Phần 1: Đọc văn bản Nói với con
Bài thơ Nói với con là nhà thơ Y Phương. Ông là người dân tộc Tày. Ông sinh năm 1948, tại Trùng Khánh, Cao Bằng. Ông tham gia bộ đội từ năm 1968 -1981. Sau khi giải ngũ, ông về công tác tại Sở Văn hóa Thông tin Cao Bằng.
Độc giả biết đến thơ ông với phong cách mạnh mẽ, chân thật và trong sáng. Đặc biệt là cách tư duy nhiều hình ảnh và hồn hậu của người miền núi.
Tác phẩm:
Bài thơ Nói với con được tác giả Y Phương sáng tác năm 1980, khi đất nước mới thống nhất. Tuy nhiên khi đó, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Từ hoàn cảnh thực tại đó, nhà thơ đã viết lên những lời động viên tâm sự của chính mình cũng đồng thời vừa dặn dò, nhắc nhở con cái về sau.
Bài thơ có bố cục được chia thành 2 phần:
– Phần 1, từ đầu cho đến câu thơ “Ngày đầu tiên ngày đẹp nhất trên đời”: tự hào và chia sẻ với con về cội nguồn, về tình cảm gia đình.
– Phần 2 là phần còn lại: lòng tự tôn dân tộc và niềm hãnh diện về sức sống vững mạnh, bền chí của quê hương, cùng lời nhắ nhủ của người cha tới người con.
Phần 2: ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN
Câu 1: Mượn lời nói với con, nhà thơ gợi về cội nguồn sinh dưỡng mỗi con người, gợi về sức sống mạnh mẽ, bền bỉ của quê hương mình. Bố cục của bài thơ đã thể hiện ý tưởng đó như thế nào?
Gợi ý trả lời:
Mượn lời nói với con, nhà thơ gợi về cội nguồn sinh dưỡng mỗi con người, gợi về sức sống mạnh mẽ, bền bỉ của quê hương mình, điều đó đã được thể hiện rõ ràng qua bố cục bài thơ. Nhà thơ đã đi theo mạch cảm xúc từ tình cảm gia đình. Đó là “Chân phải bước tới cha/ Chân trái bước tới mẹ…. Cha nhớ mãi về ngày cưới/ Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”. Tác giả đã nhấn vai trò qua trọng của tình cảm gia đình, hạnh phúc của mỗi nhà là nền tảng vững mạnh để mở rộng và phát triển tới tình cảm quê hương: “Người đồng mình thương lắm con ơi/ Người đồng mình thô sơ da thịt/ Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con”. Tác giả đã dẫn dắt người đọc từ những kỉ niệm gần gũi, thiết tha với mỗi người để rồi từ đó nâng lên triết lí và lẽ sống nhân văn.
Câu 2: Con được lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ, trong sự đùm bọc của quê hương. Hãy tìm và phân tích các câu thơ nói lên điều ấy?
Gợi ý trả lời:
Qua 4 câu thơ đầu: “Chân phải bước tới cha/ Chân trái bước tới mẹ/ Một bước chạm tiếng nói/ Hai bước tới tiếng cười”, tác giả đã thể hiện rõ hình ảnh người con được lớn lên trong tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ. Mỗi giây phút bên cha mẹ, con đều được yêu thương, chăm chút với lời nói tiếng cười hạnh phúc, ngọt ngào. Đó là những giây phút con lẫm chẫm bước đi, tập những bước đầu đời và bên cạnh luôn có mẹ cha âu yếu, dìu dắt và nâng đỡ.
Không chỉ được nuôi dưỡng, lớn lên trong vòng tay ấm áp của cha mẹ, con còn nhận được sự đùm bọc của quê hương. Con được “Rừng cho hoa/ Con đường cho những tấm lòng/ Còn quê hương thì làm phong tục”… Tất cả những điều đó sẽ giúp con khôn lớn, trưởng thành mỗi ngày. Với những câu thơ hình ảnh chân thật, cụ thể đó, nhà thơ đã giúp độc giả cảm nhận rõ hơn sự thiêng liêng của tình cảm gia đình và quê hương. Đồng thời, thấy rõ được tư duy ấn tượng, độc đáo của tác giả trong cách tâm sự, chuyện trò.
Câu 3: Trong văn bản Nói với con, người cha nói với con về những đức tính cao đẹp gì của người “đồng mình” , từ đó nhắc nhỏ con trên đường đời cần phải như thế nào?
Gợi ý trả lời:
- Người cha nói với con về đức tính cao đẹp chăm chỉ, khéo léo, lạc quan và yêu đời của người “đồng mình”: “Đan lờ cài nan hoa/ Vách nhà ken câu hát”. Từ đó nhắc nhở người con trên đường đời cũng cần phải luôn chăm chỉ, yêu lao động, yêu thiên nhiên và lạc quan trước cuộc sống.
- Người cha nói với về đức tính mạnh mẽ, không sợ gian khổ, bền ý chí của người “đồng mình”: “Cao đo nỗi buồn/ Xa nuôi chí lớn/ Sống trên đá không che đá gập ghềnh/ Sống trong thung không chê thung nghèo đói/ Sống như sông như suối/ Lên thác xuống ghềnh/ Không lo cực nhọc”. Từ đó, người cha muốn nhắc nhở con, trên đường đời cũng hãy sống dũng cảm, khoogn sợ gian lao thử thách. Hãy cứ mạnh mẽ, vượt lên để sống tử tế, sống nghĩa tình thủy chung với mọi người.
- Người cha nói với con về đức tính giản dị, mộc mạc, nhưng cao quý và có lòng tự tôn dân tộc của người “đồng mình”: “Người đồng mình thô sơ da thịt/ Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con/ Người đồng mình tự đụuc đá kê cao quê hương/ Còn quê hương thì làm phong tục/ Con ơi tuy thô sơ da thịt/ Lên đường/ Không bao giờ nhỏ bé được/ Nghe con”. Qua những câu thơ đó, người cha mogn muốn trên đường đời sau này, người con hãy luôn tự hào và gìn giữ truyền thống tốt đẹp của quê hương. Dù quê hương còn khó khăn, thiếu thốn, con thô sơ da thịt, nhưng quê hương lại rất kiên cường. Do vậy con không bao giờ được cảm thấy tủi hổ vì là người nước Nam, cảm thấy nhỏ bé trước bất kỳ ai.
Câu 4: Em cảm nhận như thế nào về tình cảm của người cha đối với con trong bài thơ? Điều lớn lao nhất mà người cha muốn truyền cho con qua những lời thơ này là gì?
Gợi ý trả lời:
– Qua những lời thơ tha thiết trên, em cảm nhận tình cảm của người cha dành cho con rất ân cần, trìu mến. Đặc biệt, người con rất hiểu tâm lý con và rất tin tưởng vào người con. Người cha không chỉ xem con là con mà giống như người bạn nhỏ lắng nghe lời tâm sự của cha và lắng nghe cha dặn dò.
– Điều lớn lao nhất người cha muốn truyền cho con qua những lời thơ da diết đó là ý chí mạnh mẽ, sự tự tin vào chính mình và lòng tự hào tự tôn dân tộc để vững vàng bước vào đời.
Câu 5: Nhận xét về cách diễn tả tình cảm và suy nghĩ bằng hình ảnh của nhà thơ. (Gợi ý: Người miền núi thường có cách nói giàu hình ảnh, cụ thể, mộc mạc mà có tính khái quát, giàu chất thơ. Chẳng hạn, bốn dòng thơ đầu bài hay các câu thơ: “Đan lờ cài nan hoa- Vách nhà ken câu hát”; “ Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương…”.
Gợi ý trả lời:
Bài thơ cho ta thấy, cách diễn tả tình cảm và suy nghĩ bằng hình ảnh của nhà thơ vô cùng mộc mạc, cụ thể và giàu hình ảnh.
Mỗi câu từ đều có sức gợi tả, có tính khái quát cao và giàu chất thơ. Đúng như cách nói thường ngày vốn có của người miền núi. Có sao nói vậy nhưng lại rất chân tình, dễ thương, dễ mến. Ví như những câu thơ như: “Chân phải bước tới cha/ Chân trái bước tới mẹ/ Một bước chạm tiếng nói/ Hai bước tới tiếng cười”. Chỉ 4 câu thơ nhưng gợi ra cho độc giả bức tranh về một em bé đang vui vẻ và hạnh phúc chập chững bước đi trong vòng tay yêu thương của cha mẹ. Hay những câu thơ như “Đan lờ cài nan hoa- Vách nhà ken câu hát”; “ Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương…”, mở ra cho độc giả một không gian núi rừng tươi đẹp và rực rỡ sắc màu. Cùng với đó là việc cụ thể “đục đá” của người dân nhưng lại nói về tự lập, tự cường của một dân tộc.
Phần 3: Luyện tập
Câu hỏi: Đặt mình là nhân vật người con trong bài thơ, soạn một bài nói ngắn về cảm xúc, suy nghĩ của mình khi nghe lời cha nói với con?
Gợi ý trả lời:
Hôm nay, khi nghe những lời tâm sự của cha. Con cảm thấy lòng mình thật ấm áp. Con cảm nhận tình cảm yêu thương, tin tưởng của cha dành cho con. Đó là thứ tình cảm phụ tử, thiêng liêng cao quý mà không phải ai cũng có được. Con cảm ơn cha nhiều lắm!. Con biết, mình rất may mắn được sinh ra và lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ. Con luôn biết ơn và trân trọng điều đó. Và giờ đây, khi lắng nghe những lời dặn dò nhắc nhở của cha, con còn hiểu thêm rằng, bên cạnh tình cảm gia đình, con cũng cần phải trân quý tình yêu với quê hương đất nước. Bởi đất là nơi con sinh ra, và nước là nơi con lớn lên. Quê hương không chỉ cho con nguồn cội mà quê hương còn đùm bọc để con khôn lớn. Quê hương dạy con cần sống bền bỉ, sống mạnh mẽ ý chí và luôn tự tin vào chính mình để vượt qua gian khó. Bởi vậy dù người “đồng mình” còn thơ sơ da thịt, quê hương mình còn nghèo đói khó khăn thì con cũng không bao giờ đánh mất tự ti về xuất xứ bản thân, hay đánh mất những nét đẹp truyền thống của dân tộc. Con sẽ sống tử tế, sẽ sống xứng đáng với tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cũng như tình cảm mà quê hương đất nước đã cho con.