I. Chuẩn bị ở nhà

Câu hỏi SGK Ngữ văn 7 tập 1 – trang 129 – Luyện nói: văn biểu cảm về sự vật, con người

Mỗi em chọn một trong bốn đề tài sau, lập dàn bài tập nói ở nhà theo tinh thần một bài phát biểu trước lớp.

Đề 1: Cảm nghĩ về thầy, cô giáo, những “người lái đò” đưa thế hệ trẻ “cập bến” tương lai.

Đề 2: Cảm nghĩ về tình bạn.

Đề 3: Cảm nghĩ về sách vở mình học và đọc hằng ngày.

Đề 4: Cảm nghĩ về một món quà mà em đã được nhận thời thơ ấu.

Yêu cầu: Văn biểu cảm về sự vật và con người đòi hỏi phải chú ý tới sự vật và con người một cách đầy đủ. Phải có sự vật, có con người làm nền cho những tình cảm, cảm xúc, suy nghĩ. Người làm phải chú ý đến yếu tố tự sự và miêu tả. Cần vận dụng yếu tố hồi tưởng, tưởng tượng, liên tưởng để biểu cảm.

Tập vận dụng những hình thức biểu cảm như: so sánh, lời trùng điệp, hình thức cảm thán.

Trả lời:

Đề 1: Cảm nghĩ về thầy, cô giáo, những “người lái đò” đưa thế hệ trẻ “cập bến” tương lai.

Mở bài: giới thiệu về người thầy, cô giáo mà em nghĩ tới.

Thân bài:

+ Miêu tả qua hình dáng (mái tóc, màu da, dáng người, khuôn mặt, nụ cười,…) và tính cách (hiền dịu, nghiêm khắc, yêu thương, thấu hiểu,…).

+ Nêu cảm nghĩ về những bài học, những kiến thức mà thầy, cô giáo đã truyền lại cho em.

+ Nêu cảm nhận về tình cảm mà thầy, cô dành cho em và những bạn học sinh khác.

+ Kể về những bài học mà em có được nhờ thầy, cô giáo.

+ Kể lại kỷ niệm em nhớ nhất về thầy, cô giáo.

Kết bài: Chốt lại cảm xúc, tình cảm của bản thân em dành cho thầy, cô giáo đó.

Bài văn về “người lái đò” đưa thế hệ trẻ “cập bến” tương lai

Đề 2: Cảm nghĩ về tình bạn.

Mở bài: Nêu khái quát suy nghĩ của em về vai trò, ý nghĩa của tình bạn trong cuộc sống.

Thân bài:

+ Khẳng định sự chân thành, tin tưởng lẫn nhau là cơ sở của tình bạn trong sáng.

* Nếu sống chân thành, thật thà thì em có thể chia sẻ, tâm sự với bạn.

* Tin tưởng lẫn nhau giúp tình bạn thêm gắn bó, bền chặt.

* Bạn bè đối xử với nhau không mưu tính, không vụ lợi.

+ Bạn bè thì phải biết cảm thông, sẻ chia và giúp đỡ lẫn nhau.

* Mọi câu chuyện vui hay buồn khi sẻ chia cùng bạn thì nỗi buồn sẽ bị xóa mờ, còn niềm vui sẽ được tăng lên sự hạnh phúc, sung sướng.

* Lắng nghe, thấu hiểu và cảm thông sẽ giúp tình bạn luôn gắn bó.

+ Bạn bè cần rộng lượng, tha thứ cho nhau.

* Tha thứ cho những lỗi lầm mà bạn đã gây ra.

* Góp ý, phê phán để giúp bạn sửa chữa lại những điều sai, hay thói hư tật xấu.

+ Bạn bè phải cùng nhau tiến bộ trong học tập và cuộc sống.

+ Liên hệ bản thân.

Kết bài: Khẳng định lại ý nghĩa của tình bạn.

Đề 3: Cảm nghĩ về sách vở mình học và đọc hằng ngày.

Mở bài: Khẳng định vai trò, sức ảnh hưởng và ý nghĩa của sách đối với con người trong cuộc sống.

Thân bài:

+ Vai trò của sách đối với con người.

* Sách đem đến cho con người kho tri thức khổng lồ của nhà nhân loại: văn học, toán học, khoa học, lịch sử, địa lý,…

* Sách giúp chúng ta mở rộng tâm hồn, nắm bắt được những cái ở sâu nhất trong tâm tư, tình cảm của con người, bồi dưỡng về tư tưởng, đạo đức.

* Sách giúp chúng ta có những khoảnh khắc sống chậm lại; thư giãn, nghỉ ngơi; giải trí.

+ Nếu con người thiếu sách thì cuộc sống sẽ ra sao?

* Cuộc sống tinh thần trở nên nghèo nàn cả về kiến thức và cảm xúc.

* Chúng ta không được tiếp xúc với thế giới muôn màu muôn vẻ.

+ Thái độ của con người đối với sách

* Trân trọng, giữ gìn sách.

* Không vứt sách lung tung, không làm rách sách.

* Luôn giữ sách sạch sẽ, phẳng phiu.

Kết bài: Khẳng định lại tình cảm của em dành cho sách.

Đề 4: Cảm nghĩ về một món quà mà em đã được nhận thời thơ ấu.

Mở bài: giới thiệu qua về món quà ấy: nó là gì, được nhận từ ai?

Thân bài:

+ Miêu tả lại hình dáng, chất lượng, màu sắc của món quà đó.

+ Nêu công dụng, lợi ích của nó: để trưng bày, để học tập, giúp ích cho công việc, sở thích,…

+ Kể lại cảm xúc, suy nghĩ của em khi được nhận món quà đó.

+ Bản thân em có trân trọng nó không? Trân trọng như thế nào.

Kết bài: Nhấn mạnh lại ý nghĩa của món quà đó đối với em.

II. Thực hành trên lớp – Luyện nói: văn biểu cảm về sự vật, con người

1. Học sinh chia theo từng tổ hoặc nhóm để phát biểu theo dàn ý đã chuẩn bị ở nhà.

Các em cần phân chia các phần phù hợp để phát biểu. Cần chọn các bạn nắm rõ bài, trình bày tốt để truyền tải được đầy đủ nội dung.

2. Khi một học sinh phát biểu, các em phải chú ý lắng nghe để có ý kiến xây dựng, đóng góp.

Em cần xem có phần nào chưa hiểu, khác với phần mình đã chuẩn bị để sửa đổi cho bạn, cho mình.

3. Lắng nghe thầy, cô giáo nhận xét, tổng kết về ưu điểm và nhược điểm của các dàn ý. Từ đó sửa đổi, hoàn thiện bài tốt hơn.