Bài soạn Soạn Viết bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện trang 100 được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 6 Cánh diều và đầy đủ ý nhất giúp các em học sinh nắm được những ý chính lập được dàn bài cần có để có thể viết được một bài văn thuyết minh dễ dàng hơn.
Phần 1. Định hướng
1. Thuyết minh là phương thức giới thiệu những tri thức khách quan, xác thực và hữu ích về đặc điểm, tính chất, nguyên nhân…các hiện tượng, sự vật trong tự nhiên, xã hội.
2. Muốn viết bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện, các em cần:
– Xác định sự kiện cần thuật lại.
– Tìm thông tin về sự kiện ở nhiều nguồn khác nhau (sách, báo, mạng internet…)
– Lựa chọn trật tự sắp xếp các thông tin sự kiện.
– Sử dụng chữ viết kèm theo hình ảnh để thuật lại thông tin sự kiện.
– Trình bày theo truyền thống hoặc đồ họa thông tin, viết tay hoặc thiết kế trên máy tính.
Phần 2: Thực hành
Đề bài: Ở địa phương hoặc ở trường em, mọi người thường nhắc đến sự kiện lớn nào đã diễn ra? Hãy chọn một sự kiện mà em và nhiều người quan tâm để thuật lại sự kiện đó. Trình bày bài viết theo các truyền thống hoặc đồ họa thông tin.
a) Chuẩn bị:
– Chọn sự kiện để thuật lại: Đó là sự kiện Sạt lở Thủy điện Rào Trăng 3
– Thu thập thông tin về sự kiện từ nguồn các nguồn khác nhau.
– Dự kiến cách trình bày
– Dự kiến bố cục của bài.
+ Nguyên nhân của sự kiện.
+ Diễn biến và các dấu mốc quan trọng.
+ Công tác cứu hộ và khắc phục.
+ Hậu quả và bài học của sự kiện.
b) Tìm ý và lập dàn ý
– Tìm ý:
+ Tên sự kiện: Sạt ở tại Thủy điện Rào Trăng 3
+ Sự việc:
- Mở đầu: Nguyên nhân, Thời gian, địa điểm xảy ra sự kiện.
- Diễn biến: Các mốc sự kiện.
- Kết thúc: Kết quả cứu nạn, hậu quả của vụ sạt lở, cách khắc phục, và bài học kinh nghiệm.
– Lập dàn ý: Viết truyền thống
+ Sapo: Giới thiệu tóm tắt về sự kiện
+ Mở bài: Nêu tên sự kiện, thời gian xảy ra sự kiện.
+ Thân bài: Nêu các sự việc cụ thể và sắp xếp các sự việc ấy theo trình tự thời gian, các hình ảnh có liên quan nhằm cung cấp thêm thông tin về sự kiện.
+ Kết bài: Kết quả cứu nạn, hậu quả của vụ sạt lở, cách khắc phục, và bài học kinh nghiệm.
c, Viết
Trả lời: Trình bày bài viết theo các truyền thống
+ Sapo: Giới thiệu tóm tắt về sự kiện
Theo báo cáo của Bộ tư lệnh Quân khu 4, vụ sạt lở xảy ra vùi lấp một trạm bảo vệ rừng khiến nhiều người bị mắc kẹt và mất tích.
+ Mở bài: Nêu tên sự kiện, thời gian xảy ra sự kiện.
Ngày 12/10, một vụ sạt lở nghiêm trọng đã xảy ra tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 thuộc xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế.
+ Thân bài: Nêu các sự việc cụ thể và sắp xếp các sự việc ấy theo trình tự thời gian, các hình ảnh có liên quan nhằm cung cấp thêm thông tin vê sự kiện.
Sau khi nhận được thông tin, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tổ chức đi kiểm tra, khảo sát để xác minh, kiểm tra thông tin và có phương án cứu hộ cứu nạn kịp thời. Ngay trong chiều 12/10, đoàn cứu hộ với 21 thành viên tiến vào hiện trường.
Tối cùng ngày, đoàn cứu hộ nghỉ tại Trạm Kiểm lâm thuộc tiểu khu 67.
Tuy nhiên, đến 0h ngày 13/10, tại tiểu khu 67 nơi đoàn dừng chân đã tiếp tục xảy ra sạt lở. Đoàn công tác gồm 21 người nhưng chỉ 8 người thoát nạn, 13 người mất tích, chưa liên lạc được.
Ngày 13/10, nhiều công nhân từ thủy điện Rào Trăng 3 đã di chuyển an toàn sang thủy điện Rào Trăng 4 để chờ được cứu hộ. Tổ trinh sát của công an tỉnh Thừa Thiên – Huế đã sử dụng xuồng cao tốc di chuyển trên lòng hồ thủy điện Hương Điền và đã tiếp cận được với Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 4, tiếp ứng lương thực thực phẩm và đưa 5 người bị thương đi cấp cứu.
Sáng 14/10, trực thăng được điều động tham gia công tác cứu hộ. Số người tham gia cứu hộ cũng tăng lên 600 người. UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế xác nhận còn 30 người mất tích, chưa liên lạc được trong đó có 17 công nhân tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 và còn 13 người trong đoàn đi cứu nạn. Trước đó, lãnh đạo Công ty Thủy điện Rào Trăng 3 xác nhận 3 công nhân tử vong.
Đến trưa qua (14/10), lực lượng cứu hộ đã mở đường đến vị trí 13 người trong đoàn cứu hộ bị vùi lấp, lực lượng cứu hộ khẩn trương tìm kiếm những người bị nạn.
Chiều 14/10, lực lượng cứu hộ tiếp cận tới thủy điện Rào Trăng 4 để sơ tán 19 người bị mắc kẹt tại đây. Lực lượng chức năng cũng đã tìm thấy 1 thi thể được nhận định là công nhân của Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3. Công tác cứu hộ cứu nạn các nạn nhân của vụ sạt lở đất ở thủy điện Rào Trăng 3 vẫn đang được khẩn trương triển khai.
Ngày 15/10, lực lượng cứu hộ tiếp tục tiếp cận nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 để sơ tán những người còn bị mắc kẹt ở đây cũng như tìm kiếm 13 cán bộ, chiến sĩ mất tích.
Đến thời điểm này, lực lượng tìm kiếm cứu nạn ở Sở chỉ huy tiền phương Quân khu 4 đã tìm thấy những thi thể đầu tiên trong Đoàn cán bộ công tác gặp nạn hôm 12/10.
+ Kết bài: Kết quả cứu nạn, hậu quả của vụ sạt lở, cách khắc phục, và bài học kinh nghiệm.
Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm đã đưa được 24 người và 2 thi thể ra khỏi khu vực nguy hiểm tại Thủy điện Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4, vẫn còn rất nhiều người chết và mất tích chưa được tìm thấy.
Do mưa lũ, sạt lở chia cắt hệ thống điện và giao thông khiến công tác tiếp cận vô cùng khó khăn. Từ vụ sạt lở nghiêm trọng tại Thủy điện Rào Trăng chúng ta thấy được hậu quả nghiêm trọng của việc thay đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu, từ đó không được chủ quan mỗi khi mưa lũ, những kế hoạch xây dựng và tác động của con người lên môi trường cần được xem xét cẩn trọng. Từ đó thêm trân trọng, nâng cao tinh thần bảo vệ môi trường, bởi bảo vệ môi trường là bảo vệ nguồn sống của chính chúng ta.
d, Kiểm tra và chỉnh sửa
Các em đọc và kiểm tra lại thông cho chính xác.