I – KHÁI NIỆM VĂN BẢN NHẬT DỤNG

Trong chương trình Ngữ văn THCS  chúng ta cần xác định rõ: Văn bản nhật dụng không phải là kiểu văn bản mà nó chỉ là đề cập tới chức năng, đề tài  gần gũi, bức thiết với đời sống. Đó là những vấn đề thường được nhắc đến trong báo chí hàng ngày, cũng như các phương tiện truyền thông. Văn bản nhật dụng bao gồm nhiều kiểu văn, nhiều thể loại khác nhau như: Truyện kí, thơ, văn nghị luận…

tong ket phan van ban nhat dung

II – TỔNG KẾT PHẦN VĂN BẢN NHẬT DỤNG QUA NỘI DUNG CÁC VĂN BẢN ĐÃ HỌC

2.1 Trong chương trình lớp 6 có các bài như:

–  “Cầu Long Biên- Chứng nhân lịch sử” của tác giả Thúy Lan với nội dung nói về di tích lịch sử, và hình thức thể hiện ở đây là tự sự, miêu tả và biểu cảm.

– “Động phong nha” của tác giả Trần Hoàng với nội dung nói về danh lam thắng cảnh và được thể hiện bằng hình thức thuyết minh và miêu tả.

– “Bức thư của người thủ lĩnh da đỏ” của tác giả Xi-át- tơn với nội dung nói về mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người, và được thể hiện bằng hình thức nghị luận biểu cảm.

2.2 Trong chương trình lớp 7 có các bài như:

– “Cổng trường mở ra” của tác giả Lí Lan với nội dung viết về giáo dục, và được thể hiện bằng hình thức tự sự và biểu cảm.

– “Mẹ tôi” là văn bản của tác giả Ét-môn-đô đơ A-mi-xi với nội dung nói về vai trò của người phụ nữ với hình thức thể hiện tự sự.

– “Cuộc chia tay của những con búp bê” là của tác giả Khánh Hoài với nội dung nói về mái ấm gia đình, và thể hiện bằng hình thức tự sự và miêu tả.

– “Ca Huế trên sông Hương” là của tác giả Hà Ánh Minh với nội dung nói về văn hóa được thể hiện bằng hình thức thuyết minh và miêu tả.

2.3 Trong chương trình lớp 8 có các bài như:

– “Thông tin về ngày trái đất năm 2000 của sở khoa học- công nghệ Hà Nội” với nội dung về môi trường và được thể hiện bằng hình thức nghị luận.

– “Ôn dịch, thuốc lá” của Nguyễn Khắc Viện viết về tệ nạn ma túy, thuốc lá và được viết bằng hình thức thuyết minh, nghị luận và biểu cảm.

– “Bài toán dân số” của Thái An viết về dân số và tương lai loài người và được viết dưới hình thức nghị luận.

2.4 Trong chương trình lớp 9 có các bài như:

– “Phong cách Hồ Chí Minh” của tác giả Lê Anh Trà với nội dung nói về việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và hội nhập với thế giới. Được thể hiện bằng hình thức nghị luận.

– “Đấu tranh cho một thế giới hòa bình” của tác giả G.G. Mác-két với nội dung nói về việc bảo vệ hòa bình, chống chiến tranh và được thể hiện với hình thức nghị luận và biểu cảm.

– “Tuyên bố thể giới về sự sống con, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em trong văn bản của hội nghị cao cấp thế giới về trẻ em” có nội dung nói về quyền của trẻ em và được thể hiện bằng hình thức nghị luận.

Ta thấy, những nội dung đã học ở các lớp trên đã phần nào giúp các em học sinh hòa nhập với xã hội, như yêu cầu mà chương trình đã đặt ra. Những phương thức biểu đạt của văn bản nhật dụng khá phong phú và đa dạng. Cũng giống như các tác phẩm văn chương, trong văn bản nhật dụng thường không chỉ dùng một hình thức biểu đạt mà còn kết hợp với nhiều phương thức biểu đạt khác để tăng tính thuyết phục cho người nghe. Do đó ta vẫn có thể xem một số văn bản nhật dụng có giá trị như một tác phẩm văn học.

III – TỔNG KẾT PHẦN VĂN BẢN NHẬT DỤNG QUA HÌNH THỨC VĂN BẢN

– Chúng ta có thể thấy, phương thức biểu đạt của văn bản nhật dụng rất đa dạng và phong phú. Trong nhiều văn bản còn có sự kết hợp nhều phương thức biểu đạt. Ví dụ như phương thức biểu đạt tự sự và miêu tả trong tác phẩm Cuộc chia tay những con búp bê; Phương thức thuyết minh và miêu tả trong tác phẩm Động Phong Nha, Ca Huế trên sông Hương; Tự sự, miêu tả và biểu cảm trong tác phẩm Cầu Long Biên- chứng nhân lịch sử; Hay trong tác phẩm Bức thư của thủ lĩnh da dỏ, Đấu tranh cho một thế giới hòa bình đã sử dụng phương thức nghị luận và biểu cảm… Hay một số văn bản nhật dụng mang tính chất hành chính nhưng lại sử dụng nhiều yếu tố nghị luận như Thông tin về ngày Trái Đất năm 2000…

– Như vậy, có thể khẳng định; mặc dù văn bản nhật dụng  không phải là khái niệm thể loại, nhưng các bạn vẫn có thể xem một trong số chúng mang giá trị như một tác phẩm văn học. Nhờ đó mà văn bản có sức thuyết phục hơn và các bạn có thể vận dụng, cũng như cũng cố vững hơn kỹ năng, kiến thức của môn Tập làm văn và Tiếng Việt.

IV – PHƯƠNG PHÁP HỌC VĂN BẢN NHẬT DỤNG

Để có hiệu quả trong việc tổng kết phần văn bản nhật dụng, các em cần lưu ý một số điểm sau đây:

  1. Nên đọc kĩ các chú thích liên quan đến các vấn đề được đặt ra trong văn bản. Đặc biệt là các chú thích có trong văn bản liên quan đến các sự kiện như (lịch sử, khoa học, chính trị, xã hội…).
  2. Các bạn cố gắng tạo cho mình thói quen luôn liên hệ những vấn đề của bản thân trong cuộc sống hàng ngày, từ những mối quan hệ gần gũi thân thiết như gia đình, hàng xóm, bạn bè …,từ đó liên hệ ra những gì đang được diễn ra ngoài xã hội… Ví dụ như việc học online trong thời Covid. Học trước màn hình nhiều sẽ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi. Không chỉ có bạn mà đây là hệ lụy của toàn xã hội khi có rất nhiều bạn nghiện game, trầm cảm do không được đi học, phải học trực tuyến trong thời gian quá dài.
  3. Từ đó các bạn cũng nên tập đưa ra những cách giải quyết, quan điểm của riêng mình, và trong một số trường hợp các bạn cũng cần đưa ra giải pháp kiến nghị để giải quyết vấn đề một cách phù hợp. Ví dụ để giải quyết các vấn đề tâm lý khi học online trong thời gian dài. Các bạn có thể thường xuyên tâm sự với người thân, bạn bè sau giờ học. Các bạn cũng có thể tăng cường luyện tập thể thao, tham gia các hoạt động giải trí yêu thích tại nhà… Trong quá trình học online, các bạn cố gắng tập trung vào việc học để không bị sao nhãng bởi các trang mạng, hay game.
  4. Ngoài ra các bạn có thể vận dụng những kiến thức từ các môn học khác nhau để làm sáng tỏ những vấn đề đặt ra trong văn bản nhật dụng. Vì nội dung trong văn bản nhật dụng thường rất đa dạng. Ví dụ như trong văn bản nhật dụng ở lớp 9, các bạn tìm hiểu về vấn đề quyền con người, quyền trẻ em, về hòa bình, chống chiến tranh… Đây là những vấn đề mang tính xã hội rộng, các bạn cần vận dụng không chỉ kiến thức văn học mà còn phải vận dụng thêm lịch sử,địa lý, giáo dục công dân… để làm sáng tỏ các vấn đề đưa ra.
  5. Do hình thức của văn bản nhật dụng đa dạng do đó các bạn nên căn cứ vào những đặc điểm hình thức của văn bản và phương thức biểu đạt trong lúc phân tích nội dung.

Như vậy, qua những phần đã phân tích tóm tắt ở trên các bạn thấy được tính cập nhập về nội dung là tiêu chuẩn hàng đầu của văn bản nhật dụng. Do đó khi học về văn bản nhật dụng các bạn cần phải biết liên hệ với thực tiễn.

Mặt khác, hình thức của văn bản nhật dụng rất đa dạng, do đó cần căn cứ vào đặc điểm hình thức của từng văn bản cụ thể để phân tích tác phẩm.