Nhắc đến Nguyễn Đình Chiểu, chúng ta sẽ không quên được tác phẩm Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc. Có thể nói đây là một trong những tác phẩm đặc sắc mang lại nhiều cảm xúc cho người đọc. Phân tích bài Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc, chúng ta sẽ thấy được rõ ràng vẻ đẹp của người nông dân trong khi làng quê bị xâm lăng. Cùng với đó là sự hy sinh cùng tâm hồn dũng cảm bất diệt. 

Bài mẫu phân tích bài Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc

Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ, tác giả văn học nổi tiếng của Việt Nam. Mặc dù có tài năng nhưng cuộc đời của ông không hề suôn sẻ. Sau khi bỏ thi về chịu tang mẹ năm 1849 thì ông bị đau rồi bị mù. Sau đó ông về dạy học, bốc thuốc và tham gia chống Pháp. Bởi thời gian sống cùng người nông dân nên ông đã phần nào thấu hiểu được vẻ đẹp của người nông dân nghĩa sĩ. 

Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc là tác phẩm ra đời trong lúc thực dân Pháp xâm lược nước ta. Sau khi chiến thắng bước đầu, chúng ta bị giặc phản công và rất nhiều nghĩa sĩ đã hi sinh. Tác phẩm do nhà văn viết bởi yêu cầu của tuần phủ Đỗ Quang để truy điệu các nghĩa sĩ Cần Giuộc. 

  • Luận điểm 1: Bối cảnh lúc bấy giờ và lời khẳng định bất tử của người nông dân nghĩa sĩ

“Hỡi ơi!

Súng giặc đất rền; lòng dân trời tỏ.

Mười năm công vỡ ruộng, chưa ắt còn danh nổi như phao; một trận nghĩa đánh Tây, thân tuy mất tiếng vang như mõ.”

Mở đầu tác phẩm, tác giả đã nói đến bối cảnh thời đại với vô vàn bão táp và biến cố. Quân giặc thì được trang bị vũ khí đã tàn sát biết bao con người. Hoàn cảnh ấy vẽ ra chính là để thử thách tấm lòng yêu nước của con người với quê hương, đất nước. Người dân vùng Nam Bộ đã không hề sợ chết, họ sẵn sàng hy sinh, từ bỏ để đổi lại tiếng thơm, bình an cho dân tộc. Chỉ qua và câu thơ nhưng chúng ta đã thấy rõ được lẽ sống chết của người nghĩa sĩ. 

Người nông dân dũng cảm chống lại quân giặc
Người nông dân dũng cảm chống lại quân giặc
  • Luận điểm 2: Hình ảnh người nghĩa sĩ nông dân yêu nước nồng nàn

“Nhớ linh xưa:

Cui cút làm ăn; toan lo nghèo khó.

Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung; chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ.

Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm; tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng ngó.

….

Nào đợi ai đòi, ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình; chẳng thèm chốn ngược, chốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ.”

Phần tiếp theo của văn tế chính là hình tượng của người nghĩa sĩ nông dân. Họ hiện lên mộc mạc nhưng cũng rất dũng cảm và kiên cường. Trước khi quân giặc xâm lấn bờ cõi thì họ chỉ là những con người sống đời bình dị “cui cút làm ăn” với những bộn bề cuộc sống. Người nông dân ấy chỉ biết đến làng quê nghèo nơi mình sinh sống. Quanh năm cuộc sống chỉ gắn liền với “việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm“. Họ chưa bao giờ ngó đến những việc như “tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ“. 

Nhưng khi giặc đến, sự bình yên bị phá vỡ họ luôn sẵn sàng đứng lên. Thông qua tinh thần dũng cảm ấy, chúng ta đã thấy được sự chuyển biến lớn của người nông dân về tình cảm, nhận thức. Họ dường như đã nghe ngóng được tin giặc đến và ngửi thấy cả mùi đấu tranh “mùi tinh chiên vấy vá đã ba năm”. Và đến cuối cùng họ đã thấy được sự xâm lược độc ác của kẻ thù ngoài kia. Lúc này, họ đã nhận thức rõ ràng hơn về độc lập dân tộc. Họ thấy được trách nhiệm “nào đợi ai đòi ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình, chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ”. Chính sự chủ động và ý thức về trách nhiệm đã cho chúng ta thấy được tinh thần đầy dũng khí và oai phong. 

  • Luận điểm 3: Sự cảm phục và tiếc thương sự hy sinh của người nghĩa sĩ
Sự hi sinh của người nông dân trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc được điểm qua lời văn hết sức tinh tế
Sự hi sinh của người nông dân trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc được điểm qua lời văn hết sức tinh tế

“Ôi!

Những lăm lòng nghĩa lâu dùng; đâu biết xác phàm vội bỏ.

….

Chẳng phải án cướp, án gian đày tới, mà vi binh đánh giặc cho cam tâm; vốn không giữ thành, giữ luỹ bỏ đi, mà hiệu lực theo quân cho đáng số.”

Trong trận đánh đánh giặc ấy, họ mặc dùng không được trang bị binh pháp, chẳng được rèn luyện võ nghệ. Thứ họ dùng chỉ là những vật dụng, món đồ dùng trong lao động và sinh hoạt hằng ngày “ngoài cật có một manh áo vải“; “tay cầm ngọn tầm vông“,… Trong khi đó, quân giặc thì lại được trang bị những vũ khí hiện đại, tinh nhuệ. Những điều này mặc dù rất ghê gớm nhưng không hề khiến các nghĩa sĩ của chúng ta e sợ. Tác giả đã sử dụng nhiều động từ mạnh cùng nhịp điệu nhanh để diễn tả chiến trường ác liệt. Qua đó, hình ảnh người nông dân nghĩa sĩ cũng hiện lên anh dũng, hiên ngang và đẹp hơn. 

Phân tích bài Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc
Tiếng khóc thảm của tác giả qua bài văn tế là niềm tiếc thương cho dân tộc ta

 

Những vũ khí của quân giặc quá đáng sợ đã khiến cho các nghĩa sĩ của chúng ta ngã xuống. Tiếng khóc của tác giả qua văn tế chính là niềm tiếc thương cho toàn thể dân tộc. Những con người dũng cảm ấy đáng được ghi nhớ được biết ơn và trân trọng. 

Bên cạnh đó, tác giả cũng bộc lộ sự cảm phục sâu sắc về những con người chân chất ấy. Họ tuy là người nông dân bình dị nhưng vì quê hương đất nước vẫn đứng lên chống lại quân thù. Họ “thà thác mà đặng câu địch khái về theo tổ phụ cũng vinh; hơn còn mà chịu chữ đầu tây, ở với man di rất khổ”. Đoạn thơ này không chỉ nói đến lòng tiếc thương mà còn thể hiện những điều bất tử. Đó cũng chính là những điều mà thế hệ tương lai cần hướng tới. 

  • Luận điểm 4: Lời ca ngợi linh hồn bất diệt của người nghĩa sĩ

Đoạn cuối của văn tế chính là lời ca ngợi sự bất diệt tâm hồn của người nghĩa sĩ. “Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo, thương vì hai chữ thiêng dân, cây hương nghĩa sĩ thắp thêm thơm, cám bởi một câu vương thổ“. Lời thơ thể hiện nỗi xót thương và cả sự tưởng nhớ của mọi người đến người đã mất. 

Tượng đài bất tử của nghĩa sĩ Cần Giuộc
Tượng đài bất tử của nghĩa sĩ Cần Giuộc

Tuy người nghĩa sĩ ấy đã nằm xuống nhưng tâm hồn bất diệt của họ vẫn còn mãi. Bởi vì có lòng yêu nước, thương dân sâu sắc nên họ mới có đủ dũng cảm không màn đến cái chết mà đứng lên, chống giặc ngoại xâm. 

Lời kết 

Có thể nói rằng, bài văn tế như bức tượng đài bằng ngôn từ của Nguyễn Đình Chiểu. Qua lời văn của ông đã tạc khác lên hình tượng của những người nghĩa sĩ nông dân một thời hào hùng mà bi tráng. Họ tượng trưng cho tinh thần yêu nước và sự căm thù giặc ngoại xâm của cha ông ta. Không chỉ thế, bức tượng đài ấy còn là dấu mốc thể hiện cả một bi kịch lớn của dân tộc Việt Nam – bi kịch mất nước. Đồng thời, báo hiệu một thời kỳ lịch sử đen tối của dân tộc ta – thời kì một trăm năm Pháp thuộc. Nhưng qua lời văn của ông cho thấy sự hào hùng, tinh thần bất khuất của nhân dân Nam Bộ nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Họ vẫn luôn luôn ngời sáng bởi cái lý tưởng cao đẹp của nghĩa sĩ cần Giuộc: “sẵn sàng hi sinh vì nghĩa lớn, vì dân tộc.”

Bằng ngôn ngữ mộc mạc, gần gũi, tác giả đã diễn tả được hình ảnh người nông dân nghĩa sĩ vô cùng chân thật. Qua đó, ông còn làm rõ nét hơn tinh thần dũng cảm, lòng yêu nước vô cùng sâu đậm ấy. Phân tích bài Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc, chúng ta sẽ thêm lòng biết ơn những con người ấy và cảm nhận rõ nét hơn vẻ đẹp tâm hồn và tâm tư mà tác giả gửi gắm.