Văn mẫu phân tích hình ảnh người lính trong bài thơ đồng chí

Mở bài

Trong nền văn kháng chiến, có rất nhiều bài văn, bài thơ ca ngợi về tình đồng chí, đồng đội. Không ít bài thơ nói về anh bộ đội cụ Hồ với những tình cảm chân thành, chia ngọt sẻ bùi đầy xúc động. Một trong những bài thơ về tình đồng chí được độc giả đón nhận và gây xúc động nhiều nhất đó là bài Đồng Chí của nhà thơ Chính Hữu. Bài thơ được sáng tác vào những năm kháng chiến chống thực dân Pháp nhiều gian khổ. Qua tác phẩm, Chính Hữu đã khắc họa lên hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ tình cảm như keo sơn, gắn bó và ý chí vượt qua khó khăn.

phân tích hình ảnh người lính trong bài thơ đồng chí

“Quê hương anh nước mặn đồng chua,

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.

Anh với tôi đôi người xa lạ,

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.”

Phân tích hình ảnh người lính trong bài thơ đồng chí – Có bao giờ bạn tự hỏi, những người lính cụ Hồ xuất thân từ đâu!? Trong những câu thơ đầu Chính Hữu đã giúp cho bạn đọc biết được những người lính xuất thân từ đâu. Họ đều là những người con từ các vùng nông thôn nghèo, khổ cực. Nơi mà “nước mặn đồng chua” và đất cày lên sỏi đá”. Bằng những câu thơ giàu hình ảnh này, chúng ta có thể hình dung cuộc sống của những người lính trước đây vất vả vô cùng. Chính vì vậy, giờ đây họ cùng ở chiến trường, cùng đồng cảm với nhau, yêu thương nhau và coi như hơn cả ruột thịt. Họ đều là những người tứ xứ, từ các nơi tụ lại, hoàn cảnh khó khăn, đã từng là xa lạ nhưng giờ đây, họ chẳng hẹn mà lại quen nhau. Chính lý tưởng chung đó là bảo vệ tổ quốc, đánh đuổi kẻ thù đã kết nối những người đồng chí lại với nhau. Xuất thân dù là nghèo khó, dù là nông dân nhưng họ đều mang trong mình lý tưởng cách mạng lớn lao.

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày

Gian nhà không mặc kệ gió lung lay

Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”

Sang khổ thơ thứ 2 chúng ta lại càng thấy được hoàn cảnh vô cùng éo le của người lính. Có người khi ra trận thì gửi lại ruông nương cho những người thân ở lại. Có người không còn ai, ngôi nhà xác xơ, mặc kệ gió lung lay. Có những người khi ra đi lại nhớ về giếng nước gốc đa, những hình ảnh vô cùng quen thuộc và nhớ da diết. Hoàn cảnh càng éo le càng thấy trân trọng những người lính cụ Hồ, họ sẵn sàng hi sinh tình riêng để ra trận với mục đích bảo vệ quê hương đất nước. Phải yêu quê hương, phải yêu đất nước thế nào họ mới dũng cảm ra đi như thế. Khổ thơ vừa nói lên hoàn cảnh, vừa là sự cảm thông, trân trọng của tác giả đối với những người lính cụ Hồ và cảm phục tinh thần quyết tử cho tổ quốc quyết sinh của họ.

Áo anh rách vai

Quần tôi có vài mảnh vá

Miệng cười buốt giá

Chân không giày”

Nếu ở những khổ thơ trên nói về hoàn cảnh, xuất thân nghèo khó của những người đồng chí và thương nhau , gặp nhau như anh em. Đến khổ thơ này chúng ta càng thấy được những vất vẩ khó khăn của họ ở nơi chiến trường. Đó là áo anh rách vai, quần tôi có vài mảnh vá. Cuộc sống thiếu thốn đến nỗi quần áo mặc trên người cũng không lành lặn. Đặc biệt, giữa đêm rừng buốt giá, chân không giày nhưng miệng vẫn mỉm cười. Trong khổ thơ này, dù tác giẩ khắc họa nên hình ảnh vô cùng thiếu thốn và khó khăn của người lính nhưng nụ cười giữa đêm đông bắc giá đã xua tan đi mọi khó khăn, vất vả. Điều này càng thấy được quyết tâm và ý chí của người lính, sự lạc quan bình tĩnh giữa những khó khăn.

“Tôi với anh biết từng cơn ớn lạnh

Sốt run người, vầng trán ướt mồ hôi”

Nỗi vất vả khó khăn được tác giả khắc họa lớn hơn khi họ cùng trải qua những cơn sốt rét. Ở chiến trường và trong rừng trường sơn, sốt rét là căn bệnh mà rất nhiều người lính mắc phải. Đây cũng là căn bệnh vô cùng nguy hiểm có thể cướp đi tính mạng của họ do điều kiện sống khắc nghiệt và y tế kém. Qua đây chúng ta càng khẳng định, những người lính ở bên nhau cả những lúc vui buồn và những lúc ốm đau, cận kề cửa tử. Chính vì vậy càng làm cho tính đồng đội thêm gắn kết và thiêng liêng hơn.

“Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”.

Đây chính là câu thơ khẳng định tình cảm keo sơn, thương nhau như ruột thịt. Ở nơi rừng thiêng nước độc này, tình cảm chính là điều tuyệt vời nhất, vật chất có thể là xa xỉ, nhưng tinh thần, tình cảm thì luôn dạt dào. Trong khó khăn, hoạn nạn họ luôn nắm chặt tay nhau cùng vượt qua mọi khó khăn.

“Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo”

Khổ thơ cuối gợi hình ảnh rất lớn. Một bức tranh về tình đồng đội đẹp và thiêng liêng vô cùng. Giữa rừng hoang sương muối nhiều nguy hiểm họ đứng cạnh bên nhau, canh cho nhau và canh quân thù. Câu thơ “chờ giặc tới” cho thấy sự sẵn sàng, quyết tử và luôn trong thế chủ động. Họ không sợ kẻ thù, đối với họ mục đích ra chiến trường chính là đánh đuổi kẻ thù ra khỏi đất nước để lập lại hòa bình, mang lại bình yên cho những người thân yêu. Vì vậy, tư thế đứng cạnh nhau vô cùng hiên ngang, tinh thần vô cùng lạc quan. Đặc biệt, câu cuối: “Đầu sung trăng treo” chính là hai hình ảnh đối lập nhưng lại hỗ trợ cho nhau, một hình ảnh cực đẹp và gợi hình.

Nói đến đầu súng là nói đến chiến tranh, tàn khốc và đổ máu. Súng chính là thực tại ác liệt của cuộc chiến bảo vệ tổ quốc. Trong khi đó trăng treo lại ở trên cao, phía trên đầu súng. Hình ảnh trăng lại là hình ảnh đẹp, biểu tượng của hòa bình, yên ả. Trăng cũng là niềm khát vọng và mơ ước tự do. Hai hình ảnh đối lập nhau lại đặt cạnh nhau, tưởng đối nghịch nhưng lại hòa quyện vào nhau thể hiện sự khát vọng chiến thắng, khát vọng tự do và hòa bình. Nó cũng thể hiện cho niềm tin của những người chiến sĩ vào một ngày mai tươi sáng hơn.

Đây là hình ảnh vô cùng lãng mạn và cũng xuất hiện nhiều trong thơ của một số nhà văn thời kì kháng chiến. Ví dụ như Quang Dũng cùng từng ví: “súng ngửi trời” , một hình ảnh lãng mạn thể hiện khát vọng tự do, khát vọng chiến thắng và làm dịu đi những mất mát của chiến tranh. Đây chính là đôi cánh nâng đỡ người lính trên mọi gian lao, nếu người lính không có lí tưởng, không có hi vọng vào ngày mai và tin vào chiến thắng thì liệu có thể bền chí, sẵn sàng hi sinh ra tính mạng của mình để ra chiến trường!? Chính Hữu đã nhìn được điều đó, đã thổi vào trong họ những khát vọng, đã lãng mạn hóa cuộc sống chiến trường, đã nâng người chiến sĩ lên một tầm cao lý tưởng mới.

Kết bài

Bằng những hinh ảnh sóng đôi, nghệ thuật so sánh, ẩn dụ, Chính Hữu đã khắc họa lên người lính cụ Hồ vừa mộc mạc, chân thực và mang trong mình khát vọng hòa bình. Họ không phải là những người lính quá lí tưởng hóa về tinh thần hay đời sống, những vần thơ đều miêu tả rất chân thật của sống của họ, nhưng họ sống có lí tưởng, đùm bọc, yêu thương nhau, tình đồng chí đẹp thiêng liêng. Qua đây, chúng ta càng thêm trân trọng những hi sinh của người lính cụ Hồ để sống và cống hiến sao cho xứng đáng với những hi sinh của các bậc cha anh đi trước. Cảm ơn Chính Hữu đã giúp cho chúng ta, thế hệ trẻ hôm nay hiểu thêm về những hi sinh, mất mát mà người lính cụ Hồ đã gánh để chúng ta càng yêu và trân trọng, biết ơn đời đời!

>> Xem thêm: Phân tích bài thơ Đồng chí của Chính Hữu chuẩn theo bài giảng