Có lẽ mỗi người chúng ta ai sinh ra và lớn lên cũng đều có quê hương của riêng mình, đó là chốn thiêng liêng, là mái nhà ôm ấp, vỗ về ta trước bao sóng gió, phong ba cuộc đời. Chính vì vậy mà quê hương trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều nghệ sĩ, là hình ảnh quen thuộc trong thơ ca Việt Nam. Viết về đề tài này, nhà thơ Tế Hanh đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc với tác phẩm cùng tên. Phân tích bài thơ Quê hương để thấy được vẻ đẹp của nơi “chôn nhau cắt rốn” và tình cảm của tác giả.
Tế Hanh bắt đầu sáng tác từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, ghi tên mình vào chặng cuối trong phong trào Thơ mới với những dòng thơ mang nhiều nỗi buồn cùng tình yêu quê hương đất nước tha thiết. Giai đoạn sau năm 1945, ông tiếp tục sáng tác phục vụ cho cách mạng và kháng chiến, bày tỏ bao niềm thương nỗi nhớ và khao khát đất nước sớm được thống nhất, Nam Bắc đoàn tụ một nhà. Được in trong tập Hoa niên (1945), Quê hương là một trong những bài thơ xuất sắc nhất của người con núi Ấn sông Trà, thể hiện nỗi nhớ thương của tác giả đối với nơi mình được sinh ra.
Khi từ “quê hương” được cất lên, trong tâm trí của chúng ta có lẽ đâu đó là hình ảnh cây đa giếng nước, lũy tre đầu làng, những cánh đồng lúa bát ngát, mênh mông còn quê hương của Tế Hanh hiện lên là một làng chài ven biển nằm trên cù lao giữa bốn bề sông nước:
“Làng tôi vốn làm nghề chài lưới:
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông.”
Mở đầu, nhà thơ đã nói đến quê hương mình “làng tôi” vô cùng tự nhiên và giản dị, cho biết người dân quê ông sống bằng nghề đánh cá truyền thống, cuộc đời gắn liền với tiếng sóng rì rào, với vị mặn của biển cả, xung quanh là một màu đại dương xanh ngát. Từ lời giới thiệu mộc mạc, không chút rườm rà, hoa mỹ này bức tranh làng quê miền biển và cảnh lao động của người dân chài từ từ mở ra trước mắt người đọc:
“Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng,
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.
Không gian và thời gian được tác giả nhắc đến với “trời trong”, “gió nhẹ”, “sớm mai hồng”, một buổi sáng đẹp trời để “dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá”. Hình ảnh con người hiện lên đầy khỏe khoắn và năng động, họ bắt đầu công việc của mình với khí thế rộn ràng, sôi nổi.
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang.
Cánh buồm trương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…”
Qua các động từ mạnh “hăng”, “phăng”, “mạnh mẽ vượt” và hình ảnh so sánh “như con tuấn mã” ta thấy được tâm thế mạnh mẽ, khí thế căng tràn của chiếc thuyền ra khơi. Ở đây Tế hanh đã để phương tiện di chuyển này hiện lên với vẻ đẹp chủ động,
như một con ngựa tốt, tiến về phía trước như không chịu bất kỳ sự cản trở nào, sẵn sàng kinh qua một trận chiến khốc liệt, vững vàng can trường trước sóng biển. Chiếc thuyền đánh cá đời thường qua mắt nhìn, lời thơ của tác giả đã trở nên thật hiên ngang, sục sôi nhiệt huyết. Từ trạng thái hào hùng này rất nhanh Tế Hanh đã đưa người đọc đến với vẻ đẹp thật hào hoa lãng mạn của hình ảnh cánh buồm:
“Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…”
Qua hai câu thơ, tác giả đã làm rõ được tầm quan trọng của cánh buồm, có cánh buồm “chải gió” thì con thuyền mới có thể ra khơi làm việc, mang nguồn hải sản quý giá về nuôi sống dân làng. Cánh buồm còn đảm bảo được cho con thuyền hai chữ “bình an” trước bao sóng to gió lớn nơi biển cả mênh mông. Vốn là thứ hữu hình vô tri vô giác giờ đây qua sự liên tưởng của tác giả cánh buồm trở thành “mảnh hồn làng” – một sinh thể trừu tượng đầy lãng mạn. Nó là biểu tượng cho làng chài, những con người mưu sinh vùng biển, thấy cánh buồm như thấy niềm hy vọng, sự sống lớn lao, là nơi thâu góp và lưu giữ vẻ đẹp của miền xanh thẳm cùng tâm hồn, tình cảm của con người nơi đây. Cánh buồm chở bao tin yêu, niềm mong ngóng đợi chờ của những người mẹ, đứa con thơ ở nơi đất liền dành cho người chồng, người cha đang ngoài khơi xa vì vậy đằng sau nó còn là hình ảnh gia đình đoàn tụ, là động lực cho sự cố gắng làm việc và bình an trở về. Động từ “rướn” được sử dụng nhằm tô đậm tư thế kiêu hãnh, đầy tự tin và chủ động của con thuyền đồng thời vẽ ra hình ảnh làm chủ thiên nhiên, vững vàng trước biển cả của người đánh cá. Với bốn câu thơ, Tế Hanh đã mở ra trước mắt độc giả một khung cảnh tuyệt đẹp, tràn đầy sức sống, hứa hẹn một ngày ra khơi thắng lợi. Và như một trình tự bất biến, sau khoảng thời gian làm việc hăng say, chăm chỉ, con thuyền trở về:
“Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về.
“Nhờ ơn trời, biển lặng cá đầy ghe”,
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.”
Đọc những câu thơ trên, ta dường như có chung niềm vui với người dân làng chài bởi thành quả họ có được sau một ngày dấn thân chinh phục biển cả. Trong lời cảm tạ trời đất đầy giản dị mộc mạc, ta thấy ở họ cái tinh thần quý báu của người Việt, luôn biết ơn và tin tưởng đấng siêu hình đã phù hộ cho họ được bữa no, áo ấm. Vẻ đẹp của họ được tác giả “thầm thương” và miêu tả kỹ trong khổ thơ tiếp theo:
“Dân chài lưới, làn da ngăm rám nắng,
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm;
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.”
Có thể nói rằng những vần thơ này của Tế Hanh vừa thực tế, vừa lãng mạn. Thực tế bởi “làn da ngăm rám nắng” của dân chài lưới, đó là cái nắng của biển khơi, nắng của những ngày sóng chưa bao giờ ngừng vỗ. Lãng mạn vì cái “vị xa xăm” họ để ngấm vào trong da thịt mình, đó là vị của biển cả, của muối, của gió, của tình cảm quê hương, gia đình đậm sâu. Hình ảnh người dân chài qua đây hiện lên thật khỏe khoắn, đặc trưng cho miền biển và đâu đó có cả chút thi vị. Gắn liền, đồng hành cùng con người trong cuộc đi xa, khi trở về nhà thơ không để quên con thuyền ở một nơi nào xa lạ. Theo tác giả, con thuyền cũng có linh hồn, cảm giác qua “mỏi”, “nằm”, “nghe”. Nó như một người dân lao động, biết tự cảm nhận cơ thể mình sau một ngày làm việc hăng say, cực nhọc. Tất cả những điều này đều được tái hiện qua ký ức êm đềm, đẹp đẽ của Tế Hanh để sau cùng người con xa quê này bộc lộ niềm thương nỗi nhớ da diết với quê hương mình:
“Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi,
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi,
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!”
Con người ta vốn dĩ được hình thành từ những điều ban sơ, chân thật nhất vì vậy mà nhớ thì nói nhớ, thương thì nói thương, ở đây nhà thơ của chúng ta cũng như vậy, không ngần ngại bộc bạch nỗi lòng của mình rằng ông luôn tưởng tượng, thương nhớ về quê hương. Qua một loạt các hình ảnh “màu nước xanh”, “cá bạc”, “chiếc buồm vôi” đủ để thấy được nỗi nhớ quê hương của tác giả chân thành và da diết đến chừng nào, để rồi cuối cùng phải thốt lên rằng “tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá”. Mùi nồng mặn ở đây chính là mùi của cá tôm, của biển cả, mùi của cơn gió ngày đêm rì rào thổi, mùi của con người quê hương tác giả. Cái mùi đầy yêu thương ấy đã khắc sâu trong tâm trí nhà thơ và không thôi nồng nàn, vương vấn để ông mãi nhớ, mãi hướng về.
Không cầu kỳ, phô trương, Tế Hanh đã viết nên một tác phẩm hay với bao cảm xúc chân thành nhất. Phân tích bài thơ Quê hương, ta có cơ hội nhìn thấy hình ảnh tươi đẹp vùng biển, thấy được cái hồn thi vị của quê hương đất nước Việt Nam.