Trong tác phẩm truyện Kiều kinh điển của Nguyễn Du, có rất nhiều nhân vật độc đáo và tạo dấu ấn mạnh mẽ trong lòng người đọc. Có những nhân vật trở thành hình tượng điển hình cho một bộ phận người như Sở Khanh, Tú bà… Việc phân tích nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng một lần nữa giúp các độc giả hiểu hơn về hình tượng con người anh hùng đặc biệt thời xưa.
Mở bài
Đại thi hào Nguyễn Du là một trong những nhà thơ tiêu biểu trong nên thi ca Việt Nam. Ông có tên hiệu là Tố Như. Ông sinh ra ở kinh thành Thăng Long Hà Nội. Nhưng quê cha ông ở Tiên Điền Hà Tĩnh và quê mẹ ở Bắc Ninh. Đó là hai vùng đất có nền văn hóa dân gian phong phú và đặc sắc. Ông được thừa hưởng truyền thống văn chương từ gia đình. Cuộc đời của ông có lúc sung túc nhưng cũng có lúc trải qua thăng trầm và nhiều nghèo khổ, ông từng đi sứ Trung Quốc. Chính vì cuộc sống bôn ba trải nghiệm nhiều cung bậc nên ông đã có thể những sáng tác lay động người với nỗi thương xót thân phận con người.
Dù sự nghiệp văn chương không quá dài, nhưng đại thi hào đã để lại cho hậu thế một kho tàng thơ ca đồ sộ. Những tác phẩm kinh điển của ông gây được tiếng đến tận ngày nay phải kể đến ba tập thơ chữ Hán với 249 bài: Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tạp ngâm và Bắc Hành tạp lục. Bên cạnh đó là những sáng tác chữ Nôm như Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh), Văn tế thập loại chúng sinh (Văn chiêu hồn), Thác lời trai Phường Nón, Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu. Khi đọc tác phẩm của ông, độc giả có thể cảm nhận được hầu hết đều chan chứa tình thương yêu với con người, đặc biệt là một tình cảm trân quý với những người phụ nữ thời xưa.
Để phân tích nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng, chúng ta cần giới thiệu qua đoạn trích Chí khí anh hùng. Đoạn trích nằm trong đoạn từ câu thơ 2213-2230 trong tác phẩm. Chí khí anh hùng có nội dung nói về cuộc chia ly của Từ Hải và Kiều, sau thời gian hai người gắn bó tình nghĩa vợ chồng mặn nồng. Thông qua đoạn trích này, tác giả Nguyễn Du đã khắc họa nên bức tranh nhân vật Từ Hải rõ nét và độc đáo. Từ Hải hiện lên là một anh hùng có chí lớn, muốn vùng vẫy năm châu bốn biển để thõa chí làm trai.
Thân bài chi tiết
Luận điểm 1: nhân vật Từ Hải hiện lên với những khát vọng, chí khí vùng vẫy khắp trời đất.
Ngay từ những câu thơ đầu tiên, nhà thơ Nguyễn Du đã cho nhân vật Từ Hải xuất hiện với ý nghĩ mong muốn được ngao du, vẫy vùng bốn phương:
“Nửa năm hương lửa đương nồng.
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương”
Trong câu thơ, tác giả gọi Từ Hải là “Trượng phu”. Có thể nói, ông dành tình cảm trân trọng với nhân vật này. Đó là cách xưng hô thể hiện sự tôn kinh với những bậc anh hùng, đức độ, tài năng và chí khí hơn người. Tác giả để người “trượng phu” xuất hiện giữa hai không gian đối lập. Một bên là “Hương lửa đương nồng”, nói về một không gian gia đình hạnh phúc, ấm êm đầy tình yêu thương ngọt ngào, nhưng cũng là một không gian của đời sống thường nhật, nhỏ hẹp của con người. Còn một bên là “Bốn phương”, đó là cụm từ chỉ không gian rộng lớn, bao lao, mang tầm vóc lớn lao bao trùm vũ trụ. Không gian này là không gian của những anh hùng đang khát khao, ước mơ vươn tới. Dù mới được nửa năm sống trong tình cảm gia đình nống ấm, nhưng Từ Hải “thoắt” cái đã quyết đoán, không phân vân mà “động lòng” vùng vẫy bốn phương.
Không dừng lại ý nghĩ có sự “động lòng” khát vọng được chu du muôn nơi, Từ Hải còn:
“Trông vời trời bể mênh mang,
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong”.
Từ Hải quyết chí ra đi rất mau lẹ, từ ánh nhìn cho đến tâm trí đã chứa đầy sự mênh mang, bao la của đất trời. Không hề quyến luyến, không hề bi lụy, Từ Hải nhanh chóng lên ngựa, bên người là thanh gươm sáng lấp lánh đầy quyền uy. Hình ảnh ánh mắt “trông vời” và tư thế hiên ngang “thẳng rong” càng khắc họa rõ nết hơn hình hơn hình ảnh người tráng sĩ đang chất chứa, và đang khát khao được nhanh chóng vẫy vùng giữa đất trời bao la. Người tráng sĩ Từ Hải ra đi “thẳng rong” dường như không ngoảnh lại. Một là vì người tráng sĩ ấy đã mạnh mẽ, dứt khoát ra đi, hai là vì không nỡ xa người vợ yêu quý nên không dám nhìn lại.
Luận điểm 2: nhân vật Từ Hải hiện là với những hoài bão phi thường
Phân tích nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng, độc giả không khỏi cảm động trước ý chí vẫy vùng của tráng sĩ. Trước lời nguyện ước đi theo cùng của Thúy Kiều, Từ Hải đã không ngần ngại đáp lại rằng đó là thói nữ nhi thường tình. Mặc dù rất yêu thương và cảm mến Thúy Kiều, nhưng Từ Hải hiểu biết Kiều sẽ hiểu cho mình. Kiều sẽ hiểu rằng Từ Hải không giống như bao nam ni thường tình khác, mà chàng là một tráng sĩ. Chàng muốn trở thành anh hùng trong thiên hạ. Từ Hải không ngần ngại chia sẻ tâm sự khát khao của mình với vợ:
“Bao giờ mười vạn tinh binh,
Tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường.
Làm cho rõ mặt phi thường,
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia”.
Từ Hải ra đi không phải là đi chơi không mà là đi có mục đích. Hình ảnh “mười vạn tinh binh”, “tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường”, cho thấy Từ Hải có hoài bão lớn lao. Chàng không chỉ muốn thỏa chí anh hùng mà còn ôm giấc một đế vương, xây dựng cơ đồ lớn, xứng tầm với bậc anh hùng trong thiên hạ. Để “làm cho rõ mặt phi thường” nghĩa là làm cho mọi người kính nể và đủ tự tin để rước Thúy Kiều về nghi gia. Người vợ nào mà nghe người chồng nói như vậy lại không cảm động và không thể không để chàng ra đi.
Luận điểm 3: nhân vật Từ Hải hiện lên là một anh hùng có khát vọng về tình yêu và hạnh phúc phi thường
“Bằng nay bốn bể không nhà,
Theo càng thêm bận biết là đi đâu ?
Đành lòng chờ đó ít lâu,
Chầy chăng là một năm sau vội gì!”
Trước lúc dứt áo ra đi, Từ Hải đã toan tính trước. Chàng biết rằng, đã đi thì sẽ phải bôn ba, “bốn bể không nhà”. Chàng sẽ phải đối mặt với sự cô đơn, với những gian nan vất vả. Nhưng càng khó khăn như vậy, chàng càng quyết tâm ra đi. Nhưng điều đặc biệt, những sự gian lao đó Từ Hải chỉ muốn mình tự chịu đựng không hề muốn Thúy Kiều phải cùng mình chịu khổ đau, lưu lạc. Vì thế dù không muốn nói ra, nhưng Từ Hải đành chia sẻ với Thúy Kiều rằng, chàng ra đi ngoài để thực hiện chí lớn cho bản thân, còn nguyên nhân lớn lao khác là xây dựng một tiền đồ đủ lớn, để có thể danh chính ngôn thuận cho Thúy Kiều một danh phận, đưa nàng về nghi gia để ra mắt, giới thiệu.
Biết rằng Thúy Kiều là một người hiểu chuyện nên chàng đưa ra những lời lẽ thuyết phục. Chàng nói trách nhẹ Kiều:
“Từ rằng: “Tâm phúc tương tri,
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?”
Từ Hải biết rằng, Thúy Kiều khác với những nữ nhi thường tình khác, là người tri âm tri ỷ hiểu lòng của Từ Hải thế nên Từ muốn nàng kiên nhẫn, chờ đợi chàng sau một một năm. Chàng đưa ra thời gian xa cách để hứa hẹn với Thúy Kiều, giúp nàng yên tâm và an lòng hơn. Những chia sẻ trách móc của Từ Hải dành cho Thúy Kiều một lần nữa, chứng tỏ chàng vô cùng yêu Kiều. Chàng trân trọng và trân quý tình cảm, cũng như sự thông minh tài sắc của Thúy Kiều. Quả thực, không phải anh hùng thiên hạ nào cũng ra đi với khát vọng mang lại hạnh phúc cho người mình yêu thương như Từ Hải. Có thể khẳng định, Từ Hải là một nhân vật anh hùng tài trí và đức độ, không chỉ nghĩ cho mình mà còn nghĩ cho hạnh phúc của người khác. Đúng là “trai anh hùng với gái thuyền quyên” của một thời phong kiến xa xưa.
Luận điểm 4: nhân vật Từ Hải là một con người cươn quyết bản lĩnh và tự tin
“Quyết lời dứt áo ra đi,
Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi”.
Kết thúc đoạn trích Chí khí anh hùng, nhà thơ Nguyễn Du đã cho thấy Từ Hải vô cùng quyết đoán và dứt khoát. Vừa dứt lời, chàng đã “dứt áo ra đi”. Và hình ảnh “Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi” đã lý tưởng hóa hình ảnh và dáng vẻ của người anh hùng được ví như cánh chim dũng mãnh, vượt qua gió mây và cất cánh, vút bay đến muôn trùng dặm khơi. Qua đây, chúng ta càng nhận định rõ, Từ Hải là một con người đầy bản lĩnh và dứt khoát.
Phần kết bài chi tiết
Phân tích nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng, độc giả có thể thấy hình tượng người anh hùng thời xưa vô cùng phi thường. Những đáng nam nhi đại trượng phu xưa kia luôn nuôi chí anh hùng thiên hạ, luôn khát khao và hoài bão xây dựng cơ đồ, lập công danh lớn. Một là vì bản thân muốn lưu danh thiên hạ, hai là mang lại một cuộc sống hạnh phúc cho những người mình yêu thương.
Nhân vật Từ Hải là điển hình cho những lý tưởng cao đẹp về khát vọng tự do và công bằng trong xã hội. Với bút pháp miêu tả đặc sắc qua hành động, lời nói và dáng vẻ, nhà thơ Nguyễn Du đã khắc họa rõ nét nhân vật Từ Hải. Đồng thời, ngôn ngữ đối thoại trực tiếp giữa Thúy Kiều và Từ Hải những hình ảnh ước lệ, giàu tính gợi hình, gợi cảm đã làm cho bức tranh nhân vật Từ Hải thêm đậm nét. So với hình tượng anh hùng thời nay, thì anh hùng thời xưa cũng có nhiều nét tương đồng khi đều khát khao thực hiện chí lớn vì bản thân và vì những người thương yêu.