Soạn Khóc Dương Khuê Trang 31-32 Ngữ Văn 11 Tập 1
HƯỚNG DẪN ĐỌC THÊM
Câu 1(Soạn Khóc Dương Khuê): Theo anh/chị, bài thơ này có thể chia thành mấy đoạn? Nội dung mỗi đoạn là gì?
Trả lời:
Bài thơ có thể chia thành ba đoạn như sau:
– Đoạn 1 (hai câu thơ đầu): Nỗi đau đột ngột khi mất bạn.
– Đoạn 2 (từ câu 3 đến câu 22): Những kỉ niệm tươi rói về tình bạn sống lại trong hồi tưởng của nhà thơ và thể hiện tâm trạng thời cuộc của nhà thơ.
– Đoạn 3 (phần còn lại): Nỗi đau tắc nghẹn, hẫng hụt, chơi vơi khi đối diện với hiện thực phũ phàng (mất người tri âm, tri kỉ).
Câu 2: Tình bạn thắm thiết, thủy chung giữa hai người được thể hiện như thế nào? (Chú ý diễn biến tâm trạng của tác giả: Nỗi đau đớn khi nghe tin bạn qua đời, sống lại những kỉ niệm trong tình bạn, nỗi trống văng khi bạn mất)
Trả lời:
+ Khóc Dương Khuê là những tiếng thương, là tình cảm của tác giả với người bạn của mình đột ngột ra đi. Lời thơ xuất phát từ tình cảm thật của tác giả, đó là tình bạn thắm thiết, thủy chung. Tình bạn thắm thiết, thủy chung giữa hai người được tác giả diễn đạt qua sự vận động của cảm xúc thơ. Đầu tiên là nỗi đau khi hay tin bạn qua đời:
Bác Dương thôi đã thôi rồi
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta
– Ở hai câu thơ đầu, tác giả dùng nhân xưng thân thiết là bạn bè gọi nhau là “bác Dương”, Cách gọi “bác” vừa đúng mực, vừa rất thân mật. Để giảm nhẹ nỗi đau, để tự an ủi mình và thể hiện sự trân trọng đối với người bạn vong niên, nhà thơ đã dùng từ “thôi” để chỉ sự ra đi vĩnh viễn của người bạn già.
– Nhà thơ đã dùng cách nói giảm để thể hiện nỗi đau của mình. Nếu nhịp thơ thường thấy là 2/2/2 thì nay nhịp bị phá vỡ 2/1/3, đó khác nào tiếng nấc tức tưởi, tắc nghẹn không thể òa lên, không thể thành lời mà chỉ có thể nghẹn ngào.
– Đoạn thơ thứ hai vẫn trực tiếp thể hiện niềm thương tiếc người tri âm tri kỉ. Đó là hồi ức về lần gặp cuối cùng giữa hai người. Bạn đã mất đi nhưng kí ức vẫn còn đọng mãi trong lòng người ở lại vì họ là bạn tri âm tei kỉ, từng cùng nhau đỗ đạt làm quan, cùng nhau trải qua bao vui buồn. Tuổi trẻ tuổi thanh xuân trôi qua nhanh như cơn gió nhưng đến lúc về già họ vẫn nhớ đến nhau, vẫn đến thăm nhau. Nhưng cuối cùng, nhà thơ vẫn phải thức tỉnh trước hiện thực, những kỷ niệm đẹp không thể níu giữ một thể xác đã ra đi.
– Đoạn cuối diễn tả nỗi đau của tác giả khi bạn không còn nữa. Nỗi đau thể hiện ở nhiều cung bậc: lúc đột ngột, lúc ngậm ngùi, luyến tiếc, lúc lắng đọng thấm sâu chi phối tuổi già của tác giả. Hai câu kết là nỗi đau không nước mắt, nỗi đau như dồn vào lòng:
Tuổi già giọt lệ như sương
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan.
– Nỗi nhớ thương bạn và bao nỗi trống trải và buồn bã đẩy dồn, Nguyễn Khuyến thấy cuộc sống chẳng còn ý vị nếu thiếu bạn. Mà nỗi đau mất bạn tràn lý quá nẻo, nhiều cung bậc cứ thế chảy từng khúc trong tâm trạng nhà thơ, lúc đột ngột, khi ngậm ngùi kuyến tiếc, có khi lại kéo tuổi già vào nỗi lắng đọng ấy, những suy tư càng trầm ngâm hơn.
=> Nguyễn Khuyến không đối diện với quá khứ mà sống cùng nó, sống trong nó. Cái chết không thể chôn vùi được những giá trị tinh thần cao quý. Tình bạn nặng trĩu trong từng câu chữ. Cái tình không chỉ là yêu thương, quý mến…mà là “kính yêu” – cái tình cúa hai trí thức lớn. Đoạn thơ hồi tướng không ồn ào mà đằm thắm, thiết tha, sâu lắng.
Câu 3: Đây là một bài thơ có nghệ thuật tu từ đặc sắc. Hãy phân tích những biện pháp nghệ thuật tu từ thể hiện nỗi trống vắng của nhà thơ khi bạn qua đời.
Trả lời:
+ Mỗi bài thơ tạo nên dấu ấn của Nguyễn Khuyến không chỉ ở nội dung mà còn ở hình thức nghệ thuật, Khóc Dương Khuê đã thành công ở nghệ thuật tu từ đặc sắc. Đó là:
– Cách nói giảm: “Bác Dương thôi đã thôi rồi!” nhằm làm giảm đi những mất mát đau thương.
– Biện pháp nhân hóa: “Nước mây man mác”. Nhằm diễn tả sự ra đi của bạn cũng khiến đất trời thương xót.
– Cách nói so sánh: “Tuổi già giọt lệ như sương”. Câu thơ buông nhẹ mà khơi gợi, xót đau, hờn tủi.
– Các câu hỏi tu từ trong đoạn cuối bài thơ. Hàng loạt các câu thơ như: “Làm sao bác vội về ngay; Vội vàng sao đã mải lên tiên…” Để rồi lắng đọng trong những câu thơ hụt hẫng, chơi vơi.
– Cách sử dụng lối liệt kê: “có lúc, có khi, cũng có khi…” nhằm tài hiện những kỉ niệm về tình bạn thân thiết và tấm lòng của nhà thơ đối với bạn.
– Ngoài ra, tác giả còn dùng một loạt điển tích, điển cố thêm thắt các âm điệu song thất lục bát để diễn tả nỗi đau mất bạn một cách sâu sắc ở đoạn thơ cuối cùng. Toàn bộ bài thơ là nỗi lòng của tác giả khi hay tin bạn thân qua đời, tình bạn thủy chung, gắn bó ấy đáng được Nguyễn Khuyến yêu mến, ta càng thêm trân trọng về tình bạn cao đẹp này.
– Bên cạnh đó, sự trong sáng của ngôn ngữ thơ đã khiến bài thơ có một nét riêng và tuyệt đẹp: lặp 5 từ “không” trong tổng số 14 từ (không mua không hẳn không tiền không mua) diễn tả nỗi trống rỗng đến xót xa đau đớn khi mất bạn.