Truyện Kiều được xem như tác phẩm để đời của đại thi hào Nguyễn Du. Truyện là câu chuyện về con người, tình yêu và những bất công của xã hội. Thông qua ngòi bút tinh tế, Nguyễn Du đã thể hiện thành công các nhân vật như Kiều. Đồng thời, ông còn thấu hiểu và đồng cảm nỗi đau của Thúy Kiều trong lúc cuộc đời đen tối nhất. Điều này thể hiện rõ hơn khi phân tích đoạn trích Nỗi Thương Mình.
Bài mẫu phân tích trích đoạn “Nỗi thương mình”
Nguyễn Du là nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam mà ai ai cũng biết đến. Ông có rất nhiều sáng tác hay đóng góp cho nền văn học. Trong đó, Truyện Kiều đã trở thành kiệt tác tiêu biểu được ngợi ca. Trong tất cả các phần, đoạn trích Nỗi Thương Mình được đánh giá là xuất sắc. Bởi nó thể hiện được cuộc sống hiện thực đầy xót xa của Kiều. Đi kèm với đó là sự đồng cảm cho thân phận của Kiều khi rơi vào chốn lầu xanh.
Khi bị Mã Giám Sinh đưa đến nhà chứa, Kiều không muốn chấp nhận nên đã chống đối. Thế nhưng, Kiều lại rơi vào cái bẫy của Tú Bà. Nàng bắt buộc phải ra tiếp khách nơi làng chơi. Đoạn trích thể hiện rõ tâm trạng và nỗi đau của Kiều khi ở chốn lầu xanh.
Đoạn trích Nỗi thương mình chính là đoạn diễn tả chi tiết nhất về nỗi đau của Kiều cùng với sự cảm thông của tác giả.
- Luận điểm 1: Đoạn đầu chính là tình cảnh của Kiều khi ở lầu xanh
Biết bao bướm lả ong lơi!
Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm
Mở đầu đoạn trích, tác giả đã dùng hình ảnh ong bướm để mô tả cảnh lầu xanh. Nơi đây có “biết bao bướm lả ong lơi”. Từ ngữ “lã” và “lơi” đi kèm với hai hình ảnh của thiên nhiên đã tạo nên bướm tranh vô cùng dung tục. Những kỹ nữ lầu xanh thì đẹp như hoa còn khách làng chơi là những loài ong bướm quây quanh vô cùng tầm thường. Trong chốn lầu xanh ấy, con người chỉ biết tận hưởng khoái lạc cùng những cuộc say, trận cười suốt đêm. Có thể nói, chốn lầu xanh dường như là nơi chứa chấp những con người ăn chơi trác táng. Tại đây, những người phụ nữ không được nâng niu trân trọng. Họ như món đồ chơi bị người đời chuyền tay nhau.
Dập dìu lá gió cành chim,
Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Tràng Khanh
“Dập dìu lá gió cành chim” là câu thơ thể hiện rõ số phận của những người kỹ nữ chốn lầu xanh. Họ ngày đêm tiếp khách làng chơi không phân biệt tuổi tác, nhan sắc, tính cách,… Thứ mà họ quan tâm chủ yếu đó chính là xác thịt được trao đổi bằng đồng tiền rẻ mạt. Nguyễn Du đã thể hiện thành công hơn hình ảnh của khách làng chơi khi nhắc đến Tống Ngọc, Trường Khanh. Đây là những nhân vật trong lịch sử nổi tiếng với tính cách phong lưu, trăng gió.
Thông qua những hình ảnh ẩn dụ của nhân vật, tác giả đã thành công mô tả cuộc sống hỗn loạn, nhơn nhớp chốn lầu xanh. Dẫu rằng, chốn này có sáng đèn đẹp đẽ thì khi những người con gái rơi vào cũng nhận lại sự tủi nhục đầy cay đắng. Kiều là tiểu thư khuê các với tâm hồn thanh cao. Thế nhưng dòng đời bạc bẽo đã khiến nàng rơi vào địa ngục trần gian. Ở chốn lầu xanh ấy, Kiều đã cố vẫy vùng thế nhưng chẳng thể thoát khỏi.
- Luận điểm 2: Tâm trạng của Kiều khi rơi vào chốn lầu xanh
Khi tỉnh rượu lúc tàn canh
Giật mình mình lại thương mình xót xa
Khi tỉnh rượu lúc tàn canh là câu thơ thể hiện rõ cuộc sống của người kỹ nữ. Họ ngày đêm tiếp khách, bị ép buộc tham gia vào những cuộc rượu. Chính bản thân họ cũng triền miên theo những cơn say. Khi tỉnh ra, họ mới bắt đầu “giật mình lại thấy thương mình xót xa”. Chẳng có nỗi đau nào bằng sự tủi nhục về thân phận của chính mình. Ở hai câu thơ này đã diễn tả được “nỗi thương mình” của Kiều.
Khi sao phong gấm rủ là
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường?
Nỗi thương mình còn thể hiện rõ ràng hơn ở những câu thơ tiếp theo. Khi sao phong gấm rủ là, giờ lại tan tác như hoa giữa đường. Trước đây, Kiều là người sống thanh tao, tâm hồn đẹp, được tiếp xúc với cuộc sống sung túc. Thế nhưng giờ đây, cuộc đời bông hoa đẹp ấy lại tan tác giữa đường. Không chỉ thân thể mà tâm hồn của nàng cũng bị chà đạp không thương tiếc. Kiều cảm thấy chua xót bản thân đến nỗi mình còn chán mình. “Thân sao bướm chán ong chường” đã thể hiện ý thức của nàng về tấm thân rẻ mạt. Thông qua đó, chúng ta có thể hiểu được sự nhục nhã tột cùng.
- Luận điểm 3: Thúy Kiều ý thức bảo vệ bản thân
Mặt sao dày gió dạn sương?
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân!
Mặc người mưa Sở mây Tần
Những mình nào biết có xuân là gì?
Đòi phen gió tựa hoa kề
Nửa rèm tuyết ngậm, bốn bề trăng thâu
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu?
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!
Đôi phen nét vẽ câu thơ
Cung cầm trong nguyệt, nước cờ dưới hoa.
Vui là vui gượng kẻo là,
Ai tri âm đó mặn mà với ai?
Mặc cuộc đời có chà đạp thì Kiều vẫn mạnh mẽ, kiên cường. Nàng như loài sen trong đầm mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Dẫu có “mưa Sở mây Tần” thì nàng cũng chẳng buồn để tâm đến. Những thú vui hoan lạc ấy giờ đây cũng chẳng tác động được đến nàng. Bởi vì, tâm hồn của nàng đã chết lặng khi rơi vào cảnh lầu xanh.
Nàng chết lặng và chẳng mấy tha thiết khi được lọt vào tầm mắt. Cuộc đời đã bị trôi nổi giữa chốn phong hoa với bao nhiêu đắng cay chẳng màng.
Nàng Kiều vốn dĩ thông minh tài sắc nên yêu thích thi ca. Giờ đây, khi nhìn lại thích thân phận, nàng cảm thấy chán chường với những điều ấy. Nàng luôn muốn tách mình ra khỏi cái chốn lầu xanh nhơ nhớp ấy để sống trong sạch một đời. Khi người buồn thì chẳng có vui bao giờ. Nỗi buồn, nỗi đau của Kiều như đã lan tỏa khắp cả khung cảnh xung quanh.
Thông qua việc phân tích đoạn trích Nỗi Thương Mình, chúng ta sẽ thấy được kiếp hồng nhan bạc mệnh của Kiều. Người phụ nữ có tâm hồn đẹp nhưng lại bị vùi dập đau đớn. Khi đọc xong đoạn trích, chúng ta sẽ cảm nhận rõ hơn lòng thương cảm của tác giả về nhân vật và sự ca ngợi nhân phẩm con người.