Soạn Chương trình địa phương (Phần Văn) Trang 122 Ngữ văn 9 tập 1

Câu 1(Soạn chương trình địa phương): Tìm đọc các sách, báo, tạp chí văn nghệ địa phương để nắm được những tác giả người địa phương và những tác phẩm viết về địa phương (tỉnh, thành phố quê em hay nơi em đang sinh sống).

Trả lời:

+ Những tác giả người Ninh Bình:

– Tác giả: Tạ Hữu Yên

  • Sinh tháng 7 năm 1927.
  • Quê ở xã Ninh An, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
  • Năm 1948, ông nhập ngũ quân đội và công tác tại tỉnh đội Ninh Bình. Sau đó, ông học Khoa báo chí, trường Tuyên giáo Trung ương khóa 1962 – 1964, rồi trở thành cán bộ, sau đó là trưởng phòng phát thanh địch vận, Cục Nghiên cứu, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và là cán bộ biên tập phòng Văn nghệ Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, vào năm 1977 ông được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam. Trước khi nghỉ hưu năm 1989, Tạ Hữu Yên mang quân hàm Đại tá.
  • Tạ Hữu Yên xuất hiện lần đầu trên báo vào năm 1962, với bài thơ “Quê mới”. Kể từ đó, ông sáng tác hơn 50 đầu sách và nhiều bài thơ, trong đó nổi bật là Đôi dép Bác Hồ (1969), Anh về cùng mùa hoa (1980), Đất nước (1984). Ông đã nhận nhiều giải thưởng của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, Bộ Lao động, thương binh và Xã hội Việt Nam. Tạ Hữu Yên cũng được xem là nhà thơ có số bài thơ được phổ nhạc nhiều nhất Việt Nam (với hơn 160 bài thơ).
  • Ông mất ngày 30 tháng 5 năm 2013 tại Hà Nội, an táng tại quê nhà.
  • Năm 2017, nhà thơ Tạ Hữu Yên được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho toàn bộ các tác phẩm của ông.

– Tác giả: NGUYỄN PHAN QUẾ MAI

  • Sinh năm 1973 tại Ninh Bình, lớn lên tại Bạc Liêu.
  • Tốt nghiệp khoa truyền thông, đại học Monash, Australia.
  • Hiện làm tư vấn truyền thông cho các tổ chức Liên Hiệp Quốc tại khu vực vùng Châu Á.
  • Trưởng nhóm tình nguyện Chắp Cánh Ước Mơ.
  • Giải thưởng cuộc thi viết “Chuyện đời tự kể” Báo Tuổi Trẻ năm 2007.Tặng thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam về những đóng góp xuất sắc cho Hội nghị Quốc Tế giới thiệu Văn học Việt Nam. Tác giả của hai tập thơ riêng: Trái Cấm (2008) và Cởi Gió (2010). Đang dịch nhiều tác phẩm thơ tiêu biểu của các nhà thơ Việt Nam sang Anh ngữ.

– Tác giả: VŨ HUY ANH

  • Bút danh khác: Huy Anh, Trung Vũ.
  • Họ và tên khai sinh: Vũ Huy Anh. Sinh ngày 29 tháng 3 năm 1944. Quê quán: Chính Tâm, Kim Sơn, Ninh Bình
  • Tác phẩm chính đã xuất bản: Mùa xuân về (tiểu thuyết, 1979); Cuộc đời bên ngoài (tiểu thuyết 1984); Trái cấm vườn địa đàng (tiểu thuyết, 1986); Đường qua Biển Đỏ (tiểu thuyết, 1988); Ai bắn Giáo hoàng (truyện dài tư liệu, 1988); Bến lạ bờ xa (tiểu thuyết, 1989); Tìm lại tình yêu (tiểu thuyết 1990); Người đẹp trước nhà (tiểu thuyết 1992); Sa ngã (tiểu thuyết, 1992); Dang dở (bộ tiểu thuyết chọn, 2000); Dòng sông cứ chảy (tập truyện, 2001); Trăm năm thoáng chốc (tiểu thuyết, 2004).
  • Giải thưởng văn học: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1984 cho tiểu thuyết Cuộc đời bên ngoài. Tặng thưởng cuộc thi tiểu thuyết 2002-2005 của Hội Nhà văn Việt Nam cho tiểu thuyết Trăm năm thoáng chốc.

+ Những tác phẩm viết về Ninh Bình:

  • GIỮA ĐẤT NINH BÌNH – Thơ: Nguyễn Nhật

Chùa Bái Đính còn đây cổ tự

Đất Ninh Bình quá khứ hùng anh

Có Đinh Bộ Lĩnh tung hoành

Chiêm bình, Tống dẹp vang danh lẫy lừng

Bên Công Trứ một vùng hoa Cúc

Có Hán Siêu về Dục Thuý Sơn

Sông Vân triều xuống dập dờn

Chảy về cho đất Kim Sơn ngại ngùng

Xuân Quỳnh chợt nhớ nhung Thuyền Biển

Khắc Hiếu như hoài niệm Tản Đà

Giữa trời Non Nước bao la

Đắng cay Sông Đáy, xót xa Sông Hồng

Xuân Hương cố ưỡn ong Ba Dội

Cái Quạt thầm trêu chọc thế nhân

Khen ai tỏ mặt hồng quần

Dẫu từng đêm lệ tủi thân đàn bà

Riêng mình giữa đất Hoa Lư cũ

Một chút tình xin gửi Cố Đô

Trường An dừng bước hải hồ

Nghe thầm trong cõi hư vô tiếng Chèo.

  • CẢNH SẮC NINH BÌNH – Thơ: Trần Diệp

Ta về đất cổ chốn Trường Yên

Ngắm cảnh bồng lai Phật tọa thiền

Bảo tháp mây vờn trong nắng nhẹ

Chuông đồng vọng mãi đến Tây Thiên

Tràng An cảnh sắc thơm lòng núi

Bái Đính hương trầm ngát Động Tiên

Bạn hãy vào hang người Việt Cổ

Càng thêm ngưỡng mộ đấng siêu nhiên.

  • QUÊ MẸ CỦA TÔI – Thơ: Đàm Mai Phương

Ninh Bình quê mẹ ta ơi

Non xanh nước biếc, phương trời đẹp sao

Tràng An con gái ngọt ngào

Người dân Bái Đính dạt dào thủy chung

Nhấp nhô đồi núi điệp trùng

Bến sông nhộn nhip, đò cùng sang ngang

Cánh đồng nặng trĩu lúa vàng

Cò bay thẳng cánh mơ màng gọi nhau

Mùi thơm thoang thoảng hoa cau

Nhớ về lịch sử ngọn lau làm cờ

Đinh Bộ Lĩnh, được tôn thờ

Chiến công lịch sử bây giờ còn vang

Lũy tre phủ kín quanh làng

Hoa Lư cảnh đẹp ngỡ ngàng làm sao

Giờ đây rất đỗi tự hào

Bao nhiêu thế hệ lưu vào sử danh

Kinh đô thời Lý xây thành

Cùng quê Gia Viễn đất lành trời ban

Dựng xây hạnh phúc ngập tràn

Ninh Bình đổi mới bình an mạnh giàu!

Câu 2(Soạn chương trình địa phương): Bổ sung vào bảng thống kê tác giả văn học địa phương mà em đã lập ở lớp 8 (bài 14) những tác giả có sáng tác được công bố từ năm 1975 đến nay. Bảng thống kê gồm các mục: số thứ tự, họ tên, bút danh, những tác phẩm chính.

Trả lời:

 

Câu 3(Soạn chương trình địa phương): Sưu tầm một số tác phẩm hay (thuộc bất kì thể loại nào) viết về địa phương mình (kể cả tác phẩm của những tác giả không phải người ở địa phương).

Trả lời:

Một số bài thơ hay viết về Ninh Bình:

MỘT THOÁNG TRÀNG AN – Thơ: Tiến Đạt

Ngày qua thả gót giữa Ninh Bình

Đắm mộng phong trần nét đẹp xinh

Trí vẹn niềm tin chùa Bái Đính

Tâm tròn ý hợp với nhân tình

Trao dồi đức hạnh nơi thành kính

Thấu hiểu bao điều chốn hiển linh

Ngắm cảnh Tràng An liền núi vịnh

Trong lòng khởi sắc bước vô đình.

 

NINH BÌNH – Thơ: Nam Bùi

Ninh Bình cảnh đẹp thắm hồn thơ

Địch Lộng chớm xuân mải miết chờ

Bái Đính nghìn năm hương mãi tỏa

Vân Sàng vạn thủa khói hoài mơ

Đêm đêm Cốc Múa tràn huyền đượm

Sáng sáng Tràng An thẫm ảo mờ

Dục Thúy cùng em say cõi mộng

Lai Thành tửu quán khách còn ngơ!

 

NINH BÌNH YÊU THƯƠNG – Thơ: Mạc Anh Thư

Đến với Ninh Bình của Việt Nam

Nên vào vãn cảnh ở Thung Nham

Xong về Tam Cốc thăm là thích

Lại đến Tràng An viếng sẽ ham

Bích Động còn đây chuồn chẳng nỡ

Cúc Phương vẫn đó trốn sao cam

Trèo lên Hang Múa tha hồ ngắm

Bái Đính bình tâm lễ Phật đàm.

Câu 4(Soạn chương trình địa phương): Viết một bài văn ngắn giới thiệu và nêu cảm nghĩ của em về một trong những tác phẩm viết về địa phương mà em vừa sưu tầm được, hoặc viết một bài văn hoặc một bài thơ về quê hương mình.

Trả lời:

Một bài văn tả vẻ đẹp của Tam Cốc – Bích Động Ninh Bình:

Ninh Bình quê em là tỉnh ở phía Nam đồng bằng Bắc Bộ. Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất quê em rất nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng làm say lòng du khách thập phương. Trong đó, không thể không nhắc đến khu “Tam Cốc-Bích Động”. Đây là danh thắng được ngợi ca là “Nam thiên đệ nhị động” (tức Động đẹp thứ nhì trời Nam)

Tam Cốc – Bích Động thuộc xã Ninh Hải, cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Nơi đây cách quốc lộ 1A 2km, cách thủ đô Hà Nội 100km về phía Nam, cách thành phố Ninh Bình 7km về phía Nam. Nơi đây có diện tích 350,3 ha. Thiên nhiên Tam Cốc-Bích Động được ví như “Vịnh Hạ Long trên cạn” là điểm du lịch nổi tiếng cho những du khách muốn tẩy sạch bụi trần.

Cái thú là ta đến với Tam Cốc bằng thuyền con. Tam cốc gồm 3 hang: hang Cả, hang Hai và hang Ba. Cả 3 hang đều được tạo thành bởi dòng sông Ngô Đồng đâm xuyên qua núi. Hang nào cũng lung linh huyền ảo sắc màu với hàng nghìn nhũ đá và bao huyền tích. Cảnh rồng cuộn hổ quỳ, cảnh tiên nga tắm mát, cảnh tiều phu gánh củi, cảnh ngư ông râu tóc bạc phơ ngồi ở trên thạch bàn câu cá, cảnh đàn công vũ hội,…thấp thoáng ẩn hiện trên vòm hang vách động, như dẫn hồn du khách vào chốn Bồng Lai. Sóng vỗ nhẹ vào mạn thuyền, vào vách hang lúc nghe rì rào, róc rách, lao xao hòa cùng tiếng gió thì thầm thì thào như tiếng thần Núi từ cõi linh thiêng ngàn xưa vọng về.

Hang Cả là hang đẹp nhất của Tam Cốc, còn được gọi là hang Ngoài, hang Lớn, có chiều dài khoảng 180m, chiều rộng ước chừng 30m. Tràn hang cao hơn 5m. Đây là hang có nhiều nhũ đá đẹp rủ xuống. Do có vòm hang cao nên vào mùa lũ nước hầu như koong lên tới trần hang ít có sự bào mòn các nhũ đá. Bởi vậy, trong hang có nhiều nhũ đá hơn hẳn so với hai hang còn lại. Về mùa hè không khí trong hang mát lạnh, ai cũng cảm thấy khoan khoái, thư thái tâm hồn.

Hang Hai còn được gọi là hang Giữa, hang Trung dài khoảng 90m. Miệng hang phía ngoài rộng khoảng 30m, phía trong hơn 30m, phần giữa của hang hơi thắt lại. Trần hang cao khoảng 3,5m có nhiều nhũ đá rất đẹp.

Hang Ba còn được gọi là hang Bé có chiều dài hơn 80m. Miệng hang phía ngoài rộng khoảng 20m phía trong hơi loe ra rộng khoảng hơn 30m. Độ cao của trần hang dưới 3m. Hang thường xuyên bị ngập nước khi mưa nhiều dẫn đến các nhũ đá bị bào mòn, nhiều chỗ thành vệt nhẵn. Từ hang Ba trở vào là cảnh sông, suối, rừng, núi.

Bích Động nằm cách bến Tam Cốc 2km có nghĩa là “động xanh”. Xanh trời, xanh ruộng, xanh suối, xanh núi, xanh hang, xanh động mênh mông. Đây là tên do tể tướng Nguyễn Nghiễm, cha của Nguyễn du đặt cho động năm 1773, chùa Bích Động là một ngôi chùa cổ gắn với núi đá mang đậm phong cách Á Đông. Chùa được xây dựng đầu đời nhà Hậu Lê. Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh chùa và động Bích Động là sự kết hợp hài hòa giữa cảnh đẹp kì thú của hang động, núi non với sự tài hoa khéo léo của con người… Các kiến trúc ở đây chủ yếu dựa vào vách đá tạo thành một khối thống nhất vững chắc. Toàn cảnh chùa được bố cục theo kiểu “tam tòa” phía dưới là chùa Hạ, tiếp đến là chùa Trung, trên cùng là chùa Thượng. Bên cạnh đó người xưa đã lợi dụng hang tối để đặt tượng phật và những vách đá để dựng những ngọn tháp khiến vẻ linh thiêng cổ kính của ngôi chùa được tăng thêm nhiều phần.

Các chùa ở Bích Động có nhiều mộ tháp bàn đá nhấp nhô trong vườn chùa, có nhiều tượng phất rất cổ kính quý giá. Vườn chùa xanh um cây ăn trái, hàng trăm loài hoa đẹp đua sắc khoe hương quanh năm. Bích Động có năm ngọn núi bao quanh, chầu về gọi là Ngũ Nhạc Sơn. Chỉ một tiếng chuông chùa ngân lên tức thì có năm tiếng chuông từ vách núi Ngũ Nhạc Sơn vọng lại nghe thật êm ái, du dương…

Tóm lại, giữa sông nước mênh mông của núi non hùng vĩ ở Tam Cốc-Bích Động con người như bé nhỏ lại. Tới với quê em, mỗi du khách như được hòa mình vào thiên nhiên tận hưởng không khí trong lành, tâm hồn được thư thái. Không chỉ là một danh lam thắng cảnh, Tam Cốc-Bích Động còn là một điểm du lịch tâm linh ở Ninh Bình sẵn sàng chào đón du khách thập phương!