Soạn Từ ngôn ngữ chung đến lời nói cá nhân
I. NGÔN NGỮ – TÀI SẢN CHUNG CỦA XÃ HỘI
+ Ngôn ngữ là tài sản chung của một dân tộc, một cộng đồng xã hội dùng để giao tiếp.
+ Mỗi thành viên trong cộng đồng đều cần phải có những hiểu biết nhất định ngôn ngữ chung của cộng đồng, dân tộc thì mới có thể giao tiếp được.
+ Mỗi người tự nâng cao hiểu biết của mình về ngôn ngữ chung bằng cách học, có thể học ở nhà trường, học trong sách vở và học trong giao tiếp hàng ngày. Việc học ấy sẽ giúp con người hình thành các kĩ năng sử dụng ngôn ngữ: nghe, nói, đọc, viết.
1. Những yếu tố chung trong ngôn ngữ của cộng đồng:
– Các âm thanh và các thanh (nguyên âm, phụ âm, thanh điệu…) Ví dụ: a, e, I, o, b, h, t…
– Các tiếng (âm tiết) là sự kết hợp của các âm và thanh. Ví dụ: chạy, đi, cây, con, xe…
– Các từ (từ đơn, từ ghép) Ví dụ: Xấu, Đẹp, Tình bạn, Mến thương…
– Các ngữ cố định (thành ngữ, quán ngữ…) Ví dụ: Lạnh như tiền, ba cọc ba đồng…
2. Các quy tắc và phương thức chung:
– Quy tắc chung: Quy tắc cấu tạo từ, ngữ (cụm từ, câu, đoạn…)
– Phương thức chuyển nghĩa từ (nghĩa gốc sang nghĩa bóng)
==> Tất cả được hình thành dần trong lịch sử phát triển của ngôn ngữ và cần được mỗi cá nhân tiếp nhận và tuân theo.
II. LỜI NÓI – SẢN PHẨM RIÊNG CỦA CÁ NHÂN
+ Lời nói cá nhân là sản phẩm của mỗi người khi sử dụng ngôn ngữ chung làm công cụ giao tiếp. Do đó, mỗi văn bản nói và viết thường mang dấu ấn cá nhân của người tạo lập nên.
+ Dấu ấn cá nhân trong lời nói thể hiện cá tính, hiểu biết, vốn văn hoá… của người nói, viết.
+ Trong văn chương nghệ thuật, dấu ấn cá nhân vô cùng quan trong. Những tác phẩm thành công là những tác phẩm thể hiện được cá tính, phong cách riêng của nhà văn. Bởi nghệ thuật đề cao sự sáng tạo, mà sáng tạo của nghệ thuật thể hiện ở khả năng sử dụng ngôn từ của nghệ sĩ. Từ ngôn ngữ chung, nghệ sĩ sáng tạo nên những lời nói, cách kể, cách diễn đạt riêng của mình.
– Cái riêng trong lời nói cá nhân biểu hiện qua:
+ Giọng nói cá nhân
+ Vốn từ ngữ cá nhân
+ Việc sử dụng các từ ngữ quen thuộc một cách sáng tạo
+ Việc cấu tạo ra từ mới
+ Việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo quy tắc chung, phương thức chung.
==> Biểu hiện rõ nhất của nét riêng trong lời nói cá nhân là phong cách ngôn ngữ cá nhân.
III. LUYỆN TẬP
Câu 1( Soạn từ ngôn từ chung đến lời nói cá nhân): Trong hai câu thơ dưới đây, từ in đậm được sử dụng với nghĩa như thế nào?
Bác Dương thôi đã thôi rồi,
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.
(Nguyễn Khuyến)
Trả lời:
“Thôi” nghĩa gốc có nghĩa là từ chỉ sự kết thúc, từ bỏ, chấm dứt một việc nào đó. (Ví dụ: thôi học, thôi việc, thôi hỗ trợ…)
Trong câu thơ của Nguyễn Khuyến từ “thôi” ở đây được dùng với nghĩa chấm dứt cuộc đời cuộc sống. Cụ thể là để chỉ sự mất mát, sự đau đớn khi tác giả nghe tin bạn mình đã lìa xa cõi đời, đồng thời từ “Thôi” cũng là cách dùng để nói giảm, nói tránh để làm vơi đi nỗi đau mất mát không gì bù đắp được.
Câu 2(Soạn Từ ngôn ngữ chung đến lời nói cá nhân): Nhận xét về cách sắp đặt từ ngữ trong hai câu thơ sau. Cách sắp đặt đó có hiệu quả sử dụng như thế nào?
Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn.
( Hồ Xuân Hương – Tự Tình)
Trả lời:
+ Trong hai câu thơ trên, tác giả đã sắp xếp từ ngữ theo lối đối lập:
– Xiên ngang – đâm toạc; mặt đất – chân mây; rêu từng đám – đá mấy hòn.
Thiên nhiên trong hai câu thơ như thể hiện sự mạnh mẽ, rắn rỏi, không khuất phục những lẽ thường của tạo hóa.
Rêu là một sinh vật nhỏ bé nhưng cũng không chịu khuất phục; nó phải xiên ngang mặt đất. Đá vốn rắn chắc nhưng giờ cũng nhọn hơn để đâm toạc chân mây.
+ Bên cạnh đó, tác giả còn sử dụng và kết hợp biện pháp nghệ thuật đảo ngữ: Đảo trật tự từ trong câu.
– Đá mấy hòn ⟶ mấy hòn đá
– Rêu từng đám ⟶ từng đám rêu
Nhà thơ sử dụng biện pháp đảo ngữ để làm nội tâm trạng phẫn uất của thiên nhiên mà cũng là sự phẫn uất của nhà thơ.
+ Tác gải còn đổi trật tự các thành phần câu: Vị ngữ đứng trước chủ ngữ
– Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám ⟶ Từng đám rêu xiên ngang mặt đất
– Đâm toạc chân mây đá mấy hòn ⟶ Mấy hòn đá đâm toạc chân mây
+ Hiệu quả sử dụng: Các động từ mạnh như xiên, đâm kết hợp với các bổ ngữ như ngang, toạc thể hiện sự bướng bỉnh, ngang ngạnh của thi sĩ. Chính biện pháp đối lập và đảo ngữ, và đổi trật tự các thành phần câu giúp cách dùng các từ ngữ tạo hình tạo nên ấn tượng mạnh mẽ, làm nên cá tính sáng tạo của Hồ Xuân Hương. Đó cũng là phong cách độc đáo trong thơ của nữ thi sĩ, thiên nhiên luôn tràn đầy sức sống, mạnh mẽ dù đứng trước khó khăn hay những nghịch cảnh.
Câu 3(Soạn Từ ngôn ngữ chung đến lời nói cá nhân):Tìm thêm những ví dụ thể hiện được quan hệ giữa cái chung và cái riêng như mối quan hệ giữa ngôn ngữ chung của xã hội và lời nói cá nhân.
Trả lời:
Ví dụ 1: Ô tô (phương ngữ miền Bắc) hay còn gọi là xe hơi (phương ngữ Miền Nam) là từ được dùng để chỉ một loại phương tiện giao thông có 4 bánh, di chuyển bằng động cơ, là phương tiện giúp con người di chuyển không cần sức lực. Tuy nhiên tùy vào hãng xe, tùy vào cách phân loại, chức năng…ô tô lại mang những đặc điểm riêng biệt của từng hãng (chạy bằng xăng, chạy bằng điện, có mui, không có mui, có thùng xe, không có thùng xe…)
Ví dụ 2: Mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng như giữa một loài và cá thể. Chim là tập hợp các loài động vật có xương sống, máu nóng, đi đứng bằng hai chân, có mỏ, đẻ trứng, có cánh, có lông vũ và biết bay (phần lớn).
Tuy nhiên, chim cánh cụt lại không biết bay nhưng có khả năng bơi rất giỏi. Nó mang những đặc điểm chung khác với loài chim đồng thời cũng mang những đặc điểm riêng biệt chỉ nó mới có.