Tác giả Ngô Tất Tố được xem là nhà văn của những người nông dân, khi hầu hết các tác phẩm của ông đều hướng đến phản ánh hiện thực cuộc sống nông thôn, đặc biệt là số phận người nông dân. Vì vậy, ông là một trong những nhà văn tiêu biểu của trào lưu văn học hiện thực phê phán, thời kỳ Cách mạng tháng Tám chưa nổ ra. Trong đó, tác phẩm “Tắt đèn” với nhân vật điển hình là chị Dậu là tác phẩm hiện thực nhất, xót xa nhất và cũng là tác phẩm xuất sắc của Ngô Tất Tố.
Phân tích nhân vật chị Dậu chi tiết
Trước khi đi vào phân tích nhân vật chị Dậu, cần khẳng định rằng, chị Dậu là hình tượng đại diện cho hoàn cảnh bần cùng của hầu hết những dân nghèo khổ, đặc biệt là số phận của người phụ nữ. Thông qua nhân vật chị Dậu, Ngô Tất Tố lên án chế độ thực dân phong kiến vô nhân tính. Đồng thời, trong trích đoạn “tức nước vỡ bờ”, chị Dậu hiện lên trước mắt người đọc không chỉ là người phụ nữ nghèo khổ, giàu tình yêu thương mà còn là hình tượng điển hình cho sự mạnh mẽ, dám chống lại cái ác.
Đọc tác phẩm của Ngô Tất Tố, có lẽ ta không thấy nhân vật nào đáng thương như hoàn cảnh của chị Dậu. Để có đủ tiền nộp sưu cho chồng, chị phải bán cho, bán khoai và đau đớn bán đưa con bảy tuổi. Nỗi đau mất con của chị Dậu còn đó, nhưng với những kẻ nửa thực dân nửa phong kiến, sự vô nhân đạo và bỉ ổi không có điểm dừng, chúng bắt chị Dậu phải nộp thêm tiền sưu thuế cho người em chồng đã khuất. Tai họa, khổ đau chồng chất, chị Dậu thực sự đã lâm vào cảnh khốn cùng.
Dù vậy, trong tận cùng xót xa, đau đớn và cực nhọc, chị Dậu vẫn là người phụ nữ giữ đạo vợ và là một người mẹ giàu tình yêu thương.
Khi anh Dậu được trả về với một cái xác không hồn, chị lao động quần quật và tìm mọi cách để cứu chữa cho chồng. Nhờ hàng xóm người đồng cảm an ủi, người cho vay gạo, chị Dậu nấu cháo chăm chồng. Và giữa đói khổ, chị vẫn luôn giữ lễ đạo người vợ thời xưa: “Chị Dậu cất tiếng khẩn khoản, tha thiết mời chồng: Thầy em cố ngồi dậy húp ít cháo cho đỡ xót ruột”. Trong hoạn nạn, người đàn bà nhà quê vẫn giữ hơi ấm tình yêu thương, sự vỗ về đối với người chồng đau yếu. Hình ảnh chị Dậu vừa bế con vừa sốt ruột xem chồng ăn có ngon miệng, thực đáng trân quý.
Qua việc phân tích nhân vật chị Dậu, người đọc nhận ra rằng, mặc dù là người luôn biết nhẫn nhịn, nhưng chị Dậu cũng là người đàn bà cứng cỏi, sẵn sang phản kháng chống lại bọn tay sai cường quyền.
Anh Dậu đã được chị Dậu nộp sưu và đã bị hành hạ cho thân tàn, nhưng đám cai lệ, lý trưởng vẫn không buông tha. Chúng mang tay thước, dây thừng xông vào nhà chị Dậu đòi thuế sưu. Chị Dậu dù biết chúng không có tình người, nhưng chị hiểu hoàn cảnh bần cùng của mình nên run run cầu xin, nài nỉ: “Hai ông làm phúc nói với ông Lý xin cho cháu khất”. Lời cầu xin ấy có thể hèn mọn nhưng chị Dậu cố gằng làm tất cả để bảo vệ gia đình, người chồng đau yếu và con thơ.
Nhưng chế độ thực dân phong kiến tàn bạo chỉ biết áp bức người nông dân nghèo đến đường cùng, sẽ chẳng bao giờ mảy may động lòng mà nương tay. Mặc cho chị Dậu quỳ xuống cầu xin: “Cháu xin ông, nhà cháu mới tỉnh được một lúc”, đám cường hào tát chị và nhất định xông vào trói anh Dậu vừa mới tỉnh dậy.
Lúc này, người phụ nữ nghèo khổ vốn đã nhẫn nhục quá nhiều, để bảo vệ tính mạng cho người chồng và nhân phẩm của chính mình đã đứng lên chống cự đám cường hào. Chị hét lên đanh thép: “Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ!”. Khi đám người ác độc không dừng lại, chị Dậu không sợ hãi mà thách thức: “Mày trói chồng bà đi, bà cho mày xem.”
Như cái tên đoạn trích, “Tức nước vỡ bờ”, sự chịu đựng của chị Dậu có giới hạn. Vì vậy, chị Dậu đã vùng dậy, từ chỗ nhẫn nhịn cầu xin, xưng ông gọi cháu giờ đã xưng tôi, rồi cuối cùng không thể căm phẫn hơn, chị Dậu đã xưng “bà”, “chồng bà” và gọi “mày”. Và đám cai lệ, dù có roi, có gậy cũng không thắng nổi người phụ nữ nhỏ bé nhưng bị dồn vào đường cùng. Chị đẩy chúng ngã lăn ra đất. Lúc này với chị, nhà tù thực dân thực chẳng là gì, chỉ cần chị bảo vệ được gia đình mình.
Nhưng tình huống đỉnh điểm này, việc chị Dậu đứng lên chống cường quyền mang ý nghĩa hơn thế. Nó không chỉ là chuyển biến trong thái độ đấu tranh của một người phụ nữ, mà nó còn gửi gắm ước mong được giải phóng khỏi ách thực dân của những người nông dân. Hơn hết, đó là niềm tin của tác giả về một cuộc đấu tranh mà chiến thắng sẽ thuộc về lẽ phải, sự lương thiện chứ không phải cái ác.
Cảnh chị Dậu chống lại cai lệ và tên hầu cận của lí trưởng, qua đó Ngô Tất Tố muốn chỉ ra một quy luật phát triển tất yếu của bất cứ xã hội nào, đó là ở đâu có áp bức thì ở đó có đấu tranh.
Phân tích nhân vật chị Dậu trong tác phẩm “Tắt đèn” nói chung và đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” nói riêng, có thể thấy Ngô Tất Tố đã phơi bày thành công mặt đen tối và vô nhân đạo của chế độ thực dân nửa phong kiến. Tác phẩm là sự kết hợp giữa bi và hài, đồng thời có lối đối thoại gần gũi với đời sống của người nông dân. Đồng thời, “Tắt đèn” cũng thể hiện sự xót thương cùng lòng khâm phục đối với người phụ nữ nông thôn Việt Nam thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám.