Ai đã đặt tên cho dòng sông là tác phẩm tiêu biểu miêu tả vẻ đẹp dòng sông Hương một cách chi tiết nhất. Qua ngòi bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường, dòng sông Hương hiện lên như một bức tranh kỳ vĩ. Càng phân tích Ai đã đặt tên cho dòng sông, ta lại càng yêu quê hương tha thiết.
Mở bài phân tích Ai đã đặt tên cho dòng sông
Xứ Huế không chỉ nổi tiếng với lăng tẩm, đại nội, nơi đây còn nổi tiếng với dòng sông Hương uốn quanh, bao bọc cả thành phố. Dòng sông Hương huyền ảo ấy là cảm hứng sáng tác cho biết bao văn sỹ. Một trong những tác phẩm ngợi ca vẻ đẹp và linh hồn của dòng sông cổ kính ấy đó là Ai đã đặt tên cho dòng sông. Đó là tác phẩm bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường – một người con xứ Huế yêu quê hương tha thiết.
Ai đã đặt tên cho dòng sông được viết ngay sau chiến thắng mùa xuân năm 1975, và được in trong tập bút ký cùng tên. Là một người con của xứ Huế, sông Hương gắn với tuổi thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Vì thế, khi viết về sông Hương ông đã dùng sự miêu tả chân thực nhất với tình cảm yêu thương nồng nàn.
Thân bài
- Luận điểm 1: Phân tích Ai đã đặt tên cho dòng sông – hình tượng sông Hương
Dưới lăng kính tâm hồn của một người sinh ra và lớn lên tại Huế, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã có những cảm nhận rất riêng về sông Hương. Mở đầu bút ký, tác giả đã giới thiệu những nét độc đáo chỉ riêng sông Hương mới có. Đó là con sông “thuộc về một thành phố duy nhất”. Hình tượng con sông Hương được miêu tả từ nhiều khía cạnh: thiên nhiên, lịch sử, văn hóa.
Vẻ đẹp bình lặng của sông Hương được hình thành từ những thác ghềnh nơi thượng nguồn: “Trước khi về đến vùng châu thổ êm đềm, nó đã là một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn”. Dưới ngòi bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường, dòng sông Hương hùng vĩ, bao la chẳng khác nào sông Đà của Nguyễn Tuân. Phải yêu con sông ấy lắm, gắn bó với vùng đất ấy biết bao mới có thể miêu tả một cách sinh động như vậy.
Ở thượng nguồn, dòng sông như “một cô gái Digan phóng khoáng và man dại” được nuôi dưỡng bởi núi rừng Trường Sơn. Dường như nơi rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, và tâm hồn tự do, trong sáng. Nhưng cũng chính rừng già lại là nơi đã chế ngự bản năng nổi loạn của người con gái ấy. Ở đây, tác giả đã nhân cách hóa dòng sông với những cung bậc cảm xúc tựa con người. Thế nên khi ra khỏi rừng, người ta thấy sông Hương với vẻ đẹp dịu dàng và trí tuệ, nó đã trở thành “người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở”.
Dòng sông ấy chẳng muốn để người ta nhìn thấu tim can, đó là dòng sông của xứ sở, của con người. Bởi thế nó chẳng muốn xa rời mảnh đất ấy nên “đã đóng kín lại ở cửa rừng và ném chìa khóa trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng”. Sự so sánh này có lẽ muốn ám chỉ dòng sông Hương thủy chung, chỉ một lòng một dạ với xứ Huế mộng mơ.
Hành trình từ rừng già về với trái tim của thành phố, sông Hương biến chuyển một cách liên tục. Thật sự Hoàng Phủ Ngọc Tường phải yêu, phải hiểu sông Hương lắm mới có thể miêu tả một cách xuất sắc như vậy. “Sông Hương chuyển dòng một cách liên tục, vòng những khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường con thật mềm, như một cuộc tìm kiếm có ý thức để đi tới nơi gặp thành phố tương lai của nó”.
Hành trình tìm về nơi nó thuộc về chẳng dễ dàng gì, nhưng cũng chính hành trình ấy đã cho chúng ta thấy những nét tính cách đặc trưng của sông Hương. Bằng bản năng của mình, sông Hương vượt qua bao thác ghềnh, vực sâu để tìm lấy vẻ đẹp đích thực nơi nó thuộc về. Đó là hình ảnh “sông Hương vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn, vượt qua một lòng vực sâu dưới chân nút Ngọc Trản, để sắc nước trở nên xanh thẳm”. Dường như trước khi gặp tri kỷ, dòng sông ấy phải luôn làm cho mình thật đẹp, thật ấn tượng. Thế nên từ khi vào thành phố, người ta “luôn luôn nhìn thấy dòng sông mềm như tấm lụa”. Những nét đặc biệt ấy có lẽ chỉ bắt gặp được ở sông Hương.
Khi sắp được gặp thành phố yêu thương, dòng sông cũng có những thay đổi rõ rệt. Từ cô gái Digan phóng khoáng, sông Hương trở nên mơ màng, phẳng lặng trong tiếng chuông chùa Thiên Mụ vang vọng. Tiếng chuông chùa Thiên Mụ giống như cột mốc đánh dấu dòng sông đã tìm được đúng đường về. Thế nên dòng sông “vui tươi hẳn lên giữa những biền bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long”. Vượt qua bao thác ghềnh, sông Hương tìm về với xứ Huế mộng mơ “giống sông Seine của Paris, sông Đa nuýp của Budapest”. Vẻ đẹp của sông Hương như vẻ đẹp của con người xứ Huế, nhẹ nhàng và thơ mộng “khi đi qua thành phố đã trôi đi chậm, thật chậm, cơ hồ chỉ còn là một mặt hồ yên tĩnh”.
Sông Hương hoàn toàn khác biệt với những dòng sông khác. Khi đã tìm được tri kỷ nó chẳng cần vội vàng, ồn ã, dù đêm hay ngày nó cũng lặng lờ trôi “đó là điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế”. Mà vẻ đẹp ấy chỉ có thể cảm nhận được bằng thị giác, bằng lòng yêu thương Huế.
Khoảnh khắc sông Hương phải rời xa thành phố ta thấy được sự bịn rịn của dòng sông “lưu luyến ra đi giữa màu xanh biếc của tre trúc và của những vườn cau vùng ngoại ô Vĩ Dạ”. Rời xa rừng già Trường Sơn hùng vĩ để tìm đến với tri kỷ, thế nên dòng sông Hương chẳng nỡ lìa xa. Cho nên nó chuyển dòng đột ngột để được gặp lại thành phố một lần nữa ở thị trấn Bao Vinh cổ xưa. Lời chia tay của dòng Hương giang với thành phố Huế như lời chia tay của đôi tình nhân, bịn rịn, vương vấn chẳng muốn rời xa.
- Luận điểm 2: Dòng sông lịch sử và văn hóa
Vẻ đẹp của sông Hương không chỉ dừng lại ở nét đẹp thiên nhiên vốn có, nó còn là nét đẹp của lịch sử, của văn hóa. Sông Hương chính là chứng nhân lịch sử rõ nét nhất, chân thực nhất. Dòng sông ấy đã sống, gắn bó với người dân xứ Huế từ những thế kỷ quang vinh với những nhiệm vụ lịch sử quan trọng “từ thuở nó còn là một dòng sông biên thùy xa xôi của đất nước các vua Hùng”.
Ở mỗi một giai đoạn lịch sử, dòng Hương giang đều đóng vai trò quan trọng “khi nghe lời gọi, nó biết cách tự biến đời mình làm một chiến công, để rồi nó trở về với cuộc sống bình thường, làm một người con gái dịu dàng của đất nước”. Dường như dòng sông ấy tự biết cách hòa nhập với thời cuộc, tạo nên âm vang cho mỗi thời đại.
Hoàng Phủ Ngọc Tường đã vô cùng khéo léo khi miêu tả màu sương khói trên sông Hương “giống như tấm voan huyền ảo của tự nhiên, sau đó ẩn giấu khuôn mặt thực của dòng sông”. Sự biến chuyển tài tình của dòng Hương giang cho thấy nét tính cách vô cùng đặc biệt. Thế nên trên dòng sông ấy ghi dấu ấn lịch sử của biết bao giai đoạn. Cũng dòng sông ấy “không bao giờ tự lặp lại mình trong cảm hứng của các nghệ sĩ. Mỗi nhà thơ đều có một khám phá riêng về nó”. Thế nên dù xuất hiện trong thơ Tản Đà, hay Cao Bá Quát, Bà Huyện Thanh Quanh thì dòng Hương giang vẫn rất đặc biệt, vẫn mang một sắc thái riêng.
- Luận điểm 3: Hình tượng cái tôi của tác giả
Thông qua bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông ta cũng thấy được hình tượng cái tôi của tác giả được hiển thị một cách rõ nét. Cái tôi ấy được bộc lộ thông qua những quan sát vô cùng tinh tế về dòng sông Hương. Đó là sự quan sát của một người yêu quê hương đến tha thiết.
Để làm nổi bật nên tính cách của dòng Hương giang, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã kết hợp giữa liên tưởng, so sánh với lối viết độc đáo, tài hoa và uyên bác. Những hình ảnh so sánh mà tác giả sử dụng luôn được chắt lọc tinh túy nhất. Vì thế, dòng sông Hương hiện lên với vẻ đẹp “hiếm có khó tìm”.
Thông qua những miêu tả về sông Hương, ta cũng cảm nhận được tình yêu quê hương tha thiết của tác giả. Phải yêu quê hương đến nhường nào mới có thể miêu tả dòng sông Hương bằng những vẻ đẹp sinh động đến như vậy.
Lời kết
Ai đã đặt tên cho dòng sông là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo và riêng biệt khi viết về vẻ đẹp của dòng sông Hương. Càng phân tích Ai đã đặt tên cho dòng sông càng thấy được tài năng của tác giả khi vẽ nên bức tranh tuyệt mỹ về dòng sông huyền thoại ấy.
>>> Xem thêm: Phân tích bài Chí phèo của nhà văn hiện thực Nam Cao