Khi chuẩn bị bài Đồng chí, các em cần nắm được từng mục cụ thể như bài soạn dưới đây.
I. TỔNG HỢP KIẾN THỨC BÀI THƠ
1. Kiến thức chính cần nắm
a) Tác giả
– Chính Hữu (1926 – 2007) tên khai sinh là Trần Đình Đắc. Ông quê ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
– Năm 1946, ông gia nhập trung đoàn thủ đô và hoạt động trong quân đội suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
– Ông làm thơ từ năm 1947, đối tượng của thơ ông đều là về chiến tranh và người lính. Các tác phẩm tiêu biểu: Tập thơ Đầu súng trăng treo, tập thơ Chính Hữu.
– Năm 2000, ông được trao tặng giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật.
b) Tác phẩm
* Hoàn cảnh sáng tác
– Bài thơ được sáng tác năm 1948, sau khi Chính Hữu cùng với đồng đội tham gia chiến dịch Việt Bắc (thu đông 1947) đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn của thực dân Pháp.
– Đây là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất viết về người lính trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
* Bố cục bài thơ
Bài thơ có bố cục 3 phần:
Phần 1: Từ đầu đến “Đồng chí!”. Tác giả nêu lên cơ sở của tình đồng chí, đồng đội.
Phần 2: Tiếp theo đến “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay!”. Những biểu hiện của tình đồng chí.
Phần 3: Còn lại. Biểu tượng của tinh thần đồng chí.
* Thể thơ
– Bài thơ Đồng chí được viết theo thể thơ tự do
– Tác giả sử dụng những hình ảnh gần gũi, giản dị để phác họa những người lính
– Bài thơ có ngôn ngữ cô đọng, giàu sức biểu cảm.
c) Ý nghĩa nhan đề
– Về mặt câu chữ, từ “đồng chí” là cách gọi để chỉ những người lính có cùng chung lý tưởng, chung một đơn vị chiến đấu.
– Nhan đề bài thơ đã gợi cho người đọc về tư tưởng tình cảm bao quát bài thơ là tình đồng chí, đồng đội. Đây là thứ tình cảm cốt lõi, là sợi dây kết nối, gắn bó giữa những người lính cách mạng.
– Qua nhan đề bài thơ, Chính Hữu muốn khẳng định rằng tình đồng chí, đồng đội là chỗ dựa tinh thần để người lính vượt qua những gian nan, khổ ải và chiến đấu đến cùng và chính thắng.
II – ĐỌC HIỂU VĂN BẢN
Câu 1: Dòng thứ bảy của bài thơ có gì đặc biệt? Mạch cảm xúc và suy nghĩ trong bài thơ được triển khai như thế nào trước và sau dòng thơ đó?
– Điểm đặc biệt của dòng thơ thứ bảy:
+ Dòng thơ chỉ có một từ “Đồng chí” và dấu chấm than
+ Dù dòng thơ chỉ có một từ nhưng là câu thơ quan trọng nhất của bài thơ. Câu thơ được dùng làm nhan đề bài thơ, là biểu hiện cho chủ đề, linh hồn bài thơ.
– Câu thơ có ý như cái bản lề nội hai đoạn thơ trước và sau, khép mở hai ý cơ bản của bài thơ: Cơ sở của tình đồng chí và những biểu hiện của tình đồng chí.
Câu 2: Sáu dòng đầu bài thơ đã nói về cơ sở tình đồng chí của những người lính cách mạng, cơ sở ấy là gì?
– Những cơ sở hình thành tình đồng chí của những người lính cách mạng được nói trong sáu câu thơ đầu:
+ Tình đồng chí bắt nguồn sâu xa từ sự tương đồng về xuất thân nghèo khs
+ Tình đồng chí được nảy sinh từ sự cùng chung nhiệm vụ sát cánh bên nhau trong chiến đấu chống quân thù.
+ Từ trong gian lao nguy hiểm, tình đồng chí nảy nở và càng thêm bền chặt.
Câu 3: Hãy tìm trong bài thơ những chi tiết, hình ảnh biểu hiện tình đồng chí, đồng đội làm nên sức mạnh tinh thần của những người lính cách mạng. Phân tích ý nghĩa, giá trị của những chi tiết, hình ảnh đó.
– Những biểu hiện cảm động của tình đồng chí, đồng đội làm nên sức mạnh tinh thần của những người lính cách mạng:
+ Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ
+ Áo anh rác vai/ Quần tôi có vài mảnh vá
+ Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.
– Phân tích ý nghĩa, giá trị của những chi tiết, hình ảnh đó:
Những chi tiết, hình ảnh đó vừa chân thực vừa có sức gợi cảm ở người đọc về tình đồng đội, đồng chí gắn bó keo sơn của những người bộ đội cụ hồ. Hình ảnh “Áo anh rách vai/Quần tôi có vài mảnh vá” đó là cơ sở, là nền tảng để những người lính tìm thấy sợi dây gắn kết của tình đồng đội. Rồi trải qua những gian lao vất vả, những đêm rét co ro chung một chiếc chăn, sẻ chia hơi ấm mà dần thành “đôi tri kỉ”. Vượt qua mưa bom bão đạn, những đêm lạnh giá giữa rừng hoang, những người lính càng thấu hiểu những thiếu thốn, gian lao mà càng thương nhau hơn. Và “thương nhau tay nắm lấy bàn tay”. Nắm lấy bàn tay để tiến về phía trước, để có thêm sức mạnh chiến đấu, để đến gần hơn với độc lập tự do, để được trở về quê hương yêu bình ngắm ánh trăng hòa bình.
Câu 4:
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo
Ba câu thơ cuối gợi lên những suy nghĩ gì về người lính và cuộc chiến đấu? Hãy phân tích vẻ đẹp và ý nghĩa của hình ảnh trong những câu thơ ấy.
+ Hình ảnh người lính, khẩu súng và vầng trăng gắn kết hòa quyện với nhau tạo nên chất lãng mạn giữa cảnh rừng hoang sương muối, nơi những người lính đừng chờ giặc tới. Vì vậy dẫu giữa cuộc chiến cam go, giữa khó khăn gian khổ, người lính vẫn giữ được tâm hồn lãng mạn, yêu đời.
- Vẻ đẹp và ý nghĩa của những hình ảnh thơ:
+ Hình ảnh đầu súng trăng treo giữa rừng hoang sương muối là bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ và hình ảnh những người lính đứng bên nhau đã tạo nên sự nồng ấm, giúp người lính quên đi cái lạnh, cái gian khó.
+ Rừng hoang sương muối là hình ảnh gợi sự gian khổ của đời lính
+ Và hình ảnh đầu súng trăng treo diễn tả người lính đang giữa nhiệm vụ chiến đấu và tâm hồn lãng mạn ở họ. Hình ảnh này gợi sự liên tưởng phong phú giữa hiện thực khốc liệt và sự mơ mộng, giữa chất chiến sĩ và thi sĩ.
Câu 5: Theo em, vì sao tác giả lại đặt tên cho bài thơ về tình đồng đội của những người lính là Đồng chí?
Nhà thơ đặt tên cho bài thơ về tình đồng đội của người lính là “Đồng chí” bởi đây là từ diễn tả được chính xác mối quan hệ cùng chung chí hướng, lí tưởng của những người lính. Từ “đồng đội” mới chỉ ra mối quan hệ cùng đơn vị, cùng đội ngũ mà thôi. Có thể nói “đồng chí” là một từ mới mẻ, chỉ được dùng nhiều hơn sau cách mạng. Và đồng chí chính là nói lên tình cảm mới đó, thứ tình cảm còn cao hơn cả tình “tri kỉ” – từ vốn là tình cảm đẹp của người xưa, bởi đó là tình cảm của cả một đội quân lớn mạnh: Quân đội nhân dân Việt Nam.
Câu 6: Qua bài thơ này, em có cảm nhận gì hình ảnh anh bộ đội thời kháng chiến chống Pháp?
– Qua bài thơ “Đồng chí” có thể thấy, hình ảnh anh bộ đội thời kháng chiến chống Phép hiện lên thật bình dị, lãng mạn, họ cũng mang vẻ đẹp cao cả của tinh thần trách nhiệm, tinh thần chiến đấu vì hòa bình của đất nước, chiến đấu để bảo vệ ánh trăng đẹp đẽ treo đầu ngọn súng.
– Những người lính đều xuất thân từ nông dân. Họ sẵn sàng bỏ lại những gì quý giá thân thiết ở làng quê để ra đi, giành lại độc lập cho dân tộc.
– Và qua những hình ảnh thơ có thể thấy, những người lính cách mạng đã phải trải qua biết bao gian khó, bao vất vả thiếu thốn không kể xiết để kiên cường chiến đấu.
– Ở họ ta thấy sáng ngời tinh thần đồng đội, ý chí quyết tâm đánh giặc và một tâm hồn làng mãn của những chàng trai trẻ.
II. LUYỆN TẬP
1. Học thuộc lòng bài thơ
2. Viết một đoạn văn trình bày cảm nhận của em về đoạn cuối bài thơ “Đồng chí” (Đêm nay… trăng treo).
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo
Ba câu thơ cuối bài thơ “Đồng chí” dựng lên một khung cảnh mang vẻ đẹp hiện thực và cũng đậm chất lãng mạn. Hiện thực ở đây là cảnh rừng hoang vu, rét mướt bởi sương muối, là cảnh người lính đang canh giữ chờ giặc và là hình ảnh khẩu súng vẫn luôn nằm trong bàn tay cứng cỏi của anh bộ đội cụ Hồ. Chất lãng mạn được tạo nên bởi tình thân đồng đội nồng ấm, đứng bên nhau giữa không gian lạnh giá và mảnh trăng đang thơ thẩn đi chơi, dường như đang dừng lại ngắm nhìn người lính, đậu lại trên đàu ngọn súng của người lính. Một hình ảnh mới đẹp, mới thơ mộng và mới tinh thế làm sao. Cây súng là biểu hiện của chiến tranh, còn ánh trăng sáng êm đềm kia là biểu tượng của hòa bình, của một tương lai tươi đẹp đang chờ phía trước, tương lai mà đất nước sạch bóng quân thù, tương lai mà người lính được trở về quê hương, yên bình bên cạnh người thân.
Có thể nói, ba câu thơ cuối đã bao hàm cả hiện thực lẫn ý quyết tâm và ước vọng hòa bình trong thâm tâm người lính, trong thâm tâm tác giả. Hình ảnh “đầu súng trăng treo” là một kết thúc đẹp đẽ cho cả tác phẩm của Chính Hữu.