Dưới đây là tài liệu mẫu phân tích bài thơ Tre Việt Nam mà các bạn học sinh lớp 6 đang tìm kiếm. Với những cách phân tích chi tiết đầy đủ, các bạn có thể sử dụng tài liệu này để tham khảo sao cho bài làm văn của mình đạt hiệu quả cao và gây ấn tượng mạnh.
Mở bài cụ thể phân tích bài thơ Tre Việt Nam
Tre Việt Nam là tác phẩm gắn liền với tên tuổi của nhà thơ Nguyễn Duy bên cạnh bài thơ Ánh trăng. Trước khi đi vào phân tích bài thơ Tre Việt Nam của ông, chúng ta cần tìm hiểu qua sự nghiệp sáng tác của tác giả.
Nguyễn Duy quê ở Thanh Hóa. Ông bắt đầu bén duyên với thơ văn khá sớm, từ những năm cấp 3 khi còn là học sinh trường Lam Sơn. Không chỉ là một nhà thơ tài năng ông còn là một chiến sĩ cách mạng anh dũng. Năm 1965, ông là tiểu đội trưởng đội dân quân tự vệ tham gia kháng chiến chống Mỹ ở quê hương. Năm 1966, ông nhập ngũ và trở thành lính đường dây bộ đội thông tin liên lạc. Ông giải ngũ và làm việc tại Tuần báo Văn nghệ Hội nhà văn Việt Nam sau chiến dịch biên giới phía Bắc 1979.
Ngoài tác phẩm Ánh trăng, nhà thơ Nguyễn Duy còn được biết đến bài thơ Tre Việt Nam. Đây là bài thơ đặc sắc và thú vị khi nói về vẻ đẹp của cây tre cũng như sự gắn liền của cây tre với đất nước con người Việt Nam. Qua bài thơ, qua hình ảnh cây tre, nhà thơ cũng khẳng định và ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn của con người Việt Nam.
Thân bài chi tiết
Luận điểm 1: phân tích 3 câu thơ đầu
Bắt đầu bài thơ, nhà thơ nói rõ hình ảnh cây tre đó là “tre xanh”. Và sau đó là câu hỏi cây xanh có từ bao giờ.
“Tre xanh
Xanh tự bao giờ?
Chuyện ngày xưa. . . đã có bờ tre xanh”
Phân tích bài thơ Tre Việt Nam, khi nghe thấy hai tiếng “tre xanh”, đều khơi gợi trong tâm hồn mỗi độc giả những xúc cảm bâng khuâng. Bởi hình ảnh cây tre vô cùng quen thuộc với mọi thế hệ người dân Việt Nam, đặc biệt là những người ở các vùng thôn quê. Khi tác giả Nguyễn Duy tự hỏi rồi tự trả lời về xuất xức của cây tre, chúng ta chợt nhớ tới câu chuyện Thánh Gióng đã dùng tre ngà quật ngã giặc Ân. Và hình ảnh cây tre là hình ảnh tượng trưng cho sức mạnh bền bỉ, và vững vàng của làng quê Việt Nam.
Không chỉ nhà thơ Nguyễn Duy, mà trong bài Đất nước, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng khẳng định “ Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre đánh giặc”. Qua đây chúng ta có thể thấy, hình ảnh cây tre gắn liền với truyền thống đánh giặc ngoại xâm và sức mạnh đoàn kết dân tộc của người Việt Nam.
Luận điểm 2: phân tích vẻ đẹp sắc màu, hình dáng của cây
Nếu như những câu thơ đầu, tác giả đã nói về sự xuất xứ lâu đời của cây tre Việt Nam thì ở những câu thơ tiếp theo, nhà thơ đã đi vào mô tả chi tiết dáng vẻ, kết cấu của cây tre.
“Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên lũy nên thành tre ơi?
Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu”
Phân tích bài thơ Tre Việt Nam đến đây, độc giả cảm nhận rõ rệt hình ảnh cây tre. Tre là loài cây có thân hình gầy guộc, rất mong manh. Lá tre rất mong, luôn rung rinh trước những cơn gió. Tuy nhiên, tre luôn đứng thành khóm, thành lũy thành thành mà không bao giờ sống đơn độc. Chúng lớn lên cao và thẳng tắp hiên ngang ở mọi nơi. Cho dù là vùng đất màu mỡ hay vùng đất khô cằn, bạc màu. Tre vẫn vươn mình xanh tươi. Tre không cần chăm bón nhiều mà vẫn xanh tốt. Thật là một loài cây hiếm có.
Luận điểm 3: hình ảnh con người Việt Nam phía sau hình ảnh cây tre
Qua những câu thơ miêu tả dáng vẻ cây tre, độc giả đã phần nào cảm nhận được hình ảnh ẩn dụ của người Việt Nam. Đó là phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam. Dù thấp cổ bé họng, dù nhỏ người nhưng luôn có tâm hồn thanh cao, mạnh mẽ. Đó là hình ảnh người Việt Nam có tâm hồn ngay thẳng, dù cuộc sống nghèo khổ, vẫn luôn mạnh mẽ vươn lên. Đặc biệt, người Việt Nam cũng như cây tre, luôn sống đoàn kết với nhau không bao giờ đơn độc.
“Có gì đâu, có gì đâu
Mỡ màu ít chắt dồn lâu hóa nhiều
Rễ siêng không ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù
Vươn mình trong gió tre đu
Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành
Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh
Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm”
Đọc những câu thơ trên, độc giả cảm nhận được tre xanh có một sức sống mãnh liệt, khi vượt qua mọi gian khó nghèo khổ. Dù cho đất kia bạc màu, không dưỡng chất nhưng tre vẫn cần cù siêng năng đi tìm dưỡng chất. Để rồi dù cho đất nghèo, tre vẫn sống khỏe mạnh, xanh tốt. Không những thế, tre còn vui với niềm vui của riêng mình khi đu đưa theo ngọn gió. Tre vẫn hát ru, vẫn yêu nắng, yêu trời xanh. Hình ảnh cây tre hiện lên càng tôn lên vẻ đẹp thanh bình của làng quê Việt Nam. Đặc biệt, tre cũng như người Việt Nam, luôn vươn mình đón ánh nắng vươn ra nơi ánh sáng chứ không bao giờ đứng khuất bóng râm. Tre chỉ có thể che mát cho cây khác chứ không bao giờ chịu luồn cúi khuất phục trước những loài khác. Hình ảnh cây tre cũng chính phẩm chất con người Việt Nam mà nhà thơ Nguyễn Duy muốn ca ngợi. Đó là con người Việt Nam tuy nhỏ bé, gầy gò nhưng luôn có một tâm hồn thanh sạch. Dù cuộc sống có nghèo đói, nhưng không bào giờ chịu khuất phục trước ai, hay chịu làm nô lệ cho bất cứ ai. Với sự cần cù, chăm chỉ người dân Việt Nam thì sự nghèo đói, cũng không khiến họ bị chết mòn.
“Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm
Thương nhau tre không ở riêng
Lũy thành từ đó mà nên hỡi người
Chẳng may thân gãy cành rơi
Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng
Nòi tre đâu chịu mọc cong
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường
Lưng trần phơi nắng phơi sương
Có manh áo cộc tre nhường cho con”
Ở những câu thơ ở khổ tiếp theo, tác giả Nguyễn Duy đã nhân hóa hình ảnh cây tre rõ ràng hơn, mang tính người hơn. Tre ở đây đã có tay, có thân, có tình thương. Không những thế, tre còn có truyền thống gia đình, có lưng trần, giống như người mẹ nhường áo cho con… Cụ thể ở đây, tre có bàn tay để ôm lấu nhau cùng vượt qua giông tố cuộc đời. Điều đó, thể hiện sự giúp đỡ, gắn bó đùm bọc giữa những cây tre giống như người Việt Nam, luôn đoàn kết yêu thương nhau. Cũng giống như người Việt Nam, sống thành xóm, thành làng thì cây tre cũng không sống đơn độc mà sống thành khó, thành lũy. Điểm nhân hóa thú vị tiếp theo đó là hình ảnh những khi có cây tre bị gãy bị rụng lá thì dưới gốc vẫn có những búp măng lớn lên tiếp tục nối tiếp phát triển. Ấn tượng hơn cả là hình ảnh tre được ví như những ngọn chông, rất sắc nhọn và thẳng tắp. Giống như tinh thần chiến đấu quật cường, dũng mãnh của mỗi người con đất Việt trong gian khó, chiến tranh. Tiếp đến, phẩm chất cao đẹp của con người về tình mẫu tử đã được tác giả miêu tả qua việc nhường áo cho con của cây tre. Tre cũng như người mẹ, luôn hết lòng vì con. Luôn dành cho con những điều tốt đẹp nhất. Nó cũng giống như người mẹ Việt Nam với chiếc yếm hở lưng trần, còn manh áo cộc thì nhường cho con hết.
Dù không nhắc đến một từ nào của về con người, nhưng qua hình ảnh cây tre, nhà thơ Nguyễn Duy là khắc họa hết những phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam. Đó là tình yêu thương, sự ngay thẳng, sự đoàn kết, sự dũng cảm vươn mình vượt qua mọi khó khăn. Giống như những cây tre, cuộc sống càng gian khó, con người Việt Nam càng gắn bó, càng đùm bọc bên nhau vượt qua mọi gian khó. Điều này thể hiện rõ không chỉ trong những năm tháng chiến tranh mà ngay trong thời bình, khi đại dịch Covid diễn ra. Cả đất nước đã cùng chung một lòng để chiến thắng đại dịch.
Luận điểm 4: thế hệ măng non cũng là thế hệ nhi đồng của người Việt Nam
Phân tích bài thơ Tre Việt Nam, tới đây chúng ta nhận ra một vẻ đẹp trong cuộc sống của tre lẫn truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam. Đó là, khi tre già đi thì những cây măng sẽ mọc để tiếp tục nối dài sự phát triển của tre. Dù những búp măng mới nhú những đã bắt đầu mang dánh hình của tre xanh. Và rồi sau nhiều năm tháng qua đi, măng vẫn cứ nối tiếp và lớn lên xanh tốt như những thế hệ tre xanh trước đó. Ở đây, tác giả sử dụng điệp từ “mai sau” kết hợp với câu thơ cuối có điệp từ “xanh” càng khiến cho sự nối tiếp kéo dài. Và hơn hết là một màu xanh xanh mãi sẽ phủ khắp đất nước Việt Nam sẽ không bao giờ kết thúc. Tạo nên một cuộc sống xanh, thanh bình trên mọi làng quê Việt Nam, ở những nơi nào có cây tre hiện diện.
Không chỉ nói về sự tiếp nối của cây tre, qua đó, tác giả muốn nhấn mạnh tới thế hệ thiếu niên nhi đồng “măng non” của người Việt Nam. Đó là khi cha ông đã ngã xuống thì thế hệ con cháu sẽ tiếp tục truyền thống sống đẹp, sống mãnh liệt, sống yêu thương và đoàn kết, để phát triển và xây dựng đất nước giàu mạnh.
“Măng non là búp măng non
Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre
Năm qua đi, tháng qua đi
Tre già măng mọc có gì lạ đâu
Mai sau,
Mai sau,
Mai sau. . .
Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh”
Phần kết bài chi tiết
Có thể nói, phân tích bài thơ Tre Việt Nam, độc giả không chỉ cảm nhận vẻ đẹp hùng vĩ, kiên dũng, đầy yêu thương và đùm bọc của cây tre mà còn là phẩm chất tốt đẹp của người dân Việt Nam. Đó là phẩm chất ngay thẳng, vượt qua mọi gian lao để sống mạnh mẽ của người dân Việt Nam. Và khẳng định, hình ảnh cây tre chính là hình ảnh con người Việt Nam.