Soạn Luyện tập đưa các yếu tố tự sự và miêu tả vào bài văn nghị luận, trang 124-126 sách Ngữ Văn 8 tập 2

I – CHUẨN BỊ Ở NHÀ

Câu 1 (Soạn Luyện tập đưa các yếu tố tự sự và miêu tả vào bài văn nghị luận): Cho đề tài “Trang phục và văn hóa”. Hãy lập dàn bài chi tiết.  Tập hợp những suy nghĩ, những hình ảnh và những câu chuyện mà em đã tích lũy được xung quanh vấn đề trang phục trong thực tế đời sống ở nhà trường và ngoài xã hội.

Trả lời:

Lập dàn ý chi tiết

+ Mở bài: Cổ nhân có câu “Cái răng cái tóc là góc con người” và “người đẹp vì lụa lúa tốt vì phân” ý muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của trang phục đối với con người. Trang phục không những thể hiện được nhu cầu thẩm mỹ mà còn thể hiện được tính cách của người sử dụng, cũng như mối quan hệ văn hóa xã hội của người đó.

+ Thân bài:

– Trang phục chính là quần áo, giày dép, mũ, tất cùng những phụ kiện kèm theo giúp chúng ta che kín cơ thể, phù hợp với thời tiết, hoàn cảnh nhất định.

– Văn hóa là những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lao động sản xuất, thể hiện trình độ phát triển xã hội trong từng thời kì.

– Mối quan hệ giữa trang phục và văn hóa: trang phục giúp chúng ta nhận biết được tính cách của mỗi cá nhân, đồng thời biết được trình độ ứng xử văn hóa xã hội của cá nhân đó. Khi giao tiếp, ấn tượng đầu tiên của người khác là thông qua trang phục. Vì vậy, trang phục chỉn chu giúp chúng ta tự tin hơn trong các mối quan hệ xã hội, giao tiếp…

– Văn hóa có tác động đến trang phục: văn hóa là do con người sáng tạo nên, do vậy, trang phục cũng luôn thay đổi để phù hợp với cuộc sống của con người. Bạn có thể lựa chọn trang phục phù hợp với môi trường văn hóa của mình, như trang phục công sở, trường học, đặc thù công việc….

– Lựa chọn trang phục như thế nào cho đẹp: Lựa chọn trang phục phù hợp là hết sức quan trọng, không cần quá cầu kỳ, đắt tiền nhưng phải phù hợp với bản thân, hoàn cảnh giao tiếp. Đối với những người giản dị thường lựa chọn trang phục mang phong cách tối giản. Còn với những người quan tâm đến thời trang thường lựa chọn trang phục cầu kỳ, tuân thủ theo các quy tắc trong ăn mặc.

– Tuy nhiên không phải cứ mặc một bộ trang phục đẹp là người đó là người sống có văn hóa. Không phải trường hợp nào chúng ta cũng “nhìn mặt mà bắt hình dong” , bởi vậy khi đánh giá một ai đó, bên cạnh trang phục để lại ấn tượng ban đầu còn phụ thuộc vào tâm hồn đẹp với cách ứng xử có văn hóa.

+ Kết luận: Như vậy một bộ trang phục đẹp là một bộ trang phục phù hợp với bản thân mỗi người, phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp,  thể hiện được tính cách và lối sống riêng của mỗi người.

II – LUYỆN TẬP TRÊN LỚP

Câu 1: Định hướng làm bài

Có thể cụ thể hóa đề bài trên thành tình huống cụ thể sau:

Một số bạn đang đua đòi theo những lối ăn mặc không lành mạnh, không phù hợp với lứa tuổi học sinh, truyền thống văn hóa của dân tộc và hoàn cảnh của gia đình. Em viết một bài nghị luận để thuyết phục các bạn đó thay đổi cách ăn mặc cho đúng đắn hơn.

Câu 2 : Xác lập luận điểm

Trả lời: Nên đưa vào bài viết các luận điểm

a) Gần đây, cách ăn mặc của một số bạn có nhiều thay đổi, không còn giản dị, lành mạnh như trước nữa.

b) Việc chạy theo các “mốt” ăn mặc ấy có nhiều tác hại (làm mất thời gian của các bạn, ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập, gây tốn kém cho cha mẹ)

c) Các bạn lầm tưởng rằng ăn mặc như vậy sẽ làm cho mình trở thành người “văn minh” “sành điệu”.

e) Việc ăn mặc phải phù hợp với thời đại nhưng cũng phải lành mạnh, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, với lứa tuổi và hoàn cảnh sống.

Câu 3: Cần sắp xếp các luận điểm đã chọn lựa theo một hệ thống như thế nào để bài viết có bố cục rành mạch, hợp lý, chặt chẽ, thuyết phục được người đọc?

Trả lời: Chúng ta cần sắp xếp các luận điểm theo hệ thống như sau để bài viết có bố cục rành mạch, hợp lý, chặt chẽ, thuyết phục người đọc

+ Luận điểm 1: Gần đây, cách ăn mặc của một số bạn có nhiều thay đổi, không còn giản dị, lành mạnh như trước nữa.

+ Luận điểm 2: Các bạn lầm tưởng rằng ăn mặc như vậy sẽ làm cho mình trở thành người “văn minh” “sành điệu”.

+ Luận điểm 3: Việc chạy theo các “mốt” ăn mặc ấy có nhiều tác hại (làm mất thời gian của các bạn, ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập, gây tốn kém cho cha mẹ)

+ Luận điểm 4: Việc ăn mặc phải phù hợp với thời đại nhưng cũng phải lành mạnh, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, với lứa tuổi và hoàn cảnh sống.

Câu 4: Vận dụng  yếu tố tự sự và miêu tả

Trả lời:

+ Theo em, nên đưa các yếu tố tự sự và miêu tả vào quá trình lập luận, bởi vì khi đưa các yếu tố này vào bài viết sẽ làm cho các luận điểm thêm rành mạch, rõ ràng và chi tiết hơn.

+ Nhận xét:

a) Yếu tố miêu tả trong đoạn a) làm cho đoạn văn nghị luận trở nên sinh động, gần gũi và hấp dẫn người đọc hơn.

b) Đoạn văn này xuất hiện yếu tố tự sự để làm rõ hơn cho luận điểm cách nhận biết thế nào là ăn mặc văn minh, sành điệu.

Câu 5: Viết đoạn văn nghị luận có yếu tố tự sự và miêu tả, sau đó trình bày trước lớp. Cần lắng nghe sự góp ý của thầy cô và của các bạn để sửa chữa đoạn văn cho hay hơn.

Trả lời: Đoạn văn nghị luận tham khảo

Cuộc sống ngày càng phát triển, du nhập và phát triển nhiều nền văn hóa khác nhau, nhất là trong thế giới phẳng như hiện nay, xuất hiện rất nhiều trang phục kì lạ, phản văn hóa. Tuy nhiên các bạn trẻ lại cho rằng đó là mốt, là sành điệu, trở thành hot trend trên toàn cõi mạng.

Gần đây, cách ăn mặc của một số bạn có nhiều thay đổi, không còn giản dị, lành mạnh như trước nữa. Thậm chí một số bạn trước kia giản dị, bây giờ cũng đua đòi, ăn mặc hở hang cho thật mốt, cho bằng bạn bằng bè nhưng không biết được đó là cách ăn mặc phản cảm.

Việc chạy theo các “mốt” ăn mặc ấy có nhiều tác hại. Vì chạy theo mốt lạ nên làm mất thời gian của các bạn, không chăm chú vào học tập suốt ngày lượn lờ trên tiktok để tìm kiếm các mốt quần áo hot rồi đua đòi mặc theo, sau đó seo-phi để câu like trên mạng.

Chuyện này làm ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập, nhiều bạn học hành sa sút, chểnh mảng. Hơn nữa, việc chạy theo mốt gây tốn kém cho bố mẹ khi các bạn chưa làm ra tiền để tự sắm sửa quần áo cho bản thân.

Kết 

Vậy nên, các bạn nên lựa chọn trang phục phù hợp với bản thân,bởi lựa chọn trang phục phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, với lứa tuổi và hoàn cảnh sống cũng là cách nâng cao giá trị bản thân trong mắt mọi người.