ta thấy được sự sâu sắc trong cách cảm nhận của tác giả về cuộc đời, về con người.
Lời kết
Nguyễn Duy đã thực sự thành công khi khắc họa hình ảnh ánh trăng. Đó là hình ảnh vô cùng chân thực nhưng lại mang những ý nghĩa sâu sắc. Qua đó, ta thấy được một sự thật đau lòng của con người hiện tại: cuộc sống đủ đầy đã che lấp đi những quá khứ, khiến chúng ta trở nên ích kỷ, vô tâm.