Mở bài
“Nguyên lý tảng băng trôi” là khái niệm nổi tiếng mà bất cứ ai cũng sẽ nghe thấy ít nhất một lần. Hê-minh-uê với quan niệm phải nhìn sự vật ở sâu bản chất, không được đánh giá chỉ thông qua phần nhỏ nổi lên trước mắt; đã sáng tạo nên nhiều tác phẩm văn học giá trị. Trong đó, “Ông già và biển cả” là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông trong suốt cuộc đời sáng tác. Phân tích Ông già và biển cả, ta sẽ thấy rõ quan niệm này của nhà văn.
Thân bài
- Khái quát tác giả, tác phẩm
Hê-minh-uê tên khai sinh là Ơ-nít Hê-minh-uê (1899 – 1961), sinh ra và lớn lên tại bang I-li-noi trong một gia đình trí thức. 19 tuổi, ông tham gia đội xe cứu thương của Hội chữ thập đỏ trong Chiến tranh thế giới thứ nhất ở chiến trường Italia. Sau đó ông bị thương và quay trở về Hoa Kỳ. Ra khỏi cuộc chiến, ông thất vọng về xã hội đương thời, tự nhận mình thuộc thế hệ mất mát, không hòa nhập với xã hội. Ông đã đi tìm bình yên trong men rượu và tình yêu. Sau đó, ông sang Pháp, vừa làm báo vừa bắt đầu sáng tác. Hê-minh-uê được đánh giá là nhà văn lỗi lạc nhất nước Mỹ trong thế kỉ XX với nguyên lí tảng băng trôi và lối viết súc tích, kiệm lời, không dài dòng.
“Ông già và biển cả” ra đời năm 1952, sau 10 năm Hê-minh-uê sinh sống tại Cu-ba. Đây là tác phẩm nổi bật cho nguyên lí “tảng băng trôi” của tác giả. Ở đó, nhà văn chỉ đưa ra mặt giấy một phần nhỏ của sự vật, vấn đề; người đọc – cũng là người đồng sáng tạo – phải thấu hiểu và cùng nghiên cứu mới có thể hiểu được những gì tác giả đã lược bỏ.
- Luận điểm 1: Hình tượng con cá kiếm
Trước hết, tác giả Hê-minh-uê đã khắc họa lên hình tượng Con cá kiếm em kiếm. Đó là một con cá lớn, hiện lên vô cùng đẹp đẽ: “cái đuôi lớn hơn cả chiếc hái lớn màu tím hồng dựng lên trên mặt đại dương xanh thẫm”, “một cái bóng đen vượt qua dưới con thuyền”, bộ vây to sụ nặng hơn mười tấn. Tác giả đã sử dụng biện pháp nói quá để miêu tả con cá như một biểu tượng của thiên nhiên hùng vĩ. Không chỉ có vẻ ngoài to lớn, con cá kiếm đó còn có sức mạnh vô cùng to lớn. “những vòng bơi của nó khiến ông lão hoa mắt chóng mặt”, “ông cảm nhận được cú nẩy mạnh đột ngột ở sợi dây do con cá gây ra”. Con cá ấy dường như có được sức mạnh siêu nhiên, hiện lên vô cùng mạnh mẽ và kì vĩ. Dù cho có cận kề cái chết, đối mặt với hiểm nguy, con cá ấy vẫn bất khuất, kiên cường, không lùi bước. Trong cuộc chiến ấy, “nó phóng lên khỏi mặt nước phô tầm vóc khổng lồ, vẻ đẹp và sức lực”, mang tâm thế của kẻ mạnh hơn, cho cảm giác choáng ngợp với con người nhỏ bé.
Mặc dù thua cuộc, nhưng con cá ấy đã đại diện cho vẻ đẹp và sức mạnh vĩ đại của thiên nhiên. Nó đã làm cho chiến thắng của ông lão càng thêm vẻ vang, đáng ngưỡng mộ. Sâu xa hơn, hình tượng con cá còn đại diện cho những thách thức, khó khăn trong cuộc sống mà con người phải dũng cảm đối mặt, rồi vượt qua giành lấy vinh quang cho mình. Nó còn biểu tượng cho cái đẹp, cho những ước vọng và sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ. Vì vậy, dưới ngòi bút của Hê-minh-uê, con cá hiện lên đẹp và đáng trân trọng vô cùng.
- Luận điểm 2: Hình tượng ông lão
Phân tích Ông già và biển cả, tác giả Hê-minh-uê đã đặt “ông già” lên phía trước, như nhằm ám chỉ chiến thắng và vị thế của con người. Sau 84 ngày đêm thất bại, ông lão vẫn cố gắng tìm kiếm và cuối cùng đã tìm được con cá kiếm lớn đúng như mong muốn. Điều đó đã cho thấy sự kiên trì, miệt mài không ngừng nghỉ của người lao động. Đó cũng là biểu tượng cho việc sáng tạo không ngừng, luôn luôn tìm kiếm cái mới mẻ trong nghệ thuật của người nghệ sĩ.
Vẻ đẹp của con người còn được thể hiện thông qua cuộc chiến đấu với con cá khổng lồ. Ông lão là một người đánh cá rất lành nghề, bằng kinh nghiệm và tài năng của mình đã chiến thắng thiên nhiên hùng vĩ. Chỉ cần nhìn độ chếch, độ nghiêng của sợi dây là ông đã có thể biết được hoạt động của con cá. Nó đang bơi vòng tròn hay liên tục ngoi lên trong lúc bơi ông cũng có thể dễ dàng quan sát và nắm bắt. Đồng thời bằng việc dựa trên sự căng chùng của sợi dây, người đánh cá ấy có thể đoán được con cá đang làm gì. Với cách miêu tả súc tích, tác giả đã làm nổi bật lên sự điêu điêu luyện của mình. Ông đã “phóng lao trúng tim con cá” một cách dứt khoát và vô cùng chính xác. Ông lão ấy có một sức mạnh của ý chí rất phi thường, nhờ đó mới có thể chiến thắng con cá kiếm:
Đồng thời, nhân vật này hiện lên là một người luôn tin tưởng vào khả năng của bản thân qua lời nói: “tao sẽ tóm được mày ở đường lượn, ta sẽ di chuyển được nó”. Đó là bản lĩnh mà không phải ai cũng có được và dám khẳng định mình. Và dù cho đã rất mệt mỏi sau chuỗi ngày dài trên biển, ông vẫn cố gắng và kiên trì chiến đấu với con cá kiếm khổng lồ. Điều đó đã cho thấy vẻ đẹp của ý chí và quyết tâm chinh phục lớn lao, không chùn bước trước khó khăn, gian khổ.
Sau cuộc chiến đấu ấy, ông lão đã chiến thắng. Tác giả đã cho thấy khát vọng muốn chinh phục thiên nhiên của con người và khẳng định sức mạnh phi thường, khả năng của con người là không có giới hạn. Qua hình tượng ông lão, Hê-minh-uê thể hiện sự tin tưởng vào sức mạnh ý chí và quyết tâm của con người. Đồng thời cũng là biểu tượng vinh danh hình ảnh nghệ sĩ đã đạt được thành quả vẻ vang sau quá trình lao động nghệ thuật miệt mài.
Kết bài
Thông qua Phân tích Ông già và biển cả , ta không chỉ thấy được vẻ đẹp của con người khi đối diện với thiên nhiên hùng vĩ mà còn thấu hiểu những lời gửi gắm của Hê-minh-uê về con đường chinh phục nghệ thuật. Đồng thời hiểu rằng, để thành công, con người phải trải qua khó khăn, phải kiên trì và vững vàng đối diện với chính bản thân mình.
>> Xem thêm: Phân tích rừng xà nu của nhà văn Nguyễn Trung Thành – Văn mẫu chuẩn 2021