Soạn Luyện nói: Phát biểu cảm nghĩ về tác phẩm văn học trang 154-155
I, Chuẩn bị ở nhà
Cho đề bài: Phát biểu cảm nghĩ về một trong hai bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cảnh khuya, Rằm tháng Giêng
1. Tìm hiểu đề và tìm ý
a) Đọc bài thơ, em hình dung, tưởng tưởng khung cảnh thiên nhiên và tình cảm của tác giả Hồ Chí Minh như thế nào?
b) Chi tiết nào làm em chú ý và hứng thú? Vì sao?
c) Qua bài thơ, em hiểu tác giả Hồ Chí Minh là một người như thế nào?
Trả lời
a) Đọc bài thơ, em hình dung và tưởng tượng:
Bài thơ Cảnh khuya
- Khung cảnh thiên nhiên: Không gian yên tĩnh của đêm tối nơi núi rừng; âm thanh yên ắng chỉ có tiếng suối vang vọng trong trẻo như tiếng hát; trăng lúc này đã lên cao, soi sáng khắp mọi nơi, xuyên qua tán lá tạo thành những bông hoa tròn xoe dưới đất.
- Tình cảm của tác giả: Yêu thiên nhiên, hòa mình vào cảnh vật thiên nhiên; đồng thời nói lên được nỗi suy tư, trăn trở của vị lãnh tụ với vận mệnh của non sông, đất nước.
Bài thơ Rằm tháng Giêng
- Khung cảnh thiên nhiên: Bài thơ “Rằm tháng giêng” đã miêu tả hình thanh thiên nhiên ở chiến khu Việt Bắc trong đêm trăng rằm tháng giêng.
- Tâm trạng của tác giả: Qua đó nhà thơ đã bộc lộ tình yêu thiên nhiên, tấm lòng yêu nước và niềm tin chiến thắng vào sự nghiệp cách mạng của đất nước.
b) Chi tiết làm em chú ý và thấy hứng thú:
- Cảnh khuya: “trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa” => Hình ảnh giàu sức gợi hình với điệp từ “lồng” được nhắc lại tới 2 lần trong cùng một câu thơ. Tạo nên những liên tưởng ghép về khung cảnh thiên nhiên. Ánh trăng chiếu xuống mặt đất, lồng vào tán cây cổ thụ sừng sững trong rừng, ánh trăng chiếu xuống những bông hoa trên mặt đất khiến chúng trở nên lung linh, huyền ảo hay là chính ánh trăng xuyên qua tán lá tạo thành những bông hoa? Dù hiểu theo cách nào thì ánh trăng cũng quấn quít, đan lồng vào với bóng cổ thụ, với những đóa hoa còn ngậm sương tạo nên không gian vừa yên tĩnh, vừa tuyệt đẹp cũng im ắng đến lặng người.
- Rằm tháng Giêng: “Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền” => Không gian như được mở ra mênh mông vô tận bởi từ “ngân”. Đêm đã về khuya, việc quân vừa mới bàn bạc xong cũng là lúc trăng đã lên cao vút. Ánh trăng chiếu xuống biến con thuyền trên sông tràn ngập ánh trăng, cả mặt sông như được dát một lớp vàng mỏng. Khung cảnh trở nên mơ hồ, huyền ảo, tuyệt đẹp…
c) Qua bài thơ, em hiểu tác giả Hồ Chí Minh là một người nghệ sĩ yêu thiên nhiên, tâm hồn nhạy cảm, tự do nhưng đồng thời Người cũng là một người chiến sĩ cách mạng với ý chí kiến cường, một vị lãnh tụ vĩ đại với tấm lòng yêu nước sâu nặng.
2. Dàn bài
a) Mở bài: Giới thiệu về bài thơ và cảm nghĩ chung của em
b) Nêu cảm nghĩ của em:
– Cảm nhận, tưởng tượng về hình tượng thơ trong tác phẩm
– Cảm nghĩ về từng chi tiết (theo thứ tự trước sau)
– Cảm nghĩ về tác giả của bài thơ
c) Kết bài: Tình cảm của em đối với bài thơ
3. Gợi ý chuẩn bị đoạn văn nói phát biểu cảm nghĩ về tác phẩm văn học
a) Rằm tháng giêng
+ Mở bài
– Giới thiệu về tác giả Hồ Chí Minh, bài thơ “Rằm tháng giêng”.
– Cảm xúc chung của em khi đọc bài thơ “Rằm tháng giêng”.
+ Thân bài
* Cảm nhận về thiên nhiên ở chiến khu Việt Bắc trong đêm trăng
– Hình ảnh ánh trăng: “nguyệt chính viên” – trăng đúng lúc tròn nhất. Không gian bao la, tràn ngập ánh trăng.
– Sức sống của mùa xuân “xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên”: Ba chữ “xuân” nối tiếp nhau thể hiện sức xuân và sắc xuân đang trỗi dậy. Khung cảnh tràn đầy sức sống.
=> Hai câu đầu đã khắc họa bức tranh thiên nhiên đêm rằm mùa xuân đẹp, bát ngát, rộng lớn và tràn đầy sức sống.
* Hình ảnh con người trong đêm trăng ở chiến khu Việt Bắc
– Công việc: “đàm quân sự” – bàn việc quân nghĩa là bàn việc kháng chiến, bàn việc sinh tử của của dân tộc.
– Hình ảnh “trăng ngân đầy thuyền”: gợi sức lan tỏa của ánh trăng trong đêm rằm và qua đó thể hiện ý nguyện, mong muốn vươn tới thành công trong sự nghiệp cách mạng.
=> Hai câu thơ cuối cho thấy phong thái ung dung, lạc quan, luôn tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng và tâm hồn giao cảm, hòa hợp với thiên nhiên của Bác Hồ.
+ Kết bài
– Nêu đánh giá về nội dung, giá trị của bài thơ “Rằm tháng giêng”.
– Nêu cảm nhận về tác giả Hồ Chí Minh.
b) Cảnh khuya
+ Mở bài
– Giới thiệu khái quát về tác giả Hồ Chí Minh, bài thơ “Cảnh khuya”
– Cảm nhận chung về bài thơ.
+ Thân bài
* Cảm nhận về bức tranh thiên nhiên tĩnh lặng thông qua những nét vẽ về khung cảnh núi rừng Việt Bắc.
– Vẻ đẹp của bức tranh cảnh khuya được gợi lên từ thanh âm: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa”, gợi lên vẻ đẹp tĩnh lặng, gần gũi và ấm áp.
– Bức tranh đêm trăng hiện lên giàu chất tạo hình trong những nét vẽ: “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”, gợi vẻ đẹp quyện hòa, đan cài của thiên nhiên.
* Cảm nhận về tâm hồn thi sĩ quyện hòa cùng chất chiến sĩ của nhân vật trữ tình
– Hình ảnh đó gợi lên từ trạng thái “cảnh khuya như vẽ”, khắc họa rõ nét cốt cách người nghệ sĩ, thể hiện sự rung động trước vẻ đẹp của đêm trăng chốn núi rừng Việt Bắc.
– Hình ảnh “Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà” gợi mở vẻ đẹp của phẩm chất người chiến sĩ.
– Điệp từ “chưa ngủ” được nhắc lại hai lần đã tô đậm hơn nữa tình yêu thiên nhiên quyện hòa cùng tình yêu đối với nhân dân, đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
+ Kết bài
– Nêu đánh giá về nội dung, giá trị của bài thơ “Cảnh khuya”.
– Nêu cảm nhận về tác giả Hồ Chí Minh
II, Thực hành trên lớp
1. Học sinh phát biểu trong tổ, nhóm khoảng 20 phút
2. Một số học sinh phát biểu trước lớp, thầy, cô giáo nhận xét và đánh giá.
Yêu cầu: Phát biểu rõ ràng, mạch lạc, giọng nói cảm xúc, tự nhiên.