Phân tích bài thơ con cò chi tiết
Mở bài
Tình mẫu tử luôn là đề tài bất tận trong thi ca. Chế Lan Viên với bài thơ “Con cò” không chỉ khắc họa lên tình cảm thiêng liêng ấy mà còn mang nhiều suy ngẫm, triết lí sâu xa về con người, cuộc đời. Phân tích bài thơ Con cò của Chế Lan Viên, ta sẽ thấy rõ phong cách văn chương của tác giả giai đoạn sau này.
Thân bài
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm
Chế Lan Viên là nhà thơ người Quảng Trị, nổi lên trong phong trào Thơ Mới và để lại nhiều tác phẩm nổi bật. Trong đó, tập thơ “Điêu tàn”, cho đến tận ngày nay, vẫn có vị thế quan trọng với văn học Việt Nam.
Sau Cách mạng, thơ Chế Lan Viên đổi hướng từ dòng thơ lãng mạn, đượm buồn sang lối thơ giàu tin yêu, tươi sáng hơn. Bài thơ “Con cò” được sáng tác 1962, in trong tập “Hoa ngày thường, chim báo bão” ( 1962). Tác phẩm tập trung khai thác hình tượng con cò trong ca dao, dân ca, lời hát ru để ngợi ca tình mẹ và ý nghĩa của lời ru với cuộc đời mỗi con người.
- Luận điểm 1: Hình ảnh con cò thuở ấu thơ
Mở đầu bài thơ, tác giả đã sử dụng lời thơ trữ tình, tâm tình, thủ thỉ, như lời ru của người bà, người mẹ. Hình ảnh “con cò” vô cùng quen thuộc với bất kỳ một đứa trẻ nào, bởi nó gắn liền với những câu à ơi, những lời ru của mẹ khi ta còn thuở nằm nôi:
“Con còn bế trên tay
Con chưa biết con cò
Nhưng trong lời mẹ hát
Có cánh cò đang bay…..”
Hình ảnh con cò dường như đã in sâu vào tâm thức của mỗi người, khi còn được “bế trên tay”. Ngay từ khi còn non nớt, chưa nhận thức về cuộc đời thì con đã được biết và vô thức khắc ghi những gì quen thuộc nhất. Qua lời ru của mẹ, hình ảnh con cò hiện lên vô cùng rõ rệt:
“Cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng!
Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân.
Con chưa biết con cò,con vạc.
Con chưa biết những cành mềm mẹ hát,
Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân”
Cùng với tiếng ru, hình ảnh của cánh cò mỏi, tình thương của mẹ hiện lên rất rõ ràng. Ở đây, Chế Lan Viên đã khéo léo sử dụng những hình ảnh từ ca dao đưa vào lời thơ. Từ đó làm rõ sự đối nghịch giữa con cò trong ca dao và con con trong thơ của mình. Ngày xưa cánh cò mỏi, “gặp phải cành mềm” thì không ai nâng đỡ, nhưng con thì luôn có mẹ bảo bọc. Con chỉ cần no sữa, ngoan ngoãn ngủ trong vòng tay ấm êm của mẹ là đủ.
Ở đoạn thơ này, ta sẽ thấy được sự tài tình của phong cách văn chương Chế Lan Viên. Dù sử dụng thể thơ tự do nhưng từng câu chữ đều rất nhịp nhàng, cân đối. Cùng với đó, chất liệu dân gian dày đặc khiến cho đoạn thơ trở nên thân thuộc gần gũi. Chúng ta như được đưa trở về ngày thơ ấu, mà ở đó, trong vòng tay mẹ, ta ngây ngô lặng nghe từng câu ru ngọt ngào, chứa chan bao tình cảm thiêng liêng của mẹ.
Sau hình ảnh con cò ấy, hình tượng người mẹ hiện lên nổi bật với tình thương bao la. Mẹ luôn giang rộng đôi tay bảo vệ cho đứa con bé bỏng của mình được ngon giấc nồng, được mơ những giấc mơ đẹp. Để rồi con có thể bay cao bay xa trong tương lai dài rộng phía trước:
“Ngủ yên! Ngủ yên! Ngủ yên!
Cho cò trắng đến làm quen,
Cò đứng ở quanh nôi
Rồi cò vào trong tổ.
Con ngủ yên thì cò cũng ngủ,
Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi”
Có tình yêu của mẹ, con cùng cánh còn đều có thể yên tâm say giấc nồng, mơ đến những chân trời cao rộng. Con ngủ yên thì cánh cò, hay chính là nỗi lo lắng của mẹ cũng mới có thể dịu lại. Mỗi một câu chữ, lời thơ đều chất chứa biết bao tình cảm và nỗi niềm của người mẹ thương con vô bờ bến.
- Luận điểm 2: Hình ảnh con cò theo con suốt cuộc đời
Không chỉ bao bọc con thuở nằm nôi, cánh cò còn theo con đến suốt cuộc đời. Đến đây, hình ảnh con còn đã có sự chuyển biến thần kỳ. Con cò giờ đây không còn là hình ảnh trong lời ru mà đã hóa thân của tình mẹ. Mẹ đã vì người con ngây thơ, bé bỏng, vì giấc nồng bình yên của con thơ mà nguyện làm cánh có trắng. Mẹ như một vị thiên thần, đến bên và chở che giấc ngủ say nồng của con:
“Mai khôn lớn, con theo cò đi học
Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân
Lớn lên, lớn lên, lớn lên…
Con làm gì?
Con làm thi sĩ!
Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ
Trước hiên nhà
Và trong hơi mát câu văn…”
Phân tích bài thơ Con cò của Chế Lan Viên để thấy cánh cò đã cùng con khôn lớn, trưởng thành theo từng bước chân của con. Con “lớn lên”, “cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ” và tình yêu của mẹ ngày càng lớn lao hơn. Con lớn lên làm “thi sĩ”, cánh cò lại cùng với con đi vào từng “câu văn”, chứa chan những tình cảm của mẹ một đời đã chắt chiu. Có lẽ mẹ luôn mong mỏi con dù làm gì thì vẫn luôn có trái tim giàu yêu thương, và biết rung cảm với cuộc đời. Đó mới chính là niềm mong mỏi của những người làm cha, làm mẹ.
Có thể thấy càng về sau, hình ảnh con cò càng được mở rộng, hình tượng hóa cao dần hơn. Đến đây, cánh cò đã tượng trưng cho tình yêu bao la, nỗi lo lắng, trăn trở của mẹ. Trong suốt cuộc đời người phụ nữ, từ khi làm mẹ là đã mang nhiều lo lắng, trăn trở. Có lẽ mẹ chưa bao giờ có một giấc ngủ trọn vẹn vì lo nghĩ cho con. Ngay cả khi con lớn, đến những chân trời rộng lớn thì mẹ vẫn luôn thao thức những nỗi niềm.
- Luận điểm 3: Tình mẫu tử và ý nghĩa lời ru
Ở khổ thơ này, hình ảnh của người mẹ hiện lên vô cùng dịu dàng, kiên trì, nhẫn nại. Mẹ luôn dõi theo từng bước đi của người con ở quá khứ, hiện tại và cả tương lai nữa. Tình mẹ trở nên vô cùng bao la, vô tận, thiêng liêng:
“Dù ở gần con,
Dù ở xa con,
Lên rừng xuống bể,
Cò sẽ tìm con,
Cò mãi yêu con.”
Mẹ có thể già đi, chân chậm mắt mờ thì trái tim mẹ vẫn luôn dõi theo con. Dù con ở đâu, bao nhiêu tuổi, thành công hay thất bại thì mẹ vẫn là mẹ, chở che và ở bên con suốt cuộc đời này. Mẹ có thể ở xa con nhưng tình yêu của mẹ sẽ nương nhờ cánh cò mà “tìm con”, “yêu con” không ngừng nghỉ.
Hai câu thơ cuối mang đậm tính triết lý sâu sắc, như đúc kết lại toàn bộ bài thơ:
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ.
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”.
Có lẽ để viết lên hai câu thơ này, tác giả Chế Lan Viên đã rút hết tâm can, dùng toàn bộ tình cảm và nỗi lòng mình. Câu thơ hiện lên vừa triết lý, vừa thâm sâu, đã thay cho biết bao người mẹ trên cuộc đời này nói lên tất cả nỗi niềm và tình yêu của mẹ dành cho người con bé bỏng mình.
Kết bài
Phân tích bài thơ Con cò của Chế Lan Viên Với thể thơ tự do, giọng điệu đậm chất trữ tình cùng những hình ảnh độc đáo, biện pháp nghệ thuật khéo léo, “Con cò” mang đậm dấu ấn văn chương của tác giả Chế Lan Viên. Lời thơ vừa gần gũi, thân thuộc vừa mang tính triết lý, khiến người đọc phải suy ngẫm, thổn thức theo từng câu chữ. Cùng với đó, tình yêu thương bao la như biển trời của người mẹ dành cho con đã hiện lên rõ rệt, khiến người đọc rưng rưng. Qua bài thơ, chúng ta càng thêm trân trọng tình mẫu tử thiêng liêng, lấy đó là hành trang quý báu theo cuộc đời dài rộng phía trước.
Xem thêm: Phân tích bài thơ Tiếng gà trưa