Soạn Viết bài tập làm văn số 3 – Văn Tự sự Trang 191 Ngữ văn 9 Tập 1
Đề 1(Soạn Viết bài tập làm văn số 3): Hãy kể về một lần em trót xem nhật kí của bạn
(Soạn Viết bài tập làm văn số 3)Bài tham khảo:
+ Mở bài:
– Giới thiệu vấn đề
Nhật kí là hình thức ghi chép tự do của mỗi cá nhân. Nó là mảng tâm hồn để người viết ra thỉnh thoảng đọc lại suy ngẫm về những vấn đề riêng tư không muốn cho ai biết. Vì thế, khi người khác tự ý xem có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Thế mà, do nông nổi tôi đã một lần xem nhật kí của người bạn thân nhất. Chuyện đã qua, nhưng đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể tha thứ cho mình.
+ Thân bài:
– Kể lại hoàn cảnh xem trộm nhật ký? Trong hoàn cảnh như thế nào đã dẫn tới hành động không đẹp đó? Nguyên nhân vì sao? Động cơ mục đích của việc đọc trộm nhật ký của bạn mình là gì?
Mai là cô bạn gái thân thiết nhất của tôi. Chúng tôi chơi với nhau từ hồi còn bé xíu nên tôi hiểu rất rõ Mai. về Mai, ai cũng phải thừa nhận bạn rất xinh và dễ mến, lại học giỏi hát hay khiến tôi càng hãnh diện về bạn. Và hơn hết, Mai lại sống rất tình cảm. Chúng tôi đi đâu cũng đi cùng nhau, có gì cũng chia cho nhau. Tôi hay sang nhà Mai chơi cũng như Mai cũng thường xuyên đến nhà tôi chơi vậy.
Một lần, tôi đến nhà Mai mượn sách. Mai bảo tôi cứ tìm thoải mái còn mình đang dở tay nhặt rau giúp mẹ. thế là tôi vào phòng Mai tự tìm. Cả một tủ sách khiến tôi hoa cả mắt. Bỗng nhiên tôi thấy một cuốn sách có tựa: Hạnh phúc của tôi là…Tôi tò mò nghĩ thầm: Không biết là cuốn sách gì mà có tựa đề lạ quá! và tôi cố lôi nó ra, một quyển sổ cũ kĩ, tôi mở ra xem. Không! Đó là nhật kí của Mai! Tôi vội vàng gập lại ngay và định để vào chỗ cũ. Nhưng tôi muốn biết rõ thêm về Mai, tôi không ngăn được tay mình mở cuốn sổ, mắt mình đọc nó. Tôi đã cố gắng nhưng mắt tôi vẫn dán vào. “Trời ơi! Lẽ nào lại vậy! Lẽ nào bố mẹ Mai? Gia đình Mai sắp tan vỡ sao?…”
– Cảm xúc khi bạn phát hiện ra mình đọc trộm nhật ký của bạn? Lúc đó cảm thấy ân hận, lo lắng như thế nào? Cảm xúc xấu hổ, sợ mọi người biết mình là người không đáng tin cậy?
Đang đọc bỗng dưng tôi nghe thấy tiếng “xoảng”, tôi quay đầu lại: Mai! Tay tôi run bắn, cuốn nhật kí rơi bộp xuống đất. Mai chạy về phía tôi, giật phăng cuốn sổ trên tay tôi. Tôi đứng trân trân, người bất động, không nói được lời nào. Tôi chỉ nhớ ánh mắt rưng rưng, Mai nhìn tôi, đầy tức giận, môi run rẩy: “Đi ra ngay!”
Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy Mai giận dữ như vậy. Tôi chạy, chạy như điên ánh mắt ấy, tôi muốn khóc quá. Tôi rất sợ, sợ sự giận dữ Mai ném cho tôi, sợ cả chính việc mình vừa làm, về đến nhà, tôi đóng sập cửa phòng lại. Tôi thở hổn hển, chân tôi đứng không vững nữa, tôi bán thần ngồi xuống ghế như không tin chuyện vừa xảy ra. Lúc bình tĩnh lại, tôi tự trách mình tại sao lại làm như vậy. “Tại sao tôi lại không chiến thắng được tính tò mò của mình? Tại sao?”. Tôi buồn bực quăng cả chồng sách trên bàn xuống đất. Sự xấu hổ và hối hận làm tôi day dứt, không yên.
– Thái độ của bạn khi thấy mình xem trộm nhật ký của bạn như thế nào? (không hài lòng, giận dữ nói rất nhiều hoặc im lặng, lạnh lùng không thèm chơi cùng, không buồn nhìn mặt…)
Sáng hôm sau, tôi đến lớp một mình, Mai vẫn giận tôi, bạn né tránh và không nói chuyện với tôi. Tôi đã rất quyết tâm đến xin lỗi Mai, nhưng rồi tôi lại sợ, sợ nhìn lại vẻ mặt tức giận của Mai tôi cũng tránh Mai luôn.
– Những ngày sau đó tình bạn của mình và bạn như thế nào. Có nói chuyện cùng nhau nữa hay không? Còn thân thiết vui vẻ như trước nữa hay không? Tâm trạng của bản thân mình có thấy vui khi không được nói chuyện, và chơi đùa cùng bạn?
Sau hôm đó, tôi tự thuyết phục mình sẽ đến gặp Mai. Nhưng hai hôm, rồi ba hôm sau, Mai không đến lớp, Tôi rất lo lắng đang định đến nhà Mai thì tôi thấy Mai đứng trước cửa nhà:
Mai, mình sẽ đi Sài Gòn cùng mẹ. Tạm biệt Bình! Mai nói trong nước mắt.
“Trời!” – tôi thốt lên khe khẽ – “Sao lại vậy?”. Tôi đứng lặng đi nhìn Mai mà ứa nước mắt.
Ghì chặt mấy quyển sách trong tay, Mai nói trong tiếng nấc:
Bố mẹ mình li dị rồi!
Tai tôi như nghe không rõ nữa, Mai sắp đi xa ư, rời khỏi tôi mãi ư, về sau tôi có còn gặp lại Mai nữa không, tôi không muốn nghĩ tiếp. Có điều gì đó thôi thúc trong lòng tôi, tôi bật ra, không chút kìm nén.
– Bạn có làm hòa được với người bạn của mình không? Hai người làm hòa trong tình cảnh nào? Giờ tình bạn của hai người ra sao sau khi đọc trộm nhật ký? Có còn được vui vẻ như trước không, hay vui vẻ hơn?
Mai, mình xin lỗi, mình không cố tình đâu… chi vì…
Nói đến đấy, tôi thổn thức. Trong lòng tôi, sự hối hận đã vơi nhiều, chỉ còn sự xót xa và cảm giác mất mát, mất một cái gì đó thật lớn lao.
Mai nhìn tôi, ánh mắt đầy lưu luyến, bạn gật đầu, giọng xúc động:
Chúng ta vẫn là bạn – Mai nói không chút ngập ngừng.
Hai chúng tôi xích gần lại nhau hơn. Mai và tôi đã cảm thấy điều gì quý nhất ở tình bạn. Lần đầu tiên, chính Mai đã lau nước mắt trước:
Mình không buồn nữa đâu, cậu cũng đừng buồn Bình à. Mình còn biết bao nhiêu điều muốn nói với cậu cơ mà.
Đến lúc này, tôi cảm thấy như mình đã lãng phí quá nhiều thời gian. Mai đâu còn ở với tôi lâu nữa. Tôi quệt nước mắt, dắt tay Mai vào nhà.
Chúng tôi đã nói với nhau biết bao chuyện, nhưng tuyệt nhiên không ai nhắc đến chuyện buồn của Mai. Hơn ai hết, tôi hiểu rằng chính mình phải làm cho Mai tin ở những điều tốt đẹp, tin ở tương lai tươi sáng hơn. Mọi nỗi buồn với Mai sẽ qua đi theo năm tháng, tôi chỉ mong rằng tình bạn tôi dành cho Mai sẽ làm vơi đi phần nào nỗi buồn của bạn lúc này. Và dù có đi đâu chúng tôi vẫn sẽ là bạn của nhau vẫn giữ liên lạc với nhau.
+ Kết luận:
Tự rút ra cho mình bài học từ chuyện đã xảy?
Lần trót xem nhật kí ấy đã để lại cho tôi một bài học quý giá về sự tôn trọng quyền riêng tư của người khác và phép màu kì diệu của lời xin lỗi đặc biệt là tình bạn của chúng tôi như trải qua lần đó càng thắm thiết, sâu sắc hơn.
Đề 2(Soạn Viết bài tập làm văn số 3): Hãy tưởng tượng mình gặp gỡ và trò chuyện với người lính lái xe trong tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật. Viết bài văn kể lại cuộc gặp gỡ, trò chuyện đó.
(Soạn Viết bài tập làm văn số 3)Bài tham khảo:
+ Mở bài:
– Giới thiệu về cuộc gặp gỡ. Cuộc gặp gỡ và trò chuyện ấy đã tác động rất nhiều đến suy nghĩ và tình cảm.
Ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam sắp đến gần, nhà trường vui mừng thông báo đến chúng tôi năm nay sẽ được gặp gỡ, giao lưu với đoàn cựu chiến binh. Điều ấy làm ai cũng hết sức háo hức, vui sướng, được nghe các bác kể về chuyện diệt Mỹ là điều tuyệt vời nhất. Và trong buổi gặp ngày hôm ấy, tôi đặc biệt ấn tượng với một chú đầu đã bạc, trên ngực đầy những huân chương, gương mặt đã già nhưng vẫn đậm chất ngang tàng, trẻ trung. Qua lời giới thiệu tôi đươc biết chú chính là một trong những người lính lái xe trong đoàn xe không kính xuất hiện trong tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật.
+ Thân bài:
– Miêu tả người lính đó (ngoại hình, tuổi tác, …)
Thật khó lòng có thể tưởng tượng được, người lính trẻ trung, ngang tàng, tinh nghịch năm xưa giờ ai nấy cũng ngoài 60 tuổi, nhưng vẫn còn đĩnh đạc, oai nghiêm đến như vậy. Chú có dáng người cao, hơi đậm người, dù đã lớn tuổi nhưng giọng nói vẫn rất khỏe và vang. Có lẽ chính trong những năm kháng chiến trường kì đã tôi rèn sức khỏe cho người lính. Bên ngoài vẻ già dặn, từng trải ta vẫn thấy nét gì đó rất đáng yêu, hóm hỉnh của người lính năm xưa.
– Kể lại diễn biến cuộc gặp gỡ và trò chuyện:
Sau những lời giới thiệu, chú kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời người lính vận tải trên tuyến đường Trường Sơn ngày đêm bị Mỹ ném bom ác liệt.
+ Những năm tháng chống Mỹ khi bác lái xe trên tuyến đường Trường Sơn.
Vào những năm đó, tuyến đường Trường Sơn là tuyến đường trọng điểm nên thường xuyên bị máy bay Mỹ ném bom, những con đường bị quần nát, cây cối hai bên đường trơ trụi. Chúng quyết tiêu diệt chúng ta cho bằng được. Tuy nhiên, chúng càng ném bom, tinh thần của những người lính càng được nâng cao, ai cũng mang trong mình quyết tâm lớn, hi sinh tất cả vì miền Nam ruột thịt. Bởi vậy, hàng ngày, hàng đêm các đoàn xe vẫn anh dũng tiến về phía trước, mặc mưa bom, bão đạn để tiếp tế cho miền Nam.
+ Những gian khổ mà bác và đồng đội phải chịu đựng: sự khốc liệt của chiến tranh, bom đạn của kẻ thù là xe bị vỡ kính, mất đèn, không mui.
– Các cháu có lẽ không thể tưởng tượng hết những khó khăn, gian khó mà thế hệ chú đã phải trải qua. Đó là những năm tháng tuy nguy hiểm, ác liệt mà anh dũng hào hùng. Cũng bởi những chiếc xe phải đi trong những cơn mưa bom bão đạn như vậy nên hầu hết các xe vận tải không còn xe nào có kính, những chiếc xe bị biến dạng nghiêm trọng, mui xe xước chằng chịt vì va quệt, những chiếc xe không có đèn mà vẫn băng băng trong đêm tối, đường rừng Trường Sơn với biết bao nguy hiểm.
+ Tinh thần dũng cảm, về tư thế hiên ngang, niềm lạc quan sôi nổi của tuổi trẻ trước bom đạn kẻ thù, trước khó khăn, gian khổ.
Lúc ấy trái tim nhiệt huyết sẽ soi sáng con đường chú đi, chính vì vậy dù đêm tối cũng không thể ngăn cản những nhịp bánh xe lăn. Không chỉ vậy, đi trên những chiếc xe không kính cũng là một trải nghiệm vô cùng thú vị. Những đêm trên đường vận chuyển lương thực, vũ khí với tốc độ di chuyển nhanh gió và sao như ùa cả vào buồng lái. Gió mạnh táp thẳng vào mặt khiến ai nấy đều đỏ ửng cả mặt mũi. Nhưng không chỉ có vậy, những hôm quang trời, đường khô, bụi cuốn tung lên, phả vào trong xe khiến khuôn mặt ai cũng được tráng một lớp phấn trắng xóa, tóc bạc chẳng khác người già. Các chú nhìn nhau, thích thú cười ha ha. Những ngày mưa ngồi trong cabin mà chẳng khác ngồi ngoài trời, mưa xối thẳng vào buồng lái. Nhưng các chú không ai dừng bước, vẫn tiến lên phía trước, gió lùa chẳng mấy chốc mà quần áo sẽ khô.
Từ phía xa vọng lên tiếng hỏi:
– Thưa chú, vậy những năm tháng oanh liệt, hào hùng ấy điều gì làm chú ấn tượng mãi không quên?
– Trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh có lẽ tình cảm đồng chí, đồng đội là điều khiến chú không thể nào quên. Nó là nguồn sức mạnh tinh thần và nguồn động viên to lớn khiến các chú có thể luôn vững vàng tay lái, tiến lên phía trước. Những đoàn xe ngược xuôi nối đuôi nhau ra chiến trường, tình cờ gặp gỡ các chú sẽ bắt tay nhau qua những ô cửa kính vỡ. Cái bắt tay vội vã mà ấm áp, đã truyền lửa, truyền thêm sức mạnh cho các chú. Trong những giờ phút nghỉ ngơi hiếm hoi, các chú quần tụ lại với nhau, nấu một bữa cơm giữa rừng, chỉ có cơm trắng, rau rừng đạm bạc nhưng thật ngon biết bao, bởi nó ấm áp tình người, tình đồng chí, đồng đội. Sau những bữa cơm vội vã, các chú lại nhanh chóng lên đường cho kịp thời gian. Những năm tháng đó tuy gian khổ, luôn phải đối mặt với nguy hiểm và cái chết sẵn sàng ập xuống bất cứ lúc nào nhưng đó cũng là những năm tháng đẹp đẽ nhất trong cuộc đời. Các chú được sống trong tình đồng đội, luôn được quan tâm sẻ chia, hơn hết được phấn đấu vì mục đích, lí tưởng cao đẹp vì miền Nam độc lập, thống nhất đất nước.
– Những suy nghĩ của bản thân.
Câu chuyện của bác còn dài, còn dài lắm nhưng mới chừng kia thôi đã đủ cho tôi cảm nhận về những người chiến sĩ, về những gì họ đã trải qua và về niềm tin, lòng lạc quan yêu đời của họ. Tôi vô cùng biết ơn và cảm thấy may mắn khi được sống trong một thế giới hoà bình với những gì mình đang có và tận hưởng…
+ Kết bài:
– Chia tay người lính lái xe. Suy nghĩ về cuộc gặp gỡ, trò chuyện.
Buổi lễ kết thúc, trong lòng ai cũng dâng lên cảm xúc tự hào và biết ơn sâu sắc với thế hệ trước. Nếu không có sự hi sinh của các chú thì ngày hôm nay sẽ không có cuộc sống hòa bình, hạnh phúc cho chúng tôi. Bởi vậy, là một học sinh, tôi luôn tự nhủ phải luôn luôn nỗ lực, phấn đấu không ngừng, xây dựng đất nước, báo đáp công ơn thế hệ đi trước.
Đề 3: Nhân ngày 20/11 hãy kể cho các bạn nghe về một kỉ niệm đáng nhớ giữ mình và thấy cô giáo cũ.
(Soạn Viết bài tập làm văn số 3)Bài tham khảo:
+ Mở bài:
– Giới thiệu về không khí tưng bừng đón chào ngày 20 – 11 ở trong trường lớp.
Hôm nay là ngày 20/11 trường em tưng từng hội diễn văn nghệ chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam, cả lớp chúng em ai cũng háo hức. Trong không khí ấy em lại nhớ đến Cô Lan người đã dạy em môn Văn ở cấp 2, em có một kỉ niệm không thể nào quên với cô.
+ Thân bài:
– Giới thiệu về kỉ niệm.
+ Kỉ niệm đó liên quan đến thầy(cô) giáo nào? Đó là người thầy (cô) như thế nào?
Đó là lần tôi suýt nữa phải ngồi sổ đầu bài vì đọc truyện riêng trong lớp.
+ Diện mạo, tính tình, công việc hằng ngày của thầy (cô).Tình cảm, thái độ của học sinh đối với thầy cô.
Tôi vẫn còn nhớ đó là năm lớp 6, cô Lan là giáo viên dạy văn của lớp tôi. Cô có dáng người nhỏ nhắn, mặt cô có vết thẹo ở đuôi mắt nên nhìn khá dữ tợn. từ lúc cô chưa về trường tôi đã nghe đồn là cô rất dữ và nghiêm khắc với các học sinh. Lớp tôi ai cũng sợ cô.
+ Kể lại hoàn cảnh, tình huống diễn ra câu chuyện (kết hợp nghị luận và miêu tả nội tâm)
Tôi vẫn còn nhớ hôm đó là tiết thứ 2 tiết văn của cô Lan. Khi đó tôi đang đọc trộm truyện tranh Conan dưới ngăn bàn. Đến đoạn gay cấn tôi cười phá lên. Cả lớp im ắng, ngây người. Cô Lan nghiêm mặt. Lúc này tôi mới để ý mọi chuyện xung quanh, tôi giật bắn người khi nghe cô gọi. Tôi gấp vội cuốn truyện, đứng dậy mà lòng rối bời và lo sợ. Lo rằng sẽ bị cô phạt ngồi sổ đầu bài và tịch thu cuốn truyện tôi mượn của thằng Thắng nếu bị thu tôi phải đền cho người cho thuê mười lăm ngàn. Tôi lấy đâu ra số tiền đó.
– Diễn biến của câu chuyện:
+ Đâu là đỉnh điểm của câu chuyện?…Tình cảm, thái độ, cách ứng xử của thầy (cô) và những người trong cuộc, người chứng kiến sự việc.
Tôi run rẩy đưa cuốn truyện lên bàn giáo viên và xin lỗi cô. Cô tháo kính bước xuống chỗ tôi ngồi, lấy vở viết của tôi kiểm tra. Nãy giwof mải đọc truyện nên tôi không nghe giảng và chép bài. Cô nghiêm mặt, hỏi tại sao tôi lại làm việc riêng trong giờ? Cô sẽ ghi tên tôi vào sổ đầu bài để nhớ. Cả lớp nhốn nháo, lo lắng cho tôi. Có vài bạn xin cô phạt tôi chép bài thôi đừng ghi sổ. Lúc này tôi hoảng quá vì bị ghi sổ đầu bài là phải mời phụ huynh, tôi khóc òa lên. Cả lớp ngây người, cô cũng lặng im.
– Câu chuyện kết thúc ra sao? Suy nghĩ sau đó : Câu chuyện đã để lại cho em những nhận thức sâu sắc trong tình cảm, tâm hồn, trong suy nghĩ : tấm lòng, vai trò to lớn của thầy (cô), lòng biết ơn, kính trọng, yêu mến của bản thân đối với thầy (cô).
Vài phút sau tôi bình tâm lại, tiếng khóc lúc này chỉ còn là những cái thút thít. Lúc này cô Lan mới ân cần nói: Cô sẽ không ghi em vào sổ đầu bài. Nhưng em có biết rằng em không tập trung nghe giảng sẽ bị hổng kiến thức khiến lực học sa sút không? Lần này cô bỏ qua lần sau nhất định cô sẽ phạt thật nặng.
Lúc này tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Tôi ân hận vô cùng, rối rít xin lỗi cô và hứa sẽ không tái phạm nữa. tôi cứ nghĩ cô Lan dữ lắm chắc lần đó tôi bị ghi sổ và mời phụ huynh rồi nhưng cô đã nhẹ nhàng giúp tôi nhận ra lỗi sai. Tôi tự nhủ sẽ không phụ lòng cô, tập trung nghe giảng và học tốt không làm việc riêng trong giờ nữa.
+ Kết bài:
Câu chuyện là kỉ niệm, là bài học đẹp và đáng nhớ trong hành trang vào đời của tôi. Mỗi lần tôi chán nản lơ là học tập tôi lại nhớ đến cô Lan đến lần phạm lỗi được cô và các bạn tha thứ, từ đó mà cố gắng học tập hơn. Tôi cám ơn Cô Lan rất nhiều và suốt đời không thẻ quên bài học cô dạy cho tôi.
Câu 4: Kể về một cuộc gặp gỡ với các chú bộ đội nhân ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12). Trong buổi gặp đó, em được thay mặt các bạn phát biểu những suy nghĩ về tình cảm trách nhiệm của thế hệ sau đối với thê hệ cha anh đi trước.
(Soạn Viết bài tập làm văn số 3) Bài tham khảo:
+ Mở bài:
Nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, trường em tổ chức cho học sinh đi thăm một đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn tỉnh. Trong buổi gặp gỡ đó em may mắn được thay mặt các bạn phát biểu những suy nghĩ tình cảm của mình.
+ Thân bài:
– Không khí náo nức, hào hứng phấn chấn chuẩn bị chu đáo cho chuyến đi.
Từ rất sớm chúng em đã tập trung ở trường đợi xe đến đón, ai cũng hân hoan háo hức và cảm thấy tự hào khi được đi thăm doanh trại quân đội đúng ngà thành lập quân đội nhân dân Việt nam.
– Trên đường đi và niềm vui gặp gỡ:
+ Dọc đường: Hát hò, hồi hộp…
Một lúc sau khi xe tới chúng em theo từng lớp xếp hàng lên xe. Trên xe lớp trưởng bắt nhịp cho chúng em hát rất nhiều bài hát, không khí rất vui nhưng chúng em không dấu nổi sự hồi hộp chỉ mong sao nhanh tới địa điểm tham quan.
+ Đến nơi:
– Các chú, các anh bộ đội: Vui vẻ, thân thiện, đón tiếp nồng nhiệt.
Xe dừng bánh, cả doanh trại bộ đội rộng lớn, sạch sẽ, ngăn nắp hiện ra trước mắt. Hội trường trang hoàng lộng lẫy, các bác các chú quân phục chỉnh tề, gương mặt rạng rỡ, tự hào. Chúng em quây quanh các chiến sỹ áo xanh, mặt các bạn hớn hở, hãnh diện lạ thường!
Sau màn chào hỏi tưng bừng, tất cả cùng đi tham quan nơi ăn, nơi ở, phòng truyền thống, khu vực luyện tập… của đơn vị. Phòng nào cũng được sắp xếp gọn gàng rất ngăn nắp và sạch sẽ. Sau khi tham quan sơ qua một vòng về nươi ăn ở chúng em tập trung ở hội trường lớn để giao lưu với các chú bộ đội.
– Trên hội trường diễn ra cuộc gặp gỡ:
+ Tất cả trở lại hội trưởng để nghe các chú, các anh nói chuyện (phần trọng tâm).
Sau khi tham quan sơ qua một vòng về nươi ăn ở chúng em tập trung ở hội trường lớn để giao lưu với các chú bộ đội.
Chúng em hỏi các chú nhiều chuyện lắm, cả về lịch sử ra đời ngày 22/12 nữa. Giờ thì chúng em đã biết: Bác Hồ chỉ thị thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân vào ngày 22/12 /1944. Ngay sau đó đội đánh thắng 2 trận liên tiếp tại Phai Khắt, Nà Ngần… Đội ngày càng lớn mạnh và được đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam. Và từ đó lấy ngày 22/12 làm ngày truyền thống. Bây giờ thì em đã hiểu lịch sử ra đời của ngày 22/12, hiểu về truyền thống yêu nước và ý chí chiến đấu bảo vệ đất nước của dân tộc ta. Càng hiểu em càng thấy trân trọng và muốn khắc ghi vào tiềm thức đển nhớ về một thời kì hào hùng với những con người quả cảm của một đất nước bé nhỏ mà kiên cường.
Chúng em còn được nghe kể nhiều về những chiến công anh dũng, hào hùng của những người lính cụ Hồ, về những tháng năm bôn ba chinh chiến chống kẻ thù xâm lược, những gian khổ hy sinh không thể diễn tả bằng lời. Đến thời bình, bộ đội đâu đã hết nguy nan: Những đêm tuần tra lạnh run người khi truy bắt tội phạm chống lại những lực lượng thù địch phá hoại từ bên ngoài, những lúc giúp dân chống thiên tai, lụt lội… Nhìn gương mặt rắn rỏi, xạm đen vì nắng gió, nghe những câu chuyện kể và chứng kiến vẻ bình thản của những chiến binh, em thật sự thấy rất cảm động xen lẫn cả niềm tự hào, biết ơn sâu sắc…
– Kết thúc cuộc gặp gỡ, đại diện học sinh lên phát biểu:
+ Thay mặt thầy cô và các bạn cảm ơn sự đón tiếp, cảm ơn người nói chuyện.
+ Phát biểu cảm xúc: Cảm động, tự hào, biết ơn…
+ Hứa hẹn: Học tập và rèn luyện tốt, xứng đáng với thế hệ cha anh; sẵn sàng tiếp bước cha anh xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Trong dòng cảm xúc khó tả ấy, em lại được vinh dự thay mặt các bạn phát biểu những suy nghĩ tình cảm của mình: “Kính thưa các bác, các chú, chúng cháu may mắn được sinh ra và lớn lên trong hòa bình và mang dòng máu một dân tộc anh hùng. Chúng cháu biết để có được cuộc sống hòa bình hôm nay, dân tộc Việt Nam đã phải đánh đổi rất nhiều, bằng cả nước mắt và máu xương của bao người đã hy sinh cho Tổ quốc. Để thể hiện lòng biết ơn của thế hệ mình đối với cha anh, chúng cháu hứa sẽ nỗ lực học tập, rèn luyện, tu dưỡng để trở thành những công dân có ích, góp phần nhỏ bé của mình xây dựng đất nước. Có như vậy mới xứng đáng với truyền thống cao quí cuả dân tộc, xứng đáng với sự hy sinh của bao thế hệ cha anh. Đồng thời cháu cũng xin thay mặt nhà trường và các bạn gửi lời cám ơn sâu sắc tới các bác, các chú, các anh, đã đón tiếp đoàn trường nồng nhiệt và dẫn chúng cháu đi thăm quan doanh trại. Cháu hi vọng sẽ được quay trở lại thăm các bác các chú các anh vào một ngày gần nhất. Cháu xin cảm ơn ạ!”.
Em phát biểu xong một tràng pháo tay dài vang lên, mặc dù đã ngồi xuống mà em thấy tay mình vẫn còn run, trái tim lâng lâng một cảm xúc bay bổng lạ kì.
+ Kết bài:
– Hiểu biết hơn về hình ảnh anh bộ đội và ngày 22-12.
– Cảm xúc dạt dào, mong có nhiều dịp gặp gỡ, giao lưu nữa để nâng cao hiểu biết và đời sống tâm hồn thêm phong phú.
Buổi ngoại khóa tuy kết thúc nhưng đã để lại trong lòng chúng em biết bao cảm xúc. Đối với riêng em, đây là một dịp để nói lên những suy nghĩ của mình với thế hệ cha anh đi trước, tăng thêm lòng quyết tâm và niềm tin vào một ngày mai tươi sáng hơn. Qua buổi tham quan em cũng hiểu hơn về cuộc sống trong môi trường quan đội và hiểu biết hơn về hình ảnh những người lính và lịch sử ngày 22/12. Em mong nhà trường sẽ tổ chức nhiều chuyến thăm như vậy để chúng em thêm yêu lịch sử.