Phân tích Chiều tối chi tiết
Khoảnh khắc cuối ngày luôn là thời gian khiến con người có những rung động, cảm xúc mãnh liệt nhất. Trong thời gian lao tù tại Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng tác bài thơ “Chiều tối” để thể hiện nỗi niềm riêng của bản thân. Thông qua việc phân tích Chiều tối, ta sẽ thấy được phong cách thi ca độc đáo cùng niềm yêu nước, thương dân vô bờ bến của vị cha già dân tộc ấy
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà chính trị lỗi lạc, mà còn là một danh nhân văn hóa lớn của dân tộc và nhân loại. Trong suốt cuộc đời của mình – cũng là cuộc đời Cách mạng – Người đã sử dụng văn chương như một mặt trận văn hóa, tư tưởng lớn. Thơ Bác thường có hai xu hướng khác nhau, một là vô cùng dân dã, dễ nghe, dễ hiểu; hai là đậm chất cổ điển, bác học, giàu ẩn ý. Trong mỗi lời thơ, Người đều thể hiện tình yêu nước, thương dân và khát khao hòa bình, độc lập cho dân tộc Việt Nam.
Bài thơ “Mộ” (Chiều tối) là tác phẩm có giá trị nội dung và nghệ thuật độc đáo của Hồ Chủ tịch. Phân tích Chiều tối cho thấy Tác phẩm có một nét khác lạ, đó là được viết trong hoàn cảnh Người bị giải đi trên đường, với gông cùm xiềng xích. Thế nhưng toàn bộ lời thơ lại không có một chút thở than, kể lể xót xa nào mà trái lại, đó là một nét hoan ca về cuộc sống, về con người. Thông qua đó, tác phẩm khắc học được một tâm hồn hết sức đẹp đẽ, nhân cách lớn lao, cao đẹp, luôn vượt lên khỏi nghịch cảnh của Hồ Chí Minh.
- Luận điểm 1: Hai câu thơ đầu
Toàn bộ bài thơ Chiều tối chỉ gồm bốn câu thơ súc tích, ngắn gọn. Mở đầu là hai lời thơ tả cảnh độc đáo:
“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không”
Chỉ với lời thơ ngắn, tác giả đã vẽ nên một bức tranh nên thơ, yên bình của cuộc sống lúc chiều tà. Khi đó, chim bay về rừng tìm chốn trú ngụ, đám mây trôi lững lờ trên bầu trời chiều. Đây là nghệ thuật chấm phá, tả cảnh ngụ tình thường thấy trong những bài thơ cổ. Ta có thể thấy bút pháp ấy gần gũi, mang tính cổ điển, đậm chất Đường thi. Thế nhưng khi phân tích ra, ta lại thấy được một điều rõ ràng rằng, đó không phải chỉ là cảnh tượng trưng mà là cảnh thật, người thật. Con người đang tận mắt ngắm nhìn cái không gian thi vị, lãng mạn ấy khi bản thân còn phải chịu cảnh tù đày. Vì thế, bức tranh phong cảnh ấy tuy đẹp và nên thơ nhưng vẫn có phảng phất đâu đây một nỗi buồn man mác.
Ở đây, tác giả đã sử dụng từ “quyện” mang nghĩa mệt mỏi, chán nản và từ “tầm” là tìm kiếm. Cánh chim mỏi sau một ngày dài rong ruổi, trong cái giờ khắc của ngày tàn cũng đã phải trở về rừng để tìm kiếm chỗ trú ngụ cho mình. Sau đó, Người miêu tả đám mây “cô” lẻ loi, đơn độc trên bầu trời “mạn mạn độ thiên không” mênh mông, dài rộng. Bầu trời kia ngàn năm vẫn vậy, vẫn vô cùng dài rộng, lớn lao. Thế nhưng sự xuất hiện của đám mây nhỏ bé, đơn độc lại như khiến bầu trời ấy thêm vô tận hơn.
Phân tích Chiều tối chỉ với hai câu thơ, tác giả đã làm nổi bật nỗi buồn của thiên nhiên, cảnh vật. Người bình thường nếu như đối diện với không gian ấy, không ít nhiều cũng sẽ động lòng. Ở đây, Bác đang phải sống trong cảnh tù đày nơi đất khách quê người, chắc chắn nỗi buồn và sự đơn độc ấy lại càng nhân lên. Miêu tả cánh chim mỏi, đám mây cô đơn không chỉ đơn thuần là tả cảnh mà còn là ẩn ý cho nỗi niềm của bản thân. Cánh chim kia dù nhỏ bé nhưng vẫn là cánh chim tự do, thỏa thuê vẫy vùng. Sau hành trình dài mỏi mệt, nó vẫn có thể quay về rừng, trở về với gia đình, với nơi chốn vốn dĩ thuộc về. Đám mây tuy đơn độc, nhưng ít ra vẫn còn được sống trên bầu trời của riêng chúng, tự do tự tại trôi mà không chịu sự ràng buộc nào. Còn ở đây, tác giả lại phải chịu cảnh tù đày, tha hương, không biết cái chết ập đến lúc nào. Vì thế, lời thơ cũng chính là nỗi buồn vương của tác giả, là nỗi niềm khát khao tự do, hòa bình của vị lãnh tụ ấy. Lời thơ khiến ta bất giác nhớ đến Bà Huyện Thanh Quan thuở trước, cũng trong một buổi chiều tà mà nhớ quê hương:
“Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn,
Tiếng ốc xa đưa vẳng trống dồn
Gác mái ngư ông về viễn phố
Gõ sừng mục tử lại cô thôn
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn
Kẻ chốn Chương Đài người lữ thứ,
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn”
(Cảnh chiều hôm)
Ở bài thơ trên, dù cho cảnh chiều không hề vắng lặng, thế nhưng lòng người vẫn buồn một nỗi buồn bải hoải. Còn ở đây, con người cô đơn tột cùng, mượn cảnh thiên nhiên để nói hộ tiếng lòng đầy trăn trở của mình. Cánh chim khi ánh dương vừa tắt đã tất bật trở về, còn con người chịu tù ngục, chân yếu, mắt mờ, vẫn phải đang lê bước chân trên con đường dài, gập ghềnh, khúc khuỷu, không biết chốn dừng. Người không hề than vãn nửa lời, thế nhưng nỗi buồn, niềm khắc khoải khôn nguôi lại cứ văng vẳng xung quanh, khiến con người thêm phần đau đớn.
- Luận điểm 2: Hai câu thơ cuối
Sau những lời thơ tả cảnh ngụ tình, đến đây, tác giả đã miêu tả không gian có sự sống của con người, với sự vận động:
“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng”
Lời thơ bây giờ đã khiến cho hình tượng thơ chuyển từ sự vắng lặng, mênh mông, thiếu ánh sáng đến không gian về đêm. Giờ đây, bóng đêm đã tràn ngập khắp chốn, con người thêm mỏi mệt, tù túng. Tác giả đã cảm nhận được từng bước đi của thời gian, cảm nhận thấy được ánh sáng và bóng tối thay đổi của không gian, cảnh vật. Đó là cánh chim đơn lẻ, sau một ngày mỏi mệt đang bay về chốn cũ. Đặc biệt, đó là ánh sáng rực hồng của lò than nơi xóm núi. Đây cũng là lối chấm phá, lấy ánh sáng tả bóng tối được tác giả sử dụng vô cùng tinh tế, tài tình.
Thế nhưng, hình tượng thơ không chỉ được chuyển hướng chỉ có vậy. Nếu như cảnh ở trên mang nét buồn của sự hoang vắng, lẻ loi; thì đến đây lại có nhiều đổi khác. Cho dù là đêm tối nhưng cảnh vật lại có sự ấm áp, giàu sức sống. Đôi mắt của người nghệ sĩ ở cảnh trước khi phóng nhìn ra xa và lên cao, càng nhìn lại càng mất hút và trống trải. Cho đến khi đôi mắt ấy nhìn gần thì đã bắt gặp một hình ảnh không ngờ đến:
“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc”
Qua con mắt của người nghệ sĩ, vóc dáng người thôn nữ cùng với công việc lao động dường như là thường ngày ấy đã xua đi sự cô quạnh của chính mình giữa miền sơn cước. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người luôn đẹp nhất khi lao động, cống hiến. Chỉ một con người nhỏ bé thôi, phải tinh tế và yêu thương lắm mới có thể cảm nhận được rõ ràng đến vậy. Và thông qua hình ảnh ấy, tác giả như cũng thể hiện khao khát tự do, được sống, làm việc như bản thân mình mong muốn. Để rồi khi công việc đã xong, ánh sáng lại tràn ngập khắp mọi nẻo:
“Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng”
Giữa đêm tối mịt mùng, vô định ấy, ánh sáng lẻ loi của bếp than dường như có sức lan tỏa mạnh mẽ. Nó đã sưởi ấm lòng người lẻ loi, truyền thêm cho con người một sức mạnh để bước tiếp, để không từ bỏ. Với kết cấu nối thơ “ma bao túc – bao túc ma hoàn”, tác giả muốn diễn tả sự lặp lại của sự vật, ngô xay xong, lửa cũng lên. Cái ấm cúng của gia đình, quê hương ấy khiến trái tim người nghệ sĩ như được an ủi. Điều này cũng thể hiện lòng yêu thương con người, khao khát được trở về quê hương của người chiến sĩ Cách mạng.
Kết bài phân tích Chiều tối
Thông qua những hình ảnh thơ mang tính biểu tượng cùng nghệ thuật độc đáo, “Chiều tối” đã khắc họa được không gian thiên nhiên buổi chiều tà lãng mạn, man mác nỗi buồn. Đồng thời, phân tích Chiều tối cũng đã thể hiện được tình yêu thiên nhiên, con người cùng khát vọng tự do, hòa bình luôn đau đáu trong lòng nhà thơ Hồ Chí Minh.
>> Xem thêm: Phân tích bài Mộ của Hồ Chí Minh xuất sắc đạt học sinh giỏi