Mùa thu mang vẻ đẹp mơ mộng, dịu dàng, có chút gì đó mong manh nên luôn trở thành đề tài cho các thi sĩ khai thác. Ta dễ dàng thấy mùa thu gần gũi, bình dị trong thơ Nguyễn Khuyến:“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo/ Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”. Hay mùa thu trong “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi: “Gió thổi mùa thu hương cốm mới/ Tôi nhớ những ngày thu đã xa”. Còn phân tích Sang thu của Hữu Thỉnh mới thấy thu ông thật duyên, trữ tình và kỳ diệu.
- Luận điểm 1: Thu Hữu Thỉnh là những cảm xúc rất mới, rất riêng
Thông thường, nhắc đến mùa thu người ta sẽ nghĩ ngay tới những dấu hiệu như hương cốm, lá vàng rụng khắp gốc cây, là mùi hoa sữa. Nhưng với Hữu Thỉnh, thu lại vô cùng mới lạ. Ông nhận ra thu đã đến qua “hương ổi”:
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”
Các thi sĩ luôn là những người nhạy cảm. Họ luôn có giác quan và khả năng cảm nhận được những điều phi thường trong những điều bình thường. Chính nhờ khả năng đó mà Hữu Thỉnh mới “bỗng nhận ra hương ổi”. Bởi hương ổi nó không nồng nàn, không dữ dội như hương hoa sữa, hay hương cốm. Nó thoang thoảng. Đã thế nó còn bị gió heo may thổi nên càng mỏng tang và vô cùng khó nhận biết. Việc tác giả sử dụng cụm “bỗng nhận ra” ở đây giống như nói về một phát hiện mới. Nó thể hiện rằng, chính bản thân Hữu Thỉnh cũng rất ngạc nhiên về sứ thú vị của đất trời khi thu sang. Đồng thời, nó cũng diễn tả xúc cảm ngỡ ngàng của nhà thơ khi ông nhận ra đã thu đến tự lúc nào. Cách dùng động từ “phả” trong câu thơ đã phần nào toát lên thần thái của mùa thu. Nó bao hàm về sự gắn kết, quyện chặt giữa hương ổi với những cơn gió se lạnh đầu mùa.
Phân tích Sang thu mới thấy, thi sĩ ngay từ hai câu thơ đầu đã phác họa nên một bức tranh thu với màu sắc đầy mới mẻ nhưng lại bắt nguồn từ những chất liệu quen thuộc nhất. Tiếp đến là hai câu thơ: “Sương chùng chình qua ngõ/ Hình như thu đã về”. Nghe thật duyên và ý nhị. Nó gợi lên giây phút chuyển mùa đầy kỳ diệu. Đặc biệt là hình ảnh “sương chùng chình qua ngõ”. Từ láy “chùng chình” ở đây khiến người đọc nhanh chóng tưởng tượng ra cảnh sương đang giăng mắc khắp nơi. Những giọt sương nặng trĩu, trong veo, nằm đu mình trên các mạng nhện. Tạo thành những tấm thảm trắng lấp lánh vô cùng huyền ảo. Hai chữ “chùng chình” cũng làm toát lên vẻ không vội vàng, khoan thai của mùa thu. Chỉ có người cực kỳ nhạy cảm mới quan sát thu một cách tinh tế như vậy. Dù rằng ông thốt lên “hình như” để dò hỏi xem thu đã thật sự sang chưa, nhưng trong tâm khảm nhà thơ, mùa thu đã đến rồi.
- Luận điểm 2: Mùa thu được cảm nhận nhiều cung bậc
Mùa thu sang mang bao nỗi niềm của lòng người. Đang bất ngờ vì chợt nhận ra thu đã ở bên thì đến khổ thơ thứ hai, Hữu Thỉnh đã hạnh phúc chấp nhận sự chuyển mùa ấy. Mùa thu trong 4 câu thơ sau đã dần hiện nguyên hình, rõ nét hơn với nhiều cung bậc xúc cảm:
“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”
Không rát bỏng như mùa hè, không lạnh lẽo như mùa đông, dòng sông mùa thu cứ lửng thửng, dềnh dàng trôi. Nó giống như lòng người không vồn vã, vội vàng, mà chầm chậm lạc trôi. Nó ngược lại với đàn chim khi di cư về phương Nam tránh rét. Các bạn chim dường như cũng cảm nhận được bước chuyển mình của mùa hạ để sang thu nên đã nhanh chóng gọi nhau bay. Hình ảnh đó như kéo theo cả cái nắng hè oi ả chạy mất, để nhường lối cho bước chân của mùa thu. Ở khổ thơ này, độc giả thích thú hơn cả là hình ảnh đám mây nằm vắt mình nửa sang thu: “Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu”. Đám mây được tác giả nhân hóa, thổi hồn vào như một con người biết nằm “vắt” vẻo mình, một nữa bên này một nữa bên kia. Trông vừa buồn cười vừa đáng yêu không chịu được. Cách dùng động từ “vắt” ở đây quá hay, quá phù hợp. Dường như không có từ nào có thể thay thế, từ vần điệu cho đến thanh âm. Nó mang tính hình tượng nhưng vẫn khiến người đọc mê hoặc, tưởng tượng ra viễn cảnh đám mây mùa hạ đang chuyển mình cùng nhịp đập của thu.
- Luận điểm 3: Bức tranh thu vẽ bằng chiêm nghiệm, suy tư
Khi phân tích Sang thu của Hữu Thỉnh, người độc cũng dễ dàng nhận thấy thêm rất nhiều điều ngạc nhiên, thú vị ở khổ thơ cuối. Sau bao xúc cảm ngỡ ngàng, lúc này, tác giả đã đi đến kết luận thu tới thật rồi. Lúc này, ông không thể không điểm thêm sắc vàng cho bức họa. Bức tranh thu của ông đang dần hoàn thiện với những đường nét còn lại theo cách nhìn của rất riêng:
“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”.
Nếu chỉ đọc lướt qua, độc giả chỉ mới thấy lớp màu chì về thiên nhiên như nắng, mưa, sấm, hàng cây. Nhưng đi sâu hơn một chút, ngẫm lâu hơn một chút, phân tích Sang thu kỹ hơn một chút, ta dễ dàng nhận ra khổ thơ ấy chất chứa bao nhiêu chiêm nghiệm, suy tư của tác giả. Bằng kinh nghiệm sống lâu năm, ông không ngần ngại đưa ra những so sánh giữa hai mùa hạ- thu . Sự đối lập giản đơn đó vô tình đã tạo nên cho bức tranh một khoảng giao mùa sâu sắc. Đó là lúc giao mùa, trong thu vẫn có nắng. Tuy nhiên nắng thu không hề bức bối, gay gắt. Mà nắng ở đây trở nên e ấp, dịu dàng. Vì thế mà nắng thu dễ xoa dịu tâm hồn của con người. Mùa thu khiến con người ta dễ dàng thứ tha cho nhau những lỗi lầm, dễ dàng yêu thương nhau hơn. Song hành cùng nắng là những cơn mưa. Mưa thu không nặng hạt, dai dẳng như mùa hạ. Nó chỉ lất phất, nhẹ rơi. Đi qua những xúc cảm trải nghiệm, thi nhân đã để lại cho chúng ta những triết lý sống vô cùng thâm thúy về cuộc đời: “Sấm đã bớt bất ngờ/Trên hàng cây đứng tuổi”. Sấm ở đây không chỉ sấm của thiên nhiên. Sấm còn được hiểu ngầm như là những cơn giông bão của cuộc đời, của tuổi trẻ. Nó vơi dần đi, nó trở nên bình thường, khi con người ta đủ trưởng thành như hàng cây đứng tuổi. Nhịp đập mùa thu trong thơ Hữu Thỉnh nhẹ nhàng và êm đềm. Nó giống như khi người ta bước qua tuổi “trẻ trâu”, bồng bột sẽ nhìn nhận lại sự đời một cách ung dung, tự tại hơn.
“Sang thu” của Hữu Thỉnh thật sự rất thi vị và độc đáo. Những chiêm nghiệm đáng suy ngẫm và cùng cách cảm nhận tinh tế của ông, giúp người đọc có cái nhìn mới mẻ và khái quát hơn về thu. Quả thực, bức tranh chuyển mùa của đất trời qua thơ Hữu Thỉnh thực sự uyển chuyển và mềm mại. Điều đó một lần nữa khẳng định tài năng vẽ tranh bằng ngôn từ của nhà thơ.
Kết bài
Mặc dù đã gấp lại trang sách, nhưng mùa thu của thi sĩ Hữu Thỉnh vẫn còn quẩn quanh trong tâm trí mỗi chúng ta. Phân thích Sang thu mới biết tác phẩm này được ông sáng tác khi đã bước vào tuổi “đầu ba đít chơi vơi”. Khi đó ông 35 tuổi. Có nghĩa là nhà thơ đã đi qua được hơn một phần ba cuộc đời. Ấy thế nhưng, lúc đó, ông mới chợt ra hương ổi chín. Ông đã ất ngờ rồi giật mình nhận ra có những mùa thu thật khác. Đồng thời nhà thơ cũng bất giác nghĩ tới quãng đời đang dần bước sang thu của chính mình. Để rồi thi sĩ Hữu Thỉnh, chớp ngay khoảnh khắc giao mùa vi diệu đó. Ông nhanh chóng phác họa nên bức tranh “Sang thu” đầy quyến rũ với những gam màu, hương vị mới lạ mà thân quen.