Mỗi tác phẩm văn học đều mang trong mình những giá trị sâu sắc như hiện thực, nhân đạo, nhân văn hay nghệ thuật. Thông qua hệ thống nhân vật, cốt truyện và những tình tiết xảy ra, tác giả đã gửi gắm thông điệp để độc giả sau khi đọc xong nhận được những bài học về cuộc sống lớn lao. Từ đó, giúp tâm hồn độc giả trở nên tốt đẹp hơn. Phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ, các bạn sẽ cảm nhận hơn về điều đó!
Mở bài
Nhà văn Tô Hoài tên thật Nguyễn Sen. Ông sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Tuy ở Hà thành, nhưng thủa nhỏ, gia đình ông gặp nhiều khó khăn, cơ cực. May mắn, khi lớn lên ông rất cần cù chăm chỉ, nên đã kinh qua nhiều công việc để kiếm tiền tuôi sống bản thân và gia đình. Năm 1943, ông bắt đầu tham gia Hội Văn hóa cứu quốc và các phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ đây, ông chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ và đạt được nhiều thành tựu to lớn.
Nhà văn Tô Hoài là một trong những nghệ sĩ đa tài. Ông không chỉ viết tiểu thuyết, ký sự, truyện ngắn mà còn xuất sắc cả khi viết về hồi ký, tiểu luận phê bình, viết báo và cả truyện thiếu nhi. Truyện thiếu nhi của ông có tác phẩm kinh điển được mọi thế hệ bạn đọc yêu mến như Dế mèn phiêu lưu ký.
Sau Cách mạng tháng 8, nhà văn Tô Hoài có nhiều chuyển biến mạnh mẽ về phong cách và tư tưởng sáng tác. Thời gian này, những tác phẩm của ông đều phản ánh hiện thực cuộc sống cơ cực của nhân dân dưới ách thống tị của quan lại và giặc ngoại xâm, đồng thời tìm ra con đường giải phóng nhờ Cách mạng. Chinh thời điểm này, tác phẩm Vợ chồng A Phủ cũng ra đời. Phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ sẽ giúp độc giả hiểu sâu hơn về câu chuyện thú vị này.
Thân bài
Luận điểm 1: khái quát nội dung truyện
Để phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm Vợ chồng được sâu sắc, chúng ta cần khái quát qua nội dung toàn bộ câu chuyện. Vợ chồng A Phủ là câu chuyện kể về cuộc đời Mị và A Phủ người dân tộc H’Mông.
Mị là cô gái trẻ trung, xinh đẹp. Cô có tài thổi sáo và đang có một tình yêu say đắm với người mình yêu. Mị cũng là một người con hiếu thảo và đảm đang. Mị nhận thức được giá trị của sự tự do nên luôn làm việc để tự chủ cuộc sống. Nhưng rồi Mị cha con thống lí Pá Tra bắt về làm dâu. Kể từ khi bước chân vào nhà thống lí, Mị trở thành một cái xác không hồn, sống mà như con ma góc xó nhà. Mị bị gia đình thống lí áp bức, bóc lột như thân trâu ngựa. Có lúc Mị tìm đến cái chết nhưng nghĩ đến thương cha, Mị lại thôi và trở về cuộc đời làm nô lệ.
Cho đến một đêm tình xuân rạo rực, tiếng sáo gọi bạn tình tha thiết bồi hồi đã đánh thức tâm hồn khao khát sự sống và tình yêu tuổi trẻ mãnh liệt trong Mị. Mặc dù lần đó, niềm khao khát sống của Mị bị A Sử dập tắt khi hắn trói đứng Mị suốt 3 ngày. Nhưng tận sâu trong tâm hồn Mị đã âm ỉ mầm sống mới.
Để rồi khi chứng kiến A Phủ bị đánh đập bị trói đứng mầy ngày liền, trong Mị bỗng trào dâng xúc cảm cảm thông. Mị đã liều lĩnh làm một việc mà chưa bao giờ nghĩ tới là cởi trói cho A Phủ trốn khỏi nhà thống lí. Sau đó, khi thấy A Phủ chạy trốn, trong Mị cũng trào dâng cảm xúc muốn sống, thế là Mị cũng chạy trốn cùng A Phủ. Họ trốn khỏi Hồng Ngài và tìm đến Phì Sa. Tại đây, họ nhận nhau làm vợ chồng và được cán bộ A Châu giác ngộ đi theo con đường Cách Mạng. Họ trở thành du kích và tích cực tham gia vào sự nghiệp chống thực dân Pháp cùng bè lũ tay sai để giải phòng bản thân và bảo vệ quê hương, thôn bản.
Luận điểm 2: giá trị nhân đạo thể hiện qua việc ca ngợi vẻ đẹp của người dân Tây Bắc
Điểm đầu tiên mang giá trị nhân đạo sâu sắc trong tác phẩm đó là sự ca ngợi của tác giả về vẻ đẹp tâm hồn con người và một số nét văn hóa của vùng Tây Bắc.
Thông qua nhân vật Mị, chúng ta có thể thấy tâm hồn người Tây Bắc rất chân thật và mộc mạc. Như Mị, là một cô gái xinh đẹp và tài năng. Cô gái ấy đang ở tuổi thanh xuân nên căng tràn sức sống là kết tinh vẻ đẹp của núi rừng, vừa trong trẻo lại vừa rất đỗi mãnh liệt. Mị hiếu thảo, đảm đang. Mị ý thức được sự tự chủ tự do nên kiên quyết làm việc hàng năm để trả nương ngô cho thống lí. “Con đã biết cuốc nương làm ngô, con làm nương ngô trả nợ thay cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu”. Mị đã cương quyết trả lời bố như thế khi thống lí có ý muốn lấy cô về làm dâu để gán nợ. Có thể nói, mặc dù không được học hành nhiều, không được tiếp xúc với sự tiến bộ của xã hội, nhưng Mị cũng như người dân Tây Bắc đã biết trân trọng cuộc sống tự do độc lập.
Bên cạnh phát hiện ra vẻ đẹp tâm hồn của con người, tác giả còn cho thấy bức tranh thiên nhiên tươi đẹp của núi rừng Tây Bắc khi mùa xuân về. “Trên đầu núi, các nương ngô, nương lúa gặt xong, ngô lúa đã xếp yên các nhà kho. Trẻ em đi hái bí đỏ, tinh nghịch, đốt những lều quanh nương để sưởi lửa. ở Hồng Ngài, người ta thành lệ, cứ ăn tết thì gặt hái vừa đoạn, không kể ngày tháng. ¡n tết thế cho kịp mưa xuân xuống, đi vỡ nương mới. Hồng Ngài năm ấy ăn Tết giữa lúc gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, rét càng dữ. Nhưng trong các làng Mông Đỏ, những chiếc váy hoa đã được phơi ra mỏm đá, xòe như con bướm sặc sỡ. Hoa thuốc phiện nở trắng lại nở mầu đỏ hau, đỏ thậm, rồi nở mầu tím man mát. Đám trẻ đợi Tết, chơi quay, cười ầm trên sân chơi trước nhà”. Hình ảnh thiên nhiên Tây Bắc lúc này như một bức tranh sống động với đầy đủ sắc màu rực rỡ. Đó là bức tranh của cuộc sống thanh bình khi cây cối đâm chồi nảy lộc, tiếng cười trẻ thơ trong treo đợi Tết thật vui vẻ, ấm êm. Tất cả hiện lên dưới ngòi bút của nhà văn Tô Hoài thật chân thực và mang hơi thở của sự sống tươi mới.
Luận điểm 2: giá trị nhân đạo thể hiện ở sự phê phán sự áp bức bóc lột của chế độ quan lại cùng những hủ tục lạc hậu
Phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ, độc giả có thể thấy, bên cạnh việc ca ngợi cái đẹp, tác giả không quên lên án xã hội phong kiến thối nát cùng những hủ tục lạc hậu ở vùng núi Tây Bắc.
Đó là sự áp bức bóc lột của những kẻ có quyền có tiền, mà đại diện là cha con thống lí Pá Tra. Chúng hống hách, quan lieu, chà đạp lên cuộc sống của người khác. Chúng cho người dân vay nợ rồi biến họ thành nô lệ bằng mọi cách. Trong nhà chúng chỉ có đàn ông con trai mới được sống như con người còn đàn bà con gái tất cả đều như nô lệ, làm trâu làm ngựa. Bởi thế không riêng gì Mị sống như con rùa nơi xó nhà mà nhà A Sử trước kia cũng từng có người bị chết vì đứng trói. Nhà văn Tô Hoài đau xót kể: “Đời người đàn bà lấy chồng nhà giàu ở Hồng Ngài, một đời người chỉ biết đi theo đuôi con ngựa của chồng. Mị chợt nhớ lại câu chuyện người ta vẫn kể: đời trước, ở nhà thống lý Pá Tra có người trói vợ trong nhà ba ngày rồi đi chơi, khi về nhìn đến, vợ chết rồi”.
Không chỉ miêu tả chi tiết sự áp bức, bóc lột đến cùng cực cuộc sống của người khác của hệ thống quan lại có chức có tiền ở nơi đây, tác giả còn miêu tả thêm về những hủ tục lạc hậu mang lại bất hạnh cho con người. Ví dụ như việc gán nợ của Mị. Mặc dù Mị đã không đồng ý nhưng chỉ vì A Sử thích nên thống lí đã bày mưu bắt Mị về làm dâu. Đáng nhẽ Mị có thể chạy trốn nhưng vì đã bị cùng lễ làm ma nhà thống lí nên không thể làm trái với lẽ thường của phong tục.
Ở vùng đất này còn trọng nam khinh nữ. Trong khi người vợ phải làm quần quật như trâu như ngựa thì người chồng thoải mái ăn chơi. Còn có tục thích ai là bắt về làm vợ, không cần biết người ta đồng ý hay không, không cần quan tâm người vợ ở nhà cảm thấy thế nào. Người chồng có thể năm thê bảy thiếp, nhưng người vợ thì phải chịu cả đời cô quanh trong đơn độc. Thật là một hủ tục vô lí. Nhưng rất may giờ đây những hủ tục đó đã được bãi bỏ và đã có sự bình đẳng giới.
Luận điểm 3: giá trị nhân đạo còn thể hiện ở niềm tin vào sự chiến thắng của Cách mạng và một tương lai tươi sáng
Nếu như trong tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố, chị dậu cũng vùng lên chạy trốn khỏi tên lý trưởng già gian xảo, dê tặc, nhưng khi chị chạy ra ngoài thì bầu trời vẫn còn tăm tối. Và dường như chị phía trước chị không có con đường đi rõ ràng. Bởi lúc đó, Ngô Tất Tố sáng tác Tắt đèn khi chưa có Cách mạng. Còn với Tô Hoài, lúc này ông đã thấy rõ sự chiến thắng của Cách mạng và tương lai tươi sáng. Bởi thế, ông xây dựng câu chuyện với kết thúc có hậu. Mị và A Phủ không chỉ trốn thoát khỏi ách thống trị của bọn quan lại địa phương mà còn giác ngộ lí tưởng Cách mạng. Trở thành những con người sống có ích, biết hy sinh bản thân vì hạnh phúc của người khác. Họ tích cực tham gia kháng chiến để giải phóng chính bản thân và bảo vệ cuộc sống cho dân bản. Đó là một cái nhìn nhân văn và tích cực mà có lẽ hầu hết các nhà văn lúc bấy giờ đều nhận ra.
Kết bài
Vợ chồng A Phủ đã bộc lộ rõ tài năng miêu tả chiều sâu tâm lý và tính cách nhân vật của nhà văn Tô Hoài. Ông không chỉ thêu dệt nên bức tranh thiên nhiên vùng núi Tây Bắc tuyệt đẹp và sống động mà còn khắc họa rõ nét tâm hồn đậm chất núi rừng của con người nơi đây.
Phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ một lần nữa khẳng định tâm hồn yêu người, yêu đời của nhà văn Tô Hoài. Với việc ca ngợi vẻ đẹp con người vùng cao và phê phán những hủ tục lạc hầu, tác giả đã gửi gắm thông điệp nhân văn sâu sắc. Từ đó độc giả thấy yêu và thương nhân vật hơn bao giờ hết.