Mở bài
Hai đứa trẻ là tác phẩm được sáng tác và xuất bản vào năm 1938 trong tập Nắng trong vườn. Tác phẩm tái hiện một cách chân thực cuộc sống của người dân nơi phố huyện nghèo, tập trung chủ yếu vào khoảnh khắc thời gian từ chiều tàn tới tận đêm khuya. Dưới ngòi bút sắc sảo tinh tế của Thạch Lam, cuộc con và con người nơi đây hiện lên vẻ đẹp đầy dung dị và bình yên. Phân tích truyện ngắn Hai đứa trẻ để cảm nhận sâu sắc hơn về điều này.
Thân bài
- Luận điểm 1: Cảnh chiều bình yên đượm buồn nơi phố huyện nghèo
Mở đầu của Hai đứa trẻ là khung cảnh thiên nhiên của phố hiện, một khung cảnh bình yên nhưng không kém phần nên thơ có tiếng ếch nhái râm ran ngoài đồng, tiếng muỗi vo ve, tiếng trống thu không vang lên văng vẳng. Những âm thanh này không những không làm cho không gian vui tươi hơn mà càng khắc sâu thêm sự ẩm đảm, tĩnh mịch.
Hoàng hôn đã dần tắt, nhuộm lên cả không gian một gam màu đỏ như lửa cháy “Phương tây đỏ rực như cháy và những đám mây hồng như hòn than sắp tàn”. Sự buồn bã bao trùm lên cả một không gian rộng lớn, áng mây như những hòn than sắp tàn lửa, mặt trời thì sắp lặn nhường chỗ cho màn đêm u tối.
- Luận điểm 2: Hình ảnh cuộc sống người dân nghèo nơi phố huyện
Đi cùng với sự mịt mời của không gian, cuộc sống của con người cũng không thể hiện lên một cách sáng sủa. Những tiếng ồn ào ở chợ đã mất dần, chợ tàn từ lâu trả lại sự yên bình đúng nghĩa cho không gian. Trên nền đất chỉ còn những rác rưởi và những thứ mà người ta bỏ lại: lá nhãn, vỏ quả thị, vỏ bưởi,…
Hình ảnh trẻ con nhà nghèo nhặt nhạnh, tìm kiếm những thứ sử dụng được còn sót lại trên mặt đất. Phân tích truyện ngắn Hai đứa trẻ, ta hiểu được rằng, cuộc sống nơi đây vừa buồn vừa nghèo một cách xơ xác. Những điều đó khiến ta không khỏi thương xót, đồng cảm cho những người dân lao động nghèo đang sống lay lắt, mòn mỏi nơi đây.
- Luận điểm 3: Liên và An, hai đứa trẻ nhỏ bé sống ở phố huyện
An và Liên là hai chị em một nhà, Liên, người chị cả với tâm hồn nhạy cảm và tinh tế của tuổi mới lớn. Cô luôn quan sát những chuyển biến của thiên nhiên lúc hoàng hôn bao trùm phố huyện. Liên cảm nhận được mùi vị của chính quê hương mình trong chợ, đó là: “một mùi ẩm mốc bốc lên trộn lẫn với mùi cát bụi quen thuộc quá…”. Mùi này đã thấm vào máu, vào tâm hồn không chỉ của riêng em mà của tất cả những người dân gắn bó sâu nặng với nơi đây.
Khi phân tích truyện ngắn Hai đứa trẻ, ta nhận ra cho dù màn đêm đã buông xuống thì cuộc sống nơi phố huyện vẫn phải tiếp diễn như một quy luật của thời gian. Liên vội vàng dọn dẹp “thắp đèn, xếp những quả sơn đen lại” và nhẩm tính về những thứ đã bán được hôm nay. Tiếp sau đó Thạch Lam đã thêm vào hình ảnh chị Tí, bác Siêu với gánh phở nặng, bác Xẩm, cụ Thi xuất hiện như một điều gì đó đã được báo trước, lặp lại từ ngày này qua ngày khác.
Chị Tí thì tranh thủ dọn hàng nước để đón khách, gánh phở của bác Siêu thì khá vắng khách vì không phải ai cũng dám ăn phở đắt tiền, “tiếng đàn bầu bần bật trong yên lặng” của bác Xẩm, tất cả đều ế ẩm, không có thu nhập lớn. Có lẽ cụ Thi là hình ảnh gây được ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc bởi cụ bị điên, luôn tìm đến men say để quên đi thực tại, quên đi những nỗi đau bên trong cụ, để cho qua ngày tháng nhàm chán, tẻ nhạt. Qua chừng ấy nhân vật thôi, ta cũng thấy được rằng cuộc sống của người dân nơi đây mòn mỏi và họ phải gượng gạo để sống qua ngày, tìm kiếm lối thoát cho chính mình như thế nào.
Tuy chán nản với thực tại nhưng ai trong họ cũng mang bên mình những ước mơ “Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì đó tươi sáng hơn…” Và ước mơ thì chẳng bao giờ thành hiện thực, vu vơ, chập chờn, chẳng bao giờ có hồi kết. Nhưng, Thạch Lam vẫn vô cùng trân trọng những ước mơ đó.
Trong cảnh đêm u tối, Thạch Lam vẫn tìm được những thứ đẹp đẽ, lãng mạn thông qua cảm nhận tinh tế của bé Liên. Đó là bầu trời đêm ngàn sao đang tỏa sáng lấp lánh, dải ngân hà trên cao với thần nông và đàn vịt. “Qua kẽ lá của cành bàng, ngàn sao vẫn lấp lánh; một con đom đóm bám vào dưới mặt lá, vùng sáng nhỏ xanh nhấp nháy rồi hoa bàng rụng xuống vai Liên khe khẽ…” Chừng đó thôi cũng đủ thấy, bé Liên có tâm hồn tinh tế nhạy cảm như thế nào, trong khi “đường phố và các ngõ con dần dần chứa đầy bóng tối” em vẫn tìm ra được những điểm sáng của thiên nhiên, kể cả tiếng rơi thật khẽ của hoa bàng. Thông qua hình ảnh ánh sáng, Thạch Lam muốn nói đến mơ ước về một cuộc sống tốt đẹp của hai chị em Liên và An, khao khát đổi đời, thoát khỏi cuộc sống bế tắc. Nhưng nguồn sáng ấy lại không lớn, không chói lòa, không đủ để che đi màn đêm u tối, nhỏ bé, mong manh và yếu ớt với: khe sáng, hột sáng, quầng sáng,..
- Luận điểm 4: Ý nghĩa của hình ảnh đoàn tàu
Có lẽ, trong phân tích truyện ngắn Hai đứa trẻ, khoảnh khắc đoàn tàu chạy ngang qua phố huyện, vụt sáng trong màn đêm là khoảnh khắc đẹp nhất, ấn tượng nhất. Giống như một quy luật, sẽ không có ai về nhà, không có ai đi ngủ khi mà đoàn tàu chứa đi qua. Những người dân nghèo nơi đây ai cũng cố thức để chờ đoàn tàu. Không phải vì cố gắng bán thêm được hàng cho khách, vì thực sự cũng không có ai mua mà là chờ để thấy chút ánh sáng của hy vọng, niềm tin và sự sống.
Vì thế cho dù đã đi ngủ từ trước nhưng cậu bé An vẫn dặn dò chị mình thức dậy để đón đoàn tàu chạy qua. Giống như mọi người, An cũng có khao khát đổi đời mặc dù còn rất nhỏ. Khi đoàn tàu xuất hiện, tiếng reo hò xang lên
“đèn ghi đã ra kia rồi”, tiếng còi tàu kéo dài, làn khói bốc lên từ phía xa xa. Đoàn tàu đến mang theo biết bao âm thanh chân thực “tiếng xe rít mạnh vào ghi” , “tiếng hành khách ồn ào khe khẽ”, “tiếng còi rít lên”. Một khung cảnh ồn ào, huyên náo, đông vui khiến chúng ta thoáng chốc quên đi sự buồn bã, tỉnh lạng của phố huyện.
Hình ảnh đoàn Tàu được Thạch Lam miêu tả vô cùng chân thức thông qua ngòi bút sắc bén. Trên “các toa đèn sáng trưng, chiếu ánh cả xuống đường”, “đồng và kền lấp lánh” gắn liền với sự giàu có, cuộc sống sang trọng, dư dả. Khi đoàn tàu đi qua, tất cả mọi người vẫn có nhìn theo ánh đèn đang dần biến mất vào màn đêm. Không gian trở về với đêm tối, với những vầng sáng nhỏ bé, leo lắt trong từng căn nhà. Đoàn tàu chính là biểu tượng của thế giới hạnh phúc, một thế giới không chỉ Liên và An mà tất cả mọi người dân nghèo nơi đây hướng đến.
Kết bài
Với cốt truyện không quá phức tạp thậm chí có thể nói là không có cốt truyện. Hai đứa trẻ của Thạch Lam vẫn rất giàu chất trữ tình, tái hiện lại một cách cảm động và chân thực nhất cuộc sống nơi phố huyện nghèo. Phân tích truyện ngắn hai đứa trẻ, ta thấy sự so sánh tương phản giữa bóng tối và ánh sáng để làm nổi bật lên những mơ ước, khát vọng đẹp đẽ của con người.
Những nhân vật như Liên hay An được xây dựng hết sức thành công cho thấy một làn gió mới trong văn thơ Việt Nam thời bấy giờ. Qua đó, tác giả thế hiện niềm xót thương sâu sắc đến cuộc sống túng quẫn, nghèo nàn của phố huyện, cũng không quên trân trọng và nâng niu tất thảy những ước mơ nhỏ bé, đẹp đẽ của con người nơi đây.