Để mỗi bài tập làm văn có đầu – cuối, có sự kết nối thì việc lập dàn ý trước khi viết là điều cần thiết. Dàn ý sẽ giúp các bạn phân tích đầy đủ các luận điểm trong tác phẩm, nhân vật. Việc lập dàn ý phân tích nhân vật bé Thu trong Chiếc lược ngà cũng vậy. Qua đó bạn sẽ không bỏ sót bất cứ chi tiết nào khi phân tích tâm trạng bé Thu. Hơn nữa, thông qua dàn ý bạn sẽ biết được cần phân chia bố cục bài như thế nào.
Dàn ý chi tiết
Mở bài dàn ý phân tích nhân vật bé Thu
Khi lập dàn ý phân tích nhân vật bé Thu để phần mở bài không bị lan man, bạn chỉ cần nhớ 3 luận cứ chính:
– Thứ nhất giới thiệu sơ lược về tác giả Nguyễn Quang Sáng: những nét cơ bản về con người, cuộc đời,… Phong cách sáng tác của ông như thế nào? Ông được mệnh danh là cây đại thụ của nền văn học Nam Bộ. Các tác phẩm của ông mang phong cách mộc mạc, bình dị.
– Giới thiệu sơ lược về tác phẩm: Năm ra đời, in trong tập truyện nào. Chiếc lược ngà được sáng tác năm 1966 và in trong tập truyện cùng tên của Nguyễn Quang Sáng. Tác phẩm đã làm nổi bật rõ tình cảm cha con sâu sắc.
– Điều quan trọng nhất đó là cần giới thiệu về nhân vật bé Thu – một cô bé cá tính và có tình yêu cha tha thiết.
Thân bà dàn ý phân tích nhân vật bé Thu
Trước khi lập dàn ý phân tích nhân vật bé Thu, bạn cần nắm khái quát được cảnh ngộ của cô bé. Đó là bé gái thiếu thốn tình cảm của cha từ khi còn rất nhỏ, tất cả hình ảnh của cha được thu gọn trong vài ba tấm hình mà gia đình cho bé xem. Chính điều này đã gây ra những tình huống truyện trớ trêu khi ba cô bé trở về thăm nhà sau nhiều năm xa cách.
Để bài làm văn không bị thiếu nội dung mà vẫn làm nổi bật được nhân vật, bạn cần triển khai theo 2 luận điểm chính sau:
- Luận điểm 1: Bé Thu là đứa bé bướng bỉnh, ương ngạnh
Để làm rõ luận điểm này, các bạn có thể đưa ra dẫn chứng bằng cách khai thác các chi tiết khi bé Thu gặp ba và trong những ngày ba ở nhà. Đoạn ông Sáu bước từ xuồng xuống gọi Thu “con bé giật mình, tròn mắt nhìn. Nó ngơ ngác, lạ lùng”. Thế rồi sau một giây định thần lại “mặt nó bỗng tái đi, rồi vụt chạy và kêu thét lên”. Đó là phản ứng đầu tiên của bé Thu sau 8 năm trời mới được gặp lại ba mình.
Trong 3 ngày ông Sáu nghỉ phép, sự bướng bỉnh, ương ngạnh của cô bé càng được thể hiện rõ. Từ hành động đến lời nói, bé Thu đều tỏ rõ tính cách của mình. Bé Thu xa lánh ông Sáu tới mức ông Sáu lúc nào cũng về con “nhưng càng vỗ về con bé càng đẩy ra”. Khi má nó bảo gọi ba vào ăn cơm thì nó lại nói trổng “vô ăn cơm”, nó nhất định đứng trong bếp nói vọng ra chứ không chịu ra mời ba vào ăn cơm một cách đàng hoàng. Ấy rồi, con bé Thu còn gọi ba là “người ta”.
Ngay cả khi bị dồn vào thế bí, nồi cơm hơi to không thể nhắc để chắt nước được. Thế nhưng nó nhất định không gọi ba nhờ giúp mà kêu lên “cơm sôi rồi, chắt nước giùm cái”, rồi “cơm sôi rồi, nhão bây giờ”. Đỉnh điểm của sự ương bướng của bé Thu đó là khi ông Sáu gắp cho nó một cái trứng cá to nhưng “nó liền lấy đũa xoi vào chén, để đó rồi bất thần hất cái trứng ra, cơm văn tung tóe cả mâm”. Điều này làm ông Sáu giận quá đánh vào mông nó, nhưng nó không khóc, không giãy hay đạp đổ cả mâm cơm. Thay vào đó “nó ngồi im, đầu cúi gằm xuống, gắp lại cái trứng cá để vào chén, rồi lặng lẽ đứng dậy, bước ra khỏi mâm”.
Qua những hành động của bé Thu trong suốt 3 ngày ông Sáu ở nhà, ta nhận ra được sự bướng bỉnh đến cực độ của cô bé. Nó giống như một sự phản kháng dành cho ông Sáu vậy.
- Luận điểm 2: Bé Thu – cô bé có tình yêu cha tha thiết, mãnh liệt
Để làm rõ luận điểm này, bạn cần khai thác sâu vào tâm trạng của bé Thu khi được bà ngoại giải thích về ba. Hóa ra, trong thâm tâm nó vẫn luôn muốn gọi một tiếng “ba”, nhưng nó sợ, sợ không phải ba mình vì “mặt ba con không có cái thẹo trên mặt như vậy”. Thế nhưng tâm trạng nó biến chuyển ngay tức khắc khi “nghe bà kể nó nằm im, lăn lộn và thỉnh thoảng lại thở dài như người lớn”. Dường như tình yêu cha sâu thẳm trong tâm hồn non nớt ấy đã làm cô bé chợt bừng tỉnh.
Thế nên, trước khi ông Sáu lên đường, tình cha con bỗng nổi dậy trong bé Thu, nó kêu thét lên “Ba…a…a…ba”. Tiếng gọi ấy chính là khao khát tình cha con bị kìm nén bấy lâu, tiếng gọi mà cả bé Thu, cả ông Sáu đều chờ đợi suốt 8 năm ròng rã. Hình ảnh “nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, dang tay ôm chặt lấy cổ ba” giống như một sự luyến tiếc. Dường như bé Thu sợ rằng nếu không gọi ngay lúc đấy, sẽ chẳng bao giờ được gọi một tiếng ba nữa.
Tình yêu mãnh liệt mà bé Thu dành cho ba còn thể hiện ngay cả ở hành động “nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai, và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa”. Chính vì tình cảm dành cho ba bị kìm nén quá lâu nên khi được bộc lộ nó như một cơn sóng dữ dội. Cô bé bướng bỉnh dám hất đổ cả bát cơm trước đó, giờ đây yêu ba tới độ “nó dang cả hai chân rồi câu chặt lấy ba nó, và đôi vai nhỏ bé của nó run run” vì không muốn ba nó rời đi.
Kết bài
Để dàn ý phân tích nhân vật bé Thu được trọn vẹn, phần kết bài bạn nên khái quát lại hình tượng bé Thu. Đó là cô bé hồn nhiên, bướng bỉnh nhưng có tình yêu cha vô bờ bến. Cùng với đó, nêu lên những thành công trong nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật của tác giả.