Phân tích nhân vật ông Sáu trong “Chiếc lược ngà” không thể không tìm hiểu qua tác phẩm. Chiếc lược ngà là truyện ngắn xuất sắc của nhà văn Nguyễn Quang Sáng được viết năm 1966. Tác phẩm khai thác chủ đề tình cha – con và nỗi đau mà chiến tranh đã gây ra. Nguyễn Quang Sáng đã xuất sắc xây dựng hình ảnh nhân vật ông Sáu – một người chiến sĩ, một người cha hết lòng vì con. Chính ông Sáu đã góp phần tạo nên thành công cho tác phẩm này.
Phân tích nhân vật ông Sáu chi tiết
- Từ một người nông dân giàu lòng yêu nước…
Ông Sáu xuất thân từ một người nông dân Nam Bộ chân chất giàu lòng yêu nước. Cũng như bao nhiều đàn ông khác, ông đã bỏ lại cuốc thuổng, ruộng đồng để đứng lên cầm súng suốt cuộc kháng chiến chống Pháp. Rồi lại kiên trì bám trụ để tiếp tục tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Là một người lính anh hùng, nhưng trong “Chiếc lược ngà” tác giả lại không khắc họa con người của ông Sáu ở khía cạnh này. Nguyễn Quang Sáng đã khéo léo đi sâu vào đời sống riêng của ông để giải bày tình phụ tử. Phân tích nhân vật ông Sáu ta sẽ thấy được câu chuyện của ông là câu chuyện rất nhiều người lính thời bấy giờ. Bởi thế, nên “Ông già kể nhưng vẫn ngồi im, đầu hơi cúi xuống, trầm lặng, mặt ngước nhìn ra mênh mông.”
- … Đến tình yêu thương con vô bờ bến
Tình cảm của ông Sáu dành cho con trong “Chiếc lược ngà” được tác giả khắc họa một cách sâu sắc. Đó vốn dĩ không phải là tình cảm cha con thông thường, mà còn là tình đồng chí giữa những thế hệ. Tác giả đã từ từ đưa người đọc cuốn theo câu chuyện của ông Sáu.
Ông Sáu lên đường ra chiến trận khi đứa con gái còn bế ngửa. Sau tám năm vào sinh ra tử, mỗi ngày ông chỉ được ngắm con trong ảnh. Thế nên “đến lúc được về, cái tình người cha cứ nôn nao trong người anh”. Nỗi khao khát được gặp con, được ôm con vào lòng khiến ông Sáu vội vàng, hấp tấp đến mức “không thể chờ xuồng cập lại bến, anh nhún chân nhảy thót lên”.
Vậy nhưng, khuôn mặt vốn đang tràn đầy hạnh phúc vì được gặp con bỗng biến sắc, bởi bé Thu – đứa con gái bé bỏng không nhận ra cha bởi vết thẹo trên mặt. Vết thẹo ấy chính là dấu vết chiến tranh để lại, càng làm ông trông dữ tợn hơn. Còn nỗi đau nào đau hơn khi cất tiếng gọi “ba đây con” nhưng đứa con lại bỏ chạy và kêu thét lên. Khoảnh khắc đó có lẽ khiến người ta chững lại và càng đau lòng hơn.
Cứ thế, để chờ một tiếng gọi “ba” mà suốt 3 ngày phép ông Sáu chẳng đi đâu. Ông làm mọi cách để được gần con. Dù con gái nhỏ có làm gì, ông cũng không giận mà chỉ khẽ lắc đầu. Hơn ai hết người cha ấy hiểu rõ sự bướng bỉnh của con gái là do đâu. Có lẽ, thời gian chính là lý do khiến con gái nhỏ lạnh lùng với ông như vậy.
Còn quá bé nên con gái ông Sáu – bé Thu không chỉ lạnh nhạt với ông qua ánh mắt, hành động mà ngay cả lời nói. Nó nhất định không gọi một tiếng “ba” dù chuyện gì xảy ra đi nữa. Đến mức nồi cơm sôi không thể nhắc xuống chắt nước được, nó cũng chỉ kêu lên “cơm sôi rồi, chắt nước giùm cái”.
Sự kiên nhẫn của ông Sáu dành cho con gái nhỏ càng làm nổi bật lên tình phụ tử. Vì yêu con, ông đã dịu dàng và bao dung hết mực. Nhưng, có lẽ chính vì tình yêu quá lớn, cộng với nỗi đau khi bị khước từ lại làm ông không giữ nổi mình mà trách phạt con “sao mày cứng đầu quá vậy, hả”. Hành động của ông Sáu cho ta thấy sự đau khổ tột cùng và bất lực của người cha.
Dường như đâu đó trong tâm hồn cô bé Thu đã nhận ông Sáu chính là ba. Thế nên đến sáng ngày ông Sáu phải đi đơn vị “Vẻ mặt của nó có cái gì hơi khác, nó không bướng bỉnh hay nhăn mày cau có nữa, vẻ mặt nó sầm lại buồn rầu, cái vẻ buồn trên gương mặt ngây thơ của con bé trông rất dễ thương”.
Và rồi, sau tất cả bé Thu đã thét lên tiếng “ba” khi ông Sáu chuẩn bị bước đi. Tiếng “ba” của cô con gái nhỏ như xé toang không gian, nó khiến ông Sáu khựng lại rồi chỉ kịp rút khăn lau nước mắt và hôn lên tóc con, ôm chặt lấy con. Tình yêu của một người cha mà ông Sáu mang đến cho con gái nhỏ đã chiến thắng mọi khoảng cách của sự ly biệt. Dù bất cứ điều gì xảy ra thì tình cảm cha con của ông Sáu vẫn vẹn nguyên, ấm áp và tròn đầy.
Thế nên dù đã vào đơn vị chịu bao khó khăn, vất vả nhưng ông Sáu vẫn day dứt “vì sao mình lại đánh con”. Nỗi khổ ấy cứ giày vò anh đến mức anh muốn làm một cái gì đó để bù đắp cho con gái nhỏ. Và cây lược ngà tự tay ông Sáu khắc với dòng chữ “Yêu nhớ tặng Thu, con của ba” chính là món quà mà người cha muốn gửi đến cho con gái.
Kết bài
Tác phẩm “Chiếc lược ngà” cùng hình tượng nhân vật ông Sáu đã mang đến cho người đọc ý nghĩa sâu sắc. Phân tích nhân vật ông Sáu ta thấy được sự bất tử của tình cảm cha con. Thế nên trân trọng những gì đang có, trân trọng những người bên cạnh ta là điều tác giả muốn gửi gắm đến tất cả người đọc.